5920. Chém gió về chó nuôi

Chém gió về chó nuôi
PNTB

Xung quanh con chó mà cũng lắm chuyện phết.

Ngày xưa ở làng quê người ta nuôi chó chủ yếu có hai mục đích. Một là những nhà khá giả thì nuôi để chống trộm, giữ của. Những nhà nghèo chả có của nả gì thì cũng nuôi chó, nhưng để nó dọn cứt cho mấy đứa trẻ, vì ngày ấy chưa có “toa let” hay bô, vịt cho trẻ con… 

Bây giờ “thời buổi văn minh”, nhất là ở thành phố đa số nhà cao cửa rộng, kín cổng cao tường nên con chó ít phải làm nhiệm vụ coi nhà. Nhà giầu thì cửa đóng then cài chắc chắn, lại có thêm camera, các phương tiện an ninh điện tử. Bạn bè đến chơi không gọi trước, “lập trình” đàng hoàng thì không thể vào. Nhà nghèo cũng có cái bô cho trẻ, không bậy lung tung phải gọi chó dọn. Ở nông thôn đa số nuôi chó để bán cho những nhà hàng “cầy tơ bẩy món” phục vụ khách nhậu…

Thế nhưng có rất nhiều nhà ở thành phố vẫn nuôi chó. Nuôi chỉ để… chơi – chơi chó. Có anh chị học theo “phong cách Tây”, chỉ thích nuôi chó Nhật làm cảnh. Đi đâu về có khi chưa kịp chào bố mẹ đã vồ lấy con chó hôn hít, vuốt ve. Dù sao cũng là một thú vui. Nhưng có việc đi xa không mang theo chó được thì phải mướn người nuôi hoặc mang gửi ở một tiệm nuôi chó chuyên nghiệp. Người bạn tôi ở Hà Nội kể, có đứa con đi Tây học về không xin được việc làm, liền mở tiệm nuôi chó thuê. Thế mà “hái ra tiền”. Vì ‘nó có chuyên môn’ được học ở nước ngoài. Nuôi chó còn khó hơn nuôi người. Phải biết cách cho nó ăn, cho nó ngủ, tắm gội thường xuyên theo đúng quy trình bằng sữa tắm đặc biệt, chăm sóc y tế chu đáo… Nuôi thuê một suất chó ở Hà Thành thu nhập cao hơn hẳn so với mấy bà trông trẻ ở tỉnh lẻ…

Ở những “vùng quê yên tĩnh”, thường nghe tiếng gà gáy, lợn réo, chó sủa… cũng thấy vui tai. Đêm hôm khuya khoắt thỉnh thoảng tỉnh giấc nghe tiếng chó ‘gâu gâu’ lúc xa, lúc gần, ở hướng nào là có thể đoán được tiếng chó nhà ai, nó sủa vì cái gì, có khi chẳng vì cái gì, người xưa gọi là “chó sủa giăng suông” ! 

Còn ở phố xá thì khác. Trừ những nhà có biệt thự, cửa kính kín bưng, thì những ngôi nhà thường dân làm theo kiểu nhà ống san sát nhau, mà nhà này nuôi chó là ảnh hưởng đến nhà kia. Chó nhốt trong cũi trên lầu, gác thượng đêm hôm nó quậy, nó tru, nó sủa, khiến những người ở nhà bên rất lấy làm khó chịu. Nhưng nói ra thì sợ mất lòng hàng xóm. Nghe hai bà láng giềng trò chuyện với nhau: “Nhà bà có con chó to như con bê mà hình như đêm nó hay bị đói nên cứ lục sục thì phải?”. Bà kia tiện thể khoe: “Cháu nó mới tậu được ở bên Tàu, dững hơn 600 tệ, khoảng hai mươi triệu tiền “ông cụ” đấy bác ạ. Nó khôn lắm, dưng nuôi nó vất vả quá, tôi đã tính, bảo nó bán đi, dưng giống “chó quý” bán thì tiếc, dù biết là nuôi cũng chả để làm gì…”

Ở nhiều khu phố, thị trấn hình như họ theo nhau nuôi chó như một phong trào. Cứ đến đấy là gặp chó. Chó ngồi trước cửa nhà, chó đi lang thang ra đường. Đôi khi còn thấy một đôi đực cái… “cãi nhau” giữa thanh thiên bạch nhật. Chó ỉa ra vỉa hè, gốc cây, chó đuổi nhau giữa đường, thậm chí đuổi cắn cả… ô tô, xe máy! Những người đi bộ, nhất là trẻ con thì sợ hú vía… Một người dân ở phố này còn tự hào khoe, phố tôi là phố chó đấy. Hồi tháng 5 năm nay có vụ cháu trai 2 tuổi bị chó cắn nát mặt, phải chỉnh hình ở Bệnh viện Nhi trung ương. Truyền thông nhà nước cũng đưa tin nhiều người, nhất là trẻ em bị chó cắn, nhiễm virus dại không kịp tiêm phòng nên mất mạng… Khiếp quá. Với sự nguy hiểm của chó, nhà nước không cấm nuôi nhưng đã có các Nghị định quy định rõ trách nhiệm của chủ nuôi chó như tiêm phòng, cấm thả rông, phải có rọ mõm khi dắt ra đường…(http://plo.vn/ban-doc/quy-dinh-moi-chu-nuoi-cho-phai-biet-721068.html Nhưng nhiều nơi không thực hiện nghiêm. Ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… đã có dạo rộ lên về việc tổ chức cho người đi đập chó thả rông, tưởng vài ngày là hết sạch. Thế nhưng chẳng khác gì ném cục đất xuống ao bèo…


Hôm gặp ông bạn ở quán nước vỉa hè ông ấy kể, ở chi bộ khu phố của ông ấy đã bàn nhiều về nạn nuôi chó gây trở ngại cho cuộc sống cộng đồng. Chi bộ khu phố toàn các cụ hưu. Các cụ thường xác định là đã “về vườn” rồi thì chả bàn được việc gì to nhớn, quốc gia đại sự, mà những cái ấy có nói cũng chả ai nghe. Nhưng theo điều lệ đảng thì cứ phải họp mỗi tháng 1 kỳ để có “nghị quyết lãnh đạo”. Thế nên chỉ xoay quanh mấy việc giữ gìn trật tự, thu gom rác thải… ở nơi sinh sống. Vậy thì bàn việc lãnh đạo nuôi chó là nằm trong tầm tay. Các cụ đưa ra ý kiến xin chủ trương chi bộ cần có biện pháp thực hiện Nghị định của Chính phủ về vấn đề nuôi chó ở Khu dân cư… Nhưng câu chuyện vẫn bất thành. Một đồng chí chi ủy viên có ý kiến, cái này cũng khó lắm, vì chưa thấy có chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, mình tự ý đề ra khác nào “cầm đèn chạy trước ô tô”… Vì thế đến nay vẫn chưa có nghị quyết nào của chi bộ để lãnh đạo có hiệu quả về việc nuôi chó…


Nguyễn Ngọc Dương/ PNTB

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.