5970. Ngày 14/3 - Gạc Ma

Ngày 14/3 - Gạc Ma

Kỉ niệm 31 năm hải chiến Trường Sa (14/3/1988 - 14/3/2019, Nhật Nguyệt Minh có bài viết ý nghĩa. Bức tranh tổng thể về quá trình Việt Nam xác lập và thực thi chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cùng những sự kiện quan trọng dẫn đến hiện trạng 5 quốc gia, 6 bên cùng tuyên bố và thực thi chủ quyền trên quần đảo Trường Sa được phác thảo toàn diện, có hệ thống với một quan điểm lịch sử khách quan (Nguyễn Tú Minh - Bay lên Việt Nam)
Ngày 14/3 - Gạc Ma
Trường Sa là một quần đảo bao gồm trên 100 đảo nổi, bãi đá ngầm và rặng san hô với diện tích khoảng 160 000 km2, có độ dài từ tây sang đông 800 km, bắc xuống nam 600 km, cách Khánh Hòa - Việt Nam 270 hải lí tùy theo vị trí. Cùng với Hoàng Sa là một nhóm đảo khác ở phía bắc với khoảng 30 đảo nổi, bãi đá ngầm và rặng san hô, cách Đà Nẵng - Việt Nam khoảng 200 hải lí, tạo thành thế liên hoàn trên một vùng biển mà người Việt từ sớm đã gọi là Biển Đông, khác với tên gọi phổ biến mà thế giới vẫn biết đến là biển Nam Trung Hoa (South China Sea).

Ở Việt Nam, ngay từ xa xưa, cái tên gọi Bãi cát vàng ở ngoài Biển Đông (còn gọi là Bể Đông, hay Đông Hải) đã xuất hiện rất phổ biến trong các phát ngôn cũng như thư tịch cổ, để nói về tính lên tục của người Việt đối với cùng biển này. Về sau này, các nhà hàng hải châu Âu ngoài tên gọi biển Nam Trung Hoa, còn gọi một tên khác là Đông Dương Đại Hải, cũng như chính Trung Quốc ngày xưa bên cạnh tên gọi biển Hoa Nam thì cũng đã từng gọi vùng biển này là An Nam Đại Hải, thực ra chỉ là cách gọi khác nhau cho một vùng biển tùy theo cách nhìn.
Như vậy có thể hiểu, ngay từ lâu người Việt đã có sự hiện diện cũng như thực thi công tác quản lí thường xuyên, đồng thời tiến hành khai thác những nguồn lợi kinh tế theo hình thức thụ đắc lãnh thổ đối với toàn bộ hai quần đảo và vùng biển xung quanh.
Vào nửa cuối thế kỉ 20, ở đây đã xảy ra hai cuộc hải chiến giữa Việt Nam và Trung Quốc.
- Hoàng Sa, ngày 19/1/1974 giữa hải quân CHND Trung Hoa với hải quân Việt Nam CH (một thực thể chính trị tồn tại ở miền nam Việt Nam thời điểm đó).
- Trường Sa, ngày 14/3/1988 giữa hải quân CHND Trung Hoa với hải quân CHXHCN Việt Nam (nước Việt Nam thống nhất sau năm 1975).
Ngoại trừ trận hải chiến Hoàng Sa, do khi đó còn nằm dưới sự quản lí của chính quyền Việt Nam CH nên hoàn toàn nằm ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta (nước CHXHCN Việt Nam), được xem là một sự thật phũ phàng buộc phải chấp nhận, còn thì trận hải chiến Trường Sa là ta đã đối diện trực tiếp quân đội đối phương, với kết quả 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam bị thảm sát và đảo Gạc Ma thất thủ sau đó. Cho đến nay, sự kiện này vẫn tốn không ít giấy mực của giới nghiên cứu các bên, có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí là trái chiều, nhưng tựu trung lại là tình hình Trường Sa nói riêng và Biển Đông nói chung không bao giờ như cũ nữa, luôn chực chờ một cuộc xung đột vũ trang, thậm chí có thể leo thang thành chiến tranh tổng lực, kéo theo đó là sự tham gia của các nước lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh quốc tế.
Ở Việt Nam, cuộc hải chiến ngày 14/3 vẫn được nhắc đến hàng năm với tên gọi sự kiện Gạc Ma, ngoài việc thể hiện mối quan tâm của nhân dân đối với vấn đề toàn vẹn lãnh thổ, ở một góc độ nào đó nó vẫn còn là một sự ngăn cách trong lòng người hiện nay, thì việc nhìn lại một cách minh bạch cũng là một sự trả lời sòng phẳng với lịch sử, ngõ hầu truyền tải được một thông điệp nào đó cho các thế hệ người Việt tương lai, rằng: vấn đề chủ quyền là tối thượng, không được phép dù chỉ là một chút mơ hồ, đừng để như những gì đã xảy ra cách đây 40 năm rồi sau này cứ nói mãi về điều đó với sự thương cảm khôn nguôi.
Ngược dòng thời gian một chút để nói về căn duyên của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa nói riêng và toàn bộ vùng biển Đông nói chung.
Muộn nhất thì từ thế kỉ 17, các chúa Nguyễn ở Đàng trong đã cử các đội hải binh ra Hoàng Sa - Trường Sa vào các mùa biển lặng để đánh bắt hải sản, cũng như thu nhặt sản vật. Hiện tại ở bảo tàng Lí Sơn (Quảng Ngãi), nơi phát tích câu chuyện huyền thoại về đội "hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa", vẫn còn trưng bày đầy đủ các hiện vật lịch sử ngày nào, cùng với những câu chuyện liên quan đến tên tuổi lẫy lừng của các vị chỉ huy như: Phú Nhuận hầu Võ Văn Phú, Hội Nghĩa hầu Võ Văn Khiết, Chánh Thủy quân suất đội Phạm Văn Nguyên, Chánh Thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật, Chánh Thủy quân suất đội Phạm Văn Biện...
Sách Phủ Biên Tạp Lục - Lê Quí Đôn, năm 1776 viết: họ Nguyễn (chúa Nguyễn) đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng (đến tháng 8 về), đi ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy.
Sách Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Đệ Nhị Kỷ đã dẫn: từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836), hàng năm cử người ra Hoàng Sa cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền, đo đạc thủy trình và vẽ bản đồ. Vua Minh Mạng phê chuẩn trong bản tấu của Bộ Công ngày 12/2/1836 rằng "mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ dài 4,5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc làm cột mốc..."
Cũng theo sách Đại Nam Thực Lục Chính Biên, ta biết việc đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ quần đảo Hoàng Sa là do các đoàn hải binh này đã tiến hành liên tục trong một thời gian dài, bắt đầu từ năm 1815 mãi cho đến năm 1838 thì chính thức dựng bia chủ quyền đầu tiên của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Cùng với đó, chính những đoàn hải binh này đã tiến hành cả việc kiêm quản Trường Sa như một công việc có phân công và định kì, vậy nên cái tên "hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa" cũng vì thế mà ra đời.
Sự thật này cũng được chính người phương tây đương thời ghi nhận. Trong "An Nam đại quốc họa đồ", Jeans Louis Taberd năm 1838 trên bản đồ vẽ quần đảo "paracel seu (cát vàng- Hoàng Sa) thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Trong khi đó, theo "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ", nhà Thanh (Trung Quốc) năm 1904, có ghi điểm cực nam của lãnh thổ Trung Quốc lúc đó chỉ đến đảo Hải Nam. Bản đồ cũng không đề cập đến hai quần đảo Tây Sa (西沙) và Nam Sa (南沙) tức Hoàng Sa (黄沙) Trường Sa (長沙) của Việt Nam.
Về tên gọi Trường Sa trong lịch sử thì có khúc mắc hơn một chút, ở đây là nói về sự nhận diện của các tài liệu nước ngoài, từ thế kỷ 16 đến 18, người châu Âu từ các quốc gia như Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh Quốc và Pháp vẫn chưa phân biệt rõ sự khác nhau giữa quần đảo Trường Sa với quần đảo Hoàng Sa. Trên bản đồ thường ghi I de Pracell như bản đồ Bartholomen Velho (1560), bản đồ Fernao Vaz Dourado (1590), bản đồ Van Langren (1595)... Cho đến năm 1787 - 1788, đoàn khảo sát Kergariou Locmaria mới có điều kiện xác định rõ vị trí của quần đảo Paracel (chính xác là quần đảo Hoàng Sa hiện nay) và từ đó người phương Tây mới bắt đầu phân biệt quần đảo Hoàng Sa ở phía bắc với một quần đảo khác ở phía nam, mà họ họi là Spratly (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Nhưng thực tế thì trong bản đồ Biển Đông và vùng Đông Nam Á của Matteo Ricci, vẽ trong "Khôn dư vạn quốc toàn đồ" in tại Trung Quốc năm 1602, đã được người Nhật ghi thêm dòng chú thích bằng chữ Hán "万里長沙" (Vạn Lý Trường Sa) rồi.
Khi Pháp chiếm Việt Nam vào thế kỉ 19, theo Hòa ước Giáp Thân (1884) đã kí với triều đình nhà Nguyễn, trong đó có 2 điểm được hiểu là nhắc đến trách nhiệm đối với chủ quyền vốn có của Việt Nam.
- Điều 1: Nước An Nam thừa nhận và chấp thuận nền bảo hộ của nước Pháp.
- Điều 15: Nước Pháp cam kết từ đây sẽ bảo đảm sự nguyên vẹn lãnh thổ của Đức vua An Nam.
Trên cơ sở đó, người Pháp đã tiến hành ngay lập tức công tác quản lí có tính kế thừa đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, cũng như trên toàn bộ vùng biển xung quanh mà không gặp một sự phản đối nào của các nước trong khu vực, kể cả triều đình nhà Thanh (Trung Quốc lúc đó).
Năm 1939, sau khi tiến vào Đông Dương, Phát xít Nhật đã thay mặt người Pháp tiến hành quản lí và xây dựng các căn cứ đồn trú quân sự tên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, dấu vết của họ vẫn còn lưu đến bây giờ. Thế chiến thứ hai kết thúc (1945), Phát xít Nhật đầu hàng đồng minh, quân Nhật tại đây rút về nước, đặt các đảo này vào hoàn cảnh không có người quản lí, cũng từ đây, các nước xung quanh đều cho rằng hai quần đảo lúc này đang ở trong tình trạng vô chủ.
Năm 1946, khi quay lại Đông Dương với tham vọng tái chiếm thuộc địa, Pháp cử đoàn giám sát ra hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, có nhắc lại những yêu sách về chủ quyền đối với hai quần đảo này, nhưng lại không cắt cử quân đồn trú ở lại.
Năm 1947, chính quyền Trung Hoa Dân Quốc (của Tưởng Giới Thạch) cũng gửi một đoàn khảo sát tới đây, đồng thời ra tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo, mà họ gọi là Tây Sa (Hoàng Sa - VN) và Nam Sa (Trường Sa - VN).
Tháng 2 năm 1948, để xác quyết yêu cầu của mình, trong phụ lục "Bản đồ vị trí các đảo Nam Hải" của "Bản đồ khu vực hành chính Trung Hoa Dân Quốc" do Cục Phương vực Bộ Nội chính Trung Hoa Dân Quốc phát hành, chính quyền Trung Hoa Dân Quốc ra tuyên bố về đường 11 đoạn, kéo dài từ đảo Đài Loan xuống ôm toàn bộ vùng biển và các đảo ở đây. Sau này, chính quyền CHND Trung Hoa (của Mao Trạch Đông) trên cơ sở kế thừa tuyên bố 1948 của Trung Hoa Dân Quốc, rút lại chỉ còn 9 đoạn (bỏ 2 đoạn trong vịnh Bắc Bộ), như truyền thông bây giờ vẫn nói là Đường lưỡi bò.
Năm 1956, căn cứ trên nội dung của Hiệp định Geneve lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới phân định hai miền nam - bắc Việt Nam, Việt Nam CH (chính thể ở miền nam) đã thực hiện quyền kiểm soát đối với 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, nhưng trong lúc đang chờ bàn giao của chính phủ LH Pháp, Trung Quốc đã nhanh chân đem quân chiếm giữ và kiểm soát nửa phía đông quần đảo Hoàng Sa, đặt mọi chuyện vào sự đã rồi.
Như trên đã nói, kể từ thời điểm người Nhật rút đi, các nước xung quanh đều cho rằng những đảo trong khu vực này đang trong tình trạng vô chủ, đã đồng loạt tiến hành các bước tuyên bố chủ quyền, đó là Philippines, Malaysia, Brunei, Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam. Đây được gọi là tình trạng tranh chấp 5 nước 6 bên nổi tiếng trong lịch sử hiện đại. Không dừng lại ở đó, tất cả các nước này đều đã tiến hành nhanh chóng các bước chiếm hữu trên thực tế.
Đây là một cách nghĩ rất phổ biến sau Thế chiến thứ hai, nghĩa là trong khi trật tự cũ không còn mà trật tự mới thì đang hình thành, cộng đồng quốc tế đều cho rằng các đảo này ở trong tình trạng vô chủ và bị tranh chấp, do vậy, nước nào chiếm được và cho người của mình lên đảo trước thì nước đó sẽ có quyền quản lí hợp pháp.
Để nói rõ về quan điểm này cũng cần nhắc lại, tại Hội nghị San Francisco năm 1951 về việc phân định lại các vùng lãnh thổ mà phát xít Nhật đã chiếm giữ từ trước và trong Thế chiến thứ hai, thì hai quần đảo Hoàng Sa (Paracel) - Trường Sa (Spratly) là đối tượng tuyên bố chủ quyền của nhiều bên tranh chấp lúc đó, bao gồm: LH Pháp, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines. Kết quả Hội nghị đã không công nhận chủ quyền của bất cứ quốc gia nào, các quần đảo được coi là vô chủ, đương nhiên kết quả này lại càng gây ra tranh chấp dữ dội hơn giữa các bên về sau.
Về phía Việt Nam thì sao? Tuy rằng ta đã ra tuyên bố về chủ quyền trên cơ sở những bằng chứng lịch sử cũng như pháp lí (có kế thừa từ thời phong kiến đến thời thuộc địa, sau này là lấy lại từ chính quyền Việt Nam CH), nhưng công tác quản lí và thực thi pháp lí trên thực tế của ta lại không thống nhất, cùng theo đó, cuộc chiến tranh nam - bắc mới kết thúc trước đó chưa lâu đã tiêu tốn rất nhiều tài lực quốc gia ở cả hai miền, phần nào là một điều kiện thuận lợi cho các nước xung quanh nhòm ngó và từng bước hiện thực hóa tham vọng lãnh thổ của mình. Sự kiện hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974, chỉ sớm hơn 1 năm trước khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt là một ví dụ. Hoàn cảnh này đã đặt Việt Nam vào thế, bên cạnh việc kiên trì tuyên bố chủ quyền, vẫn khó tránh khỏi phải tham gia cuộc chạy đua chiếm hữu trên thực tế các hòn đảo, bãi đá ngầm và rặng san hô với các nước xung quanh.
Lúc này thì tình hình tại đây đã diễn biến không ngừng, có dấu hiệu leo thang phức tạp, đơn cử như
- Ngay từ năm 1971 Philippines đã ra tuyên bố chính thức yêu sách 53 đảo, theo đó họ coi những đảo này là vô chủ và có thể tự do chiếm hữu cũng như quản lí theo hình thức ai đến trước thì được hưởng;
- Malaysia bắt đầu hiện thực hóa tham vọng lãnh thổ của mình qua việc cho hải quân tiến hành chiếm đóng 3 đảo Hoa Lau, Kì Vân, Kiêu Ngựa thuộc quần đảo Trường Sa vào năm 1983;
- Thời gian này, sau khi đã chắc chân ở Hoàng sa, Trung Quốc thường xuyên cho một số tàu đội lốt đánh cá, không có số hiệu cơ động xuống khu vực thuộc Trường Sa, công khai trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam;
- Trong khi đó, cho đến giữa những năm 1980, Việt Nam mới chỉ có quân đóng giữ trên 9 đảo nổi và 1 bãi đá ngầm ở Trường Sa, cụ thể: 5 đảo là Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa (chiếm lại của chính quyền Việt Nam CH sau một trận đánh chớp nhoáng hồi tháng 4/1975), thêm 4 đảo khác là An Bang, Sinh Tồn Đông, Phan Vinh, Trường Sa Đông (thực hiện chiếm giữ và đóng quân vào đầu năm 1978).
Đến giữa năm 1987, phát hiện các tàu chiến, tàu vận tải hoạt động thăm dò của Trung Quốc trong vùng biển Trường Sa cũng tăng lên đột biến, đi lại ngang nhiên trong khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam với tần suất ngày một nhiều hơn, có hành vi khiêu khích, chủ động va chạm, ít nhiều thể hiện ý định tạo xung đột để tiến tới sử dụng vũ lực chiếm giữ các bãi đảo ở đây.
Song song với đó, cũng có sự ghi nhận về hoạt động bất thường của hải quân Philipnes, qua một số động thái cho thấy họ thể hiện sự quan tâm đến các đảo nằm trong vùng biển này.
Đứng trước tình hình này, Việt Nam đã thực hiện Chiến dịch CQ 88 (chủ quyền 88), tăng cường hơn nữa việc giám sát và củng cố các cơ sở vật chất tại các điểm đã chiếm giữ, đưa người ra các bãi đá chưa có người ở xung quanh.
Tháng 3 năm 87, thấy Malaysia sơ hở ta đã tổ chức lấy lại bãi Thuyền Chài và ngay lập tức xây dựng các cơ sở vật chất kiên cố và bố trí lực lượng chốt chặn tại đây.
Như đoán được ý định của Việt Nam, sau sự việc này, Trung Quốc càng cho nhiều tàu thuyền hoạt động quấy rối hơn nữa để gia tăng áp lực khiến cho tình hình khu vực leo thang ngày càng trở nên nguy hiểm.
Không để cho hoàn cảnh khó khăn ngăn cản, cuối tháng 10/1987, BTL hải quân Việt Nam đã đưa ra kế hoạch, trong vòng 3 năm (từ năm 1987 đến 1990) sẽ tăng cường công tác chiếm giữ các bãi đá có vị trí quan trọng thuộc quần đảo Trường Sa như: Châu Viên, Đá Tây, Chữ Thập, Đá Lớn, Núi Le... theo thứ tự lấy đảo lớn trước rồi mới đến các đảo nhỏ và bãi đá sau, không để các nước khác đóng xen kẽ. Đồng thời Việt Nam cũng xác định rõ đối tượng đấu tranh lúc này không ai khác chính là Trung Quốc.
Cũng trong thời gian này, Tư Lệnh hải quân Việt Nam Giáp Văn Cương đã ra lệnh cho các lực lượng dưới quyền chuyển sang trạng thái sẵn sàng chuẩn bị chiến đấu, cơ động lực lượng ra phía trước để đề phòng tình huống bất trắc xảy ra.
Điều đặc biệt ở đây, tất cả kế hoạch này đều đã được BTL hải quân chủ động đề ra và có báo cáo lên BQP sau đó, mặc dù chưa có chỉ đạo gì, nhưng vẫn chủ động triển khai một cách tích cực.
Cũng cần nói thêm, tại thời điểm Việt Nam đang chạy đua với các nước để chiếm giữ trên thực tế các bãi đá, lại là thời điểm cuối năm, vào mùa gió nên sóng và gió ở Biển Đông rất mạnh, hoàn toàn không thuận lợi cho việc cơ động trong vùng. Các tàu của hải quân Việt Nam mặc dù đã rất cố gắng, nhưng do khí hậu khắc nghiệt, phương tiện còn thô sơ, nên ở một số điểm đã đưa được người ra đến nơi rồi nhưng không trụ lại được (ví dụ như bãi Chữ Thập) phải quay về đất liền để tiếp liệu và sửa chữa máy móc.
Ngày 06/11/1987 BQP Việt Nam đã thông qua các kế hoạch được đề xuất từ trước của BTL hải quân và ra mệnh lệnh cho hải quân và không quân về việc bảo vệ Trường Sa. Trong mệnh lệnh số 1679 có nói rõ: "Đưa lực lượng ra giữ các bãi cạn chưa có người, không chờ tin chỉ thị của cấp trên... khai thác và phát huy mọi khả năng các lực lượng vũ trang, các ngành, các địa phương để chi viện từ bờ ra đảo, nếu đối phương xâm phạm đảo và dùng vũ lực uy hiếp thì đánh trả." Nói đến đây, người viết bài này rất phân vân vì trên mạng xã hội hiện nay vẫn lan truyền thông tin về một mệnh lệnh không cho bộ đội nổ súng của một vị lãnh đạo cấp cao tại thời điểm đó, không hiểu nguồn thông tin đó từ đâu, ít nhất người nhận lệnh trực tiếp là ai thì cũng chưa thấy lên tiếng xác nhận, cần phải kiểm chứng thêm nữa.
Ngay tại quần đảo Trường Sa, đến trước thời điểm xảy ra trận đụng độ, trên thực tế Trung Quốc đã chiếm được các bãi đá Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa và đang lên kế hoạch chuẩn bị chiếm tiếp 3 bãi Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma, là nơi mà Việt Nam cũng đang tăng cường hoạt động trên thực tế.
Đến đây thì ta hiểu, bắt đầu từ cuối năm 1987 đến đầu năm 1988 Việt Nam và Trung Quốc đều chạy đua nước rút trong việc chiếm giữ các đảo chìm và bãi chưa có người ở, cuộc đối đầu ở Gạc Ma vào ngày 14/3/1988 là giọt nước tràn li của cả một quá trình đã diễn ra từ trước đó rất lâu và do sức của ta có hạn nên kết cục như vậy quả là quá đau xót, nhưng sau đó thì việc chiếm hữu trên thực tế của Việt Nam trên toàn bộ quần đảo Trường Sa được đẩy mạnh lên nhiều nhất, so với từ trước đến giờ.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.