6043. 50 năm Di chúc Hồ Chí Minh, đọc lại và suy ngẫm


50 NĂM DI CHÚC HỒ CHÍ MINH ĐỌC LẠI VÀ SUY NGẪM
Tác giả: Tương Lai

(PNTB) - Ngày 2/9/ 2019, thấm thoắt đã đến ngày giỗ lần thứ 50 của Bác Hồ, cũng là 50 năm thực hiện Di chúc của Người. Có người bảo tôi, tư tưởng của Bác tập trung ở mấy văn kiện quan trọng nhất là DI CHÚC CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP 2/9/1945 và HIẾN PHÁP 1946 do Hồ Chí Minh làm Trưởng Ban Soạn Thảo, ông nên viết một bài làm rõ những Tư tưởng cốt lõi của Người để đối chiếu với thực tiễn xem chúng ta đã thực hiện được như thế nào.

Tôi đang loay hoay đọc lại những văn kiện đó thì ngẫu nhiên bắt gặp trên internet bài viết của G.S Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam. Đó là những phân tích, đánh giá về tư tưởng Hồ Chí Minh rất thuyết phục. Vậy xin trân trọng trích đăng một đoạn bài viết của ông về Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh.

(Tương Lai) - Điều đầu tiên cần thấy rõ “Di Chúc” là một sự dồn nén, chưng cất ý tưởng, tình cảm đạt tới độ minh triết của một tầm vóc tư duy không bị ràng buộc và câu nệ bởi bất cứ cái gì: thời gian thúc bách hay không gian hạn hẹp. Vì thế, chúng ta có quyền tin chắc vào độ “chín”, đạt đến sự tường minh của tư tưởng được thể hiện trong Di chúc.

Hồ Chí Minh viết “Di chúc” trong một tâm thế bình tĩnh, ung dung để có thể đắn đo cân nhắc từng chữ từng câu, từng ý. Hoàn toàn không thể có chuyện vội vã nên quên ý này, ý khác, nhầm lẫn hoặc bỏ sót từ này, chữ kia… Mà ngược lại, mỗi ý, mỗi câu, mỗi chữ, mỗi dấu phẩy, dấu chấm đều được cân nhắc rất kỹ, sửa đi, sửa lại nhiều lần. Vậy mà, Hồ Chí Minh không nhắc đến mục tiêu xây dựng Chủ nghĩa Xã hội trong Di Chúc!

Mục tiêu của toàn bộ sự nghiệp Hồ Chí Minh được thể hiện rất rõ ràng, rất dễ hiểu trong “Điều mong muốn cuối cùng”, cũng là câu kết thúc Di Chúc: “xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Cần lưu ý rằng, dành bốn năm để viết có một nghìn chữ, kể cả những lần bổ sung! Sau bốn năm xem lại lần cuối cũng chỉ sửa có ba từ.

Bằng sự từng trải và chiêm nghiệm của một người mà cả cuộc đời dành trọn vẹn cho việc tìm đường cứu nước, toàn bộ trí tuệ và tâm huyết cũng như bản lĩnh và kinh nghiệm của một nhà cách mạng chuyên nghiệp, một nhà văn hoá uyên bác từng dồn hết cho công cuộc chèo lái con thuyền cách mạng qua biết bao phong ba bão táp, thác ghềnh đến được cận kề với mục tiêu, vào lúc tĩnh tâm nhất để có thể đạt tới sự minh triết, Hồ Chí Minh đã hiểu rõ dân tộc mình, nhân dân mình cần cái gì. Phải bằng cách hiểu đó, chúng ta mới tiếp cận được với điều mà Hồ Chí Minh muốn gửi gắm lúc sắp ra đi.

Hồ Chí Minh chỉ có một ham muốn, “ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi.” (1). Đây là câu trả lời các nhà báo nước ngoài tại Hà Nội ngày 21.1.1946 với tư cách là Chủ tịch nước.

Hoàn toàn không phải là một ứng xử chính trị trong hoạt động ngoại giao của một chính khách, đây là điều tâm huyết, dường như thường trực trong tình cảm và tư tưởng của Hồ Chí Minh, trong cốt cách của Hồ Chí Minh, một người am hiểu văn hoá Phương Tây song lại rất thấm nhuần triết lý Phương Đông, xuất thân trong một gia đình nho học, bằng lao động kiếm sống để bôn ba nhiều nước của nhiều châu lục để tìm đường cứu nuớc. Vì thế, lại đọc thấy ý đó trong câu trả lời một nhà báo nước ngoài một năm sau, ngày16.7.1947: “Tôi chỉ có một điều ham muốn là làm cho Tổ quốc tôi được độc lập, thống nhất, dân chủ. Bao giờ đạt được mục đích đó tôi sẽ trở về làm một người công dân du sơn ngoạn thủy, đọc sách làm vườn”.(2).

Điều ham muốn đó, ham muốn đến tột bậc đó, hai mươi năm sau sẽ được Hồ Chí Minh đúc kết thành chân lý, thành mệnh lệnh chiến đấu của cả dân tộc “không có gì quý hơn độc lập tự do”. Rồi cũng chính điều ham muốn đến tột bậc ấy theo người đến hơi thở cuối cùng, thể hiện trọn vẹn trong câu kết của “Di chúc”.

Có thể khẳng định mục tiêu của cả cuộc đời Hồ Chí Minh từ lúc bôn ba tìm đường cứu nước cho đến những ngày cuối cùng đọng lại trong Di Chúc là trước sau như một. Điều ấy thể hiện trong những cột mốc quan trọng nhất là Tuyên Ngôn Độc lập 2.9.1945 khai sinh ra nước Cộng hoà Dân chủ Việt Nam; Hiến Pháp1946; đổi tên Đảng thành Đảng Lao Động Việt Nam năm 1951.

Với Tuyên ngôn Độc lập 2.9.1945, Hồ Chí Minh đã mở đầu bằng trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của của Cách mạng Pháp 1791. Cần nhớ rằng, Hồ Chí Minh đến nước Nga từ những năm 20 của thế kỷ XX và sống ở nước Nga của Cách mạng Tháng 10 khá lâu. Đâu phải chỉ vì lý do tranh thủ Đồng Minh, mà là thể hiện tầm nhìn thời đại và sự nhất quán về mục tiêu độc lập dân tộc, dân chủ và tự do để mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Chỉ một tháng sau ngày đọc tuyên ngôn, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.(3).

Điều ấy được tô đậm thêm với bản Hiến pháp 1946 do Hồ Chí Minh làm Trưởng Ban Soạn thảo. Nghiêm cẩn nhìn lại, đối chiếu với những bản Hiến pháp sau này khuôn theo hình mẫu Xô Viết, đặc biệt là Hiến Pháp 2013(…) đặt Cương lĩnh của đảng lên trên Hiến pháp và quyết liệt gạt bỏ nguyên tắc “tam quyền phân lập”, mới thấy tầm vóc thời đại của tư duy Hồ Chí Minh và những người tham gia soạn thảo buổi ấy.

Tiếp đó, với sự kiện đổi tên Đảng là Đảng Lao Động Việt Nam theo quyết định của Đại hội II 1951 với nhận định của Hồ Chí Minh: Đảng Lao động Việt Nam “phải là Đảng của dân tộc Việt Nam” càng hiểu rõ dự cảm thiên tài của Hồ Chí Minh vượt xa những vấn đề chiến lược và sách lược có tính thời đoạn. Giờ đây, trước diễn biến của thời cuộc, với bối cảnh mới của thế giới khi Việt Nam từng bước hội nhập và phát triển trong thời đại kinh tế tri thức của nền văn minh trí tuệ càng thấy rõ hơn điểm sáng trong tư tưởng Hồ Chí Minh có ý nghĩa soi rọi đường đi, nước bước của dân tộc trong một thế giới đầy biến động với những bước đột phá mà mọi dự đoán đều không chắc chắn.

Chính điểm sáng ấy trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã làm nổi bật nét u tối trong tầm nhìn thiển cận và lạc điệu (…) chỉ tự giam mình trong cái vòng kim cô ý thức hệ XHCN để tìm sự hà hơi tiếp sức của kẻ thù xem là người đồng chí cùng chung ý thức hệ XHCN (…)

Đã đến lúc phải “nghiêm chỉnh” đọc thật kỹ, suy ngẫm thật thấu đáo về “Di Chúc” nhân dịp 50 năm ngày công bố, (…) trong khi kẻ thù cướp nước đang toan tính những thủ đoạn thâm hiểm và trắng trợn. Chiến hạm Quang Trung đang rẽ sóng can trường giữa Biển Đông để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng trên Bãi Tư Chính. Lớp lớp sóng triều của ý chí quật khởi và tinh thần yêu nước đang trào dâng sẽ “nhấn chìm bọn bán nước và lũ cướp nước” như Hồ Chí Minh từng cảnh báo.

Đọc kỹ Di Chúc Hồ Chí Minh để có hành động thiết thực, trước hết là sát cánh cùng với những người con yêu của Tổ Quốc đang dũng cảm đương đầu với kẻ thù trên sóng biển, trên các giàn khoan và cũng từ đó mà nhìn rõ hơn sự bịp bợm của những lời rao giảng của những kẻ phản dân, hại nước đang bôi nhọ Di Chúc Hồ Chí Minh!

Ngày 27.8.2019
Tương Lai
___________
1. Hồ Chí Minh Toàn tập. Tập 4. NXBCTQG. Hà nội, 1995. tr 161
2. Hồ Chí Minh Toàn tập. Tập 5. NXBCTQG. Hà nội, 1995. tr 171
3. Hồ Chí Minh Toàn tập. Tập 4. NXBCTQG. HN. tr.56

Chú thích của người trích: những đoạn, câu chữ có ba chấm nằm trong ngoặc đơn: (…), là do người trích lược bỏ cho phù hợp quan điểm, văn phong của trang chủ.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.