5838. Đặc khu: Rộng cửa cho lao động nước ngoài
Đặc khu: Rộng cửa cho lao động nước
ngoài
![]() |
Mở đặc khu là cơ hội lớn cho lao động
Trung Quốc, gồm cả chuyên gia và lao động kỹ thuật. Ảnh: Guang Niu/Getty Images
Việc làm là một lời hứa kinh điển nhất cho mọi chính
sách phát triển kinh tế, trong đó có cả đặc khu.
Nói một cách bao quát hơn, và đúng với tinh
thần phát triển kinh tế nhất, tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc sản sinh
công ăn việc làm, từ đó phát triển các chương trình an sinh xã hội, tạo nền
tảng ổn định xã hội là đích đến của mọi chính sách nhà nước, bất kể đó có phải
là chính sách kinh tế hay không.
Với tư cách là một mục tiêu chủ đạo cho mọi
chính sách công như vậy, một dự án thỏa mãn được lời hứa về lao động đủ khiến
những chuyên gia kinh tế và pháp luật khó tính nhất cũng phải chấp nhận lùi
bước nhượng bộ. Vì vậy, không có gì khó hiểu khi các nhóm ủng hộ Luật Đặc khu
luôn dùng việc làm như một lợi ích đương nhiên mà đạo luật này sẽ mang lại.
Tuy nhiên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu thật
kỹ các chế định lao động bên trong dự thảo Luật Đặc khu để giải quyết những
khúc mắc liên quan.
Miễn giấy phép lao động, miễn thị thực có thời hạn cho lao động
nước ngoài
Thông thường, trên thế giới cũng như ở Việt
Nam, việc tuyển dụng lao động nước ngoài cần thoả mãn điều kiện là nhà tuyển
dụng không tìm được người bản xứ cho vị trí họ cần tuyển. Nhà tuyển dụng sẽ cần
phải chứng minh điều này trong hồ sơ xin giấy phép lao động cho người nước
ngoài.
Tuy vậy, Luật Đặc khu tạo ra những điều
kiện cực kỳ dễ dàng và thông thoáng cho lao động nước ngoài. Thoáng đến mức cả
lao động kỹ thuật và chuyên gia nước ngoài có thể làm việc ở các đặc khu tới 3
tháng hoặc 6 tháng/năm mà không cần xin giấy phép lao động.
Điều
này được thể hiện rõ trong Mục 4 của dự
thảo Luật Đặc khu về lao động, tiền lương và an sinh xã hội.
Theo đó, người lao động nước ngoài là chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều
hành có thời gian làm việc dưới 60 ngày và thời gian cộng dồn không quá 180
ngày/năm tại đặc khu không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Quy định này gấp
đôi quyền lợi hiện tại của người lao động nước ngoài có cùng chức danh trong Nghị định 11/2016 về
lao động nước ngoài tại Việt Nam.
Trong khi đó, người lao động nước ngoài là
lao động kỹ thuật cũng có thời gian làm việc dưới 30 ngày và thời gian cộng dồn
không quá 90 ngày/năm tại đặc khu cũng không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
Ngoài ra, người sử dụng lao động nếu muốn
sử dụng lao động nước ngoài nằm trong các trường hợp trên không phải thực hiện
xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài, không phải làm thủ tục xác
nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
Theo quan điểm của người viết, với những
quy định thả lỏng như thế này, kèm với việc Nghị định 11/2016 đã xóa bỏ giới
hạn sử dụng lao động nước ngoài (mà trước đây là 3%), khả năng nguồn nhân lực
của doanh nghiệp chỉ hoàn toàn là người nước ngoài là rất cao.
Nhưng không dừng lại ở đó, ngoại trừ Bắc
Vân Phong, cả Phú Quốc và Vân Đồn đều có những ưu đãi đặc biệt khác cho người
lao động nước ngoài và khá dễ dãi trong quản lý nhập cảnh của người nước ngoài,
vẽ nên một bức tranh ảm đạm cho nguồn nhân lực Việt Nam.
Tại Vân Đồn, người nước ngoài hoạt động
trong ngành “công nghiệp văn hóa” (dù Vân Đồn được định hướng phát triển kỹ
thuật công nghệ cao) được miễn giấy phép lao động và thị thực (visa) lên đến 12
tháng. Ở Phú Quốc, người hành nghề khám chữa bệnh nước ngoài nhận được ưu đãi
tương tự. Nhưng không chỉ vậy, người nước ngoài của các quốc gia “có chung
đường biên giới” cũng sẽ được miễn thị thực trong thời gian nhất định.
Ngược hoàn toàn so với đặc khu của Trung Quốc
Những người ủng hộ Luật Đặc khu thường viện
dẫn các đặc khu của Trung Quốc như một hình mẫu. Tuy nhiên, chính sách lao động
của đặc khu Trung Quốc trái ngược hoàn toàn với Luật Đặc khu Việt Nam.
Hệ thống pháp luật kiểm soát đặc khu của
Trung Quốc không hề giấu giếm rằng họ sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa hiệp nào
về lực lượng lao động tại các doanh nghiệp hưởng ưu đãi tại đặc khu.
Trong
Chương III của Quy định Lao động,
mà cụ thể là tại Điều 19, giới làm luật Trung Quốc ghi nhận rõ nội dung như
sau:
“Nhà tuyển dụng lao động tự thân có quyền tuyển dụng các cư dân
đang sinh sống tại đặc khu và các cư dân thuộc những vùng đô thị khác dưới sự
quản lý của chính quyền đặc khu.
Nếu một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hoặc một doanh
nghiệp được đầu tư, thành lập bởi cá nhân, tổ chức Hong Kong, Macao và Đài Loan
không thể tuyển đủ nhân viên từ bên trong lãnh thổ đặc khu, các doanh nghiệp
này được phép tuyển dụng cư dân từ các vùng khác của Trung Quốc. Cơ quan Lao
động thuộc chính quyền đặc khu và các sở lao động địa phương có liên quan có
trách nhiệm tổ chức, hợp tác và cung cấp các dịch vụ công cần thiết cho việc
tuyển dụng nói trên…”
Như
vậy, rõ ràng và thẳng thắn, các công ty tham gia hoạt động sản xuất, đầu tư,
kinh doanh ở đặc khu tại Trung Quốc trong những thập niên 80 và 90 chỉ có hai
nguồn tuyển dụng: cư dân Trung Quốc bên trong đặc
khu và cư dân Trung Quốc bên ngoài đặc
khu. Nói cách khác, họ buộc phải tuyển 100% nhân viên là người bản xứ. Một quy
định có phần cực đoan nhưng người viết cho là phù hợp trong tình thế của các
quốc gia đang phát triển.
Nếu chính phủ chấp nhận bỏ tất cả những
nguồn lợi về thuế, về hạ tầng, thứ chúng ta cần nhận lại ít nhất là việc làm
cho người dân, an sinh xã hội đi kèm cũng như kiến thức, tay nghề, kinh nghiệm
sản xuất từ các quốc gia phát triển hơn. Nguồn nhân lực này sẽ là một tài sản
vô giá cho cuộc bùng nổ khởi nghiệp tại Trung Quốc mươi năm sau đó.
***
Nếu nhìn vào thực tế đáng lo ngại của các
đặc khu tại Campuchia hay Lào, đối chiếu với các quy định pháp luật của dự thảo
Luật Đặc khu, có thể khẳng định rằng nỗi lo về khả năng tạo công ăn việc làm
cho người Việt Nam của các đặc khu không hề thừa. Lại một lần, những lợi ích mà
chúng ta được hứa hẹn, dường như không thể hiện đúng trong các quy định của
Luật Đặc khu.
(Nguồn: Luật Khoa)
Nhận xét