5874. Thở dài – thuốc trường sinh


Thở dài – thuốc trường sinh
Nguyễn Ngọc Dương / PNTB

Hồi mới lớn, tôi đã nghe câu thành ngữ “gái thở dài, trai nằm sấp”. Tôi nghĩ, có thể giải thích ý nghĩa câu này theo 2 hướng. Một là trai nằm sấp và gái thở dài đều là do bức xúc. Hai là, khi thấy trai nằm sấp thì gái bức xúc nên thở dài. Tựu trung thì cũng đều là BỨC XÚC. Gần đây tôi có nghe nhà nghiên cứu Đỗ Thông Minh, người Việt Nam nghiên cứu ở Nhật, trong buổi nói chuyện về tiếng Việt trên Đài BBC, ông đã giải thích BỨC XÚC là sự BỨC bối và muốn XÚC tiến để giải quyết ngay. Tuy nhiên, khi bức xúc không thể giải quyết ngay được, thì tiếng thở dài bật ra để giải tỏa sự bức xúc, đó là hiện tượng hoàn toàn tự nhiên.

Một em nhỏ khi bị bị bố mẹ đánh mắng thường khóc khi cảm thấy bị đòn oan. Sau cơn khóc, thế nào cũng bật ra những tiếng nấc và tiếng thở dài. Sau mấy tiếng thở dài đó, tự nhiên hết nấc, thấy trong người dễ chịu hẳn và có cảm giác bình yên hơn. Ở đây, tiếng THỞ DÀI cũng đã làm nhiệm vụ giải tỏa sự bức xúc trong tâm hồn trẻ thơ…
Trên đây tôi đã nói về vai trò của tiếng thờ dài tự nhiên, bị động, do cơ thể tự điều chỉnh. Sau này đọc nhiều sách báo về y học, thấy người ta nói đến vai trò của THỞ CHỦ ĐỘNG đối với sức khỏe con người, nhất là thở khí công, yoga.
Trong một bài báo về tấm gương tự rèn luyện thở của GS.BS Nguyễn Khắc Viện (1913 -1997) có đoạn: “Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện ở Pháp 26 năm, là bác sĩ nhi khoa, nhà tâm lý học, nhà văn, nhà sáng lập Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em N.T - một lĩnh vực tâm lý trị liệu hiện đại còn hết sức mới mẻ, hoàn toàn cần thiết đối với nước ta hiện nay. Trong thời gian đó, ông phải nằm viện vì lao phổi tới 10 năm (1942-1951): 10 lần lên bàn mổ, cắt phổi 7 lần, cắt cả 8 xương sườn, coi như mất đi 3/4 khả năng hô hấp. Các thầy thuốc Pháp tiên đoán tình trạng sức khỏe chung khi ra viện người bệnh có thể chỉ sống thêm được ba năm. Dĩ nhiên, thầy kể vui, ngày ấy bệnh nhân đâu dám “cãi thầy thuốc”, lại còn phải giấu, không dám “múa rìu qua mắt thợ” khi đọc sách nghiên cứu cách khắc phục bệnh tật bằng phối hợp cả Đông Tây y, luyện khí công, yoga”, nghĩa là phương pháp thở chủ động…
Tưởng chết đến nơi, thế mà lại sống thêm mấy chục năm và ông đã tổng kết việc “Thở dài” của ông bằng 12 câu vè sau đây:
Thót bụng thở ra
Phình bụng thở vào
Hai vai bất động
Chân tay thả lỏng
Êm chậm sâu đều
Tập trung theo dõi
Luồng ra luồng vào
Bình thường qua mũi
Khi gấp qua mồm
Đứng ngồi hay nằm
Ở đâu cũng được
Lúc nào cũng được!

Từ bài học của BS Nguyễn Khác Viện, là một người xuất thân đã quá yếu ớt, nhiều bệnh tật, tôi đã tìm đến một bài tập dưỡng sinh có gắn với “thở dài” yoga, bài Thái cực trường sinh đạo. Bài tập đến nay đã có trên 20 năm thực hiện. Rõ ràng là có tác dụng tốt đối với sức khỏe bản thân, nhiều bệnh tật được thuyên giảm, sức khỏe ổn định.
Trong chúng ta chắc không mấy ai, nhất là những người cao tuổi, khi “trái gió trở trời” tự nhiên thấy trong mình “khó ở”. Đang yên đang lành, xuất hiện cảm giác “bức xúc” - bức xúc do thời tiết. Cảm giác rõ nhất là sự nôn nao, khó chịu hoặc ớn lạnh hoặc như tim có vẻ đập nhanh hơn, cảm giác hoang mang, hồi hộp, lo sợ... Nếu lúc đó đo huyết áp, chắc chắn có sự thay đổi.…
Đôi lúc bị như thế, tôi thường “thở dài” theo phương pháp yoga. Có thể trong lúc đang đi, đang ngồi, đang nằm…, tôi lập tức tập trung tư tưởng từ từ hít vào bằng đường mũi, tưởng tượng luồng khí trong lành qua mũi, trán, vòng qua đỉnh đầu, xuống gáy, xuống sống lưng rồi xuống đan điền (vùng bụng dưới). Đến đó thì phồng bụng dưới lên, ghìm hơi, nín thở, rồi thả cho luồng khí đẩy qua ngực, qua cổ, ra hai lỗ mũi. Quá trình thở ra thì nóp bụng trên lại, ép lên cơ hoành để đẩy bằng hết thán khí ra.
Quá trình thực hiện một chu kỳ thở ấy, nói thì dài nhưng tất cả chỉ khoảng 5 - 7 giây, tùy theo từng người. Làm độ từ 7 đến 10 lần như thế thì thấy trong người dễ chịu trở lại. Có lần đi gặp mưa ướt, về đến nhà, tôi đã nhanh chóng thay quần áo, lau khô người, xoa nóng hai bàn chân và thực hiện “thở dài”. Thế là tránh được cơn cảm cúm…
Hôm nay chém gió về THỞ DÀI, chả biết có thể giúp mọi người được điều gì không?
(N.N.D)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.