5845. Trăn trở


Trăn Trở
PNTB

(Viết nhân Kỷ niệm 73 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9)

Phần I: TỪ VỤ NGÔI NHÀ 34 HOÀNG DIỆU

Nơi ở gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô
tại số 34 Hoàng Diệu

Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam DCCH ra đời như đứa trẻ còn đỏ hỏn, khó khăn chồng chất khó khăn, ngân khố rỗng, vận mệnh quốc gia “ngàn cân treo sợi tóc”. Tháng 9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi “tuần lễ vàng”. Nhân dân cả nước nô nức ủng hộ, chủ yếu là tầng lớp tư sản, thương nhân.

Gia đình ông bà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ đã ủng hộ Chính phủ 5147 lạng vàng và ngôi nhà 48 Hàng Ngang, nơi Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn độc lập. Riêng số vàng đó tương đương 2 triệu đồng Đông Dương, bằng toàn bộ ngân khố quốc gia khi thành lập Chính phủ lâm thời. Ông bà Trịnh Văn Bô được Nhà nước tặng Huân chương độc lập hạng Nhất.

Sau Giải phóng Thủ đô 1954, ông bà Trịnh Văn Bô cho thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam mượn ngôi nhà số 34 Hoàng Diệu trong 2 năm để có chỗ ở và làm việc. Nhưng 2 năm không Tổng tuyển cử được theo Hiệp định Giơ – ne – vơ, tướng Hoàng Văn Thái vẫn ở, thì năm 1957 miền Bắc tiến hành CẢI TẠO CÔNG THƯƠNG NGHIỆP TƯ BẢN TƯ DOANH (CTN TBTD). Theo đó, tất cả các ngôi nhà có diện tích trên 100m2 nếu đang cho thuê hoặc cho mượn đều nằm trong diện cải tạo, đều bị quốc hữu hóa. Theo nhà báo Dương Đức Quảng*, ngôi biệt thự số 34 Hoàng Diệu của ông bà Trịnh Văn Bô nằm trong khuôn viên rộng gần 3.000m2, xây dựng trên diện tích 300m2, diện tích sử dụng hàng trăm m2 cũng bị đưa vào diện cải tạo.

Sau năm 1975, khi ông bà Trịnh Văn Bô đã già yếu, con cháu đông đúc, ông bà làm đơn xin lại ngôi nhà này. Nhưng không được giải quyết. Hồi ký nhà báo Dương Đức Quảng viết: “Trong gần 20 năm, qua các thời Tổng Bí thư Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, các thời Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, tất cả các vị lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước ĐỀU THẤY VIỆC TRẢ LẠI NGÔI NHÀ 34 HOÀNG DIỆU CHO ÔNG BÀ TRỊNH VĂN BÔ LÀ ĐÚNG ĐẠO NGHĨA, KHÔNG CÓ GÌ CÒN PHẢI BÀN CÃI”.

Tuy nhiên có nhiều người, nhất là một số tướng lĩnh quân đội cho rằng: Quốc hội đã ra Nghị quyết là nhà nước KHÔNG XEM XÉT LẠI CÁC TRƯỜNG HỢP ĐÃ TIẾN HÀNH CẢI TẠO CTN TBTD TRƯỚC ĐÂY, COI ĐÂY LÀ VẤN ĐỀ THUỘC VỀ LỊCH SỬ ĐÃ QUA, KHÔNG CÓ ‘HỒI TỐ’ !

Năm 1988, cụ Trịnh Văn Bô qua đời. Tháng 9/1994, Phó Thủ tướng Phan Văn Khải, được chỉ đạo của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và một số đồng chí lãnh đạo đảng, nhà nước, đã ký QĐ trả ngôi nhà 34 Hoàng Diệu cho gia đình cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ theo “sáng kiến”: Dùng chính ngôi nhà đó làm “quà tặng của Chính phủ” để tặng cho bà, vì ông bà đã có công lao to lớn với cách mạng và kháng chiến”.

Sau quyết định của Phó Thủ tướng Phan Văn Khải thì lại có nhiều ý kiến phản đối, cho rằng quyết định đó TRÁI VỚI NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI (!). Và họ còn đưa ra một số lý do khác…

Thế là Bộ Chính trị yêu cầu Thủ tướng ngừng thi hành Quyết định “tặng nhà”. Cũng theo nhà báo Dương Đức Quảng: “Một thời gian sau ngôi nhà 34 Hoàng Diệu được Quân đội bàn giao về cho Ban Tài chính Quản trị Trung ương quản lý. Chính trong thời điểm “nhập nhoạng” bàn giao, anh Trịnh Cần Chính và mấy người con khác của ông bà Trịnh Văn Bô đã đưa mẹ mình vào ở ngôi nhà này, căng một biểu ngữ rất lớn từ tầng ba thả xuống tầng một nhìn ra đường Hoàng Diệu “CÁM ƠN ĐẢNG VÀ CHÍNH PHỦ” ĐÃ TRẢ LẠI NGÔI NHÀ NÀY CHO GIA ĐÌNH” (!).

Ngày 5/11/2017, cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ tạ thế. Nhưng đến nay, ngôi nhà 34 Hoàng Diệu vẫn “chưa có sổ đỏ”!...

Tôi cứ trăn trở mãi câu chuyện buồn về đạo lý này. Công bằng mà nói, quan điểm cá nhân của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã rất nhân văn, đơn giản là không thể lấy oán trả ân, nên đã tìm nhiều cách để trả nhà cho ông bà Trịnh Văn Bô. Nhưng rốt cuộc không thành. Lý do chính vẫn là trái với “chủ trương lớn của Đảng” – Cuộc Cải tạo CTN TBTD (!)?
                                            *    *
                                               *
 Phần 2: VỚI THỰC TIỄN ĐẤT NƯỚC
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi
với cử tri quận Hoàn Kiếm bên lề hội nghị
Lịch sử Đảng đã có hai cuộc “CẢI” gần nhau, là Cải cách ruộng đất (CCRĐ) và Cải tạo CTN TBTD. Về CCRĐ thì làm gần xong đã phát hiện thấy sai và sửa sai ngay, Bác Hồ nhận khuyết điểm trước quốc dân đồng bào.

Nhưng về Cải tạo CTN TBTD thì chưa thấy tài liệu nào của Đảng nói có sai. Tuy nhiên, trong một trả lời phỏng vấn báo Dân Việt,  PGS.TS.NGƯT Phạm Xanh có nói: “Về những bài học lịch sử từ cuộc “cải tạo tư bản tư doanh” đã được đúc kết trong lịch sử, tôi không muốn nhắc lại. Nhưng chúng ta cũng có những SAI LẦM, không những thế còn mắc phải, lặp lại ở miền Nam sau đó”(**). Phải chăng có uẩn khúc gì nên khi áp dụng vào thực tiễn thì có việc MÂU THUẪN không thể giải quyết, như vụ ngôi nhà 34 Hoàng Diệu của ông bà Trịnh Văn Bô ?…

Và, khi nhìn vào thực tiễn xã hội hiện nay, chúng ta thấy có nhiều điều rất đáng phải suy nghĩ.

Trái với cải tạo CTN TBTD, trong sự nghiệp “đổi mới”, Đảng cho phép và khích lệ “kinh tế tư nhân”, thực ra chỉ là cách nói khác của “tư bản tư doanh”, điều mà trên 60 năm trước và sau thống nhất đất nước 1975, ta đã từng làm những cuộc cách mạng “CẢI TẠO”. Kinh tế tư nhân vốn là phổ biến trên thế giới, nhưng ở những nước XHCN thì phải “cho phép” mới được làm. Vì thế, lợi dụng cơ chế này, nhiều cán bộ, đảng viên (người dân thường gọi là QUAN CHỨC) được giầu lên nhanh chóng. Quan chức nhờ “quan hệ” với doanh nghiệp, với các đại gia, tạo thành “NHÓM LỢI ÍCH”, biến của công thành của tư. Nhiều người nhờ chức quyền mà có hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng, hàng vạn m2 đất, xây biệt phủ hoành tráng trên những vị trí ‘đất vàng’, vẫn không hề một chút “tâm tư”(!) Trong số đó, chẳng thấy ai có tấm lòng “vàng” ủng hộ Nhà nước như cụ Trịnh Văn Bô trước kia.

Trong những năm gần đây, tham nhũng phát triển như những “bầy sâu” (chữ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang). Đảng cũng thừa nhận, tham nhũng là một trong những yếu tố đe dọa sự tồn vong của chế độ. Trong công cuộc chống tham nhũng, cái “lò nóng” của TBT Nguyễn Phú Trọng đã lôi ra ánh sáng không ít những quan chức tự biến mình thành “củi” để “vào lò”. Nguyên nhân tham nhũng không hẳn là do quan chức “thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng” như một số người thường quy kết. Nó càng không phải do “phát triển kinh tế tư nhân”. Bởi đa số các nước văn minh trên thế giới đều tồn tại bằng chính sự phát triển kinh tế tư bản tư nhân. Nhưng nền kinh tế đó đâu có sinh ra cả “bầy sâu” tham nhũng như ở nước ta?

Những vụ tham nhũng lớn đều là hệ quả của sự “bắt tay” giữa QUAN CHỨC với ĐẠI GIA. Nói như TS Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương là sự móc nối giữa Quyền và Tiền (kể cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước), tạo ta “Nhóm lợi ích” hay “Tư bản thân hữu” để lũng đoạn nền kinh tế quốc dân. Nói cách khác đó là những “hôn phối vụng trộm”, kiểu “ông mất cái giò bà thò nậm rượu” để hai bên đều có lợi, đẩy cái hại cho Dân, cho Nước. Trước tình hình đó, TBT Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra: “Phải nhốt quyền lực vào một cái lồng quy chế lập pháp” (***).

Như vậy, Đảng đã nhận ra NGUYÊN NHÂN THAM NHŨNG? Đó chính là “QUYỀN LỰC KHÔNG ĐƯỢC KIỂM SOÁT”. Nói dân giã là bị “thả rông”, cần phải được nhốt vào một cái lồng. Việc kiểm soát quyền lực, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng đã có cả loạt bài phân tích trên báo Vietnam Net.

Phải “NHỐT QUYỀN LỰC VÀO MỘT CÁI LỒNG QUY CHẾ LẬP PHÁP” (!) Thưa Tổng Bí thư, ông nói rất chuẩn ạ! Tôi tin rằng, Đảng biết rõ cái “lồng” đó. Nhưng vấn đề là chúng ta có DÁM DŨNG CẢM ĐỔI MỚI, để có được cái “lồng” đủ sức “nhốt” quyền lực hay không mà thôi. Tại sao phải “dũng cảm”? Đơn giản vì, khi chúng ta áp dụng một “cái lồng quy chế lập pháp” như ý TBT, cũng đồng nghĩa với việc Pháp luật là tối thượng, đồng nghĩa với việc “không có vùng cấm” trong xử lý pháp luật; mọi công dân hoàn toàn bình đẳng trước pháp luật… Điều đó cũng có nghĩa QUYỀN LỰC CỦA TẤT CẢ NHỮNG NGƯỜI CÓ QUYỀN LỰC, kể cả trong và ngoài Đảng cũng đều có thể bị nhốt.

Với cái “lồng” đó, không ai có thể tùy tiện sử dụng quyền lực để bảo vệ quyền lợi cá nhân hay lợi ích nhóm. Bất kỳ ai nắm quyền lực chỉ có thể được sử dụng nó trong phạm vi Hiến pháp và Pháp luật cho phép. Mọi hành vi làm trái pháp luật, dù bất kỳ ở vị trí nào cũng bị xử lý. Cử tri rất đồng tình với sự chỉ đạo quyết liệt, nghiêm minh của Đảng, Nhà nước dù đối tượng đó là ai, ở vị trí nào vẫn kiên quyết xử lý…”(***).

Tất nhiên, cái “lồng quy chế lập pháp” này chỉ có thể phát huy tác dụng khi nó gắn liền với một CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ - chính là mục tiêu lớn của Đảng. Khi có Dân chủ thì mọi người dân đều có quyền phát giác, nói lên tiếng nói của mình mà không sợ bất kỳ một thế lực nào cản trở. Báo chí của đảng, nhà nước được hoạt động “không có vùng cấm”, không có hai chữ “nhậy cảm”, khi làm đúng pháp luật. Mọi hoạt động báo chí chỉ bị ràng buộc bởi pháp luật. Pháp luật cũng là cụ thể hóa quan điểm của Đảng, nên thượng tôn pháp luật chính là tôn trọng quan điểm, đường lối của Đảng. Thực hiện đúng những điều đó sẽ không có quyền năng nào ngoài pháp luật có thể luôn đe nẹt báo chí, nay “phạt”, mai “kỷ luật” các Ban biên tập và nhà báo. Nếu báo chí sai phạm, đã có Tòa án nhân dân xét xử công khai, minh bạch trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật, mọi người dân sẽ tâm phục, khẩu phục…

Tin rằng, làm nghiêm như vậy sẽ thực hiện được ý tưởng đẹp đẽ của Tổng Bí thư.

Tháng Tám 2018. PNTB

Một số tài liệu tham khảo chính:

(*) Nhà báo Dương Đức Quảng, người có 10 năm công tác tại VPCP và từng làm Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí tại đây.
(**) PGS.TS.NGƯT Phạm Xanh - Khoa Lịch sử (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.