5767. NỊNH NGU, NỊNH THỐI...

NỊNH NGU, NỊNH THỐI: 
TRƯỜNG HỢP NGUYỄN TUẤN CƯỜNG, VIỆN TRƯỞNG VIỆN HÁN NÔM

Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Hán Nôm, tài khoản Fb Nandemo Meiyou, khẳng định khi anh ta "khảo cổ" (chắc là “khảo cổ học tri thức” giống Foucault?) thấy có từ "thu giá" đã từng được dùng!

Mà đã Viện trưởng Viện Hán Nôm nói thì chắc là đúng như in!


Vậy là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã bắt được vàng. Vàng ròng!

Ông Viện trưởng Viện Hán Nôm ấy nói gì? Rằng thì là, theo ông ấy, Bộ Giao thông vận tải dùng chữ “thu giá” là đúng. Bởi vì từ xưa người Việt đã dùng chữ này và được ghi trong sách vở. Dẫn liệu mà ông Viện trưởng đưa ra là “thu giá mới”, ‘thu giá cũ”, “thu giá riêng”… Có nghĩa là theo ông, chỉ cần gọt cái đuôi “mới”, “cũ”, “riêng” đi thì ta có từ ngữ gọn, chuẩn, hay?

Vậy sao ông không bạo gan đề xuất gọt cái đuôi khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” thành “kinh tế thị trường” cho nó chuẩn xác. Hay là vì ông sợ mất ghế?

Thưa ông Viện trưởng, “thu giá mới”, ‘thu giá cũ”, “thu giá riêng”… vẫn là thu tiền sau khi đã xác định giá thu là cũ hay mới, chung hay riêng. Cho nên những cụm từ ấy hoàn toàn có nghĩa. Còn “thu giá” thì hoàn toàn vô nghĩa, trừ phi ông dùng chữ “giá thu”, tức mức giá đã được xác định khi thu!

Ngôn ngữ nào cũng vậy, dù là tiếng Anh, tiếng Hán, tiếng Nga…, riêng từ ghép chính phụ hay cụm từ, phần kết hợp với danh từ hay động từ phải là cái được hạn định hay xác định về nghĩa gọi là định từ, định ngữ hay bổ từ, bổ ngữ. Nếu không có các từ ngữ xác định đó, từ được dùng sẽ mang nghĩa khái quát, còn kết hợp tùy tiện thì sẽ vô nghĩa! Chẳng hạn, nói ông Cường là Viện trưởng Viện Hán Nôm là xác định, còn nói ông là "Viện trưởng" hay "Viện trưởng Viện" là mơ hồ, gọi "Trưởng Hán" hay "Trưởng Nôm" là vô nghĩa. Nói "Cường nịnh thối Bộ trưởng" khác với nói "Cường nịnh", vì không xác định Cường nịnh như thế nào, nịnh ai mà chỉ biểu thị một tính chất nịnh chung chung, còn nói "Cường Bộ" là vô nghĩa, "Cường thối" là đã mang nghĩa khác...

Nói “Thu giá” là viết tắt của “Thu theo giá” ư? Tôi lấy ví dụ tương đương sát sàn sạt thế này để các ông khỏi cãi về chuyện viết tắt. “Thu theo giá” mà viết tắt thành “Thu giá” thì "Thu theo đầu người" viết tắt là "Thu đầu"? Thời thực dân có câu văn nói về thu thuế: “Thuế thu bổ theo đầu người”, bọn thực dân có ngu mạt hạng cũng không viết “bổ theo đầu người” thành “bổ đầu”. Viết tắt tùy tiện như vậy thì đến lúc “Thu thuế đất” viết tắt thành “Thu đất”? Kiến tạo như vậy thì tai hại khôn lường! Thảo nào nhiều quan dựa vào sự kiến tạo ngôn ngữ theo cách ấy, thay bằng đi “thu thuế đất” các ông đi “thu đất” của dân dẫn đến mất ổn định, gây hỗn loạn từ địa phương này đến địa phương khác? Hành vi đánh tráo ấy, dân gọi là “cướp” có quá đáng không?

Phân tích trên là bài học vỡ lòng cho trẻ tiểu học. Không hiểu sao Viện Hán Nôm lại có ông Viện trưởng có trình độ như vậy? 

Chưa nói chuyện “lách luật” vì doanh nghiệp tư nhân không được phép “thu phí” mà chỉ có thể dùng chữ “thu giá”, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải giải thích như thể nói chuyện với trẻ em, rằng thì là đã có “Luật giá” thì ắt có “thu giá”, “thu giá” làm cho “phí được thu linh hoạt hơn theo giá cả thị trường” (?).

Thưa ông Bộ trưởng, “Luật giá” là đúng, vì đó là Luật quy định về giá cả để ổn định thị trường. Khái niệm “Luật giá” mang nghĩa khái quát toàn bộ khế ước về giá cả trong nền kinh tế thị trường, trong đó bao quát luôn cả quy định cụ thể về mức phí được thu cho hoạt động kinh doanh, vẫn có thể gọi tắt là “thu phí”. Không có chuyện “thu phí theo giá cả thị trường” mà gọi tắt một cách tùy tiện là “thu giá”.

Mà nói “thu giá làm cho phí được thu linh hoạt theo cơ chế thị trường” thì liệu cơ quan chức năng và bên hoạt động kinh doanh có chấp nhận các tài xế mặc cả giá cả mỗi lần đi qua trạm BOT hay không? Giả định, cánh tài xế căn cứ vào lời giải thích của Bộ Giao thông vận tải, mỗi lần đi qua trạm cứ cù cưa đòi thỏa thuận giá cả thì giao thông sẽ thế nào? Bởi theo cơ chế thị trường, và theo lời ông, với tư cách là khách hàng, họ hoàn toàn có cái quyền đó!

Cái ông Cục trưởng gì đó nói, thực tiễn cho phép tạo ra từ mới. Dạ thưa, có mới kiểu gì thì bất cứ ngôn ngữ nào cũng có quy tắc kết hợp (cú pháp) chứ không có chuyện gán ghép tùy tiện. Thu thì thu cái gì cụ thể, xác định chứ không có chuyện thu cái “giá cả” trừu tượng. Nếu giữa hai bên thỏa thuận giá cả xong mới thu thì cái được thu vẫn là tiền chứ không phải thu cái “giá”. Tiền đó vẫn là “phí” nếu số tiền đó chi phí đúng mục đích!

Hay là do thứ “phí” đó chi sai mục đích hay chỉ để làm giàu cho một nhóm có thế lực nên mới đánh tráo một cách ngang ngược và ngu xuẩn thành “thu giá”? Mà Bộ Giao thông vận tải chưa thấy hết tai hại về sự cố sẽ xảy ra khi cánh tài xế thực hiện quyền dừng xe cù cưa mặc cả giá cả hay sao mà nói càn cho xong chuyện? Trong khi làm càn dẫn đến nói càn, chính Bộ Giao thông vận tải và ông Viện trưởng Viện Hán Nôm dốt nát đã cố tình phá hoại tiếng Việt đến mức hủy hoại nỗ lực của toàn dân và ngành giáo dục với ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt suốt cả ngàn năm nay!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.