6059. Bí mật & Công khai, minh bạch

BÍ MẬT & CÔNG KHAI, MINH BẠCH
Nguyễn Ngọc Dương/ PNTB

Hẳn không phải ngẫu nhiên mà hai khái niệm này lâu nay xuất hiện khá nhiều trên truyền thông.

Tất nhiên tôi không nói về ‘bí mật cá nhân’, mà là thuộc lĩnh vực quốc gia, liên quan đến quan hệ giữa Đảng, Nhà nước (gọi chung là Lãnh đạo) với Nhân dân.

Nhà nước ta, ngay từ ngày đầu lập nước, Lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng như Hiến Pháp cho đến nay luôn luôn khẳng định NHÂN DÂN LÀ CHỦ NHÂN CỦA ĐẤT NƯỚC. Điều đó có nghĩa là mọi hoạt động của Lãnh đạo cơ bản đều phải được CÔNG KHAI MINH BẠCH trước Nhân dân, không thể tùy tiện bưng bít. Tất nhiên phía Lãnh đạo có quyền được GIỮ BÍ MẬT những vấn đề liên quan đến AN NINH QUỐC GIA hoặc một số việc “nhậy cảm” sẽ bất lợi cho công việc chung khi sớm công khai hóa. Về những việc phải giữ BÍ MẬT đã được nhà nước đưa vào QUY ĐỊNH DANH MỤC BÍ MẬT QUỐC GIA. Nhưng tất cả đều có thời hạn, đến một lúc nào đó phải Giải mật. Nghe đâu có cái “Mật ước Thành Đô” giữa TQ và VN từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, mà nay Nhân dân, thậm chí cả cán bộ, đảng viên cấp cao cũng vẫn còn “treo những dấu hỏi” trên đầu? Trong khi đó, nghe đâu Thời báo hoàn cầu (phụ san Nhân dân nhật báo của Đảng CSTQ) đã nói toẹt ra từ mấy năm nay rồi, cứ rỉ rả trên MXH, chả biết đúng sai thế nào, khiến Nhân dân hoang mang, lo lắng?...

Thực tiễn cho thấy, không ít trường hợp đã bị lợi dụng “Bảo mật”, khi có sự tùy tiện không Công khai, minh bạch theo kiểu ngẫu hứng, hay giả vờ “quên”, hoặc có ý đồ vụ lợi để phục vụ cá nhân hay “lợi ích nhóm”, bất chấp nguyên tắc chung.

Một trong những nội dung liên quan đến CÔNG KHAI, MINH BẠCH là việc QUẢN LÝ & CHI TIÊU NGÂN SÁCH nhà nước. Hầu như nhiều ngành, nhiều cấp chính quyền không muốn xin ý kiến Nhân dân hoặc không cho cho Dân biết về “con đường đi của đồng tiền ngân sách”. Ngân sách nhà nước chủ yếu là tiền thuế của Dân, của ‘Ông Chủ’, mà người tiêu tiền này là ‘Đày tớ’ lại coi như “tiền chùa”, cứ ‘thoải mái’, ‘ông Chủ’ chả biết gì.  Hoặc tiêu theo kiểu “tiền trảm hậu tấu”, xong việc rồi mới báo cáo Quốc hội, HĐND (chưa kể có những việc QH, HĐND chỉ là cái bung xung, hợp pháp hóa cho người tiêu tiền).

Vì thế mới có chuyện “đội vốn” hơn 200% của Dự án Đường sắt Cát Linh – Hà Đông, để sinh ra một công trình quái thai, bôi nhọ bộ mặt Thủ đô. Vừa qua Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra việc bộ GTVT không báo cáo CP để trình QH khi dự án đội vốn… Cũng vì thế mới có chuyện mất trắng gần 800 triệu USD do PVN đầu tư Dự án khai thác dầu khí ở nước ngoài… Nhưng cái lớn nhất, phổ biến nhất là, hàng ngàn, hàng vạn dự án từ xã, phường đến Trung ương bị chi tiêu vô tội vạ, thiếu hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí, gây ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện “đục nước béo cò”, phát triển “sâu bọ” phá nát nền kinh tế quốc dân. Một khi không công khai minh bạch về chi tiêu ngân sách thì đương nhiên bọn quan tham coi ngân sách nhà nước là “tiền chùa”, là nước biển, lá rừng, tha hồ vùng vẫy.

Ở một góc nhìn khác là, về “CÔNG TÁC CÁN BỘ” cũng có quá nhiều “bật mí”. Gần đây, PGS.TS Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch QH có nói thẳng tại hội thảo khoa học ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG trong điều kiện mới là, cần CUNG CẤP THÔNG TIN NHÂN SỰ đại hội Đảng để tránh “râm ran tin đồn”, (theo VietnamNet). Và ông ấy cũng yêu cầu cần “CÔNG KHAI QUY HOẠCH CÁN BỘ trước Đại hội”. Có lẽ vì cán bộ là phục vụ Nhân dân, phải cho Dân biết để giám sát, chứ không phải giữ bí mật cho riêng Lãnh đạo.


Nói thật, lâu nay chúng ta “Quy hoạch cán bộ” cứ mặc định là một việc “bí mật” của riêng Đảng, của riêng một số người hay cơ quan chuyên làm việc này, nên cứ giữ bí mật. Thậm chí nghe đâu cả sức khỏe cán bộ cũng là “bí mật quốc gia”? Ô hay, cán bộ là gì, nếu không phải là những người phục vụ Nhân dân, là đối tượng phải gắn bó với Nhân dân. Nếu không thì cán bộ chẳng có lý do gì mà tồn tại. Do vậy, việc quy hoạch cán bộ, việc theo dõi cán bộ trong mọi động thái, việc bầu cử cán bộ, dù dưới sự lãnh đạo của Đảng vẫn phải công khai, phải dành THỰC QUYỀN cho Nhân dân, chứ không phải thông qua dân để làm vì. Đảng phải tin Dân, không nên lấy lý do “sợ thế lực thù địch” chống phá. Giả định nếu có một vài anh láu cá, phản động nằm trong Dân định phá hoại cũng chẳng làm gì được đâu, đa số Nhân dân ta là tốt, là đáng tin cậy. Lấy lí do đó để “bí mật” công tác cán bộ là không phù hợp.

Lại nhớ, trong một vụ việc cụ thể, Phó tổng thanh tra CP Ngô Văn Khánh năm 2015 đã ký văn bản đóng dấu “Mật”, về việc dừng thanh tra vụ Thủ Thiêm, khiến Hàng vạn người dân phải kéo dài cuộc sống khốn khổ nhiều năm, do mất đất, mất nhà, cuộc sống đảo lộn, gia đình ly tán… Đó phải chăng là hành động “phản chủ”? Ăn cơm mặc áo của Dân mà đối với Dân như thế đấy.

Trong cuộc tiếp xúc cử tri ở Đà Nẵng gần đây, một cử tri nói về vụ án Vũ “nhôm” rằng, tôi tham gia kháng chiến, chưa thấy trận đánh nào mà chúng ta mất nhiều tướng lĩnh như thế! Bí thư thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa trả lời: “Tất cả đều là từ các CƠ CHẾ, các QUY ĐỊNH trong lãnh đạo, trong sinh hoạt Đảng. Nếu như chúng ta làm việc MINH BẠCH, làm đúng quy định thì sẽ không có một Vũ “nhôm” như vậy” … Thừa nhận ông Nghĩa nói đúng. Thì ra mất lãnh đạo cao cấp và tướng lĩnh cũng là do những ‘cơ chế’, ‘quy định’ thiếu minh bạch!

Đó chỉ là vài ví dụ, chứ việc lợi dụng Bí mật khi có chức có quyền trong tay thì nhiều vô kể.

Có thể nói, lạm dụng Bí mật, thiếu Công khai minh bạch chính là hành vi LẠM QUYỀN, không thể chấp nhận được trong một chế độ mệnh danh là Dân chủ. Trừ những vấn đề về Bí mật quốc gia theo quy định, thì tất cả sự CÔNG KHAI MINH BẠCH đều là biểu hiện của tính DÂN CHỦ. Càng thiếu công khai minh bạch, càng giấu giếm thì càng thể hiện MẤT DÂN CHỦ, ĐỘC ĐOÁN, ĐỘC QUYỀN, dẫn đến ĐỘC TÀI. Đó là điều mà Nhân dân ta chắc chắn không mong muốn.

PNTB

(Hình minh họa: Internet)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.