5867. Tôi thích "Hồn Trương Ba - Da hàng thịt của Lưu Quang Vũ.


TÔI THÍCH “HỒN TRƯƠNG BA – DA HÀNG THỊT” CỦA LƯU QUANG VŨ
Nguyễn Ngọc Dương/ PNTB
Một cảnh trong vở Hồn Trương Ba - Da hàng thịt
của Lưu Quang Vũ. Ảnh internet.
Lưu Quang Vũ (LQV) là văn sĩ nổi tiếng cả Thơ, Truyện ngắn, nhưng đặc biệt vẫn là Kịch bản văn học. Chỉ trong khoảng gần 10 năm, anh đã sáng tác được hơn 50 vở kịch, một khối lượng đồ sộ, khiến nhiều người kinh ngạc.
Trong cuốn sách TÁC PHẨM ĐƯỢC GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH, NXB Sân khấu – 2003, tôi thấy có in 3 vở kịch: “Tôi và chúng ta”; “Lời thề thứ 9” và “Hồn trương Ba – Da hàng thịt”. Tôi đinh ninh 3 vở này nằm trong Giải thưởng Hồ Chí Minh của LQV về văn học nghệ thuật.
Tuy nhiên, khi đọc bài “Đóng góp của Lưu Quang Vũ đối với nền văn học kịch Việt Nam” của TS Lưu Khánh Thơ thì thấy có đoạn viết: “Đầu tháng 9 năm 2000, LQV được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật… HAI VỞ KỊCH được trao giải thưởng đều thuộc đề tài hiện đại. Đó là vở “Tôi và chúng ta” và “Lời thề thư chín”.
Như vậy là vở “Hồn trương Ba – Da hàng thịt” (HTB – DHT) nằm ngoài Giải thưởng Hồ Chí Minh (?), nhưng lại được in vào cuốn sách TÁC PHẨM ĐƯỢC GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH của LQV (xem ảnh).

Tôi cứ thắc mắc mãi về cái sự không nhất quán này. Đó phải chăng, khi xét duyệt Giải thưởng cao quý nhất về văn học nghệ thuật mang tên Hồ Chí Minh, đối với các tác phẩm kịch của LQV hình như đã có uẩn khúc gì ?
TS. Lưu Khánh Thơ đã dành một thời lượng khá dài để đánh giá cao vở HTB – DHT. Đó là “một trong hai vở kịch tiêu biểu nhất của LQV, vở diễn xuất sắc nhất trong Liên hoan sân khấu các nước XHCN ở Liên Xô cũ năm 1990 và trong đợt biểu diễn tại Mỹ năm 1998”. Vở này cũng được các nhà nghiên cứu về sân khấu đánh giá cao và được công chúng rất mến mộ.
Tuy nhiên, vở HTB – DHT dù viết từ năm 1981, nhưng cho đến 1984, mới được ra mắt công chúng, bởi lúc ấy đã có hơi hướng đổi mới, dân chủ. Đây là một trong số những vở kịch dựa vào tích cũ của Văn học dân gian, nhưng ngay từ khi mới công diễn đã gây “chấn động dư luận”.
Tôi không đủ thì giờ để phân tích cái hay, cái đẹp của vở diễn mà mình tâm đắc. Chỉ xin nêu hai ý mà tôi nghĩ rằng có thể ai đó cho là “nhậy cảm” (?) nên mới có vẻ có "uẩn khúc" gì!
Tác giả Lưu Quang Vũ
THỨ NHẤT, vở kịch đã tố cáo một cách hài hước sự tắc trách của NGƯỜI trên THIÊN ĐÌNH. Cụ thể, chỉ vì một bận vội đi ăn tiệc mà Bắc Đẩu giục Nam Tào lấy bút gạc phứa danh sách người “tận số” ở Hạ giới, khiến ông Trương Ba phải chết oan. 
Hành vi đó của người Thiên đình rõ ràng là coi thường mạng sống của thường dân, gây tội ác nghiêm trọng mà không hay biết. Ông Đế Thích do một lần trốn xuống trần đánh cờ với Trương Ba, đã có cảm tình riêng, nên tạo mối liên hệ bằng 4 nén nhang và dặn khi nào có việc khẩn cấp thì đốt lên 1 nén, ông sẽ lẻn xuống giúp đỡ. Nếu ông vướng gì không xuống được, thì đốt 3 nén, sẽ có phép màu đưa Trương Ba lên Thiên đình. Khi Trương Ba chết oan “bất đắc kỳ tử”, không kịp dặn dò gì vợ con, bà vợ ông vô tình đốt 3 nén nhang đó… và thế là ngẫu nhiên bà được đưa lên Thiên đình. Nhân tiện bà kêu oan cho chồng… Rồi ông Đế Thích xuống sửa sai. Nhưng càng sửa càng hỏng… Cái tứ này của kịch, khiến người xem liên tưởng đến những hiện tượng vô cảm, vô trách nhiệm… dẫn đến sai lầm của những cán bộ tầm cỡ Trung ương. Dù trong cuộc sống có thật những hiện tượng như thế, nhưng những kẻ bảo thủ, tự phụ, tự cho mình là chân lý, vẫn cho rẳng tác giả “ám chỉ cái xấu” của Lãnh đạo và xếp vào loại nội dung “nhậy cảm” (?)
THỨ HAI là, chính sự “sửa sai” của Thiên đình do “sáng kiến” của ông Đế Thích, đem hồn Trương Ba nhập vào xác anh Hàng Thịt, khiến cho Hạ giới rối tinh về cuộc tranh chấp giữa xác và hồn, gây ra hàng loạt hệ lụy mà con người vốn tốt như Trương Ba muốn sống tốt cũng không thể được, bởi cái thân hình phàm phu tục tử của anh Hàng thịt, không thể thanh cảnh, đi nhẹ, nói khẽ, ứng xử cao khiết…như Trương Ba khi sinh thời. Bi kịch liên quan đến cả vợ Trương Ba, vợ anh Hàng Thịt, đến cả con trai, con dâu, rồi đứa cháu nội Trương Ba…Thông điệp mà LQV đem đến cho người xem là mỗi con người đều có một tâm hồn riêng, có tư duy độc lập, có cá tính, không ai có thể, có quyền mượn xác người khác mang hồn của mình… Một khi sử dụng quyền lực để gán ghép hồn người này vào xác người kia thì chỉ có thể đẩy xã hội vào bi kịch và rối loạn. Thông điệp đó khiến người xem liên tưởng đến những cuộc chỉnh huấn, những kiểu giáo dục nhồi sọ, những sự áp đặt học tập và làm theo thày giáo, không được nói tiếng nói chân thực từ đáy lòng v.v…, thì tất nhiên sẽ sinh ra một xã hội dối trá. Tiếng nói phản biện ở kịch LQV, nhất là vở HTB – DHT khi chưa có không khí dân chủ thực sự, đương nhiên nó sẽ “động chạm” đến hai từ “nhậy cảm”.
Dù kịch HTB - DHT là cốt truyện dân gian, nhưng LQV đã thổi hồn của cuộc sống hiện đại vào lời thoại vở diễn. Vì vậy, có nhiều câu thoại khiến những kẻ có tật phải giật mình. Ví dụ, HỒN TRƯƠNG BA: “Ông Đế Thích ạ, không thể tiếp tục mang thân anh Hàng Thịt được nữa, không thể được”. ĐẾ THÍCH: “Sao thế? Có gì không ổn đâu!”. HỒN TRƯƠNG BA: “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. ĐẾ THÍCH: “Thế ông ngỡ tất cả mọi người đều được là mình toàn vẹn cả ư? Ngay cả tôi đây, ở bên ngoài tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong. Mà cả Ngọc Hoàng nữa, chính người lắm khi cũng phải khuôn ép mình cho xứng với danh vị Ngọc Hoàng. Dưới đất, trên trời đều thế cả…”.
Một đoạn thoại khác. HỒN TRƯƠNG BA: “Ở đâu cũng được, chứ không ở đây nữa. Tôi sẽ…tôi sẽ…nhảy xuống sông hay đâm một nhát dao vào cổ, lúc đó thì hồn tôi chẳng còn, xác anh hàng thịt cũng mất…ĐẾ THÍCH: “Sao ông lại tính nước ấy! Rắc rối thật! Tôi đã phạm phép giời một lần. Trên Thiên đình người ta còn đang treo tội tôi đấy để chờ xét xử. Tôi chẳng sợ, họ dọa thế chứ chưa chắc đã làm gì được tôi. Trị tội hết tiên hết thần thì lấy gì cho dân chúng họ thờ…”. Câu này LQV viết đã gần 40 năm, mà giờ đọc lên tôi liên tưởng ngay đến câu của Chủ tich QH Nguyễn Sinh Hùng mới phát biểu cách nay vài năm: “Kỷ luật hết cán bộ thì lấy ai mà làm việc !”.
Hay một đoạn thoại khác - HỒN TRƯƠNG BA: “Tôi đã nghĩ kỹ…Tôi không nhập vào hình thù của ai nữa! Tôi đã chết rồi, hãy để tôi chết hẳn! ĐẾ THÍCH: “Không thể được! việc ông phải chết chỉ là một lầm lẫn của quan thiên đình. Cái sai ấy đã được sửa bằng cách làm cho hồn ông được sống. HỒN TRƯƠNG BA: “Có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá gượng ép chỉ càng làm sai thêm. Chỉ có cách là đừng bao giờ sai nữa, hoặc phải bù lại bằng một việc đúng khác…”
Triết lý nhân sinh của LQV ở hầu hết các vở kịch của anh. Nó không những mang hơi thở của xã hội đương thời mà đôi khi còn là những triết lý mang tính dự báo, nó đúng với mọi thời đại. Ví như câu: “CHẮP VÁ GƯỢNG ÉP CHỈ CÀNG LÀM SAI THÊM”…Càng ngẫm, càng thấy sâu sắc.
Quả thật, tôi rất quý trọng LQV, thích những tác phẩm của anh, nhất là vở kịch Hồn Trương Ba – Da hàng thịt”.

Nguyễn Ngọc Dương/PNTB

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.