5995. Lan man về nền giáo dục không giống ai

LAN MAN VỀ NỀN GIÁO DỤC KHÔNG GIỐNG AI 
PNTB/ 6/5/2019

GIÁO DỤC của chúng ta khác với nhiều nền giáo dục của các nước văn minh. Chúng ta luôn nhằm vào việc thúc đẩy cho trẻ từ mầm non trở lên phải “thi đua học tập” để chiếm đỉnh cao, hơn người. Hầu như gia đình nào cũng chỉ muốn con mình điểm số cao hơn bạn bè, học giỏi nhất thiên hạ. Nhà trường nào cũng luôn tạo ra “phong trào thi đua” để các em học giỏi hơn trường khác. Tựu trung là để có “THÀNH TÍCH”. Có thành tích mới được khen thưởng, nâng lương, thăng chức… Vì thành tích, người ta có thể bất chấp mọi thủ đoạn, kể cả nói dối, gian lận. Nhà quản lý thì chỉ “bận” đặt ra những “chỉ tiêu”, “tỉ lệ” này nọ để “chỉ đạo”; thầy, cô giáo và phụ huynh thì luôn ép buộc học sinh, con cái theo ý muốn chủ quan của mình. Mục tiêu là phải làm sao cho trẻ ngoan ngoãn, vâng lời.

Tự thân, mọi đứa trẻ đều có những suy nghĩ độc lập, không phải lúc nào cũng muốn làm theo ý người lớn. Thay vì tôn trọng, khơi gợi, đối thoại, định hướng, người ta luôn cấm đoán, áp đặt dẫn đến đứa trẻ thui chột bản tính tự nhiên, tính độc lập cá nhân, xóa mờ cá tính. Một khi bị cấm đoán, vì sợ, trẻ buộc phải nói dối, dối bố mẹ, dối thầy cô.

Khi đứa trẻ không vâng lời thì nhiều người lớn thường dùng BẠO LỰC: đe doạ, trừng phạt, dụ dỗ. Đứa trẻ bị đánh đập khi làm khác ý, hoặc không đạt “thành tích học tập” như mong đợi. Không ít trường hợp tại lớp học, đứa trẻ bị thầy cô trừng phạt, đánh đập để làm gương đe học trò. Thậm chí đã có những thầy cô biến học trò thành công - cụ - bạo - lực, dùng học trò đánh học trò thay mình để bắt chúng phải “ngoan”. Đứa trẻ sẽ học được “tấm gương bạo lực” và “quyền uy” từ thầy cô đem ra xử trí bạn. Bởi chúng cũng muốn “thể hiện sức mạnh”, thể hiện “quyền lực” như thầy cô, nên có khi với những lý do không đâu, chúng cũng có thể gây sự đánh nhau, thậm chí ngay trên lớp học.

Ở VN bây giờ, bạo lực học đường đâu phải là cá biệt. Những trận ẩu đả của học sinh ngày càng nhiều. Chúng cho đó là chuyện “bình thường”. Do vậy, những cuộc đánh nhau đã ‘rèn luyện’ cho các em sớm trở thành… côn đồ. Tiếc thay, tính côn đồ được sinh ra ngay dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, nhưng không ít người lớn, thầy cô giáo, thậm chí có nhà quản lý giáo dục cho rằng, đó là “chuyện bình thường”, rằng “trẻ con là vậy”.

Karl Marx nói, mỗi con người là “một thế giới người”, nghĩa là không phải ai cũng giống ai về cả trí tuệ, nhân cách, tình cảm. Nhưng giáo dục của ta thì coi lớp trẻ như một đàn cừu, giống nhau cả. Do đó tất cả đều phải bảo sao nghe vậy, cấm được làm trái ý. Giáo dục nhồi nhét cho đối tượng học tất cả những gì mà sách giáo khoa đã viết, tất cả những gì mà thầy cô muốn. Ví dụ làm một bài văn, các em phải viết đúng như bài văn mẫu, em nào làm khác đi, có hay mấy cũng bị loại. Cái cách giáo dục như thế đã làm thui chột mọi sáng tạo ngay từ thủa ấu thơ, nhưng người ta lại hy vọng sẽ “có được” những thế hệ “công dân ngoan ngoãn” trong tương lai…

Thực tế, từ Mầm non đến Đại học ta chưa thấy có những bài học phát huy tính độc lập, phát huy quyền tự do, được thể hiện chính kiến của trẻ. Chưa thấy có bài học nào khuyến khích trẻ nói lên những suy nghĩ thật của mình. Cũng rất hiếm có những bài học giáo dục lòng nhân ái, vị tha, sự bao dung, tinh thần thương yêu đồng bào, giúp đỡ bè bạn… Trái lại, chỉ thấy nổi lên những gì sáo mòn, hình thức. Những “chức, tước”, lớp trưởng, lớp phó, những “đội cờ đỏ, sao đỏ” đầy quyền lực, rất “oai”. Đó là kết quả sáng tạo của Đoàn đội nhà trường, chỉ gieo vào lòng con trẻ tư tưởng “quyền uy” ngay từ thủa đầu đời, khiến các em “ngại đội cờ đỏ” (Thanh Niên)

“Quyền uy” trong Giáo dục theo mọi cấp bậc: nhỏ là từ lớp trưởng, lớp phó, đội cờ đỏ, sao đỏ; lên nữa là thầy, cô; lên nữa là hiệu trưởng, hiệu phó; lên nữa là quản lý ngành các cấp, rồi lên nữa… Cả hệ thống tạo ra một “nền giáo dục quyền uy”, theo cách nói của Giáo sư Trần Đình Sử. Và ông đề xuất: “Cần thay thế nền giáo dục quyền uy bằng nền giáo dục đối thoại”.

Nếu chỉ đòi hỏi ở trẻ phải có điểm số cao thì trong kiểm tra, thi cử chúng không thể không quay cóp. Đó là một “kênh” kích thích sự phát triển dối trá. Dối trá kết hợp với sự coi thường chuyện bạo lực học đường thì kết quả giáo dục đạt được là những con người dối trá và bạo lực… Rốt cục, Giáo dục không tạo ra CON NGƯỜI của xã hội văn minh, mà lại tạo ra những “cỗ máy công cụ”, gian dối. Đó sẽ là những công dân tương lai. Khi trưởng thành, họ là những “con người sống hai mặt” ở bất kỳ cương vị nào của xã hội.

Từ năm 2013, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm đã có một công bố nổi tiếng về kết quả điều tra xã hội học, rằng càng học lên cao thì tỷ lệ nói dối cha mẹ càng tăng (ảnh kèm theo). Phải chăng nó phản ánh kết quả của một nền giáo dục không giống ai?


(PNTB)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.