5899. Khách “lạ”, chuyện lớn về mối lo lớn


Khách “lạ”, chuyện lớn về mối lo lớn
Treo bảng “hồn nhiên” hoán đổi và mua bán nhân dân tệ
trên đường phố Nha Trang (sao không thấy phạt?)
Sáng nay xin ghi lại tin tức về một vấn đề đang “nóng” từ diễn đàn Liên hiệp Quốc, tới Hồng Kông và tới cả thành phố Nha Trang.
DU KHÁCH BIẾN THÀNH LAO ĐỘNG BẤT HỢP PHÁP
Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết trong 9 tháng đầu năm, có hơn 1,4 triệu khách Trung Quốc đã đến Khánh Hòa, tăng hơn 56% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm gần 70% lượng khách quốc tế đến tỉnh này. Và thời gian đó, chính quyền TP cũng phát hiện 314 người TQ nhập cảnh để du lịch rồi ở lại lao động bất hợp pháp. Chính quyền phải phạt hành chính 227 người với tổng tiền phạt hơn 2,2 tỷ đồng. Người dân địa phương than, một mất mười ngờ, đâu chỉ hơn 300 người này lao động không phép, giờ họ tràn ngập đường phố, ra mặt tiền đường treo bảng đổi ngoại tệ công khai sao không thấy bị phạt?

DÂN HỒNG KÔNG PHẪN NỘ VÌ LÀN SÓNG KHÁCH TQ DU LỊCH CHUI
Theo báo Bưu điện Hoa Nam (SCMP), bà Trịnh Nhược Hoa, quyền trưởng đặc khu hành chánh Hồng Kông, ngày 6/11, nói cảnh sát địa phương đã điều tra cáo buộc là có một làn sóng du khách TQ tràn vào do các hãng lữ hành TQ hoạt động bất hợp pháp. Ủy ban Du lịch Hồng Kông nói hôm 5/11 rằng họ rất quan ngại do các hãng du lịch bất hợp pháp này đã góp phần gây ra sự hỗn loạn về lượng khách du lịch tới HK, sau khi cây cầu vượt đại dương dài nhất thế giới nối lục địa với HK khánh thành cuối tháng trước. Một ngày trước đó, người dân thành phố này đã lên tiếng phản đối khi con số kỷ lục khách du lịch tràn qua, xả rác khắp nơi và gây ồn ào. Một số nhóm địa phương cảnh báo là họ sẽ hành động để “lấy lại” khu vực như trước nếu không giải quyết nạn du lịch “chui” này.
Khách du lịch TQ ồ ạt qua Hồng Kông
từ chiếc cầu nối lục địa và HK
SAU LÀN SÓNG NGƯỜI HÁN TRÀN NGẬP, LÀ 2,9 TỶ USD XÂY TRẠI... DẠY NGHỀ
Cũng sáng nay, báo vnexpress đăng tin về cuộc biểu tình tại trụ sở Liên Hiệp Quốc của 500 nhà hoạt động XH chống lại cuộc đàn áp khổng lồ ở Tân Cương. Cuộc biểu tình diễn ra ngày 6/11, khi hồ sơ về nhân quyền của Trung Quốc được đưa ra xem xét tại Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Geneva. Điều gì đang diễn ra tại Tân Cương?
Dù thông tin bị bưng bít, nhiều báo cáo từ hình ảnh vệ tinh, từ phân tích các báo cáo chính thức mà TQ công bố đã cho thấy một tình hình “lạ” là hệ thống trại giam giữ cải tạo hà khắc hàng trăm nghìn (hàng triệu?) người ở khu tự trị này.
Đầu tiên, đọc báo cáo của quỹ Jamestown có trụ sở tại Mỹ, cộng thêm dữ liệu từ vệ tinh: Trung Quốc đã tăng mạnh mức chi tiêu cho an ninh trong năm 2017 tại Tân Cương để xây dựng các khu vực ''có các công trình cơ sở liên quan đến an ninh'', mức tăng lên tới 213% trong thời gian từ 2016 đến 2017, gần 20 tỷ NDT tức 2,9 tỷ USD.
Trong khi đó, qua các báo cáo của TQ, ông Andrian Zenz, một nhà nhân chủng học, chuyên gia về chính sách dân tộc Trung Quốc ở Trường Văn hóa và Thần học Châu Âu ở Đức, ghi nhận, chi tiêu cho đào tạo nghề tại Tân Cương trên thực tế đã giảm 7% trong năm 2017. Và tham khảo số liệu về ngân sách, hạng mục đấu thầu của chính quyền địa phương tăng mạnh cho "chi tiêu tương ứng với việc xây dựng và vận hành các trại cải tạo chính trị, được thiết kế để giam giữ hàng trăm nghìn người Uighurs” mà trong đó, “ít nhất hàng trăm ngàn người, mà có thể là lên tới hơn một triệu người Uighurs cùng với các sắc tộc thiểu số khác theo Hồi giáo có thể đang bị giam giữ tại Tân Cương".
Ngoài ra, tài liệu của TQ cũng cho thấy: các trại học tập này được xây dựng bởi cùng một tổ chức trước chuyên theo dõi hệ thống lao động cải tạo của Trung Quốc (hệ thống nay đã bị bãi bỏ chính thức).
Quan chức đứng đầu khu vực nói rằng "đó là chương trình giáo dục và đào tạo nghề" giúp mọi người "nhận ra những sai lầm của mình, thấy rõ được bản chất và tác hại của chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan trong tôn giáo, các lớp này học tập trung giảng về lịch sử, ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc”.
Tân Cương là vùng tự trị của TQ, là nơi sinh sống của người Uighur chủ yếu theo Hồi giáo, khoảng 11 triệu người, chiếm 45% dân số địa phương. Trong những thập niên gần đây, đã có tình trạng di cư ồ ạt của người Hán tới Tân Cương, và người Uighur báo động là văn hóa, đời sống của họ bị đe dọa.
V.K.H. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.