6066. Một thoáng Si Ma Cai.


Một thoáng Si Ma Cai
Nguyễn Ngọc Dương (PNTB)
Tác giả đang tác nghiệp tại chợ Cán Câu

Hôm qua Thứ Bảy (14/12/2019), chú em Quốc Hồng, Trưởng đại diện báo Nhân dân tại Lào Cai đưa mấy lão già lên Si Ma Cai ‘cưỡi ngựa xem hoa’ một ngày. Đoạn đường khoảng một trăm cây số, leo hai cung đèo, mỗi cung khoảng 30 cây, điểm cuối là thị trấn Si Ma Cai, ở độ cao hơn 1000m so với mặt biển. Trong đoàn có Văn Cự, Văn Tông, Tuấn Lợi, Xuân Mẫn và gã lớn tuổi nhất: Ngọc Dương. Tất cả đều được gọi là các “nhà” khác nhau, nhưng có cái chung là “nhà hưu”, mà chưa ai chịu “hiu hiu”. Duy nhất chỉ có “khổ chủ” kiêm lái xe Quốc Hồng là đương kim Nhà báo.

Trước Dinh thự Hoàng A tưởng (Bắc Hà)

Chuyến “tư du” chỉ có mục đích là cho mọi người được “ngó" lại mảnh đất Sin Ma Cai – Chợ Ngựa Mới, mà nay mọi người đều gọi chệch đi là Si Ma Cai, theo đúng văn bản pháp lý Nhà nước. Trên đường lên ‘Si’, phải qua Bắc Hà, được mệnh danh là “Cao Nguyên Trắng”, chữ của nhà văn họ Mã, người Mông xứ Mường Tiên (Sa Pa), khi ông viết một bài ký về vùng mận Tam Hoa Bắc Hà, mỗi khi xuân đến, cả Cao nguyên trắng toát một màu hoa mận. Bắc Hà là nơi dừng chân, thưởng thức món ăn sáng là phở ‘đỏ’ rất đặc sắc; cũng là nơi dừng chân rẽ vào thăm dinh thự Hoàng A Tưởng, một Công trình Văn hóa thời Pháp thuộc đầu thế kỷ XX. Vừa ra khỏi nhà Hoàng A Tưởng thì gặp lại một cựu đại tá - Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh - Lý Quang Cấn, ‘lão tá’ năm nay đã tròn 80, nhưng vẫn phong độ, vẫn rất ‘quân sự’ và thông minh, sắc sảo. Ông kéo chúng tôi vào nhà và chủ, khách cứ giằng cò nhau quanh chai rượu cao, pha mật ong bằng đủ thứ lý lẽ để anh nào cũng phải “đi bằng hai, ba chân” mới đặng…
Một góc chợ Cán Cấu (Si Ma Cai)

Đi tiếp khoảng 18 km nữa thì gặp chợ Cán Cấu, thuộc đất Si. Ngôi chợ “chặn” ngay trên tỉnh lộ 153, cách thị trấn Si khoảng gần chục cây số. Sau dăm bấy năm, nay, ngôi “chợ trâu” độc nhất vô nhị này đã ‘tăng tốc’ khó hình dung. Diện tích được mở rộng dường như gấp đôi. Hàng hóa và người mua kẻ bán cũng đông lên gấp bội. Nhưng nổi bật nhất vẫn là hàng tiêu dùng Trung Quốc. Trang phục TQ, hoa quả TQ, bánh kẹo, đồ chơi trẻ em TQ…sắc màu rực rỡ, lóa mắt, tràn ngập ngôi chợ nổi tiếng giữa núi rừng vùng cao, có lẽ chiếm đến 90% hàng "ngoại”. Tìm mãi mới thấy một vài chỗ bán đồ nội địa như dao, cuốc, đồ ăn chín và lợn, gà, trâu bò… Ngôi chợ quê nổi tiếng này cũng thu hút được những du khách Âu Mỹ. Chúng tôi gặp một đôi bạn trẻ người nước ngoài đang ôm eo nhau lướt chợ. Chỉ chào nhau bằng tay, bằng mắt và nụ cười… Rồi chụp ảnh kỷ niệm. Hỏi nhau cũng bằng tay. Nghe lõm bõm, biết các bạn ấy đến từ Australia, qua TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, rồi lọ mọ lên đây…
Gặp những người bạn Australia

Buổi trưa, do đã được Quốc Hồng setup, cả đoàn được lãnh đạo huyện tiếp đón nhiệt thành và trọng thị, đúng phong cách người vùng cao. Có mặt là đồng chí Vàng Seo Vảng - Phó bí thư thường trực huyện ủy, Lý Seo Chớ - Phó Chủ tịch UBND huyện, Lý A Thành - Phó Chủ tịch thường trực HĐND huyện, cô Hà - Chánh Văn phòng Huyện ủy xinh đẹp - quê Hải Phòng và một số cán bộ, chuyên viên của Văn phòng “ba bên”…
Quýt Tàu

Những chén rượu Si và những món ăn Si chỉ là cái cớ để cuộc giao lưu giữa các nhà lãnh đạo chính trị địa phương với các văn nghệ sĩ, nhà báo để có ‘cửa’ đi sâu vào đời sống của một vùng đồng bào cao nguyên, nơi tận cùng của đất nước, giáp mặt với Trung Hoa đại lục to lớn ở phía Bắc…
Trang phục dân tộc Mông nhập từ Trung Quốc

Qua câu chuyện trao đi, đổi lại, tôi thực sự chú ý đến một thông tin mới: hình như cấp trên đang định NHẬP Si Ma Cai trở lại Bắc Hà? Nếu làm như vậy thì đây là lần thư tư "tách ra, nhập vào". Còn nhớ, năm 1979, khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc vừa diễn ra ác liệt thì Si Ma Cai được NHẬP VÀO Bắc Hà. Năm 1999, sau 20 năm NHẬP VÀO cũng là 8 năm tỉnh Lào Cai vừa được TÁCH RA thì Si Mai cũng được TÁCH RA. Đến nay, 2019, lại 20 năm, mọi sự cũng đã ổn định, thị trấn Si Ma Cai đã được xây dựng khang trang, bộ máy lãnh đạo đủ để quản lý một vùng núi ĐẶC THÙ, địa hình hiểm trở và có biên giới liền với Trung Quốc… thì lại nghe thấy có tin sắp… NHẬP VÀO?
Được biết, hầu hết cán bộ Si Ma Cai từ huyện đến cơ sở, đều nhận thấy sự “nhập vào” lần này là không cần thiết và không tương hợp với tính đặc thù của vùng, miền, khi những người đề xướng chỉ có một lý do duy nhất là căn cứ vào Diện tích, Dân số…, tóm lại, đó là những con số cơ học. Ở những xã xa xôi, hẻo lánh, người dân chỉ sợ khi NHẬP VÀO cho "bên trên các bác" được hoành tráng, thì “bên dưới chúng em”, rất khó được gần gũi với lãnh đạo cấp trên, khi địa hình vẫn chia cắt, phức tạp. Chúng em chỉ cầu mong cấp trên KHÔNG NHẬP VÀO nữa để người dân và cán bộ cơ sở được nhờ !...

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.