6016. Bao giờ xuất hiện tác phẩm lớn?
Bao giờ xuất hiện tác phẩm
lớn?
1. BỨC ẢNH CON GÀ MÁI ẤP
TRỨNG TRONG CHIẾC MŨ SẮT VỠ.
(Tóm lược bài “Những chiếc
mũ” của Köln 17.08.2018)
Bức ảnh “con gà mái ấp trứng trong cái mũ sắt vỡ của
lính viễn chinh Pháp” mà ba tôi cho xem hồi bé. Bức ảnh do phóng viên Đức Như,
một đồng nghiệp của ba tôi ở Việt Nam Thông tấn xã chụp trong những năm 60 thế
kỷ trước trong một chuyến đi công tác ở nông thôn. Tôi rất mê bức ảnh đó, vì nó
nói lên SỰ THẤT BẠI CỦA BẠO LỰC & SỨC MẠNH CỦA CUỘC SỐNG. Tôi lùng trên
mạng để tìm lại. Tôi tưởng bức ảnh đó đã được giải thưởng nhiếp ảnh, vậy mà nay
không còn lại dấu vết của nó… (Bức ảnh hôm nay trong bài này là ai đó chụp lại
ý tưởng ấy, không phải tác phẩm gốc).
![]() |
Bức ảnh "Con gà mái ấp trứng trong chiếc mũ sắt' (Ảnh chụp lại ý tưởng/Sưu tầm trên mạng) |
Trên báo Tiền Phong có bài viết về “số phận” của bức ảnh này. “Bức Gà ấp trứng của Đức Như, phóng viên Phân xã Nhiếp ảnh VNTTX cũng bị coi là “có vấn đề”. Ảnh chụp một con gà mái đang ấp trứng, ổ trứng đầy rơm trong cái mũ sắt của quân đội Pháp thua trận để lại. Tác giả thuyết trình rằng: Hình ảnh con gà và ổ trứng tượng trưng cho hòa bình chiến thắng, còn cái mũ sắt tượng trưng sự thất bại của quân xâm lược. Nhưng một số người quản lý văn nghệ… lại cho rằng bức ảnh có ý đồ ru ngủ, thỏa mãn với hòa bình, quên mất nhiệm vụ đấu tranh vũ trang giải phóng miền Nam...”.
Vì thế, bức ảnh con gà ấp
trứng trong mũ sắt nổi tiếng, nói lên khát vọng yêu hòa bình của người Việt Nam đã biến mất khỏi mọi kho tư liệu nhiếp ảnh của nước nhà. Nếu được phổ biến ra
thế giới, chắc chắn tác giả đã được giải thưởng lớn, chứ không phải ngồi kiểm
điểm như ở ta…
2. BỨC ẢNH “PHÚC TÂN KÊU
GỌI TRẢ THÙ”
(Lược trích nội dung bài
báo trên Tiền Phong - 30/4/2017)
Năm 1966,
Hà Nội trở thành mục tiêu đánh phá của không quân Mỹ. Bức ảnh có cái tít mạnh
mẽ Phúc Tân kêu gọi trả thù ra đời trong hoàn cảnh ấy. Người chụp ảnh là
Vũ Ba, phóng viên báo Quân đội Nhân dân. Ông Ba nói: “…Thời
điểm ấy Tổng thống Johnson tuyên bố Mỹ đưa máy bay đánh phá miền Bắc chỉ nhằm
mục tiêu quân sự, không phải thường dân… (Ông Johnson) nói không hề ném bom dân
thường thì tôi đã chụp được cảnh khu dân cư lao động bị bom, nhà cháy, trẻ con
khóc kêu cứu... Cho nên, bức (ảnh) khiến tôi ưng ý…”. Rõ ràng tác giả
muốn “phản biện” Tổng thống Mỹ Giôn Xơn bằng hình ảnh rất thuyết phục.
Thế nhưng
bức ảnh bị xếp vào diện “xét lại”, khiến tác giả lên bờ xuống ruộng. PV hỏi ông
Vũ Ba: “Có đúng ông bị hạ cấp bậc vì bức ảnh này?” Ông đáp: “Sao vạch không hạ
nhưng tôi bị phê bình kiểm điểm, mười mấy năm không lên lương…”.
Tại cuộc
thi ảnh nhân 50 năm Cách mạng tháng Mười (1967), ông Ba gửi ảnh này sang Liên
Xô tham dự. Ông được giải thưởng lớn, nhưng sau đó, ông đại sứ Việt Nam tại
Liên Xô phản ánh về nước rằng bức ảnh nội dung đau thương như thế…, có ý
chống lại chiến tranh, gây tâm lý sợ hãi chiến tranh, người chụp ảnh đã đi vào
con đường “xét lại”.
Nghệ sĩ
NA Chu Chí Thành, nguyên Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam, thành viên Hội đồng xét
tặng Giải thưởng nhà nước năm 2007 chia sẻ: “Năm 1967, Phúc Tân kêu
gọi trả thù được báo Sự Thật trao Giải thưởng Lớn
và mời tác giả sang Liên Xô nhận giải. Nhưng ông không được đi. Bởi đó là thời
kỳ Đảng ta đang chống “chủ nghĩa xét lại” rất mạnh, đặc biệt trong văn hóa văn
nghệ, báo chí. Trong nhiếp ảnh, ngoài Phúc Tân kêu gọi trả thù thì
bức Gà ấp trứng của Ðức Như, phóng viên ảnh Phân xã Nhiếp
ảnh VNTTX cũng bị coi là “có vấn đề”… “Chúng tôi những người cầm máy lúc đó
thấy vậy cũng chờn. Cho nên rất ít người hướng ống kính vào cảnh chết chóc,
tang thương..”…
Nhưng
cuối cùng thì “Phuc Tân kêu gọi trả thù” được tặng Giải thưởng Nhà nước 2007.
Với chế
độ kiểm duyệt, có không ít tác phẩm nhiếp ảnh cùng những tác phẩm VHNT khác “hàm
oan”. Có thể rút ra mấy vấn đề:
Một là,
khi thiếu dân chủ thì chân lý luôn thuộc về những người có quyền. Do đó, “hôm
qua đúng, nay sai, sáng mai lại đúng”. Bởi hôm nay người này có quyền phán thế
này, ngày mai người khác lên thay lại phán thế khác. Mỗi người đều phán theo ý
chủ quan của mình, chả có cơ sở khoa học nào.
Hai là,
khi thiếu tính độc lập tự chủ, mà nay dựa vào nước này, mai dựa vào nước kia
(Liên Xô, Trung Quốc một thời rất rõ), thì nay cái này được ca ngợi, mai lại bị
vùi dập và ngược lại, có cái bị quy cho xét lại, phản động hôm trước, hôm sau
lại được tôn vinh… Lẽ ra phải dựa hẳn vào nhân dân mình, dân tộc mình thì đó
mới là tiêu chí căn cơ.
Ba là, các
nhà tư tưởng lãnh đạo Văn học nghệ thuật từ lâu vẫn kêu ca là giới văn nghệ sĩ
thiếu vắng những tác phẩm lớn, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật. Đúng vậy.
Nhưng rất tiêc, cái gọi là “giá trị tư tưởng và nghệ thuật” nó chung chiêng,
không ổn định. Nay thế này, mai thế kia. Người ta đòi hỏi nó phải xuất hiện “phù
hợp sắc màu thời đại”, phục vụ nhiệm vụ chính trị từng thời kỳ…Cho nên thực tế
cho thấy, có những tác phẩm “nổi danh một thời”, tưởng vĩ đại lắm, nhưng một
thời gian sau lại nhạt như nước ốc, khi tình thế đã thay đổi.
Thiết
nghĩ, đã gọi là “tác phẩm lớn có giá trị”, thì giá trị đó phải là giá trị nhân
văn, mang tính phổ quát của nhân loại, chứ không phải “giá trị nhất thời”. Tuy
nhiên, dưới chế độ kiểm duyệt chủ quan, nếu nó xuất hiện không đúng lúc có thể
sẽ gây hệ lụy cho tác giả.
Tôi đồ
rằng, có thể những tác phẩm lớn vẫn có, nhưng nó đang phải “ẩn nấp” đâu đó,
chưa thể ‘ló mặt’ vì “chưa hợp thời’...
TL Nguồn
tham khảo:
Nhận xét