6097. Lại chuyện lộn chữ

LẠI CHUYỆN LỘN CHỮ
PNTB
Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hóa 1945

Văn kiện của Đảng CSVN cho đến Đại hội X (2006) có công thức: Dân giàu, nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh.

Nhưng cho đến nay (28/2/2020), báo Tuần Việt Nam (Vnn), trong bài viết của tác giả Hải Lộc vẫn ghi là: “…xây dựng nước ta trở thành nước “Dân giàu, nước mạnh, Công bằng, Dân chủ, Văn minh” (lộn từ “Dân chủ” xuống dưới “Công băng”. (Xem Ở đây )

Còn nhớ, việc đưa được từ “Dân chủ” lên trên “Công bằng” không phải dễ, càng không phải là chuyện ngẫu hứng. Đó là cả một cuộc đấu tranh gay go. Trước Đại hội X, vấn đề này đã phải “cãi nhau” khá lâu.

Còn nhớ, khi được BCT khuyến khích mọi đảng viên tham gia vào Dự thảo Văn kiện trình Đại hội IX (2001), tôi đã có một bài luận hơn hai trang, chỉ để đi đến kết luận là phải đưa “Dân chủ” lên trên, “Công bằng, Văn minh” xuống dưới. Lý luận này tiếp cận từ cơ sở Tư tưởng Hồ Chí Minh khi lập nước, (Tuyên ngôn Độc lập 1945, Hiến pháp 1946, việc đặt tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và bài viết Dân vận nổi tiếng của Bác đăng báo Sự Thật 15/10/1948…). Rồi phân tích thực tiễn rằng, Dân chủ là tiền đề, là điều kiện cho công bằng, chứ không phải ngược lại. Ở bất kỳ nơi đâu, một khi đã không có dân chủ thì không bao giờ có công bằng, văn minh.

Bản tham gia ý kiến được gửi qua email của Ban soạn thảo Văn kiện Đại hội. Nhưng tiếc là như hòn đất ném xuống ao bèo, tịnh không có một tín hiệu hồi âm. Tôi tự động viên mình, thôi thì mọi cái xưa nay cấp trên luôn là chân lý, đảng viên ở cơ sở chỉ nên nghe theo. Và Đại hội IX, công thức đó vẫn không thay đổi.

Nhưng đến Đại hội X (2006), nghe đâu có rất nhiều ý kiến nên cuối cùng, chữ Dân chủ được đứng vào vị trí xứng đáng của nó. Tôi rất mừng vì ý kiến của mình 5 năm trước rốt cuộc cũng được chấp nhận. Tất nhiên, đấy mới là khẩu hiệu, là công thức, còn thực tiễn cuộc sống vẫn phải tiếp tục “phấn đấu”.

Còn nhớ, Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII (1994), đã dùng công thức: “Phấn đấu vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”, chưa có chữ “Dân chủ”. Lý giải cho việc này, có những quan điểm ngụy biện rằng: “Bản chất của chế độ ta là dân chủ, là chế độ do nhân dân lao động làm chủ. Vì vậy, không cần nhắc lại từ  Dân chủ nữa, chỉ cần Công bằng là đủ”. Lại cũng có cách giải thích khác: không nên dùng cụm từ "xã hội dân chủ", vì sợ nó lầm lẫn với Chủ nghĩa xã hội dân chủ, một luận thuyết XHCN cánh tả cuối thế kỷ XIX, đối lập với CNXH mà VN đang theo, cho rằng “không nên nhầm lẫn CHỦ NGHĨA XÃ HỘI DÂN CHỦ với DÂN CHỦ XÃ HỘI 
(Xem thêm Wikipedia).

Nói mẩu chuyện nhỏ này để thấy vấn đề nhận thức trong quá trình đổi mới có rất nhiều khó khăn. Việc đổi mới quan điểm để tiếp cận chân lý là cuộc đấu tranh cam go. Thực tiễn đã chỉ ra, có nhiều quan điểm trải qua nhiều kỳ Đại hội vẫn chưa tháo gỡ nổi. Trước Đại hội XIII sắp tới, Đảng viên và nhân dân ta vẫn đang kỳ vọng Đảng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn, nhất là những Đường lối đưa vào thực tiễn làm nảy sinh những vấn đề khó khăn, phức tạp cho đất nước thì cần được tháo gỡ để “Việt Nam hùng cường”.

Còn với các bạn viết báo, làm báo thì cần hiểu sâu sắc chữ nghĩa của văn kiện khi trích dẫn để khỏi mắc phải lỗi đáng tiếc như bài báo hôm nay.

Theo Facebook Nguyễn Ngọc Dương

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.