6029. Đôi lời về 'chệch hướng'
ĐÔI LỜI VỀ “CHỆCH HƯỚNG”
![]() |
Hình minh họa (internet) |
Vào thời điểm 1994, sau khi hệ thống
Xã hội chủ nghĩa (XHCN) Liên Xô & Đông Âu sụp đổ, chúng ta còn bàng hoàng,
chưa rõ hết nguyên nhân. Do không hiểu hết bản chất của vấn đề, nên lúc đó rất
nhiều cán bộ, đảng viên hoang mang, kể cả cán bộ cao cấp. Trong một Nghị quyết,
Đảng đã nêu “4 nguy cơ” về sự đổ vỡ của chế độ, hy vọng khắc phục để giữ vững
quyền lãnh đạo của Đảng về CNXH…
Sau 25 năm, có lẽ chúng ta nên tĩnh
tâm, thẳng thắn nhìn lại những nhận định của thời điểm lịch sử đó. Riêng tôi,
đã cảm nhận được một số vấn đề.
Tôi cho rằng, có những nguy cơ lúc
đó Đảng đã xác định đúng, nhưng cũng có nguy cơ đến nay vẫn chưa rõ ràng. Về
nguy cơ THAM NHŨNG và TỤT HẬU KINH TẾ, Đảng đã nhận định chính xác. Nhưng rất
tiếc, chúng ta chưa đánh giá đúng nguyên nhân, tìm giải pháp đúng để khắc phục,
nên chỉ sau ít năm nó không còn là nguy cơ mà đã hiển hiện, ngày càng bộc lộ
nặng nề, thật sự chưa có lối ra hữu hiệu. Về nguy cơ “DIỄN BIẾN HÒA BÌNH” thì
cho đến nay, vẫn thấy mơ hồ. Tác giả Hải Lộc trong bài “Nhanh chóng khắc phục
các nguy cơ lớn để Việt Nam hùng cường”, đăng trên Vnn (18/3/2019) cũng viết: “Không
có đủ thông tin để lượng hóa được “nguy cơ diễn biến hoà bình của các thế lực
thù địch”…
Vậy tôi chỉ đi sâu về “NGUY CƠ CHỆCH HƯỚNG”. Chệch hướng là
có. Nhưng chệch hướng cái gì, chệch hướng như thế nào mới là vấn đề phải bàn. Có
rất nhiều người mơ hồ về CNXH, thậm chí cho rằng CNXH, tức là cái MÔ HÌNH XHCN
mà chúng ta đã tiếp thu từ Liên Xô thời Stalin và từ Trung Quốc thời Mao Trạch
Đông. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu Quốc tế đã chỉ ra, đó là những mô hình
XHCN đã bị “bóp méo” bởi những bàn tay độc tài, nó không còn “linh hồn” của Chủ
nghĩa Mác. Linh hồn ấy là PHÉP BIỆN CHỨNG DUY VẬT do Marx - Engel đề xướng. Cái
gốc của một xã hội tốt đẹp nhất định phải lấy phương pháp nhận thức duy vật
biện chứng làm nền tảng. Tôi cho rằng, các nước Tư bản ngày nay cơ bản khắc
phục được những thất bại của họ trong quá khứ để trở thành văn minh, hiện đại…
chính là nhờ vận hành theo phương pháp biện chứng duy vật, mặc dù họ không bao
giờ nói ra phạm trù này. Như vậy, chúng ta
phải rà soát lại từ gốc – Phép biện chứng duy vật, “hạt nhân” của học thuyết
Marxism, chứ không phải căn cứ trên những quan niệm cụ thể về mô hình của CNXH
đã bị “tam sao thất bản”, để đánh giá chệch hướng hay không. Thực ra, nếu có một
CNXH đã bị bóp méo, thì chệch hướng, lại là điều may mắn. Và nếu chúng ta cứ mò
mẫm theo cách đó để tìm mô hình cụ thể của CNXH thì khác nào như tìm kim đáy bể...
Nhận thức luận Mac xít
khẳng định THỰC TIỄN LÀ TIÊU CHUẨN CỦA CHÂN LÝ. Chỉ riêng luận điểm này, nếu
trung thành với Marx chúng ta phải thường xuyên đối chiếu lý thuyết (mọi chủ
trương, đường lối, nghị quyết…) của Đảng xem có gì xa rời thực tiễn không. Nếu
có thì phải kịp thời điều chỉnh. Những chủ trương, đường lối… đưa vào thực tiễn
gây ra sự suy giảm lòng tin của nhân dân, khiến bất ổn xã hội, thì phải dám
nhìn thẳng vào sự thật mà kiên quyết gạt bỏ, chứ không vì đã trót mà cứ chữa
loanh quanh, không giải quyết tận gốc. Theo Marx, mọi lý thuyết không phù hợp
thực tiễn, bao giờ cũng dẫn đến thất bại. Thất bại đó không thể khắc phục bằng
việc sửa chữa thiếu căn cơ, càng không thể khắc phục bằng Ý CHÍ và QUYỀN LỰC.
Theo phép biện chứng của Marx, thì dùng ý chí để thay đổi thực tiễn chính là
hành động DUY TÂM CHỦ QUAN - phản Marx;
dùng quyền lực để khuất phục dân chúng, nếu không nói là đè bẹp ý dân, thì đó
là PHẢN DÂN CHỦ, phản Marx. Bởi Marx - Engel dựa vào chủ nghĩa Duy vật lịch sử
vận dụng từ phép biện chứng duy vật của mình để khẳng định NỀN DÂN CHỦ XHCN - “CÁCH
MẠNG LÀ SỰ NGHIỆP CỦA QUẦN CHÚNG”…, không một tổ chức, cá nhân nào thay thế
được quần chúng nhân dân. Rất nhiều những nguyên lý sơ đẳng trong Triết học
Marx đã bị một số người trong hệ thống XHCN từ khi ra đời lấp liếm đi và làm
ngược lại.
Khi tìm hiểu Chủ nghĩa
Marx tôi được biết, chính K.Marx, F.Enggel chỉ trong một thời gian ngắn, cũng
đã không phải một lần dũng cảm phê phán một số luận điểm trước đó của mình một
cách thẳng thắn, chân thành. Các ông luôn PHẢN TỈNH, tự phê phán khi thực tiễn
đã có sự thay đổi. Còn nhớ, sau khi Marx mất, Enggel đã sửa một luận điểm quan
trọng trong Lời nói đầu tác phẩm Hệ tư tưởng Đức và ông khẳng định, “nếu Mác
còn sống cũng sửa như tôi”. Đó là tinh
thần khách quan, tính khoa học của Biện chứng pháp triết học Marx. Thực tế cho
thấy, có những mô hình mà Marx – Enggel tiên đoán, xã hội sẽ vận động như thế
này, thế kia, nhưng sau hàng trăm năm, nó đã vận động khác tiên đoán của các
ông. Đó là chuyện bình thường bởi các ông là Thiên tài, nhưng không phải là
Thánh… Thiên tài, đó là biết ĐỔI MỚI TƯ DUY theo thực tiễn. Vậy, liệu chúng ta
có thể cứ giữ nguyên “cái ngọn”, mà vô tình từ bỏ “cái gốc” của học thuyết
Marxism? Cái gốc là PHƯƠNG PHÁP. K.Marx và F.Enggel đã nhiều lần nhấn mạnh lý luận của các ông KHÔNG
PHẢI LÀ MỘT THỨ GIÁO ĐIỀU để tuyệt đối tuân thủ hoặc áp dụng một cách máy móc.
Học thuyết đó chỉ là PHƯƠNG PHÁP. Bởi phải gắn lý luận với thực tiễn nên Chủ
nghĩa Marx không phải là một CÔNG THỨC, MỘT MÔ HÌNH để áp dụng trực tiếp, mà nó
mang TINH THẦN PHÊ PHÁN, SÁNG TẠO, BỞI THỰC TIỄN LIÊN TỤC PHÁT TRIỂN ngoài ý
thức của bất kỳ cá nhân hoặc nhóm người nào…
Năm 1848, cách nay 171
năm, khi Marx - Enggel công bố “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” với những vấn đề
cụ thể, thì đó là thời kỳ mà Chủ nghĩa Tư bản phương Tây hoàn toàn khác ngày
nay, thế giới với những thành tựu của cách mạng khoa học công nghệ đến lúc đó
cũng rất khác ngày nay. Thực tiễn cuộc sống ngày nay có nhiều điều mà lúc ấy
chưa ai có thể nghĩ tới… Khi thực tiễn
đã thay đổi quá nhiều mà không chịu đổi mới tư duy theo kịp thực tiễn, cứ “kiên
trì”, “kiên định”, cố thủ mãi những suy nghĩ lỗi thời thì đó phải chăng là DUY
TÂM, DUY Ý CHÍ VÀ PHẢN LẠI TINH THẦN CHỦ NGHĨA MÁC? Rất tiếc không có phép màu
nào để các nhà Kinh điển thông thái của chúng ta sống lại. Nếu có, tôi tin
rằng, ngày nay các ông sẽ sửa đổi rất nhiều, thậm chí có những vấn đề tưởng như
rất hay, rất tốt, các ông vẫn có thể từ bỏ, nếu nó trái thực tiễn, chỉ giữ lại
cái gốc PHƯƠNG PHÁP LUẬN, bởi các ông đã khẳng định (xin nhắc lại): HỌC THUYẾT
CỦA CHÚNG TÔI KHÔNG PHẢI LÀ GIÁO ĐỀU, MÀ CHỈ LÀ PHƯƠNG PHÁP. Nếu chúng ta cứ
bám vào những MÔ HÌNH TIÊN ĐOÁN CỤ THỂ, vào những CÂU CHỮ thời ấy của
các nhà kinh điển, khi thực tiễn đã thay đổi, thì đó là GIÁO ĐIỀU, là xa rời
linh hồn của Chủ nghĩa Marx. Đó mới thực sự là CHỆCH HƯỚNG.
Sau
hơn 100 năm, kể từ Cách mạng tháng Mười Nga, các nước trong Hệ thống XHCN trước
đây từ Âu sang sang Á, sang Mỹ latin với nhiều lý do khác nhau, đã làm “méo mó”
quá nhiều tinh thần Chủ nghĩa Mác. Điển hình là đã xa rời nguyên lý gốc - Phép
biện chứng duy vật, - mặc dù vẫn tự nhận là “trung thành”. Paul R. Gregory trong bài: “Vì sao CNXH thất bại?” (Nghiên
cứu Quốc tế) viết rằng: “Những kỵ sĩ tệ hại như Stalin, Mao, Fidel, Pol Pot và
Hugo Chavez đã chọn những chiến thuật và chính sách dẫn con ngựa XHCN của họ đi
trật đường. Nhưng trên thực tế, một cái nhìn vào cách thức Liên Xô hoạt động lại
bộc lộ rằng, chính BẢN THÂN CON NGỰA mới là vấn đề…”
Tựu trung, trong lịch sử
vận động của mình, nhiều nước XHCN đã THAY THẾ SỰ TÔN TRỌNG KHÁCH QUAN, TÔN
TRỌNG QUẦN CHÚNG NHÂN DÂN BẰNG Ý CHÍ CỦA NHÀ LÃNH ĐẠO. Đó là điều vô lý nhất,
và là nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến sự đổ vỡ không thể cứu vãn của Hệ thống
XHCN thế giới.
Hy vọng đại hội 13 tới,
Đảng mạnh dạn đổi thay, bám sát vào “linh hồn Chủ nghĩa Marx”, chứ không phải
mô hình CNXH méo mó như đã làm, thì sẽ không sợ chệch hướng mà vẫn giữ được sự
lãnh đạo của Đảng với mục tiêu: “Dân giàu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn
Minh”. Còn nếu không, thì mọi khẩu hiệu tốt đẹp nhất cũng chỉ là khẩu hiệu.
Tháng Bẩy năm 2019
Nguyễn Ngọc Dương
Nhận xét