6084.Đại dịch Corona – Phép thử lòng dân


Đại dịch Corona – Phép thử lòng dân
PNTB
Có nhiều người nhận ra trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đã bộc lộ nhiều ‘phép thử’. Nhưng tôi tâm đắc nhất là PHÉP THỬ LÒNG DÂN. Phải thừa nhận, Ý THỨC CÔNG DÂN của đại đa số là tốt, có trách nhiệm xã hội. Ngoại trừ số rất ít bộc lộ “mặt trái”, trong đó có cả quan to, chức lớn, ăn chơi tiền tỷ, thiếu ý thức cộng đồng, bất tuân phòng dịch khiến hàng trăm người phải cách ly…bị nhân dân oán ghét, lên án mạnh mẽ trên mạng xã hội (MXH).
Ý THỨC CÔNG DÂN phản ánh kết quả QUẢN TRỊ QUỐC GIA, rất đáng được nêu lên như một BÀI HỌC LỚN vốn lâu nay vẫn nói thì nhiều, nhưng thực ra ít vào cuộc sống. Đó là mối quan hệ giữa Lãnh đạo và Nhân dân dựa trên nhân tố LÒNG DÂN.

Lòng dân thúc đẩy sự vào cuộc thật thà của mọi người, đi từ trái tim dẫn đến hành động tự giác, thành phong trào, thành sức mạnh khối đoàn kết toàn dân, có thể vượt qua mọi thử thách. Lần này, trong chống dịch Covid-19, Chính quyền ĐƯỢC LÒNG DÂN rõ nét. Đơn giản vì LÒNG DÂN chỉ thực sự được thiết lập khi Cơ quan công quyền hành động THỰC TÂM VÌ LỢI ÍCH CỦA DÂN.
Trong chống dịch, mọi người nhận thấy KHÔNG CÓ DẤU HIỆU CỦA “LỢI ÍCH NHÓM” hoặc một “tư tưởng chính trị” nào đó chi phối. Thực ra tư tưởng chính trị chân chính không bao giờ viển vông, xa rời lợi ích thiết thực của Dân. Khi thực lòng vì lợi ích của Dân thì trong mọi động thái, Chính quyền luôn trung thực, CÔNG KHAI, MINH BẠCH. Trong cuộc chiến Corona này, Việt Nam đã “minh bạch thông tin”, “biết lắng nghe hơn”, như một tờ báo “lề trái” (xin không nêu tên) vẫn thường xuyên phản biện, đã phải thừa nhận. Những người được phân công “bảo vệ tư tưởng chính thống” thường có thói quen hễ ai phản biện hoặc có ý kiến trái chiều là tùy tiện chụp mũ “phản động”…, không thèm lắng nghe, bất chấp lý lẽ… Nhưng chuyện chống dịch hôm nay rõ ràng khác hẳn, bởi chính quyền ĐƯỢC LÒNG DÂN… Khi đã được lòng dân thì người lãnh đạo và nhân dân cùng đi một hướng, tạo ra sức mạnh vô địch, chẳng có “phản động” nào làm gì được. Hữu xạ tự nhiên hương. Xin nhắc lại, cốt lõi của việc ĐƯỢC LÒNG DÂN trước hết là CÔNG KHAI, MINH BẠCH.


Công khai minh bạch chính là cơ sở của nền dân chủ chân chính. Công khai minh bạch cả ưu điểm và khuyết điểm, cả tốt và chưa tốt. Còn một khi “tốt khoe, xấu che” đương nhiên là GIẢ DỐI. “Văn hóa giả dối” ở nước ta từ lâu đã rung lên những hồi chuông cảnh báo đến tận Nghị trường Quốc hội. Các đại biểu nêu ra, dù chỉ một phần sự thật nhưng khá cụ thể: “Hàng hóa giả, thuốc chữa bệnh giả, tri thức giả, bằng giả, đạo đức giả…” tràn lan, nhức nhối. Chính tham nhũng sống được là nhờ môi trường “giả dối”, giả dối nuôi dưỡng tham nhũng. Giả dối cũng sinh ra quá nhiều cán bộ yếu kém. Ở đâu có giả dối thì ở đấy có thủ đoạn che đậy. Người dân biết hết. Tuy nhiên, sớm muộn gì thì giả dối cũng bại lộ và dẫn đến SỤP ĐỔ NIỀM TIN CỦA NHÂN DÂN. Nhất là trong thời đại internet, giả dối khó mà bưng bít, khó mà có đất sống, sống được chỉ là tạm thời.


Sự công khai minh bạch của Việt Nam trong cuộc chống Covid 19 khác hẳn chính quyền Bắc Kinh khi nạn dịch mới phát ra từ Vũ Hán. Chính quyền Bắc Kinh đã giấu giếm nhân dân Trung Quốc và cả thế giới. Họ vẫn tưởng lấy bàn tay che được cả mặt trời như thói quen lâu nay, dẫn đến “ngọn lửa” Vũ Hán lan nhanh ra toàn cầu, gây thảm họa cho nhân loại. Truyền thông thế giới đã có nhiều bình luận, phê phán mà không phải không có căn cứ. Đó là chưa kể đến những rò rỉ về “thuyết âm mưu” với mục đích “chính trị” độc tài, tham vọng bá quyền thế giới. Chỉ riêng số người chết ở Vũ Hán do đại dịch, đến nay hầu như đã lộ ra một số lượng khủng khiếp, người chết dịch nhiều gấp vài chục lần số lượng do chính quyền Bắc Kinh công bố…
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở Việt Nam, chính vì được lòng dân, ta nhận thấy đông đảo người dân trong cả nước tâm phục, khẩu phục và đồng lòng vào cuộc cùng những người Lãnh đạo. Mỗi chỉ lệnh của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch…đều được nhân dân ngay lập tức hưởng ứng tích cực. Họ truyền cho nhau trong gia đình và bè bạn, người thân qua điện thoại hay MXH… Có thể nói, chưa bao giờ MXH có sự đồng điệu với đa số báo chí chính thống như trong cuộc này. Nó như cánh tay nối dài, tạo thêm sự lan tỏa và sức sống mạnh mẽ cho báo chí nhà nước. Tất cả đã ngay lập tức hiện thực hóa các chỉ đạo của Chính quyền Trung ương và các địa phương…Trong lúc viết bài này, tôi được một bạn gửi vào tin nhắn phây buc ca khúc đặt lời chống cô vít rất nghiêm túc theo bản nhạc “Quảng Bình quê ta ơi” của cố nhạc sĩ Hoàng Vân. Trong đó có những câu: “Nếu ai hỏi vì sao Việt Nam chúng tôi đoàn kết thế? Rằng có đắng cay nên chừ mới có đồng lòng….Việt Nam quê hương ta, giữ lấy sức khỏe của nhân dân ta, giữ lấy những người mà ta yêu quý…”, với giọng ca ngọt ngào, khiến người nghe xúc động. ‘Phép thử’ cũng như cái kính chiếu yêu để công chúng nhận diện những cán bộ ở những vị trí khác nhau từ Trung ương đến địa phương, ai đã thực lòng trân quý, thương yêu đồng bào của mình, ai đạo đức giả… khi đứng trước đại dịch đe dọa sức khỏe, tính mạng người dân và kinh tế đất nước… Thực ra, việc chống dịch ở Việt Nam cũng cam go không kém gì các quốc gia ở nhiều châu lục có biểu hiện phức tạp ngay từ đầu, dù họ giàu có hơn ta, có nền khoa học tiên tiến hơn ta…. Tuy nhiên, Việt Nam đã làm tốt hơn họ, ít nhất cho đến thời điểm này.
Dù việc chống dịch trước mắt còn nhiều khó khăn, phức tạp, nhưng hy vọng rằng, chúng ta sẽ hạn chế được đến mức thấp nhất những thiệt hại do đại dịch gây ra, bởi trong “cuộc chiến” này, chúng ta có được LÒNG DÂN. Và cũng hy vọng rằng, ‘PHÉP THỬ’ LÒNG DÂN sẽ là BÀI HỌC QUÝ GIÁ lâu dài cho Quản trị Đất nước.
02 tháng Tư năm 2020

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.