6018. Nghịch lý


Nghịch lý
PNTB

Tôi có người bạn khoe, có thằng cháu nội học giỏi lắm, từ đầu chí cuối. Thế mà hôm rồi thi vào lớp 10 không đỗ. Nhà nghèo, bố cháu phải đi làm xa lấy tiền nuôi vợ con. Ở nhà, mẹ cháu suốt ngày lo cho con ăn học. Thấy cháu học giỏi cũng mừng. Ai ngờ vừa rồi trượt lớp 10 khiến cả nhà buồn chán. Cháu ôm mặt khóc… Còn mẹ nó thì quá thất vọng nên đay nghiến, chửi con: “Nhục chưa con ơi, sao mày không đâm đầu xuống sông mà chết đi cho rồi!…”. Thấy con dâu nói vậy, bà nội vội lôi cháu về ở với bà một thời gian cho khuây, kẻo lại cái sảy nảy cái ung, sinh bi kịch khôn lường.
Trên truyền thông, nhiều năm nay phản ánh một hiện tượng khá phổ biến là nhiều học sinh khi học thì giỏi nhưng khi thi thì rớt.
Điển hình nhất là bài báo của Hoài Nam (báo Dân Trí hôm 3/7) “Nghịch lý: “Học sinh giỏi + đề hay = Điểm thấp (https://dantri.com.vn/…/nghich-ly-hoc-sinh-gioi-de-hay-diem…)

Bài báo cho hay: “Học sinh giỏi, đề hay nhưng kết quả thi thấp, kỳ thi lớp 10 ở TPHCM đã "lật bài ngửa" nhiều vấn đề về chất lượng dạy học trong nhà trường.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2019-2020 có gần 49,7% (gần 40.000 thí sinh) có bài thi môn Toán điểm từ 5 trở xuống. Môn tiếng Anh có đến 58,4% bài thi điểm dưới 5. Trong đó, có hàng trăm bài thi bị 0 điểm và bài điểm 1, 2, 3 nhiều vô kể.
Thiết nghĩ, TP HCM chỉ là một ví dụ. Bộ Giáo dục nên tổng kết toàn quốc xem sao? Tôi gõ thử từ khóa “học giỏi thi trượt” vào Google, nháy mắt cho hơn 800 nghìn kết quả. Có rất nhiều bài báo phản ánh hiện tượng “Học tài thi phận” này.
Vậy đâu là bản chất của nghịch lý?
Chắc chắn không phải các nhà giáo dục dạy một đằng, cho thi một nẻo. Cũng chắc chắn không phải các cháu học sinh học giỏi mà thi lại trượt. Chắc chắn nó chỉ phản ánh cái sự “giỏi” giả tạo.
Lớp nào, trường nào cũng phải thực hiện “phong trào thi đua sôi nổi”: “dạy tốt, học tốt”. Mà kết quả phải thể hiện ra những con số thống kê, những tỉ lệ học sinh khá, giỏi năm này cao hơn năm trước. Có như thế mới có thành tích. Lớp có thành tích thì trường mới có thành tích. Trường có thành tích thì địa phương mới có thành tích. Nhiều địa phương có thành tích thì Bộ mới có thành tích. Ôi, thành tích là mục tiêu “cao cả” của các nhà quản lý giáo dục. Có nó thì người quản lý mới mở mày mở mặt. Có nó thì nhà quản lý mới dễ dàng được thăng quan tiến chức…
Để có thành tích thì khó gì. Học sinh đáng 5 điểm cho 7 điểm, đáng 6 điểm cho 9 điểm chẳng hạn…thì mất gì của “bọ”! Cái giỏi của học sinh là điểm số. Khi nhiều học sinh được xếp loại giỏi thì chẳng những Lớp được “nhìn nhận” mà còn góp phần cho Trường được mở mặt mở mày; chẳng những các em học sinh vui, mà phụ hunh cũng phấn khởi, xã hội khen thầy cô dạy giỏi…
“Thành tích” từ chỗ là một khái niệm lành mạnh biến thành một “bệnh”, hơn nữa là một bệnh nguy hiểm, đe dọa đến sự nghiệp trồng người. Bộ Giáo dục đã biết rõ hệ lụy của nó, nhưng không thấy có biện pháp nào hữu hiệu. Hồi ông Nguyễn Thiện Nhân, (nay là Ủy viên BCT, bí thư Thành ủy TP HCM) còn làm Bộ trưởng GDĐT đã phát động phong trào “nói không với bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử…”. Rồi ông quả quyết, 4 năm sau bệnh sẽ lui! Thì đấy, giờ ông đã thấy nó lui chưa? Thậm chí bệnh ngày càng trầm trọng. Có lẽ các “thầy lang” bốc nhầm thuốc?
Tôi giả định, Bộ hãy thử bỏ đi cái gọi là "phong trào thi đua", nhất là lấy điểm số làm tiêu chí; hãy thử bỏ đi áp lực thành tích lên cơ sở xem? Liệu bệnh thành tích có lui?. Nền giáo dục ở các nước văn minh ko thấy có những áp lực này. Các giáo viên đứng lớp ko phải khổ sở toát mồ hôi về chuyện thành tích như ở xứ ta...
Suy cho cùng cái “nghịch lý” đó là do dối trá. Sự dối trá sinh ra bởi bệnh thành tích đã ngấm vào máu rồi.
Cuối cùng hậu quả là SẢN PHẨM CON NGƯỜI, là tương lai Dân tộc. Nó muốn ra sao thì ra!

Fb.Nguyễn Ngọc Dương

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.