5918. Dân chủ và Dân vận


Dân chủ và Dân vận 
PNTB

Nhân việc Trung ương chỉ đạo học tập trực tuyến chuyên đề năm 2019 “XÂY DỰNG Ý THỨC TÔN TRỌNG NHÂN DÂN, CHĂM LO ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH”, tôi trích đăng lại một đoạn trong bài viết của mình từ năm 2011 đã đăng tải trên Tạp chí Phansipang)

DÂN CHỦ VÀ CÔNG TÁC DÂN VẬN

… Phải khẳng định ngay rằng, không ai có thể làm được công tác dân vận một khi không thực hiện tốt những vấn đề dân chủ. Trở lại bài báo Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 15/10/1949 ta thấy, trước khi nói về nội dung, phương thức, chủ thể làm công tác dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu vấn đề Dân chủ ra như một điều kiện tiên quyết. Nghĩa là KHÔNG CÓ DÂN CHỦ THÌ KHÔNG THỂ NÓI VỀ DÂN VẬN.
 
Kinh nghiệm cho thấy, ở đâu thiếu dân chủ là ở đó nảy nòi trong đội ngũ cán bộ bệnh lạm dụng quyền hạn để tham nhũng, ức hiếp quần chúng; ở đâu thiếu dân chủ là ở đó sinh ra mọi thói hư, tật xấu của xã hội; ở đâu thiếu dân chủ là ở đó mất lòng tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ và vì vậy, mất luôn lòng tin vào Đảng và Nhà nước. Dân chủ là điều kiện và tiền đề của Công bằng và Văn minh. Chỉ có mở rộng dân chủ thực sự mới phát huy được tính sáng tạo của quần chúng nhân dân, mới thu phục được nhân tâm, mới đoàn kết được cộng đồng...

Nhưng Dân chủ không phải là những khẩu hiệu tô cho thật đẹp, là lời nói, nói cho thật hay hoặc cố bày vẽ dân chủ hình thức để lừa bịp quần chúng như nhiều nơi trên thế giới đã làm. Dân chủ phải là cơ chế, chính sách đi vào lòng người; là sự cầu thị, thực thà lắng nghe và tiếp thu những ý kiến của nhân dân, nhất là tầng lớp trí thức, kể cả những lời “trung ngôn – nghịch nhĩ”; là những hành động đem lại quyền lợi thiết thực và chính đáng cho người dân, đem lại sự công bằng cho xã hội... Trong thực tế, có nhiều người trong giới lãnh đạo thường nhấn mạnh: “Các thế lực thù địch đang lợi dụng dân chủ để phá hoại sự nghiệp của Đảng và nhân dân ta”. Đương nhiên khi mở rộng dân chủ không loại trừ yếu tố ấy, cảnh giác cũng cần, nhưng nếu quá nhấn mạnh điều đó sẽ trượt sang quan điểm nguỵ biện cho những hành vi vi phạm dân chủ của những kẻ chuyên quyền, độc đoán. Đôi khi còn nguy hiểm, bởi nó có thể lẫn lộn giữa dân và địch, giữa người lương thiện và kẻ lưu manh ẩn hình...

Nhớ lại thời kỳ ông Phạm Thế Duyệt, uỷ viên Bộ chính trị – Trưởng Ban Dân vận Trung ương được Bộ Chính trị cử làm Tổ trưởng tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu hiện tượng một số nơi ở Thái Bình nổi lên biểu tình, bắt giam cán bộ cơ sở... Ông Phạm Thế Duyệt kể lại: “Khi trở vể báo cáo, Bộ chính trị hỏi tôi: “Theo đồng chí thì đó là dân hay địch?”. Rất may, tôi khẳng định: “Đó chỉ là dân chứ không có địch”. Chính vì vậy mà quan điểm xử lý của Trung ương hoàn toàn khác…”.

Tại sao lại phải sợ, khi Nhà nước có kỷ cương, pháp luật, có bộ máy công quyền hùng mạnh? Một khi dân chủ được gắn với pháp luật và kỷ cương; một khi dân chủ phát huy được sức mạnh thực sự của khối đoàn kết toàn dân tộc thì liệu có “thế lực thù địch” nào có thể phá hoại được? Có chăng, đó chỉ là những “bóng ma”…

Trong thế giới ngày nay, xu thế dân chủ hoá đang trở thành một làn sóng toàn cầu. Đó là quy luật của sự tiến bộ xã hội. Không ai có thể đi ngược lại xu thế đó. Do vậy ở bất kỳ nơi nào khi mà dân chủ bị siết lại thì lợi bất cập hại là không tránh khỏi.

Nguyễn Ngọc Dương/ PNTB

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.