5917. Mắm tép - Văn hóa ẩm thực Đồng bằng sông Hồng

MẮM TÉP – VĂN HÓA ẨM THỰC ĐB SÔNG HỒNG !
PNTB
Quê mình ở vùng Đồng bằng Sông Hồng có món Mắm tép độc đáo. Dù lên Miền núi, xa quê đã quá nửa thế kỷ, nhưng nay bà xã quyết định làm món này, để “nhớ hương vị quê hương”.

Gọi là Mắm tép nên vật liệu chính là con tép, một “nhân vật” trong bài ca dao nổi tiếng: “Bà Còng đi chợ trời mưa/ Cái Tôm, cái Tép đi đưa bà Còng…”

Công thức làm Mắm tép gồm:

-. Tép tươi (còn nhảy tanh tách): 1 kg, rửa sạch để ráo nước, giã nát;
-. Muối ăn, tỷ lệ = 1/6 tép, khoảng 170 gram;
-. Củ riềng khoảng 200 gram, xay nhỏ;
-. Thính (gạo rang vàng sậm, giã nhỏ) khoảng 200 gram;
-. Rượu trắng khoảng 3 - 4 chén mắt trâu.

Tất cả trộn đều, ủ trong lọ sành hoặc bình thủy tinh, đậy kín. Bình, lọ đựng mắm phải được rửa thật sạch, để khô ráo, tuyệt đối không được dính nước lã. Lọ mắm thỉnh thoảng mang ra phơi nắng (không cần mở nắp, nếu mở nắp thì phải đậy bằng tấm vải xô, tránh côn trùng xâm nhập). Sau 30 ngày thì ăn được, mở ra là thấy mùi đặc trưng của Mắm tép.

Khi ăn, cần có lá chanh. Dùng kéo cắt lá chanh thành sợi, càng nhỏ càng tốt, trộn vào. Lá chanh không thể thiếu vì nó tạo thành hương vị đặc biệt, dậy mùi thơm hấp dẫn. Ngoài ra cần vắt thêm một lát chanh tươi, quấy đều.

Món Mắm tép thường ăn sống với thịt lợn ba chỉ luộc (người Hà Nội gọi là thịt lợn ba dọi). Nếu được lợn ‘cắp nách’ (thuộc loại ‘gà đồi, lợn núi’ chính hiệu, không nuôi tăng trọng) thì càng ngon. Mắm tép chưng với thịt lợn nạc băm, dùng để ăn với cơm cuối bữa nhậu cũng rất vào. Thậm chí, đơn giản đôi khi chỉ cần nửa thìa cà phê mắm tép, một bát cơm gạo séng cù hay gạo tám thơm, 2 quả sung muối, một lát khoai lang là xong bữa sáng, khỏi phải thậm thụt ra thăm cô hàng phở, hàng bún, rước những chất nguy cơ gây ung thư, vốn đang thừa thãi vào dạ dày.

Món ăn quê mùa này vừa lành vừa sạch, tự tay làm lấy thì hoàn toàn yên tâm.

Hôm rồi mình có ông bạn Luật sư từ “Sài Thành” ra chơi, lúc về chẳng có sơn hào hải vị gì làm quà, chỉ có mỗi lọ mắm tép nhỏ xíu bằng quả thanh long. Vì cho là “của quý” nên bạn luôn mang theo bên người. Mặc dù đã được đóng gói rất kỹ càng, không hề tỏa mùi mắm, nhưng khi lên phi cơ vẫn bị an ninh sân bay phát hiện bằng máy dò hiện đại và yêu cầu phải ‘di lý’ lọ mắm tép xuống khoang hành lý. Về đến nhà, ông bạn gọi điện báo tin: Đã chuyển thành công món ẩm thực “Văn Hóa Bắc Hà” về đến Sài Gòn, tuyệt đối an toàn!. Bà Luật sư Sài Gòn trân trọng đón nhận và gửi lời cảm ơn người đã làm ra món Mắm tép Đồng bằng sông Hồng, đơn giản mà hấp dẫn.

Xin nói thêm, sản phẩm không có bán, chỉ để chiêu đãi bạn bè.   

Nguyễn Ngọc Dương/ PNTB

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.