5786. 'Quốc hội cần đổi cách lập pháp'

'Quốc hội cần đổi cách lập pháp'
PGS. TS. Phạm Quý Thọ Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Ngân,
trong một kỳ họp Quốc hội
.
Từ góc nhìn chính sách công, nếu các cơ quan lập pháp độc lập, có đầy đủ thông tin đa chiều và vì dân - những người đã uỷ quyền đại diện, có thể xây dựng được những chính sách phát triển bền vững. Quan điểm và quy trình làm luật là yếu tố quan trọng đối với chất lượng chính sách.
Ngoài ra, cơ quan lập pháp cần có khả năng nhận diện và ngăn chặn 'tham nhũng chính sách' từ nghị trường.

"Đây là một trường hợp chưa có tiền lệ diễn ra trong kỳ họp này. Tuy nhiên cần đặt vấn đề rộng hơn: liệu Quốc hội - cơ quan lập pháp tối cao - có thể thay đổi cách làm luật để có được những chính sách chất lượng?" PGS. TS. Phạm Quý Thọ
Ở Việt Nam kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khoá 14 đang diễn ra tại Hà Nội, các Đại biểu đang thảo luận và dự kiến thông qua một số dự luật, trong đó có Dự luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và Dự luật An ninh mạng.
Tuy nhiên, những diễn biến trong những ngày qua đã làm thay đổi kế hoạch được xác định trong nghị trình. Sáng 9/6/2018, Chính phủ tuyên bố lùi thời gian thông qua Luật Đặc khu sang kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa 14, thay vì 'bỏ phiếu' vào ngày 15/6 theo dự kiến.
'Chưa có tiền lệ'
Các dự luật về ba Đặc Khu Kinh tế và An ninh mạng gây ra nhiều tranh cãi,
và phản ứng mạnh trong xã hội, cộng đồng và các giới ở Việt Nam.
Đây là một trường hợp chưa có tiền lệ diễn ra trong kỳ họp này. Tuy nhiên cần đặt vấn đề rộng hơn: liệu Quốc hội - cơ quan lập pháp tối cao - có thể thay đổi cách làm luật để có được những chính sách chất lượng?
Cách đây hơn một năm, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam đã có kết luận về Dự luật này, và nó đã được thảo luận tại kỳ họp thứ Tư của Quốc hội và dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ Năm. Đây cũng là cách xây dựng chính sách, pháp luật ở Việt Nam.
"Trái với sự giải thích trên, Thông báo nêu trên của Chính phủ nên được coi là 'sự tiến bộ' trong xây dựng chính sách". PGS. TS. Phạm Quý Thọ
Cơ quan soạn thảo cho rằng dự luật được làm công phu, đã tiếp thu chỉnh sửa theo ý kiến Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội thảo luận theo hướng để thông qua.
Trái với điều này, dư luận đã phản ứng mạnh mẽ. Các ý kiến phản biện và kiến nghị của các nhà khoa học, cán bộ lão thành, một số tổ chức hội và công chúng dưới nhiều hình thức chuyển tải đến các lãnh đạo đảng và nhà nước.
Nội dung kiến nghị tập trung vào tính pháp lý, tính khoa học, hiệu quả kinh tế. Hơn thế, vấn đề đặt ra là ba đặc khu kinh tế: Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, ghi trong Dự luật, đồng thời là ba vị trí chiến lược đảm bảo an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, song yếu tố này chưa được đánh giá toàn diện, thấu đáo về trước mắt cũng như lâu dài?
Được biết, sáng ngày 4/6 các báo đài nhà nước có đưa tin rằng bên hành lang Hội trường Diên Hồng, nơi đang diễn ra kỳ họp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng ông nhận được nhiều thông tin bày tỏ băn khoăn về việc cho thuê đất với thời hạn 99 năm, ông cho rằng quyết định cuối cùng là Quốc hội.
Ngày 6/6 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Đại diện cơ quan soạn thảo khi trả lời báo chí câu hỏi về 'Dư luận phản ứng khi gắn với yếu tố Trung Quốc, đã giải thích rằng: "Dự thảo không có một chữ nào về Trung Quốc, chỉ có những người cố tình hiểu theo hướng đó và đẩy vấn đề lên, chia rẽ quan hệ ta với Trung Quốc". Ông dãi bày đã học tập kinh nghiệm Trung Quốc trong xây dựng đề án, nhấn mạnh 'bản lĩnh' Đặng Tiểu Bình qua câu nói: "Thôi, hãy làm đi, không bàn nữa"…
'Nên coi là sự tiến bộ'
Nên coi việc lùi thời hạn để xét lại dự Luật sau khi có phản ứng của toàn dân 
là một 'tiến bộ', theo nhà phân tích chính sách công.
Trái với sự giải thích trên, Thông báo nêu trên của Chính phủ nên được coi là 'sự tiến bộ' trong xây dựng chính sách, trong đó có nêu rằng đây là kết quả việc: "tiếp thu các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, nhà kinh tế, chuyên gia, cử tri và nhân dân cả nước".
Một chính sách tốt, một quyết định công đúng đắn, đặc biệt những vấn đề quan trọng, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển quốc gia, một mặt, phụ thuộc vào sự sáng suốt, một tầm nhìn của cá nhân lãnh đạo, mặt khác phải dựa trên cơ sở khoa học vững chắc và nguyện vọng của dân được phản ánh qua các hình thức phản hồi khác nhau.

"Sự giải thích rằng chủ trương luôn đúng và đổ lỗi cho khâu thực hiện là không thoả đáng và không thuyết phục. Điều đó phản ánh sự duy ý chí trong hoạch định và thực thi chính sách". PGS. TS. Phạm Quý Thọ
Trong thời kỳ chiến tranh, giữa cái sống và chết, sự tồn vong của dân tộc thì việc lựa chọn là rõ ràng, song trong bối cảnh hiện nay có nhiều yếu tố tác động, nhạy cảm, khó lường đến những quyết sách của đảng và chính phủ.
Thực tế đã cho thấy vào những năm đầu đổi mới quyết sách xây dựng đường dây 500kv Bắc - Nam là chính sách táo bạo, đúng đắn. Người dân vẫn ca ngợi bản lĩnh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Khi nền kinh tế chuyển đổi nhanh hơn sang thị trường và có độ mở ngày càng lớn với khu vực và thế giới, trong bối cảnh quốc tế phức tạp, đã có nhiều hơn những quyết sách không thành công, đơn cử như Bô-Xít Tây Nguyên, Formosa Vũng Áng, chính sách tăng trưởng nóng với các tập đoàn kinh tế… đang để lại những hậu quả nặng nề mà xã hội và nhân dân đang gánh chịu.
Tuy nhiên, tính giải trình và chịu trách nhiệm không cao. Sự giải thích rằng chủ trương luôn đúng và đổ lỗi cho khâu thực hiện là không thoả đáng và không thuyết phục.
Điều đó phản ánh sự duy ý chí trong hoạch định và thực thi chính sách.
Đảng nên thế nào?
Đang có một số 'lỗ hổng lớn' của thể chế, trong đó có 'tham nhũng chính trị'
mà đảng và chính quyền Việt Nam cần quan tâm xử lý, theo tác giả.
Đây là lỗ hổng lớn của thể chế. Ở đây, cần thay đổi cách tiếp cận xây dựng chính sách, hơn thế cần nhận diện và ngăn chặn hiện tượng tham nhũng chính trị, trong đó cần phát huy vai trò của Quốc hội và các kênh phản biện.
Trước hết, với thể chế chính trị hiện thời, Đảng nên chăng tập trung vào các chủ trương lớn, mà không 'áp đặt' đối với các cơ quan lập pháp và chuyên môn trong xây dựng chính sách, trả lại đúng chức năng của họ với tính độc lập và chuyên nghiệp cao hơn.
Huy động các tổ chức tư vấn đánh giá độc lập, kể cả nước ngoài đối với dự luật có tầm quan trọng và phức tạp.
Ngoài ra, kênh phản biện từ các nhân sĩ, trí thức, các nhà khoa học và phản ứng của công chúng cần được thiết lập thực chất.
Ngay cả những ý kiến được Đảng cho là 'nhạy cảm', như yếu tố Trung Quốc, cũng cần được cân nhắc, khi được đông đảo phản ánh xuất phát từ ký ức bài học lịch sử và tình hình thực tế tranh chấp căng thẳng ở Biển Đông, khi Trung Quốc bành trướng và nỗ lực quân sự hoá các đảo nhân tạo mà họ chiếm đóng trái phép…
Sự thay đổi quan điểm và cách thức xây dựng chính sách công như trên có thể gặp chống đối không chỉ từ 'quán tính lập pháp truyền thống' của thể chế hiện hành, mà còn do sự bảo thủ, ý thức hệ giáo điều và quan hệ ràng buộc do những yếu tố lịch sử.
Điều đó là căn nguyên của hiện tượng 'tham nhũng chính trị', khi có mưu toan của cá nhân hay nhóm nhà cầm quyền đặt lợi ích nhóm, đảng phái hay lợi ích cá nhân lên trên lợi ích quốc gia, dân tộc.
Nhận diện và ngăn chặn
PGS. TS. Phạm Quý Thọ cũng đặt vấn đề Quốc hội Việt Nam nên chăng
xem xét lại dự Luật về An ninh mạng đang dự định thông qua hôm 12/6/2018
Việc nhận diện và ngăn chặn tham nhũng chính trị là vấn đề khó khăn. Hiện tượng này thường được che đậy dưới các hình thức tinh vi và quan hệ phức tạp. Bối cảnh chuyển đổi thể chế kinh tế với cách làm 'đảng quyết, quốc hội thông qua' dễ để cho nhóm lợi ích chi phối.
Những khẩu hiệu như 'đột phá kinh tế', tinh thần dám quyết, dám làm, vì đại cục, vì ổn định xã hội…, nhóm người có quyền lực, khống chế số còn lại, nhân danh nguyên tắc phục tùng tổ chức, dễ chiếm đa số để thao túng chính trị.
Hiện tượng này tồn tại trong bất kỳ mô hình thể chế nào, nhưng nếu độc quyền chính trị, tha hoá quyền lực thì tham nhũng chính trị trở nên nghiêm trọng và lan rộng.
Tính công khai minh bạch trong hoạch định chính sách không phải là những thủ tục thông qua trên nghị trường về hình thức, mà cần thiết ngay trong các cơ quan đảng cao nhất, như Bộ chính trị hay Ban bí thư.
Mong rằng Quốc hội sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc thay đổi cách lập pháp 'truyền thống'.
Với các đại biểu Quốc hội, ngay tại kỳ họp lần thứ Năm này, Dự luật An ninh mạng, tuy còn quá nhiều tranh luận, nhưng đã có dự kiến thông qua, liệu các kiến nghị của các nhà khoa học, trí thức, các nhà chuyên môn… cũng sẽ có được cân nhắc?
"Đừng để VN trở thành kẻ thù của các giá trị tiến bộ" - có nhà báo từng lên tiếng góp ý trong một bài viết!

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, nhà phân tích chính sách công, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách công, Học viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam.

(BBC)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.