6072. Họ là TA hay ĐỊCH?


Họ là TA hay ĐỊCH?
PNTB / Nguyễn Ngọc Dương



Hơn 20 năm trước, sau vụ “nổi loạn” ở Quỳnh Phụ Thái Bình, một hôm tại trụ sở Ban Dân vận Trung ương, 105B Quán Thánh, tôi có dịp gặp ông Phạm Thế Duyệt, lúc ấy là Ủy viên Bộ chính trị (BCT) - Trưởng ban Dân vận Trung ương.

Ông Duyệt chia sẻ, lúc sự việc xảy ra, BCT rất lo và phân công tôi làm Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt, trực tiếp nghiên cứu và báo cáo BCT. Tôi đã mời anh Tương Lai (GS Nguyễn Phước Tương), lúc đó là Viện trưởng Viện Xã hội học thuộc Ủy ban KHXH Việt Nam giúp nghiên cứu và kết luận vấn đề. Sau đó, anh Tương Lai có kết quả nghiên cứu mang về nộp cho tôi. Tôi báo cáo với BCT và phải trả lời câu hỏi: “Ở đấy có địch không?” Tôi khẳng định, theo kết quả nghiên cứu của Viện XHH thì “CHỈ THẤY DÂN, KHÔNG THẤY ĐỊCH”. Nguyên nhân của vụ việc là do một bộ phận lãnh đạo địa phương đã cường hào hóa, quay ra  áp bức quần chúng nhân dân.

Và ông Duyệt nhấn mạnh: “Đó chính là vấn đề quan trọng nhất. Nếu câu trả lời là ở đó có các phần tử phản động (địch), thì chắc chắn cách ứng xử của BCT sẽ hoàn toàn khác”. Xưa nay, tôi thường được nghe về quan điểm của Đảng là, làm cách mạng “PHẢI PHÂN BIỆT RÕ ĐỊCH – TA”, nếu không, sẽ dẫn đến điều rất nguy hiểm là xử lý vấn đề KHÔNG ĐÚNG MỤC TIÊU, có khi gây bi kịch khôn lường!

Gần đây, gặp một sĩ quan quân đội, nhìn bộ quân phục của cậu ta, tôi thấy khả nghi, liền hỏi: “Này sao tớ nom cái bộ quân phục của cậu giống quân phục Trung Quốc thế nhỉ?”. Cậu ta trả lời: “Vâng, cả điều lệnh chúng cháu cũng thay đổi theo Trung Quốc”. Tôi sững người và không dám hỏi gì thêm nữa, chỉ nghĩ thầm: Xưa nay quân đội của mỗi quốc gia đều mang một thứ quân phục đặc trưng của mình, nhìn vào là biết liền. Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ ngày xưa, hình dáng “Anh bộ Cụ Hồ” nom thấy ở bất kỳ đâu ai cũng nhận ra ngay, không thể lẫn lộn với bất cứ thứ lính tráng nào trên thế giới… Trong nửa thế kỷ qua, VN không dưới một lần đụng độ với quân đội TQ. Giả sử như có lúc nào đó, xảy ra chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” như năm 1979 chẳng hạn, thì liệu mục tiêu quân thù có rõ không? Có xác định được đâu là Ta, đâu là Địch?

Nói đến vấn đề ĐỊCH – TA, có một sự kiện nóng nhất vừa xảy ra: vụ đổ máu ở Đồng Tâm hôm 9/1, cũng cần phải trả lời câu hỏi ở đấy có địch không? Nếu những người đã chết ở phía Đồng Tâm như 3 người trong gia đình cụ Lê Đình Kình là địch thì phải được làm rõ: bản chất của những “phần tử địch” ấy là gì? Trong 3 người ấy thì được biết, cụ Kình đã 84 tuổi, cựu Bí thư Đảng ủy xã, ít nhất trên 55 tuổi Đảng, từng cống hiến gần suốt đời cho đảng, và ở cái tuổi gần đất xa trời ấy, cụ có thể và có cần trở thành “địch” không? Nếu là địch thì động cơ nào đã biến một người CỘNG SẢN NÒI thành địch?

Cũng phải hỏi thêm: Cả cái làng Hoành ở xã Đồng Tâm có phải là MỤC TIÊU CHIẾN ĐẤU của lực lượng vũ trang không? (Theo nhiều nguồn tin), liệu có cần thiết phải đổ rất nhiều quân xuống Làng Hoành với những vũ khí chết người như thế vào lúc 4h sáng khi cả làng vẫn còn đang yên giấc không? Đó có phải là một “làng địch” không? Hệ thống chính trị, hệ thống dân vận của Đảng vốn xưa nay rất nhiều thành tích trong công tác này, nhất là trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ Quốc. Chính quyền bây giờ có còn làm công tác dân vận như xưa nữa không, hay là dân vận có “phương thức mới” là bằng dùi cui, súng đạn, hơi cay?... Là người từng làm công dân vận cho Đảng, trước đây tôi được nghe đồng chí Vũ Khoan, Phó Thủ tướng Chính phủ nói về phương thức dân vận của chính quyền là thuyết phục quần chúng bằng pháp luật, đạo lý, bằng cơ chế chính sách chăm sóc đời sống của nhân dân… Lúc ấy chúng tôi thường nói với nhau: một khi chính quyền đuối lý, phải giở đến ngón “võ” bằng bạo lực, là lúc chứng tỏ sự thất bại của công tác Dân vận và chỉ có thể làm mất thêm uy tín của Đảng cầm quyền.

Hiện nay có quá nhiều câu hỏi, nhất là sau vụ việc đau lòng ở Đồng Tâm, khiến tôi không sao trả lời được.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.