6081. Ấn tượng về ông Phạm Thế Duyệt


Ấn tượng về ông Phạm Thế Duyệt
Nguyễn Ngọc Dương/ PNTB 


Sáu năm công tác ở Ban Dân vận tỉnh ủy, tôi đặc biệt có ấn tượng với ông Phạm Thế Duyệt, khi ông làm Trưởng Ban Dân vận Trung ương.

Lần đầu tiên gặp ông là vào năm 1996.

Một hôm Thường trực tỉnh ủy cho biết: ngày mai có đồng chí Phạm Thế Duyệt, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương lên thăm Lào Cai. Ông Duyệt đang thăm Lai Châu và sẽ từ Lai Châu sang Lào Cai. Thường trực giao cho hai cơ quan Văn phòng tỉnh ủy và Ban Dân vận đi đón. Địa điểm đón trên quốc lộ 4D, tại điểm giáp ranh hai tỉnh trên đèo Ô Quy Hồ.

Anh Trần Nguyên, chánh Văn phòng tỉnh ủy bàn với tôi: mình sẽ đi hai xe, một xe của tôi bên Văn Phòng và một xe bên Ban anh. Anh chuẩn bị bó hoa tặng anh Duyệt nhé… Sáng hôm sau, hai cái Land Cruiser ngược lên phía Sa Pa - Lai Châu. Anh Trần Nguyên đi một mình, còn xe tôi có thêm hai nữ cán bộ của Ban Dân vận, y phục áo dài truyền thống và hai bó hoa tươi.

Lên đến “Cổng Gió”, điểm giáp ranh với địa bàn tỉnh Lai Châu, chúng tôi đứng chờ một lát thì thấy xuất hiện một đoàn khoảng hơn hai chục xe, có cả xe cảnh sát dẹp đường, tiễn chân Ủy viên Bộ Chính trị. Tôi hơi chột dạ, chết thật, người ta “tiền hô hậu ủng” hoành tráng thế kia mà mình thì lỏm loi có hai xe với chỉ 6 người, kể cả tài xế…Nhưng mọi việc vẫn suôn sẻ. Về đến cơ quan, tôi ghé tai anh Trần Nguyên vờ dọa: Anh làm Văn phòng, am hiểu thủ tục tiếp đón khách mà đi đón anh Duyệt lại không bố trí một xe công an dẹp đường, nhỡ đang đi vớ phải cậu thanh niên choai choai nào nó phóng ẩu, đâm vào xe anh Duyệt một phát thì ăn nói thế nào? Anh Nguyên thật thà bảo, tôi mới làm Chánh Văn phòng nên cũng chả nghĩ ra. Nhưng may, không có chuyện gì, thế là ổn rồi…

Ông Duyệt lần đầu từ Hà Nội lên vùng cao Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái nhưng ông chỉ đi một mình với lái xe, không thấy có thư ký, bảo vệ gì cả. Văn phòng tỉnh ủy bố trí cho ông một phòng ở nhà khách. Nhận phòng xong, ông lên bảo tôi: “Cậu đưa tớ đi thăm chỗ làm việc của anh em trong Ban nhé”. Tòa nhà trụ sở Tỉnh ủy mới xây sau khi tái lập tỉnh, các cơ quan tập kết về được khoảng 1 năm. Nơi làm việc của các Ban đảng nối tiếp nhau từ tầng 1 đến tầng 4. Ban Dân Vận, Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra, Ban Tuyên giáo ở tầng 2. Tôi dẫn ông Duyệt vào các phòng làm việc của Văn phòng ban; Phòng Dân vận Chính quyền & Đoàn thể; Phòng Dân tộc – Tôn giáo; Phòng tôi - Phó ban thường trực. Cuối cùng đến phòng Trưởng ban. Hôm ấy Trưởng ban đi vắng. Ông Duyệt xem kỹ và nói: “Phòng làm việc của Trưởng ban Dân vận tỉnh thế này thì hơn hẳn Trưởng ban Trung ương rồi”!...Ông Duyệt thật lòng.

Bữa trưa, các anh lãnh đạo Văn phòng, Bí thư, Phó Bí thư thường trực, lãnh đạo Ban Dân vận tiếp cơm ông Duyệt. Ngồi cùng mâm, tôi để ý thấy ông chỉ nhâm nhi một chút rượu nhẹ rồi ăn cơm. Ông ăn như một nông dân vừa đi cày về. Món nào ông cũng khen ngon, từ đĩa rau luộc đến bát cá nấu canh chua… Ông khen chị em Văn phòng tỉnh ủy khéo tay làm món…

Khoảng 4h chiều, ông bảo tôi: “Dương ơi, cậu đưa tớ xuống thăm nhà anh Pao tí nhé”. Tôi bảo: “Thưa anh, giờ anh Pao không có nhà đâu ạ”. “Không sao, chị ấy ở nhà là được rồi. Thăm chị ấy với các cháu là chính. Còn anh Pao, họp Trung ương chúng tôi thường xuyên gặp nhau rồi”. Tôi nói: “Anh chờ em tí, để em gọi lái xe…”, Ông Duyệt ngăn lại: “Sao nghe nói nhà anh Pao cũng gần đây thôi mà?”. “Cũng hơn cây số anh ạ.”. Ông bảo: “Thế thì việc gì phải đi xe…”. Tôi dẫn ông đánh bộ trên đường Hoàng Liên ra thăm nhà Bí thư Tráng A Pao, vừa đi, ông vừa hỏi thăm công việc, hoàn cảnh gia đình tôi…

Năm 1997, một lần đi công tác ở Ban Dân vận Trung ương, làm việc với các vụ chức năng xong, tôi lên gõ cửa phòng Trưởng ban Phạm Thế Duyệt. Vào đúng giờ ăn trưa, thấy trên bàn làm việc của ông có một hộp “cơm bụi”, ai đó vừa mua cho ông. Tôi hỏi: “suất ăn trưa của bác đây à?”. Ông đáp: “Mình muốn ra quán, nhưng anh em nó không cho đi. Buổi trưa nó mua cho một suất cơm hộp. Ăn xong nghỉ một lát chiều còn làm việc”. Có lần anh Trịnh Xuân Giới, Phó ban thường trực nói nhỏ với tôi: “Anh Duyệt đúng là một mẫu hình về cán bộ dân vận. Anh ấy giản dị lắm, vừa làm Bí thư Hà Nội chuyển về nhưng phong cách như nông dân, thật thà, gần gũi…”.

Cũng trong chuyến đi đó, tôi được nghe ông chia sẻ về việc xử lý vụ nông dân Thái Bình “nổi loạn”. Ông cho chúng tôi xem một băng video quay rất chi tiết và chuyên nghiệp những hình ảnh hàng nghìn nông dân ở Quỳnh Phụ biểu tình dọc quốc lộ, tiến thẳng về trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong đoàn người đó có đủ thành phần, cả phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi, đi rất trật tự, đúng luật giao thông. Nhiều cụ ngực đầy huân chương. Ấn tượng nhất là hình ảnh một bà mẹ Việt nam anh hùng đi đầu đưa chiếc kìm cộng lực vào ổ khóa cổng Ủy ban nhân dân tỉnh cắt khóa để đoàn người tiến vào trụ sở cơ quan công quyền, đòi gặp Chủ tịch. Đúng là lần đầu tiên trong đời, tôi nhìn thấy hình ảnh người dân bức xúc với chính quyền cơ sở, phải kéo nhau lên tận tỉnh…

Sau khi xem xong băng video, ông Phạm Thế Duyệt nói: “Quả thực vụ này rất căng, xảy ra ở diện rộng trong một tỉnh, Bộ Chính trị rất lo ngại...”.  Ông kể: “Bộ chính trị, dưới sự chủ trì của TBT Đỗ Mười, thành lập Tổ công tác đặc biệt giao cho tôi làm Tổ trưởng, anh Nguyễn Công Tạn, Phó Thủ tướng làm tổ phó, có nhiệm vụ trực tiếp nghiên cứu và báo cáo BCT”. Lúc đó Thủ tướng Võ Văn Kiệt có Tổ tư vấn chiến lược có thể giúp Chính phủ nghiên cứu cách giải quyết  những vấn đề xã hội dựa trên cơ sở khoa học. Ông Duyệt nói tiếp: “Chúng tôi giao cho anh Tương Lai (GS Nguyễn Phước Tương), lúc đó là Viện trưởng Viện Xã hội học thuộc Ủy ban KHXH Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ, giúp nghiên cứu và kết luận vấn đề. Sau đó, anh Tương Lai có kết quả Báo cáo nghiên cứu mang về nộp cho chúng tôi. Tôi báo cáo với BCT và phải trả lời câu hỏi quan trọng nhất: “Ở đấy có địch không?” Tôi khẳng định, theo kết quả nghiên cứu của Viện XHH thì “Chỉ thấy Dân, không thấy địch”. Nguyên nhân của vụ việc có nhiều, nhưng chủ yếu là do lãnh đạo địa phương có nhiều sai lầm trong việc huy động tài lực quá sức dân, với nhiều khoản đóng góp không hợp lý, gây lãng phí và tham nhũng; một bộ phận lãnh đạo giàu lên nhanh chóng, ‘cường hào hóa’, tách xa quần chúng …Những khiếu kiện của dân không giải quyết kịp thời và đúng đắn… Đó là những mâu thuẫn trong nội bộ, giữa Chính quyền với Dân, chứ không có yếu tố phản động, kể cả những người dân quá khích có hành động phạm pháp như bắt nhốt cán bộ, đốt nhà cán bộ, chửi bới, lăng mạ chính quyền, đập phá tài sản của cán bộ và của xã…Ai vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý theo pháp luật…”.

Tôi còn nhớ, thời đi nghiên cứu lý luận, Đảng luôn nhắc nhở: trong mọi cuộc cách mạng phải phân biệt rõ Địch – Ta, không được nhầm lẫn mâu thuẫn nội bộ và mâu thuẫn Địch – Ta. Đây là nguyên tắc bất  di bất dịch. Phải dựa trên nguyên tắc đó để xử lý mọi vấn đề mâu thuẫn phát sinh hàng ngày.

Sau khi kể lại về kết quả nghiên cứu vụ Thái Bình, ông Phạm Thế Duyệt nhấn mạnh “Vụ việc chỉ là mâu thuẫn nội bộ, không có địch, có chăng chỉ là có một số người dân nóng nảy, quá khích, hành động trái pháp luật…, nên phải giải quyết bằng phương pháp nội bộ. Đó chính là vấn đề quan trọng nhất. Nếu câu trả lời là ở đó có các phần tử địch, thì chắc chắn cách ứng xử của BCT sẽ hoàn toàn khác”.

Cuối cùng thì vụ việc ở Thái Bình dù rất nghiêm trọng, nhưng Đảng và Nhà nước ta đã giải quyết êm thấm như mọi người đã biết... 

Tháng 1 năm 2020

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.