5837. NHÂN XUẤT BẢN CUỐN SÁCH “GẠC MA...”


NHÂN XUẤT BẢN CUỐN SÁCH “GẠC MA...”
Chuyên mục: Đầu làng cuối phố
của Nhà văn Bùi Thanh Minh


Gần đây dư luận xôn xao sự kiện cuốn sách “Gạc Ma - vòng tròn bất tử” do tướng Lê Mã Lương chủ biên ra mắt bạn đọc, trong lòng có mấy suy nghĩ.

Làm người dân Việt Nam yêu nước ai cũng hiểu cuốn sách thực sự có ích. Thứ nhất nó góp phần nói lên một sự thật mà bị bưng bít bấy lâu nay. Thứ hai nó phanh phui dã tâm bành trướng, độc ác của ông bạn 16 chữ vàng, để chúng ta luôn luôn đề cao cảnh giác cách mạng. Thứ ba, nó khẳng định tinh thần chiến đấu dũng cảm của các chiến sỹ Hải quân Nhân dân Việt Nam, dù không một thứ vũ khí trong tay (vật bất ly thân của người lính). Thứ tư nó góp phần rút kinh nghiệm chỉ đạo cấp chiến lược trong việc xác định bạn và thù.


Vì vậy mà mới ra mắt bạn đọc có bấy nhiêu ngày đã phát hành hàng vạn bản, nước ngoài thấy có lợi xin mua bản quyền để tuyên truyền cho cộng đồng thế giới.


Nhìn vào đó, thì rõ ràng cuốn sách có ích, nó đáp ứng được lòng dân, không những trong nước mà cả quốc tế. Ấy vậy mà một số người lên án cuốn sách, thậm trí lăng mạ người chủ biên, đòi thu hồi sách, kỷ luật người làm sách v v... Âu cũng là cách nhìn quen thuộc: đã là trên phải sáng suốt, đúng đắn, không có sai lầm.

Cuốn sách có lợi như thế mà tại sao hầu hết các nhà xuất bản trong nước đều từ chối? Đó là một câu hỏi lớn mà chúng ta vẫn thường nói: Vì sao chưa có tác phẩm xứng tầm thời đại mà các nhà lãnh đạo văn hóa văn nghệ vẫn đòi hỏi nhà văn. Giả sử có, liệu có xuất bản được không? Cứ như cuốn Gạc ma thì làm sao mà cho ra đời được.


Xét về mặt chính trị thì cuốn sách Gạc Ma – vòng tròn bất tử đã mang lại giá trị nhất định; xét về mặt kinh doanh thì rõ ràng nó mang lại lợi nhuận khá cao cho bên xuất bản. Vậy là nó đáp ứng được hai tiêu chí quan trọng của nhà xuất bản. Nhưng tại sao 14 nhà xuất bản đều từ chối? Họ không nhận ra hai điều kiện kia sao? Không phải. Họ ủng hộ Trung Quốc chăng? Không phải. Họ đối lập với bạn đọc chăng? Cũng không phải.

Trả lời câu hỏi này nên dành cho các nhà quản lý xuất bản và các nhà xuất bản.


Tôi được biết, không ít nhà văn đã và đang viết những tác phẩm họ gọi là “gan ruột” của mình, rồi “đắp chiếu” để đấy. Hy vọng sau này, có thời cơ con cháu của họ sẽ xuất bản. Bởi những tác phẩm ấy đưa đến nhà xuất bản nào cũng lắc đầu, từ chối. Thậm chí có nhà xuất bản còn nói rõ, xin các nhà văn viết gì thì viết nhưng viết vấn đề “nhạy cảm” thì thôi ạ. Các bạn dùng cụm từ “Nhạy cảm” để tránh nói vấn đề cụ thể, mà nói ra thì nhân dân ủng hộ, nhưng Nhà xuất bản thì gặp rắc rối.


Nhà văn là thư ký của thời đại. Bổn phận của họ là phản ánh trung thực sự thật. Có câu: “Một nửa chiếc bánh mỳ là bánh mỳ, nhưng một nửa sự thật thì không còn là sự thật”. Suy ra, nếu anh chỉ phản ánh một nửa sự thật nghĩa là anh đã dối trá.

Có cách nào để các nhà xuất bản dũng cảm cho ra đời những tác phẩm tương tự như Gạc ma- vòng tròn bất tử? đáp ứng được mong mỏi của bạn đọc và nhân dân?


Viết đến đây thì trên VTV2 chiếu bộ phim Tây du ký. Bật xem, đúng cảnh Tôn Ngộ Không bị Thầy Đường Tăng niệm thần chú. Cái vòng kim cô trên đầu lão Tôn xiết chặt khiến lão Tôn lăn lộn, chả làm được gì nữa. Xem đã.


(Nguồn: Fb. Bùi Thanh Minh)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.