5896. ĐIỂM VÀI QUYỂN SÁCH KHÔNG ĐÚNG QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG.
ĐIỂM VÀI QUYỂN SÁCH KHÔNG ĐÚNG QUAN ĐIỂM CỦA
ĐẢNG
Tác giả: Vũ Đình Mai
Việc GS Chu Hảo bị đề nghị kỷ luật một
cách rất phi lý, buộc lão phải viết vài lời về vài quyển sách nhờ có NXB Tri thức
của GS Chu Hảo mà lão được đọc.
Trước hết về quyển BÀN VỀ TỰ DO của nhà triết học John Stuart Mill.
Nhà triết học người Anh viết quyển sách này từ năm 1859, sau TUYÊN NGÔN CỦA ĐẢNG
CỘNG SẢN 11 năm. Mác tuyên bố TỰ DO CHO MỖI NGƯỜI LÀ ĐIỀU KIỆN CHO TỰ DO CỦA MỌI
NGƯỜI. Năm ấy Mác cũng đang ở nước
Anh, quê hương của Mill. Tinh thần về tự do của hai người khá tương đồng. Có điều
về đề tài này, Mill đã viết riêng một quyển sách, trong đó ông phân tích kỹ
càng quan hệ của mỗi cá nhân với cộng đồng, với xã hội. Ông đặc biệt đề cao vai
trò của tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do phản biện. Ông căm ghét những thế
lực kìm hãm tự do cá nhân. Ông cho rằng tập quán là nhân tố kìm hãm tự do rất nặng
nề. Ông khuyên nhà nước khuyến khích công dân của mình phản biện, đóng góp ý kiến
về những chủ trương, chính sách để những chính sách ấy phục vụ tốt nhất cho
nhân dân, cho quốc gia, dân tộc.
Quyển sách này chỉ ra đời ở Anh ít lâu đã
được người Nhật dịch và xuất bản rộng rãi trong thời Thiên hoàng Minh trị. Sau
đó nó luôn luôn được tái bản. Chưa có quyển sách nào được tái bản đến 400 (bốn
trăm) lần ở Nhật Bản như quyển sách này. Chỉ điều này thôi, đã thấy giá trị của
cuốn sách đến chứng nào, nhân dân Nhật Bản kính trọng Mill đến chừng nào!
Quyển thứ hai lão muốn nhắc đến là quyển TÂM
LÝ ĐÁM ĐÔNG của Gustave Le Bon, nhà
triết học người Pháp, xuất bản năm 1895.
Quyển sách này chủ yếu phân tích, tìm hiểu
tâm lý của những con người khi được tập hợp lại thành một đám đông. Ông phân
tích ở góc độ tâm lý của Sức mạnh đám đông, Đạo đức đám đông, Ý tưởng của đám
đông, Lập luận của đám đông, Sức tưởng tượng của đám đông, Những hình thức tôn
giáo có trong các niềm tin của đám đông…Ông cảnh báo sức tàn phá man dại của
đám đông nếu không được kiểm soát tốt.
Quyển sách này dày hơn và có phần lan man
hơn quyển Bàn về tự do của Mill.
Quyển thứ ba lão được đọc là quyển ĐƯỜNG VỀ
NÔ LỆ của nhà triết học người Áo
Friedrich von Hayek, xuất bản ở Anh tháng 4-1944, ở Mỹ tháng 10-1944.
Những năm này, cuộc Cách mạng Tháng Mười
Nga mới được 27 năm. Phong trào ủng hộ Chủ nghĩa Cộng sản tràn ngập châu Âu làm
cho không ít người lo ngại cho số phận của Chủ nghĩa Tư bản. Bởi vậy, nhiều người
từ các nước khác đều tìm cách đến Liên bang Xô viết để trực tiếp tìm hiểu về Chủ
nghĩa Cộng sản hiện thực. Đọc quyển sách xuất bản từ năm 1944 này, lão thấy chẳng
có gì lạ. Tác giả chỉ cho lão biết thêm rằng Chủ nghĩa Phát xít và Chủ nghĩa Cộng
sản có điểm tương đồng là xóa bỏ quyền sở hữu tư nhân. Điều lão biết thêm là vì
sao những năm 40 của thế kỷ 20, ở Mỹ, người ta tẩy chay những người có tư tưởng
Cộng sản. Thế thôi.
Hầu hết những quyển sách của NXB Tri thức
đều ra đời từ tám hoảnh nào rồi, trước cả khi có đảng CSVN. Muộn nhất như quyển
ĐƯỜNG VỀ NÔ LỆ cũng ra đời trước khi
có nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tức là người ta viết cho nhân loại của thế
kỷ 18, 19 chứ có nhằm khích bác, nói xấu gì đáng CSVN và nước CHXHCN Việt Nam
đâu!
Lão đọc để xem xem ngày xửa ngày xưa cái bọn
Tây ấy nó nói với nhau những gì chứ có tìm xem nó chê trách bêu xấu đảng mình
như thế nào đâu.
Thế thì hà cớ gì mà bắt bẻ, vặn vẹo người
dịch, người biên tập và người đọc giữa thời buổi văn minh, trong sáng này?
Đảng ta là đảng Cách mạng, đảng Văn minh
thì xá gì mấy cuốn sách cũ mèm ấy. Chỉ vì nó mà cuống cả lên là tự hạ thấp mình
xuống đấy, các bác ạ.
Vũ Đình Mai
(Bài tác giả gửi PNTB)
Ghi chú - Kết luận của UBKTTW
viết: "Với cương vị là Giám đốc - Tổng biên tập, đồng chí Chu Hảo chịu
trách nhiệm chính về việc Nhà xuất bản Tri thức xuất bản một số cuốn sách có
nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, vi phạm
Luật Xuất bản, bị cơ quan chức năng xử lý, thu hồi và tiêu hủy"...
Nhận xét