6023. Vai trò của Truyền thông xã hội


 Vai trò của Truyền thông xã hội
TS. Nguyễn Ngọc Chu

(PNTB) Lĩnh vực truyền thông ở nước ta, lâu nay người ta nói có hai “lề”, trong đó MXH (truyền thông xã hội), được gọi là “Lề trái”, kể từ ngày ông Lê Doãn Hợp, Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương “khởi xướng” khái niệm này. Vì thế có nhiều định kiến với “Lề trái”…  Tuy nhiên, bằng những phân tích khoa học, bằng quan sát và kinh nghiệm thực tế, TS Nguyễn Ngọc Chu đã có bài viết: “Biến truyền thông xã hội thành siêu kênh thông tin hai chiều phục vụ quản lý nhà nước”. Bài đăng trên Văn Hóa Nghệ An. Bay lên Việt Nam trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
----------------------------------------------------

1.SỨC MẠNH VÔ ĐỐI CỦA TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI

Tiến bộ công nghệ đã mang đến cho nhân loại những điều kỳ diệu. Trong số đó, lĩnh vực truyền thông thuộc nhóm ngành có những thay đổi thần kỳ vào loại bậc nhất. Sự thay đổi huyền diệu của truyền thông nhờ công nghệ thể hiện rõ nhất qua sự thay đổi của các kênh truyền thông chủ đạo.

1.Công nghệ in, từ khi xuất hiện, đã trở thành một trong những nhân tố chìa khóa quyết định sự phát triển của truyền thông in ấn. Báo giấy, tạp chí, sách, tranh ảnh, áp phích… trở thành những công cụ truyền thông chủ đạo, đưa thông tin và tri thức đến với từng cá thể. Liên quan đến công nghệ in ấn chính là kênh truyền thông thứ nhất.

2. Âm thanh là kênh truyền thông thứ hai có sức mạnh “xuyên lục địa”. Nhờ phát thanh mà cả thế giới liên kết qua tiếng nói tức thì, qua núi cao biển rộng, đến khắp hang cùng ngõ hẻm của hành tinh.

3. Hình ảnh là kênh truyền thông thứ ba làm thay đổi sức mạnh và vai trò truyền thông trong sự phát triển của nhân loại. Từ khi có truyền thông hình ảnh, đời sống nhân loại đã bước lên một đẳng cấp mới.

Tất cả 3 kênh truyền thông trên, từ khi ra đời cho đến trước khi internet xuất hiện, về cơ bản là các kênh truyền thông thuộc sở hữu của các tập thể và các quốc gia. Số chủ sở hữu của các kênh truyền thông này chiếm tỷ lệ phần trăm nhỏ so với toàn thể nhân loại.

Nhưng từ khi internet ra đời, truyền thông đã chuyển đổi sang một thế giới mới.

Tất cả ba kênh truyền thông kinh điển đã nhập thành một - trong một tài khoản cá nhân trên mạng xã hội. Và bất cứ ai trên quả địa cầu cũng trở thành chủ sở hữu của cả 3 kênh truyền thông nêu trên - nhờ sở hữu một hay nhiều tài khoản cá nhân trên hệ thống các mạng xã hội.

Bởi thế, chủ sở hữu các kênh truyền thông hiện nay nhiều hơn dân số của nhân loại. Các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội đã hợp thành truyền thông xã hội, có sức mạnh vô đối, mà không một hãng truyền thông truyền thống nào có thể “so găng”. Đó là điều không chối cãi.

II. NHỮNG NHƯỢC ĐIỂM CẦN VƯỢT QUA CỦA BÁO CHÍ NHÀ NƯỚC

Không nói về những thành tựu. Chỉ nêu ra những khiếm khuyết để hoàn thiện. Trong thời đại thống trị của mạng internet toàn cầu, mạng xã hội, như trên đã nêu ra, có sức mạnh truyền thông vô đối. Báo chí nhà nước và những người làm báo cho nhà nước phải có những bước chuyển mình mang tính lột xác mới có thể theo kịp bước tiến của công nghệ và song hành cùng truyền thông xã hội. Muốn được như vậy, trước hết phải thấy được những điểm yếu cần cải thiện. Truyền thông nhà nước có 4 yếu thế sau đây trước truyền thông xã hội.

1. Độ chậm trễ trong dịch vụ cung cấp thông tin

Nếu truyền thông xã hội, chủ tài khoản cá nhân trên mạng xã hội (facebook hay twitter, youtube…) có được thông tin thì họ có thể công bố thông tin tức thì theo quyết định của cá nhân họ.

Trong khi đó thì truyền thông nhà nước, nhà báo có thông tin phải đệ trình, ít nhất qua một lần kiểm duyệt, thì mới được đăng tải thông tin. Độ thua về tính tức thời của thông tin trong truyền thông nhà nước so với truyền thông xã hội là rất rõ ràng.

Giải pháp khắc phục bất lợi này: Là phân quyền quyết định cung cấp thông tin và chịu trách nhiệm thông tin mình đăng tải xuống mắt xích cuối cùng - nhà báo. Chỉ một nhóm hạn chế các thông tin - mới cần đến sự quyết định của 2 người trở lên.

2. Yếu thế thứ hai là hạn chế bởi “vùng cấm”

Nếu mạng xã hội có thể đề cập đến bất cứ điều gì, thì truyền thông nhà nước bị hạn chế ở một số “địa hạt” gọi là “vùng cấm”.

Giải pháp phá bỏ bất lợi này làm nhỏ nhất có thể phạm vi “vùng cấm” và cho phép đăng tải thông tin mang tính thông báo để xóa nhòa “vùng cấm”.

3. Yếu thế thứ ba là tính một chiều 
Truyền thông nhà nước có nhiệm vụ định hướng. Vì định hướng, nên về cơ bản, không đăng tải thông tin chiều trái ngược. Điều này, một mặt, chứa đựng sự mâu thuẫn của tính biện chứng đối lập. Mặt khác, như là hệ quả kéo theo - không bao quát được đối tượng, và dẫn đến hao hụt khách hàng.

Giải pháp: Cho đăng tải thông tin đa chiều kèm theo bình luận phân tích. Nhưng phải là những phân tích có tính thuyết phục với các dữ liệu tin cậy.

4. Yếu thế thứ tư giới hạn về không gian thông tin

Truyền thông nhà nước phục vụ nhà nước nên truyền tải thông tin liên quan đến nhà nước là chủ yếu. Như vậy không gian thông tin của nhà nước nhỏ hơn không gian thông tin của toàn xã hội. Do vậy truyền thông xã hội có nguồn thông tin và đối tượng thông tin rộng lớn hơn.

Giải pháp khắc phục: Là mở rộng bao phủ thông tin lên toàn xã hội qua lưới chọn lọc. Lưới chọn lọc vừa điển hình vừa trù mật. Sự tinh tế và hiệu quả của lưới chọn lọc phụ thuộc vào tài năng của nhà báo và lãnh đạo báo chí.

Đừng nghĩ rằng nói ra yếu thế là mình yếu thế. Chỉ kẻ mạnh mới thường xuyên tìm kiếm điểm yếu của mình để hoàn thiện. Nhờ đó, đã mạnh lại càng mạnh hơn.

III. HAI LỢI ÍCH TO LỚN CỦA MẠNG XÃ HỘI ĐỐI VỚI NGƯỜI LÃNH ĐẠO

Ở trên đã nói đến sức mạnh vô đối của truyền thông xã hội. Người lãnh đạo sáng suốt sẽ biết sử dụng sức mạnh vô đối của truyền thông xã hội. Dưới đây sẽ đề cập đến 2 sức mạnh to lớn của mạng xã hội trong công cụ của người lãnh đạo.

1. Mạng xã hội là phương tiện đắc lực giúp cho người lãnh đạo nghe được tiếng nói của nhân dân.

Vì sợ thông tin một chiều, mà Cụ Hồ đã nhiều lần vi hành để nghe tiếng nói của dân. Nay người dân thể hiện tiếng nói của mình qua mạng xã hội là một lợi thế giúp cho lãnh đạo nghe được tiếng nói của dân mà không phải vi hành.

Còn hơn thế nữa. Vi hành chỉ được vài lần và chỉ nghe được tiếng nói của số ít. Mạng xã hội cho phép người lãnh đạo cùng lúc nghe được tiếng nói của hàng triệu người dân. Đó là lợi thế vô đối của mạng xã hội.

2. Mạng xã hội là phương tiện đắc lực giúp truyền tải chủ trương đường lối của người lãnh đạo đến toàn dân.

Khi người lãnh đạo biết sử dụng mạng xã hội, thì tức thì họ được kết nối trong mạng xã hội của toàn dân. Lúc đó mỗi thông tin mà họ đưa ra trên tài khoản cá nhân của họ cũng ngay tức thì được toàn mạng xã hội truyền tải.

Như vậy, người lãnh đạo giỏi thì biết sử dụng mạng xã hội để chuyển tải ý kiến, chủ trương đường lối của nhà nước đến với toàn dân. Nhiều khi nhanh hơn, hiệu quả hơn cả các phương tiện truyền thông của nhà nước.

KẾT LUẬN

1. Mạng xã hội là sản phẩm của tiến bộ khoa học và tiến bộ nhân loại. Bởi thế không thể chống đối mạng xã hội mà chỉ có thể đồng hành cùng mạng xã hội.

2. Mạng xã hội là sản phẩm của loài người nên không bao giờ hoàn hảo. Bởi thế, mặt trái của mạng xã hội cũng là cơ hội để hoàn thiện mạng xã hội chứ không phải là lý do để chối bỏ nó. Hạn chế mặt trái của mạng xã hội chính bằng phương pháp quản lý và bằng chính công cụ của mạng xã hội chứ không phải là cấm đoán.

3. Mạng xã hội là tiếng nói của dân nên phải nghe mạng xã hội để biết tiếng nói của dân. Từ đó có kế sách thích hợp giúp cho quản lý và điều hành nhà nước tốt hơn.

4. Phải biết sử dụng mạng xã hội để mạng xã hội trở thành phương tiện truyền thông phục vụ cho công tác quản lý nhà nước.

Người cái thế thì trí tuệ và tâm thế cái thế. Do vậy luôn biết sử dụng sức mạnh và trí tuệ của người khác mà không hề sợ hãi bị lấn lướt. Vì không sợ hãi bị lấn lướt nên không bị lấn lướt.

Mạng xã hội là một sức mạnh cái thế. Biết sử dụng mạng xã hội thì tự sẽ trở nên cái thế. Sợ mạng xã hội là tự mình bỏ đi sức mạnh cái thế trời cho, rồi tự biến mình thành kẻ yếu thế tụt hậu.

Còn kìm hãm mạng xã hội là tự mình đối đầu với sức cái thế, đi ngược với quy luật phát triển mà biến thành kẻ thù của tiến bộ nhân loại.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.