6070. TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ – NGHỊCH LÝ ?


TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ – NGHỊCH LÝ ?
(Trích bài của Lê Vinh Triển)


(PNTB) - Những ngày cuối năm thấy báo chí CA NGỢI SỰ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ của đất nước, nhiều người cười như Liên Xô... Nhưng tôi thấy có cái gì đó rất khả nghi, mà không thể cắt nghĩa. May quá, đã có câu trả lời trong bài viết của T.S Lê Vinh Triển, khoa Quản lý nhà nước, trường Đại học Kinh tế TP HCM.

Bài viết dài, phân tích toàn diện. Ở đây chỉ xin trích một mục nhỏ về CHÍNH SÁCH TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ Ở VN VÀ HỆ LỤY CỦA NÓ – THAM NHŨNG. Thông điệp chủ yếu cho hay là, có vẻ như vì “thành tich” mà chúng ta đã ĐÁNH ĐỔI TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ BẰNG MỌI GIÁ để chuốc về THAM NHŨNG, TÀN PHÁ TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN và Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG. 

(Lê Vinh Triển) - Tăng trưởng cao và liên tục luôn là MỤC TIÊU KINH TẾ (*) đưa đất nước vượt lên từ thu nhập thấp sang công nghiệp và phát triển hiện đại. Từ đó, các giải pháp duy trì TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ, BẰNG MỌI GIÁ, thường được áp dụng.

Tuy nhiên, chính sách tăng trưởng cao và liên tục dẫn đến sự TRẢ GIÁ ít nhất về hai mặt. Đó là TÀI NGUYÊN CẠN KIỆT – MÔI TRƯỜNG BỊ HỦY HOẠI, và THAM NHŨNG KHÔNG THỂ KIỂM SOÁT được. Vì vậy, một mặt TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ LÀM TĂNG UY TÍN NHÀ NƯỚC, mặt khác chính THAM NHŨNG NẢY SINH TỪ TĂNG TRƯỞNG làm SỤT GIẢM UY TÍN CỦA NHÀ NƯỚC. NGHỊCH LÝ này luôn tồn tại nhưng càng trầm trọng ở những nền kinh tế đang phát triển mà ở đó SỰ MINH BẠCH CỦA THỂ CHẾ và TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH CỦA QUAN CHỨC NHÀ NƯỚC KHÔNG ĐƯỢC ĐỀ CAO.

Trước tiên là CHÍNH SÁCH CỔ PHẦN HÓA DNNN và THAM NHŨNG: Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhà nước phải liên tục tạo nguồn thu cho đầu tư, nhằm tạo công ăn việc làm, gia tăng tổng sản lượng. Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vừa tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo nguồn cho tăng trưởng. Chính sách này có tác dụng vãn hồi uy tín của nhà nước sau SỰ YẾU KÉM TRIỀN MIÊN CỦA KHỐI DNNN trước đó đã làm xói mòn lòng tin của dân đối với chính quyền trong quản lý kinh tế. Tuy nhiên, chính QUÁ TRÌNH CỔ PHẦN HÓA DNNN lại LÀ MẢNH ĐẤT MÀU MỠ CHO THAM NHŨNG. Đó là việc BÁN RẺ tài sản nhà nước từ các DNNN và MUA ĐẮT từ các DN sân sau; Đó là việc chuyển đổi quyền sử dụng đất đai của nhà nước trong các DNNN chuyển sang cổ phần là mồi ngon cho tư nhân - thân hữu các quan chức (**). Sự giàu lên bất chính của các quan chức nhà nước và thân hữu lại khoét sâu sự oán thán của người dân, làm mất uy tín nhà nước và cả đảng cầm quyền.

Tiếp theo là CHÍNH SÁCH KHAI THÁC TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN DẪN ĐẾN THAM NHŨNG VÀ TÀN PHÁ MÔI TRƯỜNG: Tăng trưởng dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên có sẵn có thể nói là biện pháp ít phức tạp, dễ hình dung nhất, nhưng đó là nơi giao thoa rõ nhất của tham nhũng và tàn phá môi trường. Việc khai thác không hiệu quả dẫn đến thua lỗ triền miên của các dự án khai thác tài nguyên, làm thất thu ngân sách nhà nước nặng nề. Mặt khác, sự ĐỘC QUYỀN KHAI THÁC TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN của các DNNN vượt NGOÀI KIỂM SOÁT CỦA LUẬT PHÁP, khai thác cạn kiệt tài nguyên, thiếu hiệu quả và tham nhũng tràn lan.

Chính sách tăng trưởng nhằm TẠO NGUỒN THU TỪ VIỆC BÁN TÀI NGUYÊN đã dẫn đến sự thiệt hại đối với nhà nước (xói mòn uy tín) lớn hơn nhiều so với cái được (lòng tin của dân vào chính quyền qua tăng trưởng, tạo việc làm)! Vấn đề chiến lược đặt ra là hậu quả của các dự án này về dài hạn: sự CẠN KIỆT TÀI NGUYÊN và KHÔNG THỂ HỒI PHỤC về môi trường có thể được xem như những KHOẢN “GHI NỢ” VÀO TƯƠNG LAI đối với uy tín và tính chính danh của chính quyền. Việc sớm xử lý dứt khoát, minh bạch có thể giúp chính quyền lấy lại uy tín của mình với chi phí thấp hơn nhiều so với các biện pháp THIẾU DỨT KHOÁT và KHÔNG MINH BẠCH.

Tiếp theo nữa là CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ CÔNG VÀ THAM NHŨNG: Các chính sách kinh tế nêu trên đều được thi hành nhằm hướng tới tăng trưởng kinh tế mà về cơ bản là tạo nguồn thu ngân sách để từ đó đầu tư cho tăng trưởng. Đầu tư công lại là giải pháp trực tiếp chi ngân sách để tạo tăng trưởng. Tuy nhiên, THAM NHŨNG TRONG ĐẦU TƯ CÔNG lại ĐI ĐÔI VỚI CHÍNH ĐẦU TƯ CÔNG tại Việt Nam. Tham nhũng xảy ra trong mọi khâu của một dự án đầu tư công, từ khâu lập hồ sơ dự án, quy hoạch, đến phê duyệt thẩm định. Thất thoát diễn ra ngay từ chủ trương đầu tư, thiết kế dự án, đền bù giải phóng mặt bằng, triển khai điều hành quy hoạch hằng năm, đến lựa chọn nhà đầu tư và thực hiện thi công.

Vì thế, tuy đầu tư công Việt Nam CHIẾM TỶ TRỌNG LỚN TRONG GDP nhưng HIỆU QUẢ được đánh giá là RẤT THẤP so với các nước, nghĩa là Việt Nam phải ĐẦU TƯ NHIỀU USD HƠN CÁC NƯỚC để có 1 USD đóng góp vào GDP. Nếu tham nhũng kéo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam xuống thì tham nhũng trong đầu tư công có thể nói là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này. Rõ ràng, nhà nước không thể không thực hiện đầu tư công cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nhưng THAM NHŨNG TRẦM TRỌNG TRONG ĐẦU TƯ CÔNG đã đặt nhà nước vào THẾ LƯỠNG NAN của VIỆC CỦNG CỐ UY TÍN của mình.

Vì vậy, cho dù việc thực thi một vài chính sách nêu trên là nhằm tăng trưởng kinh tế, nhưng hệ lụy lại là tham nhũng phát sinh. Chống tham nhũng có hiệu quả nhằm hạn chế tác động tiêu cực đến chất lượng tăng trưởng là điều chính quyền phải đương đầu. Và chính quyền Việt Nam cũng đang tỏ ra rất kiên quyết.

(P/S: Trong phần tiếp theo, tác giả phân tích một số khó khăn trong công cuộc chống tham nhũng của Việt Nam hiện nay, từ đó đưa ra một số đề nghị giải quyết những khó khăn này).

Tác giả: TS Lê Vĩnh Triển

(*): Những chữ viết in hoa do người trích dẫn nhấn mạnh.
(**): Có rất nhiều dẫn chứng như “Tham nhũng trong DNNN, có “sân trước”, “sân sau”, thậm chí cả “vườn sau” - (VietnamNet).Hoặc nhiều vụ thoái vốn DNNN, “mua đắt từ các DN sân sau”… gây hậu quả nghiêm trọng như vụ bán Cảng Quy Nhơn hoặc thương vụ AVG… là những dẫn chứng điển hình.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.