5804. Vài ý kiến lạm bàn với giáo sư Lê Văn Cương


VÀI Ý KIẾN LẠM BÀN VỚI GIÁO SƯ LÊ VĂN CƯƠNG
PNTB
Sự sụp đổ của Liên Xô
khiến bao người nuối tiếc. (Ảnh intenet).
Thưa GS Lê Văn Cương,
Ông là Thiếu tướng, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Công an, một người nổi danh đất nước. Còn tôi chỉ là một người vô danh tiểu tốt, không học hàm, học vị…Nhưng muốn được trao đổi với ông, vì tôi ngưỡng mộ ông là người lâu nay có nhiều bài viết, phát ngôn thẳng thắn theo phong cách khoa học, được giới truyền thông quan tâm. Tất nhiên tôi nghĩ, khoa học là khách quan. Khoa học chân chính không phụ thuộc cả học hàm, học vị lẫn chức tước, quyền lực. Nó chỉ bị khuất phục bởi Chân lý.
Mới đây tôi đã đọc kỹ lại bài viết của Giáo sư đăng trên các báo Vietnamnet, Văn hóa Nghệ An, Dân trí… từ 7 tháng 11 năm 2013, nhân kỷ niệm 96 năm Cách mạng tháng Mười Nga, với tựa đề TẠI SAO LIÊN XÔ TAN RÃ? (Xem ở đây).
Để trả lời cho câu hỏi tại tiêu đề bài viết, ông đã nêu ra những lý do khá thuyết phục: Đó là “Sự tha hóa, biến chất” của Đảng Cộng sản Liên Xô. Cụ thể là:

- Đảng Cộng sản Liên Xô đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng. Đi liền với nó là các bệnh tật: độc đoán, chuyên quyền, ….Khi cần thiết bảo vệ “cái uy” của mình, họ sẵn sàng đối xử với đồng chí, đồng đội như đối với kẻ thù. Kết quả là trong sinh hoạt, đảng mất hết sinh khí, mất hết tính chiến đấu. Sinh hoạt đảng trở nên tẻ nhạt, khô cứng, độc thoại một chiều. Trong điều kiện đó nhiều đảng viên trung kiên, trong sáng không được trọng dụng, cố nín nhịn để tồn tại, những kẻ cơ hội, nịnh bợ có điều kiện được thăng tiến”.
- “Hai là, Bộ Chính trị, BCHTƯ Đảng Cộng sản Liên Xô đã quan liêu xa rời thực tiễn, để mất quan hệ máu thịt giữa Đảng CSLX với nhân dân Liên Xô. Tệ quan liêu làm cho những người lãnh đạo các cấp của Đảng CSLX xa rời thực tế, không có hiểu biết đúng đắn hiện trạng xã hội mà mình đang lãnh đạo, quản lý. Họ thờ ơ trước những nguyện vọng chính đáng của quần chúng, thậm chí không có rung động, phản ứng trước những nỗi thống khổ, oan ức của một bộ phận quần chúng nhân dân, trong đó có cả một bộ phận đảng viên, cán bộ cấp dưới.
- “Ba là, những suy thoái về đạo đức, lối sống của một số lãnh đạo cấp cao giữ vai trò chủ chốt với những biểu hiện nổi bật: Sống ích kỷ, đặt lợi ích của bản thân, gia đình và người thân lên trên lợi ích của Đảng, của nhân dân; cục bộ địa phương, kéo bè kéo cánh đưa những người thân tín với mình, kể cả những người yếu về năng lực, kém về đạo đức, lối sống vào những vị trí lãnh đạo để làm vây cánh, che chắn bảo vệ mình; tham ô, sống xa hoa, nói một đằng làm một nẻo, cá biệt còn tha hoá, suy đồi về đạo đức, lối sống” (Hết trích).
Giáo sư còn nêu ra những con số mang tính chất định lượng, rằng: “Theo Ph. M. Rudinxki, có thể chia 20 triệu đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô làm 4 loại:
1.Những đảng viên chân chính (thường chiếm tỷ lệ nhỏ);
2. Những người thực hiện, chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng như cái máy (chiếm khoảng hơn 96 %);
3. Những kẻ cơ hội, xu thời, nịnh bợ, (phần lớn trong bộ máy công quyền);
4. Những người im lặng, (phần lớn họ là những người có hiểu biết nhưng sợ bị trù dập nên họ giữ im lặng, không dám phát biểu)” (Hết trích). 
Từ những hiện tượng đó, Giáo sư chốt lại trong mục: “Thử bàn về các nguyên nhân”. Ông viết: Về hoạt động chống phá của Mỹ và các thế lực chống cộng quốc tế thì rõ ràng, có đầy đủ thông tin, tư liệu để khẳng định. Tuyệt đối không được mơ hồ, mất cảnh giác”. Một nguyên nhân khác là do Mặt trái của cơ chế thị trường cũng là một nguyên nhân. Nhưng nếu quá nhấn mạnh, cường điệu mặt trái của cơ chế thị trường thì khó lòng giải thích được những thoái hoá của Đảng Cộng sản Liên Xô, Đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời kỳ Mao Trạch Đông, Xtalin và Prêz nép lãnh đạo, vì thời Mao, thời Xtalin, thời Prêz nép chưa có kinh tế thị trường”.(Hết trích)
Giáo sư đã tập trung vào nguyên nhân trực tiếp mà ông dùng thời lượng khá dài để phân tích. Đó là sự mất dân chủ mà GS gọi là “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ” trong đảng Cộng sản Liên Xô.
Giáo sư viết: “Xét đến cùng, do thiếu dân chủ trong sinh hoạt Đảng nên cơ quan lãnh đạo của Đảng CSLX thiếu thông tin nhiều mặt về một vấn đề, đặc biệt là những vấn đề hệ trọng quan hệ đến sinh tồn của Đảng. Thiếu dân chủ cho nên trong sinh hoạt đảng thường là độc thoại một chiều từ những người lãnh đạo cao nhất, thiếu hẳn thông tin phản hồi từ dưới lên. Thiếu dân chủ, nên những đảng viên ưu tú, nhạy bén, sắc sảo, thông minh không có chỗ để thể hiện ý tưởng của mình. Trong một tổ chức như vậy, bộ tham mưu cao nhất không có đủ thông tin nhiều chiều, toàn diện, do đó những quyết định về đường lối, sách lược thường không phù hợp với thực tiễn, thậm chí trái ngược với quy luật, ngược với hiện thực khách quan. Phải chăng, đó là một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng nghị quyết, chỉ thị rất nhiều nhưng việc đưa vào cuộc sống không được bao nhiêu. Theo ngôn ngữ y học, thuốc rất nhiều nhưng không có loại đặc trị, nên bệnh tình sẽ ngày càng trầm trọng.”(Hết trích)
Giáo sư đã nêu khá nhiều việc thiếu dân chủ dẫn đến những hệ lụy khôn lường như: “Do thiếu dân chủ trong sinh hoạt Đảng, mà một thời gian dài trước khi sụp đổ, tan rã, trong Đảng Cộng sản Liên Xô cũng như trong các Đảng Cộng sản ở các nước XHCN ở Đông Âu đã lặng lẽ diễn ra một quá trình phân hóa trong đảng, cả trong sinh hoạt Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị. Các đảng viên nghĩ một đằng phát biểu một đằng, không dám thể hiện chính kiến của mình ngay cả đối với vấn đề quan hệ đến sinh tồn của Đảng…cấp trên áp đặt, cấp dưới điều chỉnh hành vi cho phù hợp với cấp trên, mọi thông tin chính thức từ trên xuống và đặc biệt là từ dưới lên đều thiếu chân thật. Chưa đến một tháng trước khi tan rã, mất quyền lãnh đạo, những người lãnh đạo của một Đảng Cộng sản cầm quyền vẫn khẳng định sức chiến đấu của đảng mình, vẫn tuyên bố tuyệt đại bộ phận nhân dân còn ơn đảng, theo đảng, tin đảng và tuyệt đại đa số đảng viên là tin cậy, trung thành...!”. (Hết trích). Và giáo sư còn phân tích nhiều hệ lụy khác của sự mất dân chủ trong đảng trước khi sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô…
***
Thưa Giáo sư, bây giờ đến lượt tôi xin có vài ý kiến như sau:
Thứ nhất, tôi thừa nhận những phân tích của Giáo sư là đúng với thực tế ở Liên Xô thời kỳ đó, và chính nó là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ Liên Xô. Cần phải nói thêm: do những sai lầm của đảng CS Liên Xô như trên mà Bộ chính trị trở thành “ông vua tập thể”, quyền lực tuyệt đối, dường như “bất khả xâm phạm”. Sự phân hóa trong Đảng và trong xã hội rất mạnh. Những quyền lợi mang tính đẳng cấp ngày càng nhiều, khiến dân chúng oán ghét (Có nhiều tài liệu nói điều này, do bài dài, tôi không dẫn.).
Ở đây cần đặt ra một câu hỏi khác: Vậy tất cả những hiện tượng trên bắt nguồn từ đâu, hay nói cách khác là nguyên nhân của mọi nguyên nhân là gì? Phải chăng sự hư hỏng trong con người của những đảng viên có chức có quyền do họ “không chịu thực hiện vũ khí phê bình và tự phê bình”? Hay do họ “suy thoái về lý tưởng cộng sản”, “thiếu ý thức rèn luyện tu dưỡng đạo đức cách mạng” như những lớp tiền bối?... Thiết nghĩ, nêu những ý kiến đó chỉ là ngụy biện, không thuyết phục, khi người ta đã chứng minh được: “tư hưu, cá nhân chủ nghĩa”vốn là bản tính con người, không thể giáo dục suông. Đặc biệt, khi cấp trên không gương mẫu thì hoàn toàn mất tác dụng. Cái gọi là “giáo dục đạo đức, lối sống…” sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi “thượng bất chính – hạ tắc loạn”!... Liệu có ích gì khi thả những con chuột vào hũ gạo rồi “giáo dục” chúng: “không được đụng đến một hạt gạo của ta!”.
Thưa Giáo sư, tôi nghĩ đến nguyên nhân sâu xa về sự sụp đổ Liên Xô ở một góc độ khác. Tất cả những hiện tượng biểu hiện ra là nguyên nhân trực tiếp khiến Liên Xô tan rã như ông phân tích trên đều xuất xứ từ một nguồn gốc: THIẾU SỰ KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC. Ngay trong đảng đã mất dân chủ khi đảng viên có quyền lực cao lấn át đảng viên quyền lực thấp hoặc không có quyền lực, thì người dân Liên Xô lúc này đương nhiên bị coi như cỏ rác. “Quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối” (Lord Acton), tất nhiên sẽ gây hệ lụy. Trong một chế độ dân chủ thực sự, quyền lực phải thuộc về Nhân dân (Hiến Pháp các nước XHCN đều khẳng định như thế). Nhưng một khi Nhân dân bị ‘đánh cắp’ mất quyền lực thì mọi bi kịch xã hội phát triển. Nhân dân không có cách nào nắm được quyền lực của mình. Để Nhân dân nắm được quyền lực thì nhất thiết phải có phương tiện, không thể nói suông. Phương tiện đó không phải là cái gì khác ngoài bản Hiến pháp thực sự dân chủ và một mô hình nhà nước ưu việt nhất mà cho đến nay nhân loại đã phải mất nhiều trăm năm mới tìm ra. Phương tiện đó, những nước văn minh trên thế giới đang áp dụng.
Giáo sư cũng đã viết: “Đảng CSLX trước đây không có lực lượng nào và không có cơ chế nào thực hiện giám sát và phản biện hoạt động của Tổng bí thư, của Bộ chính trị. Một nhóm nhỏ này, có khi chỉ dăm ba người nắm quyền lực tối cao, tự tung tự tác, ai có ý kiến khác sẽ bị họ chụp cho cái mũ là “chống đối”, “là phản động”, “là chống Đảng”, thậm chí là “phản bội Tổ quốc” (Hết trích)
Thưa Giáo sư, hẳn ông cũng rõ: một Hiến pháp thực sự dân chủ không thể là của Quốc Hội, của Nhà nước, cũng không thể là của Đảng. Hiến pháp ấy phải là của Nhân dân (Vì DÂN làm CHỦ). Nó là bản “khế ước” do Nhân dân lập ra với dự thảo của Quốc hội, trên tinh thần bảo vệ mọi quyền công dân, quyền con người, phù hợp những giá trị phổ quát của thế giới văn minh, tất nhiên có thể dưới sự lãnh đạo của một đảng chân chính. Hiến pháp ấy ngoài những điều khoản với giá trị văn hóa phổ quát, phải có những điều khoản sẵn sàng chặn bàn tay lạm quyền, lộng quyền của các cơ quan công quyền và đội ngũ quan chức (Bởi lạm quyền vốn là quy luật của mọi chính quyền nhà nước. Cho nên, khi mới thiết lập nhà nước Xô Viết, Lê nin cũng đã phải cảnh tỉnh điều này). Vì là Hiến pháp của Nhân dân nên phải được toàn dân phúc quyết. Bản “khế ước” ấy được Nhân dân trao cho Nhà nước để thực hiện. Tất cả mọi cơ quan nhà nước, mọi người dân và tổ chức xã hội, kể cả tổ chức đảng lãnh đạo đều phải thượng tôn Hiến pháp, pháp luật. Bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dù quyền lực đến mấy cũng không được coi thường Hiến pháp và pháp luật. Đi liền với một bản Hiến pháp dân chủ là một Tòa án Hiến pháp để bảo vệ Hiến pháp đó của Nhân dân, xét xử cả những người đứng đầu đất nước khi họ dám lạm quyền, vi hiến. Nếu Liên Xô có thể chế đó thì liệu Gooc Ba Chôp có làm được cái việc “Tuyên bố giải thể Đảng CS và Liên Xô”?. Chính nhờ Hiến pháp thực sự dân chủ - công cụ kiểm soát quyền lực hữu hiệu mà Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Thái Lan hay bất kỳ ngài Tổng thống nào vẫn có thể hầu tòa như ta đã biết.  
Thưa giáo sư, tôi nghĩ, những người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Liên Xô họ có thừa trí khôn để biết tính ưu việt của một Hiến pháp dân chủ và một thể chế nhà nước ưu việt. Tuy nhiên, nếu áp dụng những “công cụ” đó thì không khác gì họ tự trói tay mình, bởi quyền lực một khi thực sự thuộc về nhân dân thì những người được trao quyền lực đó sẽ không thể tự tung tự tác, không thể coi thường quần chúng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để cầu lợi cá nhân, gia đình hay người thân. Nhân dân sẽ có điều kiện dùng những công cụ đó giám sát họ. Vì thế Lãnh đạo Đảng CSLX luôn tẩy chay những công cụ này và ngụy biện rằng, nó là “của chế độ Tư sản”, là xấu xa, phản động…Nhà nước XHCN Xô viết cần có một mô hình pháp quyền riêng, được hô rất to: “Nhà nước do dân, của dân, vì dân” (theo Lê nin), nhưng trong thực tế Dân chẳng có quyền gì…

NND

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.