5991. NHỚ CHU VĂN SƠN


NHỚ CHU VĂN SƠN
Tác giả: Mai An NGUYỄN ANH TUẤN


Lần gặp cuối cùng trong bệnh viện, Chu Văn Sơn đã bị di căn lên não giai đoạn cuối, nhưng anh vẫn nhận ra bạn bè thân thiết của anh, cặp mắt anh sáng rực lên, rồi gắng gượng ngồi dậy cầm tờ tạp chí Văn Hiến mới có in bài của anh… Bùi Ngọc Minh nghẹn ngào, lay tay CVS: “Còn hoành tráng lắm… Tươi tỉnh lắm…”. Anh đã cười, cái cười bao dung, thương mến quen thuộc bao năm nay đối với các bạn. Anh cười mà chúng tôi nuốt nước mắt vào lòng, để tới hôm nay mới có thể òa ra được một mình khi nhớ thương anh, thầm lặng đưa tiễn anh về nơi mà thi hào Nguyễn Du hằng mong mỏi: Nghìn thuở nơi chín suối vẫn có mùi hương (Thiên cổ trùng tuyền thượng hữu hương).

Nhớ những ngày tháng của hội cao học văn ĐH sư phạm HN, tôi và CVS dù không trong hội này, nhưng vẫn dành nhiều buổi tối vào trường để tụ họp vui vẻ, đọc thơ đọc văn của nhau để khen và để “phang” cật lực… Thời đó, anh đã có những “ký họa chân dung” ( cả ký họa viết lẫn ký họa vẽ) đầy hóm hỉnh, tinh nghịch, có chút chế diễu nhưng chân xác về bạn bè - như Hoàng Thế Sinh, Trần Hòa Bình, Châu Hồng Thủy, Nguyễn Hiền Lương, Văn Giá, và tôi… Bên ngoài quan sát, cũng có thể thấy anh yêu bạn, quý bạn, và hiểu bạn đến thế nào!

Nhớ lần tôi đến mượn anh cuốn Ba đỉnh cao thơ mới, cuốn sách anh đã tặng tôi nhưng bị mất, để foto lại cho nhà nghiên cứu Đỗ Đình Thọ ở Nam Định theo yêu cầu- người đã có nhiều tích lũy về nhà thơ Nguyễn Bính. Anh cảm động lắm, nhưng tính anh thường bộc lộ tình cảm của mình bằng cách hài hước, anh bảo: “Ồ, cái bác nổi danh kẹo Sìu Châu đó mà yêu Nguyễn Bính đến thế, có nhiều kỷ vật của Nguyễn Bính như thế, em mà có cương vị, sẽ mời bác ấy làm “thủ từ” Bảo tàng Hội nhà văn ngay!- Rồi anh thủ thỉ tâm tình - Không biết người viết khác thế nào, em thì chỉ cần một người đọc hiểu mình, đồng cảm với mình là em sướng cả đời!”

Nhớ ngày anh đòi tôi đưa đến cậu em trai tôi là họa sĩ Nguyễn Anh Lanh để anh được học hỏi thêm về hội họa. Khi tôi bảo sẽ giới thiệu một họa sĩ nổi hơn, anh gạt phắt: “Bác buồn cười! Khi được xem tranh của ông già bác và hai em trai bác, em hiểu đó là thứ tranh khác xa với loại sú-vơ-nia mà ngay nhiều họa sĩ có tên tuổi hiện giờ đã mắc phải… Em là em tìm đến học cái kỹ thuật của những người đã vứt bỏ kỹ thuật để chăm chăm diễn tả nội tâm cơ!” Anh đã cho tôi một bài học đích đáng.

Nhớ lần cả bọn đi cùng, gần như là tháp tùng GS. Nguyễn Đăng Mạnh- thầy chung của chúng tôi thăm đền Hùng. Hôm đó, CVS đeo lủng lẳng chiếc máy ảnh Nikon đời mới ống kính Zoom 35-75mm mà dân chuyên nghiệp cũng phải thèm thuồng. Thấy tôi nhìn dáng anh vẻ hâm mộ và cũng muốn hỏi, anh cười hơi e thẹn, nói nhỏ với tôi: “Các anh ngày trước chỉ có máy ảnh vi-dơ ngắm bên cạnh, cùng lắm là máy vi-dơ ngắm trực tiếp của Nga… Giờ thì phải khác, kỹ thuật cũng giúp cho nghệ thuật nhiều đấy chứ! Có gì, anh chỉ bảo giúp thêm nhé?” Trước đó, vì tôi là dân của hình ảnh, nên anh đã hỏi tôi nhiều về tính năng của các loại ống kính, các loại thân máy ảnh, tôi cũng biết đâu bảo đấy; nhưng anh lại nói: “Em cần hơn là những tri thức về bố cục khuôn hình, về những điều nằm sau ống kính để bức ảnh sẽ là “Ảnh trung hữu thi” cơ!”… Chúng tôi cùng bật cười phá lên. Những bức ảnh của CVS sau đó, cũng như các bức tranh ký họa của anh, dù là chưa cao lắm về kỹ thuật, song quả là đã có điều gì đó khác lạ so với những bức ảnh kỷ niệm thuần túy, chúng đều ẩn chứa một cách nhìn đầy chất thơ đắm đuối đối với con người và cảnh vật… Giờ đây, đọc lại những trang tùy bút của anh, tôi mới chợt ngã ngửa người, đằng sau những trận pháo hoa chữ nghĩa đôi khi làm hoa mắt người đọc kia là cái nhìn cực kỳ tinh tế của một họa sĩ, một nhà nhiếp ảnh, là các giai điệu chuẩn xác trong tổng phổ của một nhạc sĩ… Hóa ra, việc cố gắng đi sâu vào khám phá hội họa, nhiếp ảnh, kiến trúc, âm nhạc cũng là một cách thức để anh chăm chút, hoàn thiện cho văn chương, đắp da thịt cho những vấn đề lý luận văn học xương xẩu!

Nhớ lần tôi gửi anh đọc góp ý cho lời bình bộ phim tài liệu: Vụ án hồ Mù Sương, anh chỉ thêm vào một câu: Mờ mờ nhân ảnh trên sóng nước Hồ Tây. Tôi giật mình. Câu thơ quen thuộc của Nguyễn Gia Thiều: Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm lại được đặt đúng chỗ, đúng cảnh ngộ của người bị án oan 900 năm trước và tâm trạng của những người làm phim hôm nay nên đã nổi bật lên không ngờ, mà tài hoa cùng sự nhạy cảm của CVS đã phát hiện ra!

Nhớ CVS, người đã từng ân hận khi viết một bài phê bình ưu ái cho một nữ thi sĩ trẻ, sau đó cô ta đem bài phê bình đó như cái bùa hộ mệnh để chạy chọt giải thưởng… Mắt đỏ ngầu, anh lắc đầu nhẹ, thở dài: “Em nể cô ta cứ nằn nì viết hộ, thấy cũng được, đã thiên về ưu điểm; song còn lễnh loãng chữ nghĩa lắm, nhiều triết lý gượng ép, lại làm ra vẻ đã là nhà thơ lớn; nhất là sự háo danh sẽ giết chết sự nghiệp nhiều triển vọng của cô ta…”. Anh hiện lên trước tôi là một nhà giáo đáng kính.

Nhớ ngày lên thăm trang trại của hai vợ chồng anh trên Hòa Lạc mà chúng tôi gọi đùa là “Chu Gia Trang”, anh hớn hở giới thiệu cho chúng tôi từng loại cây, hoa anh chị mới sưu tầm được trồng quanh trang tại; anh bảo, còn muốn tìm một cây hoa ban tận núi rừng Tây Bắc - anh nhờ tôi lo hộ…

Nhớ biết bao các dòng viết đắm say và thấu hiểu về bạn mà như viết về chính mình của CVS… Tất cả các bạn anh từ nay sẽ sưu tầm lại những hạt ngọc tâm hồn đó của anh, không sót một hạt nào - như một thứ di sản vô giá của anh để lại cho đời. Tôi xin là người bạn đầu tiên của anh khởi động công việc thiêng liêng này, như một sự tri ân sâu sắc, một lời cảm ơn đối với anh - một nhà phê bình văn học đáng nể trọng, một người bạn thân yêu đã đi xa…

(Bài tác giả gửi PNTB)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.