6060. “Cái Hài” trong bi kịch.


CÁI HÀI trong BI KỊCH
Nguyễn Ngọc Dương/ PNTB



Ở xứ ta lâu nay có một loại “bệnh” được sinh ra từ những bộ óc… “siêu đẳng”, luôn tìm cách che đậy cái xấu xa bản thể. Đó là BỆNH HÌNH THỨC, nôm na là cố tìm mọi cách khoe mẽ bề ngoài, nó liên quan đến ý thức GIẢ DỐI đang rất thịnh hành.

Trong khi đất nước còn quá nhiều khó khăn, nợ công, nợ xấu chồng chất (hàng triệu tỷ đồng), chủ yếu do làm ăn thất thoát, tham nhũng tràn lan, ăn tiêu phung phí… mà vẫn đua nhau xây tượng đài nghìn tỷ, xây trụ sở làm việc mới hoành tráng…

Rồi trang thiết bị làm việc từ cái ghế ngồi trở đi phải sao cho như cung vua, phủ chúa… Nhiều quan chức coi cái xe hơi của công như một đồ trang sức để khoe “đẳng cấp”, chứ đâu phải chỉ là phương tiện đi làm việc.

Vừa được bổ nhiệm vào chức vụ mới, đã thay xe, thay chỗ ngồi, thay bàn ghế, sơn sửa lại phòng, không chịu dùng lại phương tiện của người tiền nhiệm, dù còn tốt. Nhưng khổ nỗi chất lượng công việc thì ít nhất có 30% “sáng cắp ô đi, tối cắp về” (theo cựu CTQH Nguyễn sinh Hùng)… Cứ mỗi sau kỳ ĐH các cấp, sự “thay đổi” này thấy rất rõ.

Không ít người cố chạy chọt cái bằng “tiến sĩ” với mọi giá để lòe thiên hạ. Nhà nghiên cứu Vương trí nhàn cho rằng đó là tính háo danh dẫn đến vĩ cuồng.

Có tỉnh rất nghèo, cứ sắp đến Tết là phải lên Trung ương xin gạo cứu đói cho dân, nhưng vẫn cố tình xây tượng đài to, bất chấp dư luận phản đối, đêm giao thừa vẫn bắn pháo hoa xả láng, giương oai; lễ hội vẫn hoành tráng, không chịu ‘thua chị kém em’…

Bệnh hình thức lây lan khắp nơi, nhưng rõ nhất là ở ngành Giáo dục. Về HÌNH THỨC phải thừa nhận, chưa bao giờ trường lớp được xây dựng đẹp đẽ như bây giờ. Chưa bao giờ sách vở thừa thãi đến “oằn lưng” học trò như bây giờ. Chưa bao giờ giáo viên phải lo tập huấn, soạn giáo án, giáo trình, thực hiện các “phong trào thi đua sôi động” bởi sự chỉ đạo “ráo riết, quyết liệt” của các cấp quản lý như bây giờ. Cũng chưa bao giờ các cháu đi học cứ phải đồng phục, rực rỡ như bây giờ. Bộ mặt trường, lớp nào cũng sặc sỡ, xanh đỏ tím vàng, khẩu hiệu rợp trời, hoa mắt…Nhưng cái CỐT LÕI là làm thế nào để Giáo dục ra được CON NGƯỜI thực sự là động lực và mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, văn minh thì vẫn cứ lúng túng, chưa có lối thoát.

Chưa bao giờ đẻ ra lắm “quy trình chặt chẽ” như bây giờ mà vẫn xảy ra gian lận thi cử. Trong khi đó, chất lượng giáo dục để ra được SẢN PHẨM CON NGƯỜI thì “đức tính” NÓI DỐI ngày càng gia tăng. [Bệnh nói dối trong học sinh được GS.TS Trần Ngọc Thêm tổng kết sau cuộc điều tra xhh: Tỉ lệ nói dối cha mẹ của hs: Cấp 1 là 22%, cấp 2 là 50%, cấp 3 là 64% (Tuổi trẻ 24/9/2013)].

Hồi ông Nguyễn Thiện Nhân còn làm Bộ trưởng giáo dục đã phát động phong trào “nói không với bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử”. Ông còn dự đoán sau 4 năm thì “bệnh” sẽ lui! Ai ngờ, sau hàng chục năm, “bệnh” vẫn còn nguyên, có khi nặng ra.

Không ít người mua BẰNG CẤP THẬT để che đậy TRI THỨC GIẢ. Rồi đạo văn, ăn cắp kiến thức làm luận án khoa học để “làm sang” cái danh thiếp (card visit), để trở thành quan chức hãnh diện với đời. Thế nhưng có những ông quan như thế, vừa chém gió dạy Dân hôm trước, hôm sau đã thấy …vào “lò”...

Chưa bao giờ đất nước lắm GS, TS như bây giờ, nhưng khoa học không thấy phát triển, không có công trình nào đáng giá. Năng suất lao động xã hội vẫn lẹt đẹt, kinh tế đất nước vẫn tụt hậu…

Ở xứ ta bất chấp câu “tấm áo cà sa không làm nên thày tu”, bởi sự xấu hổ đã trở nên ‘xa xỉ’.



Những Kỷ niệm, Khai trương công trình, Hội nghị…đa số chỉ thấy nặng hình thức, nhẹ nội dung thiết thực. Ngày lễ, ngày tết đâu đâu cũng thấy cờ hoa lộng lẫy, cứ như thể lạc vào “phố hàng mã”. Không biết trên thế giới có nước nào lắm cờ hoa, khẩu hiệu như ở xứ ta? Tổ trưởng các khu dân cư, tổ dân phố nhiều khi khổ sở vì phải đi đốc thúc các hộ dân treo cờ, hết lễ, tết nhiều người quên không gỡ cờ xuống, tổ trưởng lại phải toát mồ hôi đến từng nhà nhắc nhở cất cờ đi. Ai không chấp hành là mất tiêu chuẩn “gia đình văn hóa”…

Mâu thuẫn giữa cái bên trong thối nát và cái bên ngoài mỹ miều là nội hàm của phạm trù “Cái Hài” trong Mỹ học. Hồi trẻ đi học, tôi vẫn nhớ định nghĩa: “Cái Hài là Cái Xấu, nhưng không đành phận xấu”, luôn phải tô son vẽ phấn, đeo mặt nạ để che đậy cái xấu xí bên trong. Nhưng rồi có lúc cũng hết son phấn, hoặc cái mặt nạ rơi xuống thì bất ngờ trật ra nguyên xi một SỰ THẬT TỒI TỆ, khiến công chúng không thể nhịn được cười. Ngày xưa thày tôi (quê tôi gọi bố là thày), khi gặp những hiện tượng như thế, cụ chỉ nói mỗi câu: “Cứt dớt có chóp”!

Con người ta ai chả muốn cái hay, cái đẹp. Tuy nhiên, cái đẹp phải hài hòa giữa bên trong và bên ngoài, không nên CỐ LÀM RA “VẺ BỀ NGOÀI/ để che đạy cái sơ sài bên trong”. Như thế thì trước sau cũng bại lộ. “Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại” vốn là thói đời giả dối, đánh lừa mọi người. Khi nó trở thành phổ biến, nó sẽ làm mất đi đức tính khiêm nhường, làm méo mó một xã hội có truyền thống ngàn năm văn hiến.

Có thể nói, BỆNH HÌNH THỨC đã sinh ra những cái HÀI trong tấn BI KỊCH XÃ HỘI, nó cũng phản ánh sự xuống cấp của một nền Văn hóa.

(Ảnh minh họa: Internet)

(PNTB)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.