6064. Cũng là dối trá cả thôi ?


Cũng là dối trá cả thôi ?
PNTB


Bên cạnh tên ‘cúng cơm’, nhiều người còn có một hoặc vài cái DANH VỊ, được tổ chức hay xã hội công nhận. Đó là các chức danh như Chủ tịch, Bộ trưởng, Bí thư, Giám đốc…; đó là các học hàm, học vị như Giáo sư, Tiến sĩ…; đó là cấp bậc sĩ quan trong lực lượng vũ trang như Tướng, Tá; đó cũng là danh vị nghề nghiệp như Nhà báo, Nhà văn, Nghệ sĩ v.v…

Những người có danh vị, ít nhiều cũng cảm thấy tự hào khi xuất hiện trước công chúng. Đó là tâm lý bình thường. Nhưng cứ nhăm nhăm tìm cách khoe khoang danh vị của mình, hoặc cố gắng tìm cách “giới thiệu” danh vị của cấp trên không phù hợp ngữ cảnh…thì nhiều khi trở thành kệch cỡm... Lý do giới thiệu thừa danh vị có thể bị chi phối bởi hội chứng nịnh bợ “không trong sáng”, hoặc sợ “phạm húy”, làm mếch lòng thượng cấp?
Ví dụ, một ông có nhiều danh vị làm lãnh đạo, khi xuống cơ sở làm việc theo chức năng, thì chỉ cần giới thiệu ông ấy là Bộ trưởng, Bí thư, Chủ tịch…, phù hợp công việc là đủ. Nhưng cấp dưới đã liệt kê hết các danh vị, kiểu như: “Trân trọng giới thiệu đồng chí Tiến sĩ Trần Y, Ủy viên trung ương Đảng CSVN, Bí thư tỉnh ủy tỉnh MZ, Thiếu tướng Quân đội NDVN, Đại biểu Quốc hội nước CHXHCNVN, Trưởng ban chống tham nhũng tỉnh MZ… tới dự và chỉ đạo…”, khiến người nghe sốt hết cả ruột. Họ xì xào: “Ông ấy xuống đây kiểm tra công tác chung thì chỉ nên giới thiệu ‘đồng chí Trần Y…, bí thư tỉnh ủy’ là đủ, cần gì phải ‘tiến sĩ’, ‘thiếu tướng’, ‘ủy viên’ này nọ, lại còn phải nói rõ “…đb quốc hội nước CHXHCNVN” (!) Chẳng lẽ ông ấy là bí thư đảng CS Lào sang, hay đại biểu quốc hội Trung quốc hay sao mà phải dài dòng, mất thì giờ? Mà ông ấy bây giờ là ‘chính khách dân sự’ chứ có còn cầm quân đâu mà phải giới thiệu cả tướng với chả tá”…

(Thực ra, ở nước ta duy nhất chỉ có một trường hợp đặc biệt là cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông luôn ký tên với danh vị ‘Đại tướng’, chứ mọi chức danh khác đối với ông đều mờ nhạt. Chữ ‘Đại tướng’ đã gắn liền với tên tuổi Võ Nguyên Giáp như hình với bóng. Đó có thể là một lý do riêng, chưa thấy ai giải mã. Thiết nghĩ, mọi trường hợp khác không vì thế mà bắt chước.)

Tất nhiên, nếu một lãnh đạo khi đến tham gia một Hội thảo khoa học, thì có thể giới thiệu danh vị ‘Cử nhân’… ‘Tiến sĩ’, ‘Giáo sư chuyên ngành…’ nếu có, để cho danh chính, ngôn thuận, trong ngữ cảnh đó thì cũng là phải lẽ. Hay một vị trí thức có ý kiến xuất sắc về một vấn đề xã hội trước công chúng thì nói rõ danh vị của người đó cũng là phải lẽ…

Thông thường, những người có tài năng thật sự thành danh, thì họ chỉ muốn công chúng biết đến cái tên của họ là đủ. Có nhà thơ vốn đã nổi tiếng nói với tôi: “Ông cứ giới thiệu tên tôi, không cần nói là “nhà thơ” hay thêm thắt gì nữa nhé. Tôi hiểu, danh vị ‘nhà thơ’ chắc gì đã hơn tên tuổi của ông? Những người tự trọng họ biết rõ câu ‘hữu xạ tự nhiên hương’. Họ không muốn ai phải ‘lăng xê’ ba cái danh vị làm sang, đôi khi chỉ là danh hão. Mà khi phô ra danh vị, nhưng trong hoạt động thực tiễn, anh ta chẳng có công trình gì, tác phẩm gì, phẩm chất gì có giá trị bởi danh vị ấy mang lại thì càng… chán như con gián.

Thực ra, mọi sự khoe khoang, trong đó có khoe danh vị, chỉ phản ánh một nét văn hóa còn chưa đủ tầm của chủ thể. Điều này người viết cảm nhận đã lâu, nay nghe thấy anh em ‘chém gió’ trong một cuộc trà dư tửu hậu nên biên lại.

Ở xứ ta, lâu nay những triệu chứng háo danh, hình thức, khoe mẽ, nịnh bợ… đã phản ánh một căn bệnh có tên là DỐI TRÁ đang phát triển.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.