5888. HÌNH THỨC & THỰC CHẤT


HÌNH THỨC & THỰC CHẤT
PNTB
(Ông Bùi Quang Vinh, ảnh Internet)
Lâu nay ở xứ ta nghe chừng mọi thứ đều chỉ nặng về HÌNH THỨC, ít quan tâm đến THỰC CHẤT. Hình thức là cái mẽ bề ngoài, kể ra thì cũng cần thật, nhưng nó phải hài hòa với nội dung bên trong. Một khi thực chất thối, rởm, mà hình thức bề ngoài cố làm cho đẹp, cho sang thì chả khác gì “cứt dớt có chóp”.

Chuyện này quá nhiều. Ví như một tỉnh nghèo rớt mùng tơi, dân còn nhiều người đói, phải lên trung ương xin gạo mà lãnh đạo cứ hoắng lên đòi xây tượng đài nghìn tỷ… Ví như cán bộ thì dốt, làm ăn lởm khởm mà cứ đua nhau xây trụ sở làm việc thật hoành, giải quyết khâu oai. Ví như cái đầu thì rỗng tuếch, chả có một công trình khoa học nào thiết thực phục vụ đời sống, có khi viết một bài báo không nên…, nhưng trong carvidit ghi đầy danh nghĩa học hàm, học vị, chức tước, nào tiến sĩ, giáo sư giáo sãi… Ví như hiện nay thành phố Hồ Chí Minh còn bao nhiêu thứ chưa lo nổi cho dân sống yên ổn như tắc đường, ngập lụt, ô nhiễm môi trường…, nhưng lại quyết tâm xây nhà hát opera để “đuổi kịp và vượt” các nước văn minh trên thế giới, trong khi Thủ đô Hà Nội còn chưa nghĩ đến…


Tất tật chỉ là chủ nghĩa hình thức, thích khoe mẽ.

Gần đây tôi có nghe ông Bùi Quang Vinh, cựu Ủy viên trung ương Đảng, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư nói chuyện thân mật trong một cuộc gặp mặt cán bộ cũ ở huyện, nơi trước đây ông từng công tác. Với bản chất là người thẳng thắn, trung thực kể cả thời gian đương chức cũng như nay đã nghỉ hưu, ông Vinh đã chia sẻ những quan điểm rất tâm huyết về chủ trương XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI như sau:

“Xây dựng NÔNG THÔN MỚI, điều thực chất không phải chỉ là vấn đề “điện đường trường trạm”. Cái đó chỉ là một mảng thôi, bề ngoài nhìn thấy thôi. Việc xây to trường học, trạm xá, anh cứ có tiền là anh làm được. Nhưng 19 tiêu chí của nông thôn mới, cái lớn nhất là làm sao để chuyển đổi cơ cấu sản xuất, NÂNG CAO THU NHẬP GIA ĐÌNH một cách ổn định lâu dài. Có thể cái trường học còn hơi xấu một tí, nhưng đời sống thu nhập của từng gia đình cứ mỗi năm nâng lên: 10 triệu, 20 triệu, 30 triệu… Đấy mới là bản chất nhất của nông thôn mới.

Nhưng làm như thế là khó, là quá khó, thì cứ quay ra chỉ làm điện đường trường trạm… Rồi là vay nợ mà làm. Tôi ở Trung ương đi xuống địa phương, có nơi như Thanh Hóa nợ đến hai ba mươi nghìn tỷ đồng, để làm những chuyện này. Cho nên kỳ vừa rồi là phải trả nợ rất nhiều, trong khi đó thì đời sống không thấy có gì được cải thiện cả…

Mình trong cuộc mình biết, cái hệ thống chính trị của mình có nhiều phức tạp. Nó tạo ra “phong trào”, nó giao chỉ tiêu, rồi lãnh đạo cấp trên ông nào thấy đạt là đến khen vỗ tay, không đạt một cái là phê bình ngay… Cái gì chúng ta tự vẽ ra được thì cái đó cũng tự vẽ ra là… “HOÀN THÀNH”. Tôi làm bí thư chủ tịch bao năm tôi lạ gì. Đây là “BỆNH THÀNH TÍCH CHỦ NGHĨA”. Đưa ra cái “phong trào” nghe rất là hay, mục tiêu rất nhân văn. Nhưng cuối cùng nó là nói dối nhân dân…”

“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, “Chiếc áo cà sa không làm nên thày tu”… là những câu tục ngữ, thành ngữ quen thuộc phản ánh cái bệnh hình thức chủ nghĩa. Nặng về hình thức, coi nhẹ thực chất sẽ dẫn đến một xã hội dối trá. Ngược lại, một xã hội dối trá sẽ luôn luôn coi nhẹ thực chất và ra sức tô vẽ cho hình thức để “làm mầu riêu cua”.

Trích đoạn ông Bùi Quang Vinh
nói về xây dựng nông thôn mới

(17/10/2018. N.N.D)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.