6091. Mong Lãnh đạo hãy dấn bước


MONG LÃNH ĐẠO DẤN BƯỚC
PNTB

Phải thấy hai cái hiệp đinh EVFTA & EVIPA được thông qua, tuy về lý thuyết là “mở ra con đường cho tương lai đất nước hội nhập với những nền kinh tế lớn của thế giới”, nhưng chớ vội mừng vì còn nhiều việc phải làm, không giản đơn chút nào.

Bởi làm ăn với EU – nền kinh tế tư bản hiện đại, văn minh, một cung cách làm ăn khác xa cung cách làm ăn kiểu xã hội chủ nghĩa, hay “nửa nạc nửa mỡ”. Con cá nước lợ bơi ra biển nước mặn, muốn tồn tại thì phải gồng mình lên mới có thể chịu được môi trường mới.

Vì thế, các chuyên gia nói rằng “Cửa mở nhưng còn nhiều rào cản” (*).

Theo Vnn, “ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng: Với việc tham gia vào hiệp định thế hệ mới này, rõ ràng THÁCH THỨC cũng rất lớn. Thách thức đầu tiên chính là NĂNG LỰC CẠNH TRANH. Thông thương với một trong những thị trường lớn có năng lực cạnh tranh rất cao, một số ngành kinh tế của Việt Nam cũng phải cạnh tranh trên cơ sở bình đẳng….

“Mở đường cao tốc với EU thì cũng phải mở cao tốc giữa chính quyền với doanh nghiệp, mở cao tốc để thực hiện THỦ TỤC HÀNH CHÍNH ở Việt Nam. Việc này Thủ tướng đang chỉ đạo quyết liệt. Sắp tới rà soát các quy định pháp luật để đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh…”…

“Thủ tướng đã nói ‘thể chế, thể chế và thế chế’. Khi gỡ được thể chế, doanh nghiệp sẽ hăng hái sản xuất kinh doanh, sẽ huy động được nguồn vốn toàn dân đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Khi ký FTA với EU, có nghĩa THỂ CHẾ TRONG NƯỚC PHẢI TƯƠNG THÍCH”… (*) (Hết trích).

Nói vậy, nhưng có làm được hay không thì phải chờ thực tiễn trả lời, chứ NÓI bao giờ chả dễ, chả ngọt ngào, LÀM mới khó. Những vấn đề trên đây (chẳng hạn “đổi mới cơ chế, thủ tục hành chính…”) hình như đã nói lâu rồi, nghe đã quen tai, nhưng CÁI GÌ KÌM HÃM nó, thì có vẻ chưa ai dám chỉ ra?.

Nói như Karl Marx, “Kiến trúc thượng tầng phải phù hợp cơ sở hạ tầng”. Muốn dỡ “rào cản” của cơ sở hạ tầng để phù hợp với cung cách làm ăn kiểu tư bản hiện đại thì phải dám sửa chữa sự méo mó của hình thái xã hội, sự không tương thích của kiến trúc thượng tầng, mà cốt lõi là nhiều yếu tố của thể chế chính trị với cơ sở kinh tế.

Phải DŨNG CẢM, dám ĐỔI MỚI TOÀN DIỆN, như Đảng đã xác định từ ngày đầu đổi mới (1986), thì mới phù hợp triết học biện chứng của Marx. Chớ nên sợ “chệch hướng”, theo cách nghĩ của gần 30 năm trước... Dù gì thì chúng ta đã bước một bước khá dài về hạ tầng kinh tế sau 34 năm, nay phải nghiêm chỉnh đối chiếu cơ sở hạ tầng kinh tế với kiến trúc thượng tầng chính trị để điều chỉnh, mục tiêu vẫn là “Dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thiết nghĩ ĐH 13 sắp tới phải bàn cho ra nhẽ, đổi mới toàn diện. Đã đến lúc không còn có thể rụt rè được nữa.

(*) Nguồn trích: Vietnamnet

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.