6063. Sa Pa không lặng lẽ

Sa Pa không lặng lẽ
PNTB
Thị trấn Sa Pa nhìn từ đường xuống bản Cát Cát dày đặc các công trình xây dựng phủ kín khắp các sườn đồi. (Ảnh: Việt Linh/Dân Việt)

Chắc không mấy ai không biết đến truyện ngắn nổi tiếng “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long công bố năm 1970, sau này được bộ Giáo dục đưa vào chương trình ngữ văn 9. Năm 2009, trong một chuyến qua Than Uyên (Lai Châu), tôi được bạn bè giới thiệu gặp một trong ba nguyên mẫu của truyện là nhân vật chính “Anh thanh niên trạm khí tượng – thủy văn Sa Pa”. Ông là Lê Văn Sử. Chúng tôi đã tạt vào thăm ngôi nhà xập xệ của ông cạnh chợ Than Uyên, và tôi đã chụp cho ông Sử một bức chân dung (ảnh trong bài). Nay được biết, ông đã về với tổ tiên.
Ông Lê Văn Sử, nguyên mẫu nhân vật "anh thanh niên Trạm Khí tượng Thủy văn Sa Pa), trong truyện "Lặng Lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long, công bố 1970.

20 năm trước, trong một Trại sáng tác của Hội VHNT tỉnh Lào Cai tại Sa Pa, bạn tôi là Lê Minh Thảo, nói đùa khi bế mạc trại: “Tác phẩm của tôi trong trại này là: “Sa Pa không lặng lẽ”, nhưng mới có cái title, nội dung sẽ công bố sau!...”. Tuy mới là nhan đề, nhưng có vẻ như một dự báo “phản biện” truyện của Nguyễn Thành Long. Đến nay đã hơn 20 năm, thay vì Lê Minh Thảo công bố tác phẩm thì đã có rất nhiều bài báo, phóng sự… viết về sự “không lặng lẽ” của Sa Pa. Ví dụ như bài: “Từ Sa Pa không ký ức đến trăn trở của những miền cổ tích trong sương” (http://reatimes.vn/tu-sa-pa-khong-ky-uc-den-tran-tro-cua-n…/), hoặc “Sa Pa, thấy dự án, không thấy giang sơn” (https://nguoidothi.net.vn/sapa-thay-du-an-khong-thay-giang…/)...
19 tuổi, lần đầu tiên tôi đặt chân lên Sa Pa vào một ngày cuối thu năm 1967. Đi cùng một người bạn, mỗi người một xe đạp ‘Vĩnh cửu’ Trung Quốc. Buổi sáng chúng tôi đáp tàu lửa từ ga Phố Lu lên ga Lào Cai, rồi đạp xe. Đến chân dốc cây 9 (Cốc San) thì bắt đầu dắt xe ngược dốc qua Tòng Sành, Trung Chải… khoảng gần 30 cây số. Tối mịt thì tới thị trấn Sa Pa. Trời lạnh. Cả thị trấn không có điện. Đường phố vắng teo. Đói và mệt. Mới chập tối mà ngó vào các cửa hàng ăn uống đã thấy đóng hết cửa. May còn một nhà hàng vẫn mở, le lói ánh đèn bão. Hai đứa xông vào hỏi đồ ăn. Chị chủ hàng nói, chỉ còn mỗi bánh mỳ gối (hình hộp chữ nhật, đúng bằng cái gối thật) và cục sữa bò, nom như bánh xà phòng ‘72’ Liên Xô… Ăn xong, chúng tôi đến Trạm vật tư nông nghiệp, cơ quan đồng nghiệp với anh bạn, được tiếp đón ân cần và bố trí chỗ ngủ. Tôi mệt quá, đầu óc choáng váng vì cuộc đánh bộ dắt xe leo dốc và lần đầu tiên tiếp xúc với khí hậu ở độ cao 1600m, nên vùi vào chăn bông, thiếp đi trong giấc ngủ sâu.
Sáng hôm sau tỉnh dậy, thấy người khoan khoái, dễ chịu bởi khí hậu trong lành. Nắng sớm vàng ươm như mật ong rót xuống những vườn hoa Thược dược, Cúc đại đóa, Hồng nhung…lung linh trong gió nhẹ. Đâu đó, trong trẻo những tiếng chim hót từ trên những lùm cây tỏa vào không gian tĩnh mịch. Những đụn mây trắng bồng bềnh trùm lên những ngôi nhà gỗ lợp ngói mũi hay gỗ thông, trát tooc xi, khiến tôi có cảm giác như lạc vào chốn tiên bồng… Sa Pa quả là tiềm năng của một địa danh du lịch.
Mới 9 năm trước đó (9/1958), Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm Lào Cai. Cụ đứng ở “K30”, bờ tả ngạn sông Hồng cùng với lãnh đạo tỉnh Lào Cai, ngắm quang cảnh thị xã, rồi chỉ tay lên hướng Sa Pa và nói: “Sau này các chú nên quan tâm xây dựng Sa Pa thành nơi nghỉ mát quốc gia…”.
Và Sa Pa đã trở thành “Khu du lịch” nổi tiếng, kể từ sau “đổi mới”. Lo lắng trong quá trình phát triển có thể khiến cho Sa Pa bị biến dạng, khi làm Chủ tịch và Bí thư tỉnh ủy, ông Bùi Quang Vinh, đã khởi xướng quan hệ hợp tác với vùng Aquitaine (Cộng hòa Pháp) để Quy hoạch du lịch Sa Pa. Ông Vinh đã báo cáo và được Chính phủ đồng ý, có công văn gửi vùng Aquitaine, ngày 21/01/2003, do Phó Thủ tướng Vũ Khoan ký. Ông Vinh cũng đích thân sang Pháp làm việc cụ thể, rồi mời đại diện vùng Aquitaine và Đại học Bordaeux sang Lào Cai & Sa Pa để thăm và triển khai dự án. Nhiều người biết chuyện rất kỳ vọng ở quan hệ hợp tác này, cho dù lúc đó (thời điểm 2004), Sa Pa đã ít nhiều biến dạng).
Những con đường ở Sapa giờ đây đầy ổ voi, ổ gà đọng lại thành
từng vũng nước bẩn thỉu mỗi khi mưa xuống. (Ảnh: Việt Linh/Dân Việt)

Đến nay thì hình như mọi thứ đã muộn?
Trong bài báo “Người ta đã hồ hởi phá tan nát Sa Pa ra sao?” của VTC New hôm 30/11 có đoạn: “Có cô kiến trúc sư người Pháp, yêu Sapa lắm, bỏ bao công sức, tiền bạc trị giá nhiều trăm ngàn đô, vẽ quy hoạch toàn bộ cho Sapa. Cô tuyên bố sẽ kêu gọi người Pháp bỏ hàng triệu đô quy hoạch chi tiết Sapa, bởi vùng đất này mang đậm dấu ấn của người Pháp. Thế nhưng, đề án quy hoạch đẳng cấp quốc tế của cô khi đem trình cán bộ ở đây thì chả ai thèm để ý, bởi cái bản quy hoạch chi tiết đó không phải là tiền tươi thóc thật”. (https://vtc.vn/nguoi-ta-da-ho-hoi-pha-tan-nat-sapa-ra-sao-d…)
Tôi không đủ kiến thức để đánh giá cái được, cái hỏng của quá trình phát triển Sa Pa, một địa danh rất đáng tự hào trên 'quê hương thứ hai' của mình. Song, trước những thông tin lo lắng và có phần bức xúc trên báo chí, nhiều lúc cũng chỉ biết thở dài…


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.