5978. Lại nói về uống rượu

LẠI NÓI VỀ UỐNG RƯỢU
Nguyễn Ngọc Dương/PNTB
Ảnh bài đăng Lào Cai cuối tuần
Thứ Bẩy 16/3/2019

Rượu là đề tài được rất nhiều người quan tâm, đủ các cung bậc hỷ, nộ, ái, ố. Hôm nay tôi chỉ viết thêm đôi điều với những suy nghĩ bất chợt sau khi có một bạn trên facebook. chia sẻ bài viết có tựa đề: “Ép rượu, một “phong tục” ngu xuẩn và độc ác”, nhưng chỉ sau vài giờ lại rút xuống, vì lý do “có nhiều ý kiến trái chiều”. Trái chiều là chuyện thường tình. Nhưng tin rằng, đa số nhân dân ta là những người thông minh và tử tế, luôn ủng hộ lẽ phải, góp phần xây dựng nền văn hóa tiến bộ của dân tộc.

Khoảng 30 năm trước, khi còn công tác ở huyện, tôi thấy có lần đồng chí Bí thư huyện ủy ra chỉ lệnh “cấm uống rượu trong các cuộc tiệc tùng của cơ quan”. Thấy có vẻ không ổn, vì tính cực đoan của sự cấm đoán, tôi đã viết bài “Văn hóa rượu”. Đại ý, rượu là văn hóa nhân loại, bản thân rượu là sự sáng tạo của con người, chỉ có điều người dùng nó cần có văn hóa…Thế rồi đánh liều mang bản thảo lên đọc cho Bí thư nghe, tưởng bị “ăn đòn”, nhưng không ngờ, ông bảo: “Hay chú ạ!”. Tôi cười thầm, mang về đưa cho Đài truyền thanh của huyện đọc to trên loa công cộng. Rất nhiều người tâm đắc.

Tôi có anh bạn thân mắc bệnh nghiện rượu. Đã nghiện thì hay uống, mà đã uống thì rất thích mời người khác, như một sự chia sẻ niềm đam mê. Mỗi khi anh bạn đến chơi nhà, tôi mời anh ở lại dùng cơm và thường chỉ chạm với anh một ly nhỏ rồi cáo lỗi, thân tình nói: “Đây, tôi nhường “bố” cả hũ, bố tự rót, uống đến bao giờ cũng được, tôi tuy không có sức uống, nhưng đủ sức ngồi hầu bố uống”. Biết can chẳng được, nên tôi nói vậy. Tuy nhiên anh chỉ cười hề hề, chẳng giận. Anh uống dăm bẩy chén rồi cũng thôi. Nhưng nếu có “bạn uống”, anh có thể ngồi cả ngày…

Có lần tôi đến nhà anh, vợ anh kể: “Hôm kia anh ấy đi uống rượu với bạn cách nhà hơn cây số, đi bộ. Khi về say quá, chui xuống ruộng lúa còn bùn nhão để… ngả lưng, tưởng là… giường nhà mình. Lúc sau tỉnh dậy chả hiểu sao lại mò được về nhà, bùn đất từ đầu chí chân, như người vừa móc dưới lỗ lên. Em phải lôi anh ấy vào nhà tắm, lột hết quần áo, vừa tắm cho anh ấy vừa khóc…”

Bẵng đi một thời gian xa nhau, một hôm tôi nhận được cú điện thoại ngẹn ngào của vợ anh: “Anh ơi, nhà em… mất rồi…!”. Tôi vội thu xếp về đám tang anh. Người ta bảo, anh ấy chết vì “gan cứng như gỗ”. Tôi nghĩ: đích thị tại rượu.

Năm 1994, tôi công tác ở một ban của tỉnh, cơ quan có anh lái xe rất thích uống rượu. Tỉnh mới tập kết, nhiều người còn ở khu tập thể. Lắm hôm ra quán ăn sáng, tôi gặp anh ngồi “độc ẩm” với cốc rượu trắng đầy như vại bia. Anh mời: “Thủ trưởng ngồi đây uống với em một chén”. Tôi bảo, chú là lái xe, uống vừa thôi, rượu bổ béo gì”. Anh phân bua: “Bác không biết chứ, rượu là “cao gạo”, sao lại không bổ! Em cứ chơi hai vại này là bữa sáng không cần phải ăn thêm gì”. Khi anh cứ nằn nì, nhiệt tình mời, tôi mắng: “Tôi không uống được rượu, từ nay chú không phải mời nhiều, mà chú cũng không nên uống lắm, còn phải lái xe, uống rượu không tốt đâu”… Nhưng can người nghiện thì ngang nước đổ lá khoai…

Sau một thời gian, anh ấy xin nghỉ hưu non, cơ quan cho nghỉ. Nhưng chưa kịp nhận sổ hưu thì một hôm tôi cũng nhận được cú thoại: “Bác ơi, bố cháu mất rồi… !”. Tôi bàng hoàng sắp xếp xuống nhà anh thì con trai anh cho biết: “Bố cháu đi uống rượu đám cưới gần một tuần. Hôm qua về tự dưng sốt đùng đùng, hai tay run, quều quào như ró chuồn. Gia đình võng đi viện, nhưng ra đến bờ suối thì bố cháu không thở nữa, phải quay về! Người ta bảo, bố cháu bị ngộ độc rượu”. 

Ngày xưa các cụ nhà Nho, các văn nhân mặc khách…uống rượu rất văn hóa. Người ta chỉ nhâm nhi cái chén “hột mít”, chén “mắt trâu”, để lấy cảm hứng đàm đạo văn chương, cái thứ không thể dung nạp những hành vi phàm phu tục tử, không bao giờ ngửa cổ dốc ồng ộc vào miệng như thể kẻ khát uống nước lọc. Cũng không có cái thói hô khẩu hiệu “trăm phần trăm” hay “dô…dô…”, khích lệ cho mọi người phải say. Người ta mời nhau cũng nho nhã, không có tính chất “cưỡng ép”. Trong những đám rượu, chúng ta thường chứng kiến cảnh người ta ép nhau, rằng, phải uống hết mình, phải cạn hết để thể hiện “tình bạn chân thành”. Rằng, đây là “phong tục, tập quán” của làng, của địa phương, nhập gia tùy tục, phải cạn hết”… “Rằng, mày không cạn là mày khinh tao! …”. Trong những đám tiệc cưới hỏi, cũng có người cầm chén đi mời hết mâm này mâm kia, không phải vì có quan hệ đặc biệt nào, mà là muốn tỏ ra ta đây giỏi uống rượu. Khi gặp một bạn chỉ nhấp môi cho phải phép, vì tửu lượng kém hoặc vì lý do sức khỏe thì lại lấy tay hất hất: “Cạn đi, cạn đi, ai lại làm thế !...”… Đấy cũng là những cách ép rượu. Tuy nhiên có người cãi: “Tôi có “ép” đâu, có dằn ai ra mà đổ rượu vào mồm đâu!?”. Ôi giời, nói đến thế thì cạn lời. Lại còn phải dằn ra đổ rượu vào mồm người khác mới gọi là “ép” thì còn gì là văn hóa, thậm chí nó còn là hành vi “vi phạm nhân quyền”.

Có những trường hợp đi dự tiệc, vì nể bạn bè mời như “ép”, nên bị quá chén. Trên đường về, đâm xe máy vào cột điện, chết bất đăc kỳ tử. Chỉ khổ vợ, khổ con... Khi ấy, chả hiểu những người “yêu mến” anh ta, từng dùng lời lẽ kích động nạn nhân uống rượu, liệu có cắn rứt lương tâm, hay họ tự cho mình là vô can? Gần đây, không ít lái xe say rượu đã gây ra nhiều thảm họa giao thông, tạo thêm hệ lụy xã hội. Những người tham gia giao thông ngồi trên xe máy trước vạch sơn trắng chờ đèn đỏ đã bị những con “xe điên” cố tình đâm thẳng vào sau lưng, gây thảm họa thương vong hàng loạt. Hoặc vì say không làm chủ được tay lái, đã không ít trường hợp xe đang đi trên đường, tự dưng đâm thẳng vào nhà dân, giết chết những người đang vô tư ngồi hóng mát ở vỉa hè... Đấy là hậu quả của rượu, hay hậu quả do sự quá “nhiệt tình” của bạn rượu ở một bữa tiệc nào đó. Kinh nghiệm cho thấy, uống rượu một mình hoặc uống với những người biết kiềm chế liều lượng…thì không mấy khi quá chén, gây hậu quả nghiêm trọng.

Xã hội ta không cấm uống rượu, nhưng cấm uống rượu khi tham gia giao thông. Gần đây điều luật này được bổ sung tăng hình phạt, vì thực tế đã gây nhiều hậu quả nghiêm trọng hoặc vì sau rượu mà gây ra những bất ổn khác trong gia đình và xã hội. Nên chăng cần tạo dư luận mạnh mẽ lên án hành vi “mời rượu quá nhiệt tình”? Nhiệt tình cái gì chứ nhiệt tình mời rượu và uống rượu là: “Yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau”.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.