5779. Ý KIẾN CỦA PHÓ THƯỜNG DÂN

Ý KIẾN CỦA PHÓ THƯỜNG DÂN
Nguyễn Ngọc Dương
Đảo Phú Quốc

Mấy hôm nay mạng mẽo nóng giẫy đành đạch vì cái vụ ĐẶC KHU KINH TẾ. Đa số phản ứng trái chiều (mang tính phản biện): không tán thành nếu Quốc Hội thông qua “Luật Đặc khu”, sẽ nhấn nút vào giữa tháng Sáu này. 

Tất nhiên, cũng có ý kiến ủng hộ Lãnh đạo thượng đỉnh là làm đặc khu sẽ rất tốt cho phát triển kinh tế đất nước, khắc phục được những yếu kém về quản trị đất nước trong mấy chục năm đổi mới vừa qua…, giúp đất nước “cất mình”, trở thành những con Rồng, con Hổ. Hơn nữa ai bảo làm đặc khu là bán nước cho Tàu? Nói láo. Có văn bản nào nói bán nước cho Tàu đâu? Sao tự dưng các vị đổ tiếng xấu cho Đảng thế? Cũng không có chữ nào nói đặc khu dành riêng cho Tàu. Đặc khu là để có chính sách ưu đãi đặc biệt, kêu gọi các NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI (không riêng gì Tàu) vào đó kinh doanh, mang lại lợi ích cho Việt Nam. Rõ chửa?.

Lão là Phó thường dân, cứ sờ đầu gối nói chân thật. Sau khi đã xem, đọc rất nhiều ý kiến khác nhau trên mạng và bằng trải nghiệm của mình về lịch sử Dân tộc và những ứng xử của “anh bạn” Trung Quốc trong những năm qua, lão xin có ý kiến, ngắn thôi.

Báo chí nhà nước đã nói, Đặc khu là một “phòng thí nghiệm”. Vậy thì làm đặc khu chỉ 50/50, nghĩa là một ăn, một mất. Như thế là không chắc chắn, là sự đánh cược. Có nhiều người nói ý này, trong đó có đại biểu Dương Trung Quốc. Lại cũng có nhiều người nêu ra rằng, nhiều nước tiên tiến trên thê giới không hề có đặc khu, họ vẫn phát triển rất tốt. Hơn nữa, chúng ta đã có “bài học xấu về các dự án lớn như “đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng”, khai thác bauxite Tân Rai & Nhân Cơ (Tây Nguyên), cũng như kinh nghiệm xấu tại Chu Lai (Quảng Nam, 2003), Dung Quất (Quảng Ngãi, 2005), Nhơn Hội (Bình Định, 2005), Chân Mây (Thừa Thiên, 2006), Vân Phong (Khánh Hòa, 2006), Phú Yên (Phú Yên, 2008). Tại sao các nơi đó thất bại? Cái gì đảm bảo ba đặc khu mới này sẽ thành công? Nếu Việt Nam không cải tổ thể chế để kiểm soát quyền lực và tham nhũng, thì các mô hình phát triển tương tự sẽ lặp lại bài học “lợi bất cập hại” (Nguyễn Quang Dy)...

Với cảnh báo của ông Nguyễn Quang Dy, nguyên cán bộ Bộ Ngoại giao, chuyên gia nghiên cứu quốc tế như trên, không biết đã có ai nghĩ rằng: ĐẦU TƯ và THỂ CHẾ thì THỂ CHẾ phải đi trước để kiểm soát ĐẦU TƯ? Vì với thể chế kiểm soát quyền lực hiện tại mà giao quyền cho Chủ tịch Đặc khu càng lớn, chính sách cho đặc khu càng ưu đãi…thì THAM NHŨNG càng có cơ “phất lên” như diều gặp gió, chứ không phải ngược lại? Lúc ấy, biết đâu không đủ “Lò” để chất củi tươi, hóa “giở vai cho giời xem” thì ai chịu trách nhiệm? 

Đấy là nói sơ sơ về kinh tế. Còn an ninh quốc phòng thì sao? Những vị trí Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, không hiểu sao các đồng chí lãnh đạo toàn chọn YẾU ĐIỂM về sự bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước, cả trong lịch sử, hiện tại và nguy cơ cho tương lai về an ninh quốc gia để làm đặc khu kinh tế? Việc lựa chọn này đã quán triệt Cương lĩnh của Đảng về KINH TẾ KẾT HỢP QUỐC PHÒNG – AN NINH, AN NINH – QUỐC PHÒNG VỚI KINH TẾ chưa?... Có nhiều người cho rằng nếu Đặc khu ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh thì họ không nghi ngờ gì. Nhưng không hiểu sao nó lại là 3 YẾU ĐIẺM, rải đều dọc bờ biển Đông (nơi mà Trung Quốc đã vẽ đường “lưỡi bò chín đoạn”, liếm gần hết diện tích này? Với tư duy thông thường về BẢO VỆ NỀN ĐỘC LẬP DÂN TỘC, không ai không thấy nhãn tiền.

Hãng hỏi: “các nhà đầu tư nước ngoài” nào, kể cả Mỹ có thể chiến thắng được cuộc “đấu thầu” của “ông anh môi hở răng lạnh”, của “16 chữ vàng”? Cứ xem cái cung cách những năm gần đây, có bao nhiêu dự án kinh tế béo bở lọt vào tay nhà thầu Trung Quốc, kể cả sau khi thắng thầu đội vốn gấp 2 – 3 lần, thiếu vốn, anh Tập cho vay, công trình kéo dài thì dân chịu khó chờ…. Chắc chưa ai quên dự án Đường sắt trên cao ở Thủ đô? Vì thế, Trung quốc sẽ làm chủ ngon lành những đặc khu này sau khi Quốc hội bấm nút… Sau 99 năm, mà có lẽ không đến, chỉ 30, 40 năm những “đặc khu” này sẽ là những địa phương… nói toàn tiếng Tàu! Lúc ấy, nếu có cuộc “trưng cầu dân ý” thì họ (dân ở đây) liệu có giống như bán đảo C-rưm đã ly khai Ucraina để theo Nga, vì nơi đó “toàn dân nói tiếng Nga”? 

Đấy là những lý do mà dân ta sôi lên sùng sục. Vì thế, lão đề nghị Đảng, Quốc hội, các vị dân biểu “do dân, vì dân, của dân” hãy lắng nghe, thấu hiểu, từ từ hãy cho bấm nút, làm rõ lợi hại, công khai minh bạch…để lòng dân yên đã. 

Nút mà dí tay vào rồi thì khác nào viên đạn đã bay ra khỏi nòng súng ?!...

(Nguồn: Fb. Nguyễn Ngọc Dương)


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.