5830. Bạn tôi

CHUYỆN CỦA BẠN TÔI
Tản văn: Nguyễn Ngọc Dương /PNTB

Bạn tôi, người khá giả thì ít, nhưng người nghèo khó thì nhiều. Trịnh thuộc loại này. Tiếng là rất thân nhau, nhưng gần một năm nay mới thấy lão đến chơi. Cũng vì nhà ở xa, cách nhau hơn 40 cây số. Lão ở thị trấn huyện lỵ, còn tôi ở thành phố. Gặp nhau, chuyện thì rôm, chỉ xin kể lại vài chi tiết trong những câu chuyện của lão hôm nay.

Dễ đến 20 năm, lão vẫn đi cái xe cúp 82 cọc cạch, mua lại của một thợ sửa xe máy. Có lúc đến chơi nhà ai, ra về chào đến ba lần, chủ ra tiễn vẫn phải sốt ruột khoanh tay đứng chờ, vì khách dận mãi xe không nổ… Tôi chỉ vào cái xe, hỏi sao ông “thủy chung” với nó thế. Lão vừa cười vừa thanh minh, giờ đã có tuổi, đi cái đồ ‘độc’ này ra đường ít người để ý, dựng ở đâu không cần khóa, trộm cắp nó cũng chả màng. Mà chẳng may đến ngã tư bị cành lá che khuất mất đèn đỏ, trót vượt, cảnh sát giao thông cũng không nỡ thổi còi. Một lão già nhếch nhác, đi dép tổ ong rách, cưỡi con xe “độc nhất vô nhị” này thì làm gì có tiền nộp phạt. Thế chả lợi à. Nhưng rồi lão lại phân bua, nói thế cho oai, chứ thực tình bây giờ hoàn cảnh mình không thể mua nổi cái xe máy mới độ 18 – 20 triệu. Nếu mua thì cả nhà mình phải giả vờ chết khoảng 6 – 7 tháng, nghĩa là không ăn uống sinh hoạt gì mới dành ra được số tiền ấy. Tôi bảo, cái xe này của ông rửa sạch đất cát đi, tân trang lại chút cũng có giá hơn chục triệu đấy. Có nhiều người đang sính đồ cổ. Lão nghệt mặt, bán tín bán nghi, ngỡ tôi nói đùa.

Bạn bè tôi đa phần ngồi với nhau là đàm đạo văn chương, thế sự. Nhưng Trịnh thì khác. Nghe chuyện xã hội, lão cứ như người ở trên giời rơi xuống. Lão chỉ nói chuyện đời thường. Vừa gặp nhau đã khoe, ông biết đấy, từ ngày bà xã bị đột quỵ, mình biến thành một mụ đàn bà đảm đang… Nhà Trịnh có 3 người, hai vợ chồng và một đứa con tật nguyền, chỉ trông vào mỗi suất lương hưu 2 triệu 8 trăm12 nghìn của lão. Lão bảo, muốn cuộc sống ổn định thì mỗi lần lĩnh lương, mình phải chia đều chỗ tiền ấy làm bốn, buộc thành bốn buộc, mỗi buộc 703 ngàn đồng cho 1 tuần lễ. Chẳng may tuần này có việc đột xuất, trót “vung tay quá trán” thì phải mượn của tuần khác bù sang, rồi ăn dè hà tiện để cuối tháng vẫn còn tiền sinh hoạt. Tôi khen, thế thì ông giỏi ngang bộ trưởng tài chính quản lý tiền cho Chính phủ.

Lão kể, có hôm đi chợ, vào quán bà hàng rau quen biết, nhìn thấy ngó khoai, quê mình gọi là dãi khoai. Nghĩ đến một bát canh dãi khoai nấu với cua đồng đã tứa nước miếng. Tuy nhiên, cua, cá rô đồng thì đắt lòi tù và, nên chỉ mua mớ tép riu về giã, thay cua đồng, tra mẻ, mắm tôm, đập vào mấy nhánh tỏi dậy mùi thì ăn quên chết. Lão hỏi, bao nhiêu tiền mớ dãi khoai này? Bà bán rau bảo, sáu nghìn ông ạ. Nghĩ, mua mớ dãi khoai 6 nghìn thì phải mua 10 nghìn tiền tép riu giã vào, bát canh mới có giá trị. Nhưng trong túi còn đúng 10 nghìn, chỉ đủ mua tép, đành nói, tôi hết tiền rồi, bà bán chịu được không. Ôi dào, có sáu cái nghìn bạc, bằng chén nước chè ở vỉa hè Hà Nội, mai ông giả cũng được. Chỗ quen biết ngại gì. Thế là như mở cờ trong bụng, lão phấn khởi nghĩ, hôm nay có bát canh bồi dưỡng cho vợ con đau ốm…

Đến bữa, lão hồ hởi múc canh vào bát vợ, giục, bà ăn đi cho nó mát ruột. Bà vợ cảm động bảo, mùa hè nóng nực thế này, ăn canh dãi khoai nấu tép thì ngang đặc sản. Vừa nói xong thì bà ấy giẫy nẩy như bị phải bỏng, bỏ đũa xuống, lấy tay cào lưỡi rồi kêu: ối giời ôi, ngứa rách hết cả mồm ra rồi, ngứa từ miệng qua cổ họng, vào đến tận… ruột vẫn còn ngứa ông ơi! Lão tái mặt, gắp một sợi đưa lên miệng, quả nhiên ngứa thật, không thể nhá được. Thực ra, khoai môn có hai loại, một loại khoai “dại” và một loại khoai “khôn”.  Nom có vẻ giống nhau, nhưng khoai khôn không ngứa, khoai dại thì thôi rồi, muốn ăn phải biết cách chế biến để khử ngứa, nếu không chỉ để dùng nuôi lợn… Chẳng may hôm nay lão nấu canh dãi khoai dại, khiến bà vợ bán thân bất toại và đứa con gái tật nguyền không ăn được, nên giữa bữa tự dưng lão chảy nước mắt, vì thương vợ, thương con!

Tối hôm ấy lão nằm trằn trọc nghĩ, sáng mai phải trả khoản nợ này là lạm vào tuần sau mất 6 nghìn bạc! Nhưng đau nhất là nồi canh ngon phải bỏ đi, tiếc đứt ruột. Đêm ấy mất ngủ, sáng ra mặt mày hốc hác.
  
Một bận Trịnh được thằng bạn ở cuối phố mời đi uống rượu. Lúc về đi mãi không đến nhà. Lão kể: “Rõ ràng thấy đúng là đường về nhà mình rồi mà cứ lẩn quẩn như ma đưa lối, quỷ dẫn đường. Nom thấy đoạn phố quen quen nhưng không thấy nhà mình đâu, hết quay ngược lại quay xuôi, cuối cùng vẫn ở ngoài đường. Lão đánh bạo ghé vào một nhà hàng phố hỏi: “Tôi hỏi khí không phải, bà làm ơn cho hỏi thăm nhà ông Trịnh ở chỗ nào ạ ?”.  Bà chủ nhà nhìn ra kêu lên: “Úi giời bác Trịnh, bác sao thế? Nhà bác kia thôi!”. Lão cười khùng khục, xin lỗi bà, tôi hơi bị say, mãi không nhận ra nhà mình...

Cái cúp 82 chết máy, lão phải về số “mo” rồi từ từ dắt quay lại, qua đường để vào đúng cửa nhà mình… 

28/7/2018, N.N.D 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.