5793. ĐÂU LÀ GIẢ VÀ ĐÂU LÀ CHÂN? (*)


ĐÂU LÀ GIẢ, ĐÂU LÀ CHÂN? (*)


Tôi xin dán bài của Nguyễn Thành Phong đăng trên Nhà đầu tư và bài trả lời của tôi để các bạn cho ý kiến. Theo tôi, chúng ta rất nên có những bài viết trao đổi ý kiến điềm đạm, có lí, có tình như thế này để cùng hiểu ra vấn đề.
Đang chứng kiến lịch sử
Sống trong những ngày này, ta có cảm giác mình đang chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử, cả ở tầm quốc tế lẫn quốc gia!
Ở tầm quốc tế, cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa Kim Jong-un và Donald Trump là lịch sử. Trước đây một thời gian chưa xa, thật khó mà tin là sẽ có cuộc gặp này, diễn ra như cách thức thế này. Thậm chí, ngày 24/5/2018, Nhà trắng đã công bố bức thư của Donal Trump thông báo hủy cuộc gặp, tuyên bố “cơ hội bị bỏ lỡ”. Thế mà chưa đầy ba tuần sau, nó lại diễn ra và “thành công rực rỡ”. Kim Jong-un “bí hiểm” thế, giờ nói với Donald Trump, ví von như một nhà văn: Mọi người nhìn chúng ta gặp nhau, tưởng đang xem một bộ phim viễn tưởng. Xem xong phim viễn tưởng này, cả thế giới thở phào...
Hội nghị G7 của các “anh nhà giàu” và quyền thế bao trùm thế giới: Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Ý, Nhật và Canada. Dù có tranh luận này khác, Thủ tướng trẻ tuổi của Canada với Tổng thống Mỹ già dơ vẫn tiếp đón, trò chuyện tươi cười thân ái với nhau. Thế mà lên máy bay rồi, “anh” Trump lệnh cho thuộc cấp không ký tuyên bố chung, vì trách “chú” Thủ tướng đẹp trai nói năng không đúng mực…
Những chuyện này là lần đầu xảy ra trong lịch sử thế giới.
Ở trong nước, Quốc hội có một kỳ họp cực nóng. Dự Luật “đặc khu”, gọi tắt thế cho ngắn, đã dừng lại, chưa ấn nút thông qua như theo kế hoạch. Luật An ninh mạng thì vẫn được thông qua với tỉ lệ ủng hộ cao, dù trong chính dư luận trên mạng vẫn ngổn ngang nhiều ý kiến. 
Suốt trong quá trình chuẩn bị và dự thảo Luật “đặc khu”, không thấy có ý kiến nào căng thẳng cả. Sát ngày ấn nút thông qua, dư luận mới trào lên. Trong phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội đã nhận xét là Quốc hội đã có sự điều chỉnh linh hoạt theo yêu cầu thực tế và đúng nguyên tắc. Quốc hội biểu dương tinh thần yêu nước và sự quan tâm sâu sắc của nhân dân đến các vấn đề quan trọng của đất nước, nhưng đồng thời cũng nghiêm khắc lên án những hành động lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật, kích động, quá khích…
Lại nói chuyện lịch sử. Đất nước ta đã từng chứng kiến việc thông qua những đại sự lớn đúng đắn mà không phải lúc nào cũng đồng thuận cao. 
Sau khi Hồ Chủ tịch ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 với Pháp, cả một cuộc mít tinh lớn trước Nhà hát Lớn, nhiều người hô to “Việt Minh bán nước!”, “Hồ Chí Minh bán nước!”. Hồ Chí Minh đối thoại bằng câu nói nổi tiếng: “Tôi, Hồ Chí Minh, suốt đời hy sinh cho độc lập tự do của dân tộc. Tôi thà chết chứ không bao giờ bán nước!”. Lúc đó, Hồ Chí Minh làm sao đã bạch hóa hết được cho người dân rằng Cụ ký Hiệp định này chính là để giành lấy sự công nhận quốc tế đầu tiên đối với Chính quyền nhân dân từ ngay kẻ thù của mình? Là khôn khéo chọn 15 ngàn lính Pháp vào giải giáp Nhật trật tự để đuổi khéo 200 ngàn quân Tàu Tưởng ốm đói và dai nhách? Là để tranh thủ chuẩn bị gấp rút cho kháng chiến?... 
Khi làm đường dây 500 Kv dài gần 1500 Km tải điện từ Bắc vào Nam, Chính phủ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đối đầu với bao nhiêu phản đối gay gắt. Ông Võ Văn Kiệt đã đặt cược sinh mệnh chính trị của mình, của Chính phủ, kiên quyết và cẩn trọng tiến hành. Hệ lụy kinh khủng. Có bộ trưởng vào tù, có thứ trưởng lĩnh án treo vẫn lăn lóc với công việc. Dòng điện vào miền Nam thành công mà không có lễ báo công chính thức. Chiếc huy hiệu đầu tiên của đường dây 500 Kv là do Thủ tướng mang vào tận nhà tù để gắn lên ngực vị cựu bộ trưởng đang thụ án.
Nhưng cũng có những quyết định lớn, đồng thuận rất cao, lại nhanh chóng phát hiện là không phù hợp, phải sửa đổi. Ví dụ như một phần nội dung trong Lời nói đầu và một số điều của Hiến pháp 1980 chẳng hạn…
Nói mấy việc trên để khẳng định, thời điểm quyết định là một phần của lịch sử. Nhưng để trở thành lịch sử, có tác động tích cực đến lịch sử, thì cần phải có một quá trình diễn biến, vận động và tích tụ. Cuộc gặp Trump – Un sẽ bị vứt vào sọt rác lịch sử nếu sau đấy không có một quá trình thực sự để mang lại hòa bình. Cái động tác không ký Tuyên bố chung G7 của Tổng thống Mỹ là kết quả của cả một quá trình dài xung đột lợi ích giữa các ông lớn…
Việc dừng lại Luật “đặc khu” sẽ thành lịch sử thực sự, nếu sau này chúng ta trả lời được rõ ràng rằng: Liệu chúng ta vẫn có thể phát triển đất nước, vẫn “cất cánh” mà chẳng cần luật này hay phải có luật này với những thiết chế quan trọng thì mới phát triển được đất nước?
Luật An ninh mạng đã được thông qua. Có hai chi tiết làm nhiều người hy vọng. Một là phát biểu hơi “kỳ lạ” của một vị tướng. Điều này cho thấy, tất cả chúng ta, chứ không chỉ nhiều vị lãnh đạo cao cấp, còn chưa hiểu biết đến độ cần thiết về mạng. Đó là một phát kiến của văn minh nhân loại. Tất nhiên nó có có hai mặt, lợi và hại. Để biết cách hưởng lợi từ văn minh, tất cả chúng ta cần phải hiểu biết và thông tỏ hơn nữa. Hai là, Luật nêu ra đúng đắn những nguy cơ cần đối mặt. Và để Luật có hiệu lực thi hành, còn cần cả một hệ thống nghị định, thông tư... Vậy thì hãy tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cho phù hợp trong quá trình này. Một điều nữa, nếu Luật chưa phù hợp, vẫn có thể sửa đổi, bổ sung. Đến Hiến pháp còn như vậy cơ mà. Đến nay, chúng ta đã có đến 5 lần thảo luận, bổ sung, sửa đổi Hiến pháp vào các năm 1946, 1959, 1980, 1992, 2013. Sửa đổi, bổ sung Luật thì nhiều lần lắm, thậm chí đã có Luật được Quốc hội thông qua rồi, vậy mà còn hoãn, còn lùi thời gian thi hành khi phát hiện ra vấn đề chưa ổn.
Đúng là chúng ta đang chứng kiến lịch sử! Và mỗi người chúng ta còn có vai trò đóng góp vào lịch sử. Chưa có thời đại nào mà mỗi cá nhân lại có vai trò ấy như hiện nay, thông qua những hành động thiện tâm, hiểu biết và văn minh, thông qua rất nhiều cách thức khác nhau.
Vậy thì hãy đóng góp vào lịch sử đi!
Còn đây là coment của tôi (Đào Tuấn Anh)
Dao Tuan Anh: Vì bài viết có thái độ điềm đạm, nêu những sự kiện trong lịch sử xa và gần để trấn an dư luận sục sôi mấy tuần qua, nên tôi cũng mạn phép trao đổi lại với tác giả, đặt vài câu hỏi để anh trả lời: 1. Anh có nêu sự kiện HCT kí hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 và việc dân ta khi đó không hiểu dụng ý của Người - dùng quân đội Pháp để đuổi quân đội Tầu Tưởng ốm o dai nhách - họa nhỡn tiền của cái thuyết bành trướng Trung Hoa ăn trong máu. Và HCT đã đúng. Đối chiếu với vấn đề 3 đặc khu, nếu hiểu sâu xa, thì hẳn mẹo kia là để áp dụng cho chuyện này. Hãy tạm coi đây là một tiên đề, giả thuyết để dễ bàn luận. Tuy nhiên, đó là năm 1946 và nay là 2018, một quãng lịch sử quá dài đủ để thay đổi mọi thứ, mọi mối quan hệ từ các bên. Lúc đầu, khi mới đọc luật đặc khu, tôi cũng đã có ý nghĩ như cái "giả thuyết này", vì tôi không bao giờ nghĩ đến việc những người lãnh đạo cao nhất của đất nước lại có thể làm một việc tầy trời và kì quặc đến độ không tưởng: mở ba đặc khu ở những nơi trọng yếu nhất, yết hầu an ninh quốc phòng của đất nước, ba tiền đồn canh giữ biển Đông, nơi chủ nghĩa bành trướng không lúc nào nguôi ngoai thèm khát xâm chiếm làm của riêng, với những ưu đãi không chỉ về thời gian, mà còn ưu đãi về sản xuất các loại vũ khí, thiết bị, quân trang quân dụng quân đội!. Cứ nghĩ kĩ mà xem, đây là một trò chơi quá nguy hiểm và không hề cân sức, vì ta đã tự trói ta bằng luật pháp (trong nước và quốc tế) để không thể động cựa được một khi CÁC "đối tác" trở cờ. Lòng tham tiền bạc và tham vọng chiếm đất luôn có nguy cơ đánh đổi, nhường chỗ cho nhau, và cái thứ hai luôn mạnh hơn, không gì có thể ngăn nổi nó, kể cả những "những thiết chế quan trọng" (như anh nói) được soạn thảo cực kì thông minh, chặt chẽ (tôi nghi ngờ điều này và có cơ sở thực tế để nghi ngờ khi những Formosa, những nhà máy nhiệt điện miền Trung của Tầu đang giết chết khúc ruột của đất nước). Khi HCT nghẹn ngào nói trước quốc dân Người không phản bội dân tộc, cả dân tộc đã tin Người. Thử hỏi, niềm tìn ấy còn được bao nhiêu vào năm 2018 cho những người đưa ra cái dự luật ba đặc khu này? Tại sao bà Ngân không thay mặt quốc hội nói (không cần nghẹn ngào) rằng chính phủ, quốc hội không bán nước, mà lại bảo rằng dân hiểu lầm? Nếu cứ căn cứ vào nội dung của luật thì người dân không ngu tới mức không hiểu gì để bị coi là "hiểu lầm". Còn nếu cái giả thuyết tôi đưa ra là đúng thì họ cũng chẳng hiểu lầm đâu, họ thông minh đấy. 2/ về luật ANM: đã quá nhiều chuyên gia viết về vấn đề này và có cảm giác chúng ta đã nhầm lẫn đối tượng của an ninh quốc gia và đối tượng an ninh mạng.Còn nếu mục đích chỉ để "bịt miệng", "không nói xấu cán bộ" v.v... thì lại quá nhầm, vì bây giờ đã là thế kỉ XXI rồi. Thôi, tôi không muốn nói nhiều nữa vì bài viết đã dài, chỉ thấy buồn vì những điều mình nói chẳng ai nghe, tôi đã nói luật này ra sẽ rất khủng khiếp về tổn thất chính trị và kinh tế. Chính trị khỏi bàn, còn kinh tế, anh chịu khó theo rõi chứng khoán tuần vừa qua xem chúng ta mất bao nhiêu tỉ USD, có lẽ thiệt hại bằng hai cái Vinashin chứ chẳng ít, nhưng khuyên anh chớ có đổ tội cho Woldcup như các quan chức chứng khoán, mà tôi nghiệp cho trò chơi đá bóng được đón chờ nhất hành tinh này. 
Chúc anh mạnh giỏi.
ĐTA.
(*): Tiêu đề của PNTB

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.