6086. Lan man về ‘nghịch lý’ cuộc sống
Lan
man về ‘nghịch lý’ cuộc sống
PNTB/ Nguyễn Ngọc Dương
![]() |
Hình minh họa - Internet |
Để có được nhiều tiền, người Việt thường
làm ăn bằng mọi giá. Ví dụ như, lúc trẻ đổ hết sức khỏe đi để kiếm tiền, đến
khi già yếu, bệnh tật đầy mình thì có nhiều tiền cũng không mua lại được sức khỏe.
Lĩnh vực quốc gia cũng vậy, để phát triển
kinh tế với mục tiêu tốt đẹp “làm giàu cho đất nước”, nhưng nhiều doanh nghiệp
đã khai thác vô tội vạ tài nguyên, khoáng sản, “tận diệt” thiên nhiên…vốn nó được
hình thành hàng trăm, hàng triệu năm, nay chỉ vài chục năm là cạn kiệt. Đúng là
“kiếm củi ba năm thiêu một giờ”, “ăn bữa nay chẳng màng đến bữa mai”. Marx nói:
“Thiên nhiên là cơ thể thứ hai của con người”, như vậy, khi hủy hoại thiên
nhiên đồng nghĩa với hủy hoại chính mình, biết vậy nhưng cứ làm!.
Người Việt ngày nay miệng thì nói
phải tiết kiệm, mà hành động thì luôn lãng phí. Người ta
chỉ có thể ‘tiết kiệm’ lúc tay trắng, chứ khi có tí tiền, bất kể đó là nguồn tiền
nào, là “vung tay quá trán”. Cứ xem, khi vào nhà hàng đãi nhau một bữa, gọi rõ
nhiều món đắt tiền mà chưa chắc đã ngon, chỉ để “thể hiện lịch sự”, không
bao giờ nghĩ rằng, ngần này cái bụng thì chứa được bao nhiêu thức ăn, miễn sao
nhìn trên bàn thấy các món “phong phú, đẹp mắt” là ô kê. Ăn xong đứng lên, mâm
vẫn còn đầy, phải đổ bỏ, trong lòng cũng tiếc nhưng đành cho qua.
Trong khi đó ở bàn bên, có mấy ông Tây
bà Đầm lặng lẽ ngồi ăn, ăn hết món này mới gọi món kia. Đến cuối bữa các vị Tây
bê đĩa lên liếm sạch, nhà hàng rửa cũng đỡ tốn nước. Hành vi đó dưới con mắt
người Việt là… “đồ vét đĩa!”.
Nhiều tiệc cưới bây giờ khi thực khách
ra về ngoái cổ lại, món ăn trên mâm vẫn còn đến 70%, thậm chí có món chưa ai đụng
đũa. Ai cũng biết thế, nhưng đều bảo nhau: “Không thể khác, nó là ‘phong trào’
rồi”. Với lại, phía nhà chủ vẫn ‘lãi’, vì phong bì của khách thường có giá trị
lớn hơn giá một suất ăn. Và người ăn cũng thích vậy, nom không thấy “sang” là
chê liền. “Ma chê, cưới trách” mà. Vì đã “mất tiền mua mâm thì phải đâm cho thủng”?
Còn cái sự mặc, chưa nói đến nhà giàu,
chỉ “thường thường bậc trung”, nhiều người vẫn mua sắm ê chề, nhất là các quý
cô, quý bà. Tôi đã khảo sát thấy nhiều người nói khoảng 20% áo quần thừa, thậm
chí có người bảo, có tới 70% ít khi dùng đến. Một vị cho hay, có những bộ
complet mua về, sau 3 năm bới ra vẫn thấy mới toanh, chưa có dịp xỏ tay, bởi chủ
nhân của nó… bỏ quên. Chả bù cho thời bao cấp, thỉnh thoảng được Công đoàn nhận
viện trợ quần áo cũ của người nước ngoài gọi là Sida, đồ “Tây quăng”, phân phối
cho công nhân viên chức. “Đường đường một đấng nam nhi” mà có lần tôi được Công
đoàn phân phối … cái váy của một em Tây nào đó, vẫn còn mùi nước hoa ngoại. Vì
bốc thăm được gì lấy vậy. Thế rồi loanh quanh phải đổi cho nhau để hợp lý hóa
giá trị sử dụng.
Về nhà ở, cũng phải đua nhau. Ngoại trừ
bất khả kháng, như không có đất, không có tiền, chứ hễ có điều kiện là xây nhà
to, để còn “tốt đẹp phô ra”, thậm chí phải đi vay chịu lãi ngân hàng đến một nửa,
để làm xong nhà còng lưng trả nợ và … lăn ra ốm. Trong khi nhiều hộ chỉ có hai
nhân khẩu mà xây nhà vài tầng, ba bốn trăm mét vuông. Quan chức, đại gia càng
khoe tợn. Có vị chỉ hai, ba nhân khẩu, nhưng xây biệt thự như cung vua, phủ
chúa. Người có nhiều tiền thì nuôi ô sin, thuê nhân lực quét dọn, chăm sóc cây
cảnh. Những thường dân, làm nhà to, cốt để cho oai nhưng ở không hết, mà hàng
ngày phải tự quét tước, lau chùi chả bõ, chỉ được cái người đời khen là “không
thua chị kém em”. Nhiều người từng nói, diện tích nhà ở của họ bây giờ thừa đến
70%. Ở ngay trong ngôi nhà của mình mà bố mẹ, con cái gọi nhau phải …bấm điện
thoại, cứ như gọi sang New York…
Mấy chục năm nay, khắp thành thị, nông
thôn, từ nhà nước đến người dân đua nhau xây dựng. Nhà nước thì dựa vào nguồn
thuế, vào vốn vay nước ngoài, và khai thác nguồn lực vật chất sẵn có… Còn quan
chức thì phần nhiều từ các nguồn thu không minh bạch, người dân thì gặp may, một
số không nhiều do kết quả kinh doanh …, chứ đa số không phải nhờ lương, nhờ vào
“lao động thối móng tay” hay “chạy xe ôm”, “buôn chổi đót” ...
Về phía quốc gia, trong xây dựng, ngoài
những gì đã làm được, đáng ghi nhận nổi bật như hệ thống giao thông, tạo động lực thúc đẩy kinh tế…thì có quá nhiều
dự án sinh ra chỉ để… thể hiện “tư duy nhiệm kỳ”, lập thành
tích, củng cố địa vị và để có chỗ “chấm mút”. Vì vậy, nó gây hệ lụy cho nền
kinh tế đất nước… Giàu chưa thấy, chỉ thấy nợ công ngập đầu… Gần đây có một học
giả Trung Quốc nói rằng, đến các thành phố châu Âu, ta thấy rất nhiều công
trình cổ kính…, còn ở nước ta (Trung Quốc) thì chỉ thấy “đập đi xây lại”. Cái
ông này nói giống ở VN thế! Ở VN cũng vậy, “đập đi xây lại” quá nhiều….
Lan man mấy điều về “nghịch lý’ để thấy
người Việt vẫn cứ nặng về hình thức, thiếu tư duy thực tế. Có thể nói, từ việc
làm ăn, đến sinh hoạt hàng ngày, người ta luôn coi trọng “cái vẻ bề ngoài/ để mà che cái sơ sài bên trong”. Đó là Bệnh
hình thức, nó đã sinh ra biết bao nghịch lý trong cuộc sống. Bệnh
hình thức lâu nay trở thành nét văn hóa cộng đồng, nhưng trước hết nó rất
phổ biến trong hệ thống chính trị…
Hình minh họa - Internet
Bệnh hình thức khiến người ta
không bao giờ muốn tiết lộ những sự thật chua chát, luôn phải đưa nó vào mục
“bí mật” cá nhân hay tổ chức. Cùng với “tốt đẹp phô ra” thì “xấu xa đậy lại”. Truyền
thông cũng quán triệt phương châm đó, nên nhiều điều chỉ thông tin “nửa sự thật”.
Nửa sự thật tương đương dối trá. Có nhiều người cứ đòi
“minh bạch”. Nhưng khổ nỗi, đã là cái xấu thì ai dám công khai minh bạch, dù đó là sự thật. Vậy là dối trá thắng thế, tư
duy khoa học và sự trung thực thất bại. Có thể nói, đó là một bi kịch văn
hóa.
Nói vậy để mọi người suy ngẫm về sự “hợp
lý” của những “nghịch lý” ở nước ta, chứ tus này không có ý định phê bình ai cả.
Nguyễn Ngọc Dương/ 05/02/2020
Nhận xét