6076. "Con hư tại mẹ"?

“Con hư tại mẹ”?
PNTB/ Nguyễn Ngọc Dương
 
Hình minh họa: trên Internet
Tục ngữ ta có câu: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Đó là sự tổng kết kinh nghiệm của người xưa, vì phụ nữ thường “…sâu sắc như cơi đựng trầu”, nên chiều chuộng con cháu bởi cảm tính, thiếu nguyên tắc giáo dục con trẻ…

Lại có câu: “Nhân chi sơ tính bản thiện”, nói lên bản chất ban đầu của con người vốn là thiện. Khi lớn lên nếu nó sinh ra hư đốn, nhiều tính xấu…chủ yếu là do môi trường giáo dục. Bác Hồ cũng từng nói: “Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Nhưng Giáo dục cần hiểu với nghĩa rộng, không hẳn chỉ là nhà trường, là đoàn thể giáo dục, là học tập tấm gương, hay đấu tranh phê bình, tự phê bình…mà là do môi trường xã hội. Con người ta “nhiễm bệnh xã hội” (tính xấu) là trong cả quá trình của cuộc sống, là chủ yếu do điều kiện khách quan tạo ra. Đúng như nguyên lý của K.Marx: Con người là sản phẩm của xã hội. Một xã hội còn nhiều khuyết tật, tất nhiên sẽ sinh ra nhiều con người không tử tế.

Qua đó mới thấy, hầu hết quan chức tham nhũng, xa dân, biến thành “củi”, thành “sâu bọ”, thành “chuột” đục khoét công quỹ quốc gia… không hẳn do bản tính có sẵn. Khi đã trưởng thành, không phải họ “hư là do bà, do mẹ”. Lúc này là do môi trường xã hội, điều kiện hoạt động, cơ chế quản trị quốc gia… Ví dụ, cũng là cán bộ, nhưng được phân công phụ trách mảng Văn hóa - Xã hội thì khó tham nhũng hơn những người được phụ trách ở những lĩnh vực như Tài chính, Tổ chức, Kế hoạch, Ngân hàng, Hải quan, Đất đai…hoặc giữ vị trí “quyền lực mạnh”, có thể chi phối nhiều lĩnh vực. Đó là điều có thật. Dân gian vẫn đồn rằng, cái “ghế” này “cao giá” hơn cái ghế kia, nói trắng ra là ở vị trí này nhiều “màu” hơn vị trí kia…                                                                

Người viết bài  này này có lần ngồi với một cán bộ hưu, ông phàn nàn: “Tay X.Y. làm cán bộ chủ chốt, trước khi nghỉ hưu, hắn đã kịp vơ vét được quá nhiều của cải, đất đai, xe hơi, biệt phủ, cho con cái du học Mỹ quốc… và hạ cánh an toàn. Có được như vậy, cam đoan một trăm lần lương của hắn cũng không thể…”

Tôi phải xin phép cắt ngang: “Thưa anh, nếu tôi hay anh mà là những “con chuột” được người ta đem “bỏ vào hũ gạo”, rồi đậy nắp kín…, thì chắc gì đã trong sạch? Ở một môi trường ai cũng có điều kiện xà xẻo mà không theo “phong trào”, thì trở thành lập dị?”…

Có lúc trộm nghĩ, những Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, Trương Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son, Vũ “Nhôm”… và nhiều cán bộ cao cấp, tướng tá…được học hành và Đảng giáo dục đến nơi đến chốn, bị xử lý gần đây, nếu họ sống ở một môi trường minh bạch, quan chức bắt buộc phải coi Dân là chủ thực sự, chứ không phải “chủ” theo khẩu hiệu; mọi người dân đều có quyền “mở miệng” (*) khi thấy chính quyền, quan chức làm sai; hoạt động báo chí chỉ do Luật điều chỉnh, vì đất nước có Luật, chứ không phải nơm nớp lo bị kiểm soát tin bài “nhậy cảm”… thì biết đâu họ lại không bị vướng vòng lao lý, Đảng, Nhà nước đỡ tốn cán bộ? (**)

Ở bất kỳ chế độ nào trong chính quyền cũng có người tham nhũng, xấu xa. Nhưng một quốc gia để xảy ra tham nhũng phổ biến, nhiều quan chức sống cách biệt với dân thường, thì phải xem lại mọi cơ chế quản trị, mọi chủ trương, đường lối có gì sai sót không? Ở cấp vĩ mô, sai một ly đi một dặm, không thể xem thường.

Cái cuối cùng của một Thể chế tốt đẹp là mọi hoạt động phải mang lại sự yên ổn xã hội (bằng Văn hóa - Pháp luật - Đạo lý, cơ chế quản trị, chứ không thể bằng bạo lực), mang lại sự trong sạch (tương đối) của bộ máy công quyền và đa phần cán bộ phải biết ứng xử có văn hóa khiến người dân tâm phục khẩu phục.

Còn nếu kết quả ngược lại thì phải tìm cho ra nguyên nhân đích thực nó là cái gì, để khắc phục từ gốc … Chỉ xin nêu một ví dụ: Tại sao từ lâu QH đã nêu ra 70% khiếu kiện của dân là thuộc lĩnh vực đất đai, rồi cũng vì đất đai mà đất nước trong những năm gần đây xảy ra quá nhiều bi kịch. Điển hình như Thủ Thiêm, Vườn Rau Lộc Hưng, Tiên Lãng, Hưng Yên, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đắk Nông, Đồng Tâm… và hầu hết các tỉnh thành, không thể liệt kê hết. Vấn đề đất đai không phải chỉ sinh ra rất nhiều quan chức “ăn đất”, tham nhũng, và động từ cưỡng chế phát triển, xảy ra thương vong cho cả người dân và lực lượng của nhà nước; không phải chỉ sinh ra hàng đoàn dân oan từ Bắc chí Nam, mà quan trọng nhất là chính đất đai đã làm mất lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, có thể nói, đó là sự mất mát lớn nhất kể từ ngày Đảng lãnh đạo Dân tộc đến nay…

Ai cũng hiểu, chế độ của ta có vững hay không, điều cốt yếu là lòng dân. Gần đây, Đồng chí Trần Quốc Vượng đã nói thẳng: “Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng DO CHÚNG TA thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu. Chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi” (Theo báo Thanh niên). Đó là một thông điệp rất đáng suy nghĩ.  

Phải chăng có rất nhiều bi kịch xã hội, tham nhũngmất lòng dân bắt nguồn từ vấn đề đất đai? Quan điểm đất đai của chúng ta nó ‘trục trặc’ ở chỗ nào? Đã có rất nhiều ý kiến của các nhân sĩ trí thức về quan điểm “Đất đai sở hữu toàn dân" là không hợp lý. Họ thành tâm kiến nghị, nhưng các đồng chí lãnh đạo đất nước chưa quan tâm xem xét, có lẽ vì trót đưa vào Hiến Pháp, khó sửa? Tôi còn nhớ, đồng chí Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó văn phòng Quốc hội có lần đã mạnh dạn nêu lên: “Đất đai sở hữu toàn dân, nhưng người dân không có cách nào thực thi quyền sở hữu ấy, thì...”.

Và tất nhiên, đó chỉ là một trong những vấn đề cần phải xem xét. Một khi Đảng là người duy nhất lãnh đạo toàn Dân tộc, có trách nhiệm cao nhất với Dân tộc như đã được Hiến định, thì không lẽ nào Đảng không xem xét lại nguyên nhân đích thực của những vấn đề “trục trặc xã hội”. Đây chính là điều mà Đại hội tới, Đảng nên chú tâm tìm giải pháp cụ thể, chứ không nên viết Nghị quyết quá dài, nhiều ngôn từ trừu tượng chung chung, nghe thì hay nhưng chữ đi đằng chữ, đời đi đằng đời.

Trẻ HƯ, trước hết phải tự hỏi các bậc ông bà, cha mẹ. Cán bộ HỎNG, trước hết phải tự hỏi về cái GỐC của cung cách quản trị quốc gia, tìm ra “lỗi hệ thống” (***), chứ biện pháp trừng trị (ví dụ “đốt lò”) chỉ là giải quyết cái NGỌN.
.................................................
(*) Chú thích - chữ của Bác Hồ, “Dân chủ là phải để cho người dân được mở miệng”.
(**) Không phải ngẫu nhiên mà một lúc UBKT Trung ương đã đề nghị xem xét kỷ luật 2 ông đương kim và “nguyên” Ủy viên BCT đứng đầu 2 thành phố lớn nhất nước (Theo Tuổi trẻ và Dân trí )
(***) Chữ của ông Nguyễn Văn An, cựu Chủ tịch Quốc hội. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.