6001. Về những cái phanh


VỀ NHỮNG CÁI PHANH
PNTB
(Tản phím mùa hè)


“Phanh” (tiếng Pháp: Les freine) là từ chỉ bộ phận làm giảm tốc độ của các phương tiện giao thông để bảo đảm an toàn. Người Nam Bộ gọi là “thắng”. Tôi đồ rằng từ này ra đời từ hồi Pháp thuộc, khi xuất hiện những cái xe đạp, mô tô, ô tô trên lãnh thổ Việt Nam. Nghĩa đen của nó như đã nói trên. Tuy nhiên, sau này từ “phanh” được mở rộng nghĩa, khi cần hãm bớt một cái gì đó lại để sự vật được giữ trong trạng thái an toàn.

Ví dụ có người nói quá nhiều, nói đến mức không kịp nghĩ, nói ngớ ngẩn… có thể gây ra sự “sểnh miệng” nguy hiểm, nên gặp người tốt đã khuyên: “phanh bớt cái mồm lại”.

Trong “lĩnh vực tham nhũng”, một hiện tượng nổi tiếng trong xã hội Việt Nam nhiều năm nay, thiết tưởng các quan cũng nên “nghiên cứu” và thực hiện công cụ “phanh”. Nếu tôi khuyên các ông đừng tham nhũng nữa thì cũng khó, vì cái thể chế này tham nhũng dễ như bỡn, nên không tham là ‘ngu’. Có người bảo, nếu không ăn, có khi còn bị bật ra khỏi hệ thống cũng nên. Tôi không tin. Tuy nhiên vẫn chỉ dám khuyên, các ông nên “phanh” bớt sự tham nhũng lại cho nó an toàn. Mọi người đều rõ cả rồi đấy, từ hồi bác Tổng Bí thư ‘nhóm lò’, bác í đã cho ‘đốt” khá nhiều “củi khô”, “củi tươi”. Chẳng qua vì các ông bà có điều kiện tham nhũng, thấy ngon thì cứ xơi, xơi không biết no, không biết chán. Dưng mà không “đốt lò” thì mất hết lòng dân cũng khổ…

Một hôm nằm mơ, gặp một vị quan tham cỡ bự, tôi bảo: “Các bố ăn gì thì ăn, cũng nên phanh bớt lại để bảo đảm an toàn”. Nhưng ông ta lừ mắt và bảo tôi lạc hậu, không am hiểu thời cuộc. Và ông ta cứ quả quyết rằng: “Có quyền được ăn thì phải ăn chứ, ăn càng nhiều càng tốt, ăn càng nhiều càng an toàn. Bởi vì ăn nhiều mới có tiền để phòng khi bại lộ. Ai nắm tay được từ tối đến sáng. Nhỡ có sơ hở, bọn “phản động” nó móc ra, nhưng mình có nhiều tiền vẫn không lo. Ví dụ, thằng báo chí nào ngấp nghé, đút cho nó một ‘cục’ là có thể nó im re, đêm nằm mình bắc cao gối ngủ. Nhưng nhỡ gặp thằng báo nào liêm khiết, nó “đánh” đến cùng thì nhiều tiền vẫn cứ yên tâm. Đồng tiền sẽ là điều kiện để lọt qua các cửa của hệ thống tư pháp. Xét cho cùng có ra tòa, có bị kết tội cũng nhẹ hều. Đáng tử hình chỉ xuống chung thân, thậm chí 20 năm, 15 năm… (như anh Chung, chủ tịch UBND Hà Nội vừa nói thế). Mà dù có phải đi tù, nhưng nhiều tiền vẫn sướng. Hơn nữa cũng phòng khi có ‘biến’, sẵn có nhiều tiền đưa cả bầu đàn thê tử sang các nước “Tư bản giẫy chết” là sống khỏe. Ông đừng có mà xui dại tôi. Phanh lại không đủ tiền chạy mà nhỡ bị bại lộ thì mất cả chì lẫn chài là cái chắc…”.

Bước vào thời kỳ đổi mới, “thể theo nguyện vọng của nhân dân” và ý tưởng của Lãnh đạo là muốn đất nước mình mau chóng “thành Rồng, thành Phượng”, nên giới quan chức, doanh nghiệp rất say sưa vẽ ra các Dự án. Người ta coi Dự án như phép thần đưa đất nước bay lên, nhưng người dân thì biết thừa, nó là chỗ để chấm mút “hiệu quả” nhất. Lãnh đạo Đảng Nhà nước cũng biết trước là nếu làm kinh tế bằng mọi giá, có thể sẽ phá hoại tài nguyên đất nước, có thể dung dưỡng cho tham nhũng, có thể bị ngoại bang lợi dụng đưa vào tròng, thực hiện mưu đồ xâm chiếm lãnh thổ. Có thể làm cho văn hóa suy đồi bởi đồng tiền. Có thể làm môi trường bị ô nhiễm, hủy diệt sức sống dân tộc…  Điều đó dẫn đến suy nghĩ cần “phanh” bớt lại.

Cái phanh ấy lẽ ra phải là một thể chế đủ sức kiểm soát quyền lực. Nhưng không, nó chỉ là cái khẩu hiệu “phát triển bền vững”. Hai chữ “bền vững” nghe “chắc như đinh” đóng…xuống cát! Còn mọi thứ vẫn y nguyên. Vì thế, nói cứ nói, “phát triển kinh tế bằng mọi giá” cứ làm. Rốt cuộc kết quả thì ít, đổ vỡ, tai hại thì nhiều. Mấy chục năm qua, có không ít Dự án nghìn tỷ bới ra rồi bỏ dở, đất nước miên man những “dự án treo” làm thất thoát quá nhiều ngân sách, lãng phí đất đai, tài nguyên khoáng sản, tàn phá môi trường, hủy hoại nhân cách. Chính vì thế, chỉ sau mấy mươi năm, nay ta đã sở hữu một môi trường sống ô nhiễm chưa từng thấy, khiến mỗi ngày trung bình có đến 315 người chết vì ung thư, đứng top đầu thế giới, chết nhiều hơn chiến tranh… Có vô vàn dẫn chứng, khó mà liệt kê hết. Chẳng lẽ nền “kinh tế định hướng” đã sản sinh ra những hệ lụy ấy? Một cỗ xe không phanh sẽ có nguy cơ lao xuống vực hoặc tự lật đổ. Phát triển kinh tế đất nước bằng mọi giá cũng vậy.

Chung quy cũng vì Dự án nó quá hấp dẫn, nó gắn với quyền lợi của người sinh ra nó với danh nghĩa “phục vụ nhân dân”. Nhưng nhân dân chịu tiếng oan. Càng nhiều dự án, những người nắm quyền điều khiển và thực hiện (cả quan chức và doanh nghiệp) càng hưởng lợi. Quan chức thì it nhất không phải làm gì, chỉ một chữ ký trong phòng lạnh đã được hưởng nhiểu phần trăm của dự án (những tỷ, trăm, nghìn tỷ), tiền đổ vào nhà như nước lũ, “một phút lên tiên”. Cái bả tiền bạc nó mạnh lắm. Tất cả những biện pháp “giáo dục tư tưởng như “phê và tự phê bình”, “học tập và làm theo…” dù hoành tráng đến mấy cũng đều bị vô hiệu hóa, chỉ có giá trị như những khẩu hiệu đỏ chót mà thôi.

Những người dân phải đóng thuế nuôi bộ máy quyền lực thì xa xót. Có nhiều dự án nom thấy nhãn tiền là lợi bất cập hại, là chưa cần thiết, hoặc là phiêu lưu, mạo hiểm, gieo rắc thảm họa môi trường sống, thậm chí đe dọa an ninh quốc gia, độc lập dân tộc, thành quả của núi xương, sông máu ngàn đời… Vì thế đã có hàng vạn, hàng triệu tiếng nói phản biện, thậm chí cực chẳng đã phải xuống đường để biểu thị ý nguyện của người dân yêu nước, mong những người có trách nhiệm hủy bỏ dự án hoặc có biện pháp khắc phục có hiệu quả để đất nước phát triển “bền vững”, an toàn…

Những tiếng nói phản biện, những cuộc xuống đường biểu thị ôn hòa mà pháp luật không cấm, thì nó có ý nghĩa tích cực, nó là những cái “phanh”, bảo đảm cho các hoạt động của chính quyền được an toàn… Song, nó thường bị cản trở, thậm chí bị vu oan, bị bắt bớ… Điều đó chỉ “đổ thêm dầu vào lửa”.

Ở thời Phong kiến, với tư duy độc đoán, Vua được quyền sinh quyền sát: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” – bất luận như thế nào, nhưng trái ý Vua là “trảm”. Ấy thế mà có nhiều triều đại vẫn phải sinh ra một chức “Gián quan”, đứng cạnh Vua để can ngăn những sai lầm, nhằm tránh sự đổ vỡ của Ngai vàng. Nó cũng như một cái phanh an toàn cho mọi triều đại.

(PNTB)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.