5974. Đêm kinh hoàng trong hang Hòn Kẽm
Đêm kinh hoàng trong hang
Hòn Kẽm
![]() |
Mỗi lần nhớ con, bà Năm Nghê
đốt nhang đi trong rừng
khấn nguyện
|
TTCT
- Vì cháu khóc quá, sợ lộ Mỹ sẽ giết hết dân, người mẹ đó đành chôn sống đứa
con ba tháng tuổi do mình rứt ruột sinh ra vào một
đêm tối trời của mùa đông năm 1969. Cháu chết đi là để bảo tồn hàng trăm tính
mạng dân thường đang chạy giặc trốn tại hang núi Hòn Kẽm.
Một cái chết khủng khiếp, kinh hoàng, tưởng như
trong phim, ấy vậy mà có thật 100% tại vùng thượng nguồn sông Thu Bồn đã gần 40
năm trôi qua. Người mẹ đó tên là Lê Thị Nghê (Năm Nghê) nay đã 73 tuổi. Hiện bà
vẫn sống với tâm trí điên tỉnh lẫn lộn trong ngôi nhà tạm tại thôn Linh Kiều,
xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam. Đây là một câu chuyện chưa từng
được viết ra nhưng nó đã ám ảnh nhiều thế hệ người dân ở địa phương này, kể cả
những dũng sĩ diệt Mỹ thời đó, và họ muốn nó phải được kể lại cho hậu thế.
Sau chiến dịch Mậu Thân
năm 1968, Mỹ tăng cường đánh phá ác liệt những vùng rừng núi và trung du các
tỉnh Trung Trung bộ. Thượng nguồn sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam lúc đó là “chiếc
nôi cách mạng”, cũng là tâm điểm mà Mỹ thường xuyên tìm đến càn quét và tiêu
diệt.
Những năm tháng kinh hoàng
Sau trận đánh dữ dội vào
đầu tháng 8-1969 của bộ đội và du kích địa phương xã Quế Tân, huyện Quế Tiên,
tỉnh Quảng Nam (tên địa danh của thời kỳ đó) bắn rơi một máy bay, bắn cháy hai
tàu chiến với hơn 50 lính Mỹ chết, tưởng Mỹ khiếp vía không bao giờ trở lại đây
nữa. Nhưng sau hai tháng, vào một sáng ngày đầu tháng 10-1969, Mỹ cho máy bay
rải thảm hàng chục tấn bom xuống xã Quế Tân. Sau đó tàu chiến ngược sông Thu
Bồn và máy bay đã đổ xuống đây một sư đoàn thủy quân lục chiến nhằm hủy diệt
vùng căn cứ cách mạng này để bảo vệ tiền đồn Nông Sơn - một lá chắn trấn thủ
che chở Đà Nẵng, Hội An...
Lúc này ngoài số dân tự sơ
tán, còn hơn 200 người thôn Trà Linh (Quế Tân) được cán bộ và du kích xã đưa
vào núi Hòn Kẽm trú ẩn. Bấy giờ thôn Trà Linh “vườn không nhà trống” nên lính
Mỹ tha hồ đốt sạch, phá sạch. Trâu bò cùng vật nuôi bị bắn chết ngổn ngang,
làng quê lúc này điêu tàn trong khói lửa.
Những ngày đóng quân tại
đây, lính Mỹ càn quét lùng sục nhưng không tìm ra được một người dân nào tại
thôn, nên nghi họ chạy hết vào núi. Thế là bao nhiêu vũ khí pháo bầy, đại
liên... của lính Mỹ xả vào Hòn Kẽm như mưa. Cứ pháo vừa dứt là đến lượt tàu
gáo, tàu rọ quần lượn tìm kiếm để tiêu diệt. “Nhưng nguy hiểm hơn là lính Mỹ đi
phục từng tốp. Chiều tối, cứ 10 lính Mỹ đi là cõng trên lưng cũng 10 lính Mỹ.
Khi bọn chúng rút về cứ điểm đủ 10 là để lại 10 thằng trên lưng ở lại phục
kích. Nhiều người chúng ta hi sinh thời đó cũng vì không biết cái trò này” -
anh Trần Hùng, một cựu chiến binh cũng trú trong hang thời đó, kể lại.
Do địch chiếm giữ quá lâu,
lúc này dân trú trong hang đang đói và khát nước. May mắn, đêm 6-10 mưa như
trút đã cứu khát đồng bào trong hang. Cứ tưởng mưa to địch không phục, Sáu Tiền
- một cô gái gan lì - xung phong ra khỏi hang để về rẫy kiếm khoai lang cứu
đồng bào. Từ hang bò ra, đi hơn 30 phút vừa đến chân núi, chưa đến rẫy khoai
lang thì cô lọt vào ổ phục kích của Mỹ, chúng bắn cô bị thương ở đùi rồi bắt
sống. Đêm đó chúng tra tấn cô dã man, cô cố chịu đòn, không hề khai báo với
địch lời nào về nơi trú của dân Trà Linh trong hang, thế là rạng sáng 7-10
chúng giết cô.
Đêm đó và tiếp theo, thấy
Sáu Tiền không trở về hang, ai cũng biết chắc cô đã lọt vào tay giặc. “Trong những
lần chạy giặc trước, chúng tôi đem lương thực đủ ăn ba ngày, lần này bà con đem
theo để đủ ăn năm ngày. Vì cứ nghĩ Mỹ ở độ ba ngày là rút, ai ngờ lần càn ni Mỹ
ở tới 10 ngày. Hồi nớ dân ở trong hang đói, khát dữ lắm!” - ông Lê Ngô, 80
tuổi, người thôn Trà Linh cũng chạy giặc lúc đó, hồi tưởng.
Giết con để cứu dân
Hang trên núi Hòn Kẽm là
một địa đạo do thiên tạo rất hiểm trở, chỉ người dân vùng này mới biết. Sau
ngày cô Sáu Tiền chết thì tàu gáo quần lượn nhiều hơn, chúng vừa bay vừa bắn
đại liên, M79, ném lựu đạn M26 vào từng vách núi của Hòn Kẽm. “Ngồi trong hang
mà nghe nổ ầm vang, cứ tưởng địch đổ quân đến gần hang rồi, ai cũng im lặng ôm
nhau run sợ” - ông Ngô vừa kể vừa toát mồ hôi như tắm!
Trong hang người đông như thế, trẻ con nhiều nhưng không có cháu nào dưới 3
tuổi nên đám trẻ cũng biết sợ, không dám khóc mặc dù rất đói. Bà Năm Nghê thời
đó 32 tuổi, bế theo hai con nhỏ - cháu gái lớn Lê Thị Liên, 4 tuổi và cháu trai
Lê Tân, 3 tháng tuổi. Bà vừa sợ Mỹ vừa buồn vì chồng mới chết do bom B52 tại
làng.
Nhưng khổ nhất là cháu Tân
đói sữa, ngày đêm cứ khóc thét, dỗ hoài không nín. Bà cũng như hàng trăm người
trong hang sợ Mỹ nghe tiếng khóc phát hiện nơi trú ẩn của mọi người và giết hết.
Có người động viên Năm Nghê: “Chị nên hi sinh đứa con để bảo toàn tính mạng dân
trong lúc này!”. Nghe vậy bà bàng hoàng lắm, rồi ai cũng thay phiên ôm ấp cháu,
nhưng nó cứ khóc nhiều hơn.
Súng vẫn nổ, mọi người
ngồi trong hang cứ nghĩ lính biệt kích Mỹ đang đến gần hang rồi. Lúc này mọi
người ngậm ngùi đành nghe theo mấy anh du kích, lại động viên cô Năm: “Thôi cô
hi sinh đứa con đi...!”. Sau hai ngày Sáu Tiền chết do Mỹ giết, đêm đó bà Năm
hôn núm ruột đang khóc: “Mẹ không bao giờ bỏ con, nhưng vì để cứu dân làng, con
phải ra đi...”. Sau khi cháu tắt thở, bà cởi chiếc áo trong người đùm con lại.
Bà bế thi thể của con, bò lên khỏi miệng hang về hướng tây 100m mặc cho mưa
rơi, mặc cho đạn pháo bắn rền vang, bà dùng hai tay móc đất ướt lạnh để an táng
con mình.
Sau khi khỏa đất xong, bà
ngồi thêm một lúc, dưới ánh chớp của đạn pháo bà thấy lớp đất trên thi thể con
đang rục rịch, bà thầm nghĩ: “Con tôi đã sống lại!”. Nhưng rồi không hiểu sao
bà lại bốc thêm đất bỏ lên phần mộ của con. Rồi bà chạy về hang tối mò đến bé
Liên, ôm con vào lòng, cắn răng nức nở. Mọi người vây quanh im lặng chia buồn
cùng mẹ con bà. Bây giờ thì Mỹ không thể phát hiện tiếng khóc của cháu Tân nữa.
Sau cái chết của cháu Tân
ba ngày, mọi người trong hang không còn nghe tiếng pháo rền nữa. Ông Nguyễn
Xuân Mỹ, 60 tuổi, cùng thôn với bà Năm, cũng là du kích trong hang lúc đó, kể
lại: “Sáng tinh mơ tôi bò lên miệng hang, không thấy máy bay quần lượn, tiếng
đạn pháo cũng không còn bắn, đứng trên hang nhìn về thôn Trà Linh xơ xác vắng
lặng. Tôi quyết định đi về làng thì đúng là Mỹ đã rút về cứ điểm Nông Sơn”. Dân
từ hang núi trở về làng cũ. Rồi sau đó cũng có những cuộc càn quét tương tự của
Mỹ diễn ra nhưng những lần này có bộ đội chính qui về đánh trả, Mỹ không trở
lại. Thượng nguồn sông Thu Bồn dần dần được bình yên đến ngày giải phóng.
Nỗi đau không dứt
Trong chiến tranh, thôn
Trà Linh, xã Quế Tân thuộc huyện Quế Tiên, tỉnh Quảng Nam. Sau giải phóng cách
đây 23 năm, thôn này được đổi thành thôn Linh Kiều, xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp
Đức, tỉnh Quảng Nam.
Bây giờ con trai của bà
Năm đã ra đi gần 40 năm và 33 năm đất nước thanh bình. Gần 200 người dân thôn
Trà Linh ngày ấy bây giờ nhân lên gấp ba, đời sống tuy nghèo nhưng vẫn còn may
mắn hơn bà Năm. Con gái còn lại - chị Lê Thị Liên - có chồng, một con trai bây
giờ cũng nghèo lắm. Hiện nay vợ chồng chị lên tận Nông trường Phước Đức, huyện
Phước Sơn (Quảng Nam) nhận chăm sóc khoán 4ha cao su. Vì xa quá anh chị cũng ít
khi về thăm mẹ.
Bà Năm giờ ở một mình
trong căn nhà tạm của con gái. Hiện nay bà đang bị nhiều bệnh và sống dưới mức
nghèo khổ. Ngoài sự giúp đỡ của bà con lối xóm cùng chạy trú trong hang thời đó
thì bà không được Nhà nước trợ cấp một chút gì. Có mấy lần chị Liên làm đơn xin
trợ cấp cho mẹ, nhưng ngành lao động - thương binh và xã hội các cấp đều trả
lời “không biết xếp mẹ con bà vào diện chính sách gì”.
Vì ám ảnh triền miên,
nhiều năm qua tâm trí bà tỉnh điên lẫn lộn. Chiếc khăn của đứa con ngày xưa,
đến nay bà vẫn còn giữ và coi đó là “báu vật” bất ly thân. Đêm cũng như ngày,
khi không tỉnh bà bế chiếc khăn đó hát ru. Rồi có những khi bà đốt nhang, một
mình vào rừng miệng nói lẩm bẩm đi tìm mộ con. Nhưng mộ con của bà đã mất dấu
tích sau khi an táng do mưa quá lớn.
SƯU
TẦM
Nhận xét