5948. Tết xưa...Tết nay... và "bốn chấm không"

TẾT XƯATẾT NAY
VÀ “BỐN CHẤM KHÔNG”
PNTB

Trên phương diện đời thường, ai cũng quanh năm phải lo toan cuộc sống, nhưng cứ đến tết là những cung bậc vui, buồn lại có dịp dâng lên. Với người Việt Nam, Tết Nguyên Đán là thời điểm thiêng liêng nhất của một năm, là lúc đất trời vặn mình chuyển “đốt”, là dịp được nghỉ ngơi, chiêm nghiệm cuộc đời.

TẾT XƯA…

Hồi tưởng lại từ thời vua chúa xa xưa, một cụ già 90 tuổi kể: Cái tết năm ấy, chiều 23 tháng Chạp, “Táo Quân chầu giời” mà cái ông lý trưởng độc ác vẫn cho người đến siết nợ, không có tiền, cả nhà có mỗi cái giường ba là xà đáng giá, thì họ cũng tháo ra bó lại, vác đi. Vợ chồng con cái phải trải rơm xuống nền nhà làm ổ để ngủ và đón xuân… Những ngày tết, trừ sự bất khả kháng thì làm người, không ai muốn đem đến cho nhau niềm đau nỗi buồn. Cũng như câu tục ngữ “trời đánh còn tránh miếng ăn”, nói về truyền thống văn hóa nhân đạo của Dân tộc. Những lúc người ta ăn, những khi người ta sắp đón Tết thì không ai nỡ làm những việc thất đức…

Nói đến Tết là nói đến Ăn và Chơi. Ngày Tết phải được ăn, chơi đầy đủ, vui vẻ. Đó cũng là ý thức tâm linh. Ai cũng sợ những cái xấu đầu xuân làm “giông cả năm” … Người Việt thường hỏi nhau, năm nay anh/chị ăn tết ở đâu? Ông/ bà ăn tết có to không? … Ăn là hàng đầu. Phi ăn uống, bất thành tết nhất. Những tết xưa, khi đời sống còn khó khăn, mỗi khi tết đến, người ta lo nhất là có được đủ ăn cho ba ngày tết. “Số cô chẳng giầu thì nghèo/ Ba mươi tết có thịt treo trong nhà”. Dù nghèo đói quanh năm, nhưng đến tết vẫn phải có “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Từ 27 đến 30 tháng Chạp, dăm ba nhà mổ chung con lợn, gọi là “ăn đụng”, thường đã có kế hoạch từ nhiều tháng trước. Trưa hôm ấy, sẽ đánh chén một bữa với lòng mề, nước xuýt thật mỹ mãn, nhớ đời, dường như để “trả thù” cho sự đói khát kinh niên. Trẻ con thì vui bất tận, tíu tít nô đùa vì có manh áo mới, lại được ăn ngon. Những người sống qua thời bao cấp, chưa ai quên những ngày ấy. Cán bộ thì tùy theo chức danh, mà được cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm theo tem phiếu. Việc mua sắm món ăn, món uống ngày tết cũng vậy. Mỗi nhân khẩu mấy lạng thịt, mỗi gia đình gói bánh mứt kẹo, tấm đường phên như viên gạch chỉ, gói trà Thái, bao thuốc lá Tam Đảo, chai rượu cam, rượu chanh, bánh pháo Bình Đà…Tất cả bày lên bàn thờ gia tiên chiều 30 tết là đã thấy “phong lưu”, đã “có Tết”. Thời ấy, tuy còn thiếu thốn nhưng có vẻ mọi người, mọi nhà đều sàn sàn, hiếm có cảnh “kẻ ăn không hết, người lần không ra”, nên chẳng mấy ai thấy mình khổ.

Còn chơi, thì vui nhất là những tràng pháo tép, pháo đùng, mấy tấm tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống dán tường… Thông tin thì đã có cái đài chạy pin hoặc nghe chung cái loa nén công cộng treo ở đầu xóm. Sang những năm 70 có thêm ti vi đen trắng, rồi ti vi mầu là sang lắm rồi. Còn nhớ, những năm mới hòa bình lập lại (1954), nông thôn chưa có điện thì ngày tết, nhà nào cũng trồng cây nêu, tối treo cái đèn chai lên như một cách trang trí, làm sang.
Bài đăng tạp chí Phansipang
số Tết Kỷ Hợi

Những năm bao cấp, đi chúc tết nhau, gần thì đánh bộ, xa thì xe đạp. Học sinh, sinh viên về ăn tết phải lo xếp hàng mua vé tàu, xe. Mua được vé lên tàu, lên xe chen nhau như nêm cối. Hồi đi học ở Hà Nội, có lần về tết được nhà trường phân phối gói quà, lòng náo nức như trẻ con được kẹo. Nhưng đi tàu bị kẻ cắp cuốm mất, buồn như chấu cắn… Những kỷ niệm như thế, dù nhỏ mà nhớ đời, nó làm nên “vẻ đẹp thơ mộng”, găm vào ký ức.       

TẾT NAY…

Là những năm gần đây, tạm cho là từ khi bước vào thập niên thứ nhì của thế kỷ 21. Tết là nét văn hóa cổ truyền, nhưng nó vẫn biến đổi theo thời gian với sự tiến bộ chung của nhân loại. Ngưới ta bảo, bây giờ là thời đại công nghiệp 4.0, nhưng tôi nghĩ cái đó chưa phổ biến. Cái phổ biến là một xã hội có nền kinh tế thị trường và đa số người dân đang sống trong thời đại công nghiệp 3.0, mà điển hình là kỹ nghệ điện tử, sinh học, internet toàn cầu…

Cho dù gì đi nữa, thì mọi người vẫn phải lo ĂN. Tất nhiên bây giờ ít người lo thiếu ăn, thiếu mặc, nhưng lại lo ăn phải thức ăn độc hại. Truy cập vào internet, không ngày nào ở trên mạng không có những thông tin về lương thực, thực phẩm “ướp” chất gây ung thư. Đài truyền hình Việt Nam mở hẳn chuyên mục chống thực phẩm bẩn. Trong lúc đang gõ những dòng này, tôi bỗng nhớ đến một clip mới đây ở địa bàn tỉnh VP, mô tả cảnh người ta “phù phép” nhiều tấn lợn chết với đủ các thứ bệnh, đã ôi thối thành “thịt lợn ngon thơm”, thịt sấy khô “đặc sản” … để bán Tết! Ác đến thế là cùng. Mà đó cũng là “nhờ” kết quả của… “tiến bộ khoa học, công nghệ”, chứ nếu “khù khờ” như trước đây thì lợn bị bệnh dịch, chết chỉ có mang chôn sâu, rắc vôi bột, chứ sao có thể “phù phép” được như thế!… Tôi gõ thử vào Gu gờ từ khóa “thực phẩm độc hại”, nháy mắt đã cho hơn 2 triệu kết quả. Ngộ độc “cấp tính”, thì đây đó vẫn xảy ra những vụ hàng chục người nhập viện vì… ăn. Như thế còn “may”, bởi được cứu chữa kịp thời, chất độc chưa kịp gây ung thư. Nói về sự ô nhiễm thực phẩm thì vô kể, nó đang dẫn hàng triệu sinh linh trên con đường… đi đến “Tây Thiên” mà dường như khó phát hiện. Tháng 4/2018, tổ chức Y tế thế giới WHO xếp Việt Nam nằm trong 50 nước thuộc tốp 2 mắc các bệnh ung thư. Khi đồng tiền chi phối lương tâm, văn hóa đạo đức xuống cấp thì xã hội bất lực. Thế mới biết, tiến bộ khoa học công nghệ giúp con người “khôn” lên, nhưng với NỀN VĂN HÓA CHƯA TƯƠNG XỨNG, ĐẠO ĐỨC SUY GIẢM, PHÁP LUẬT CHƯA NGHIÊM… thì tất nhiên sinh ra những người “trồng rau hai luống”, “nuôi lợn hai chuồng”, để rau sạch, lợn sạch nhà mình ăn, rau bẩn, thịt bẩn bán cho thiên hạ, “sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi”…Họ tưởng chỉ có mỗi mình là “khôn”, còn người khác “ngu” cả!... Rõ ràng là thành tựu công nghệ cao như con dao hai lưỡi, lưỡi nào cũng sắc. Ở tầm chiến lược, chắc hẳn phải có những biện pháp hạn chế “cái lưỡi dao” làm đứt chính tay mình.

Còn nói về đi lại, tết nhất bây giờ đến thăm nhau thì vài trăm cây số là chuyện nhỏ. Nhờ có công nghệ phát triển mà đường sá khang trang, chỉ vài năm, nhiều tuyến cao tốc được xây dựng hiện đại. Xe máy nhiều như trấu, ô tô chật đường. Bây giờ trẻ con không còn khoe nhau “nhà tao có ô tô”, như mấy năm trước nữa. Ở thành phố, nhiều gia đình đã có xe bốn bánh, có “xế hộp”… Nếu chỉ nhìn vào đó ai chả vui, chả sướng? Nhưng đi theo nó là tai nạn giao thông (TNGT) thường xuyên xảy ra. Chỉ vài ngày đầu tháng 1/ 2019 đã liên tục có mấy vụ kinh hoàng. Theo Ủy ban An Toàn Giao thông (ATGT) quốc gia, mỗi ngày ở Việt Nam trung bình có 25 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương do TNGT. Có thể nói, thương vong do TNGT thật khủng khiếp. Hôm 6/1/2018, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói: “Số người chết do TNGT chẳng khác thời chiến”. Báo chí không mấy ngày là không đưa tin về TNGT mới. Nhưng hình như nghe quá nhiều, cảm xúc cũng chai lì. Kinh nghiệm cho thấy nhiều năm qua, cứ đến dịp lễ tết, hội hè, thậm chí mừng chiến thắng bóng đá khu vực cũng dễ dàng “nướng” hàng chục mạng người!... Rõ ràng TNGT phần lớn là do Văn hóa giao thông (Ý thức chấp hành luật) gây ra.

Nhìn về hình thức, từ thành phố đến nông thôn hiện nay có nhiều điều mới mẻ đến ngỡ ngàng. Nhà cửa khang trang, nhà máy công trường mọc lên như nấm, giao thông vận tải sầm uất, tốc độ xây dựng chóng mặt, mọi nơi đều lung linh sắc màu, hàng hóa tràn ngập thị trường, cứ có tiền là mua được tất cả… Vậy như thế là “Tết vui”? Nhưng cứ nghĩ về những bất cập hiện hữu trong văn hóa, xã hội như ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông, nạn tham nhũng, sự dối trá trong sản xuất, lưu thông, học tập và đời sống… thì nếu không phải là buồn cũng thấy kém vui.

Thế giới đang bước vào thời đại công nghiệp lần thứ tư, nói tắt là thời đại công nghiệp 4.0. Chúng ta có vui không? Vui chứ. Bởi nằm trong thế giới này, ắt chúng ta sẽ được ảnh hưởng thành quả. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, nếu một dân tộc không thực sự ráo riết xây dựng được một NỀN VĂN HÓA TƯƠNG XỨNG VỚI SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ, CÔNG NGHỆ; TẠO RA NHỮNG CON NGƯỜI MANG CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC, TRUNG THỰC, NHÂN VĂN…, thì chính thành quả cao của công nghệ tự động hóa, robot, trí tuệ nhân tạo (AI)… sẽ dẫn đến sự hủy diệt không chỉ bản thân chúng ta mà còn hủy diệt cả nhân loại.


15/01/2019 - N.N.D

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.