5764. Một Thông tư vô tình tiếp tay cho tham nhũng
Một
Thông tư vô tình tiếp tay cho tham nhũng
FB Hoàng Hải Vân /22-5-2018
![]() |
Ảnh: internet |
Đó là trường hợp của
Thông tư 02/2011/TT-NHNN ngày 3-3-2011 của Ngân hàng nhà nước quy định mức lãi
suất huy động tối đa bằng đồng Việt Nam (lãi suất tiền gửi; lãi suất chứng chỉ
tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và trái phiếu) của các tổ chức (trừ tổ chức tín
dụng) và cá nhân bao gồm cả khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức không vượt
quá 14%/năm.
Nhiều vụ án, trong đó có
vụ Bầu Kiên, vụ Hà Văn Thắm … đã và đang áp dụng Thông tư này để xét xử với sai
phạm chi “lãi suất ngoài”. Mặc dù nhiều luật sư khi bào chữa cho thân chủ của
mình đã chỉ ra cho tòa thấy rằng Thông tư kia không đủ căn cứ pháp lý để kết
tội, rằng việc chi “lãi suất ngoài” diễn ra khắp nơi, nhưng lý lẽ của luật sư
không khai thông được đôi tai của cán bộ điều tra, công tố và quan tòa.
Trước thời điểm ban hành
cái Thông tư kia, lãi suất huy động và cho vay ở mọi ngân hàng đều cao vống theo
quan hệ cung cầu của thị trường tiền tệ trong bối cảnh lạm phát cao đột biến.
Và ai cũng biết, sau khi Thông tư kia ra đời, lãi suất huy động trên danh nghĩa
không vượt quá mức quy định của Thông tư nhưng lãi suất huy động trong thực tế
thì hầu như không thay đổi, vì người ta buộc phải chi thêm “lãi ngoài” để bù
cho khách hàng. Hầu hết các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng nhỏ, nếu không chi
“lãi ngoài” thì không ai gửi tiền. Cho nên, mục đích của Thông tư nhằm kiềm chế
lãi suất hầu như không có tác dụng, ngược lại đã đẩy cả hệ thống ngân hàng vào
hoạt động phi pháp.
Theo Bộ luật Dân sự lúc
bấy giờ, lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 150% lãi
suất cơ bản. Tuy nhiên, không phải hễ vượt quá quy định này là chịu trách nhiệm
hình sự, nó chỉ dùng làm căn cứ để khi giải quyết tranh chấp luật pháp không
bảo vệ quyền lợi của bên cho vay đối với phần lãi suất vượt 150% lãi suất cơ
bản mà thôi. Bởi vì, theo Bộ luật hình sự thì lãi suất cho vay phải cao hơn lãi
suất cao nhất mà nhà nước quy định ít nhất là 10 lần kèm theo yếu tố “có tính
chất chuyên bóc lột” thì mới chịu trách nhiệm hình sự. Có nghĩa là, dù áp dụng
lãi suất cao đến bao nhiêu thì ngân hàng và khách hàng của họ vẫn không phải
chịu trách nhiệm hình sự, vì ngân hàng và khách hàng của họ không thuộc thành
phần “chuyên bóc lột”.
Trong các vụ án nói trên,
nhiều quan tòa lập luận: việc chi “lãi ngoài” đã gây thiệt hại cho ngân hàng và
tòa đã thống kê số “lãi ngoài” được chi là bao nhiêu để buộc các bị cáo phải
bồi thường cho ngân hàng chừng ấy. Chẳng lẽ các quan tòa lại không đủ trình độ
để hiểu rằng, nếu không chi “lãi ngoài” cho phù hợp với quan hệ cung cầu trên
thị trường tiền tệ thì ngân hàng không thể nào thu hút được tiền gửi, khi ấy số
thiệt hại mà ngân hàng phải chịu còn lớn hơn rất nhiều, thậm chí có thể rơi vào
tình trạng mất khả năng chi trả hay sao?
Một văn bản quy phạm pháp
luật như Thông tư 02, chưa nói có trái luật hay không, chỉ riêng việc hầu hết
các đối tượng điều chỉnh của nó đều vi phạm đã chứng tỏ nó không phù hợp với
cuộc sống. Trong trường hợp Thông tư này không trái luật, thì việc vi phạm, tức
là việc ngân hàng chi “lãi ngoài”, chỉ có thể xử lý bằng cách không cho hạch
toán khoản “lãi ngoài” này vào chi phí mà trừ vào lợi nhuận của ngân hàng. Xử
lý như vậy là Ngân hàng Nhà nước đã gây ra thiệt hại không đáng có cho hệ thống
tin dụng rồi. Còn nếu xử lý hành chính thì lẽ ra người ban hành cái Thông tư
phi thị trường kia phải bị xử lý hành chính chứ không phải người vi phạm bị xử
lý hành chính.
Riêng đối với các trường
hợp tiền “lãi ngoài” bị chiếm đoạt, như trường hợp Nguyễn Xuân Sơn trong vụ án
Hà Văn Thắm, nếu phân tích rốt ráo sẽ thấy một sự thật kinh hoàng. Trong số
1.576 tỷ đồng OceanBank chi “lãi ngoài” cho khách hàng, ông Sơn nhận tới 246 tỷ
đồng, ngoài số tiền đưa cho Ninh Văn Quỳnh, ông Sơn không chứng minh được số
tiền khổng lồ này được chi cho ai, nên phải suy luận là ông ta đã chiếm đoạt,
vì vậy tội của ông ta là đặc biệt nghiêm trọng. Nhưng tòa lập luận rằng, trong
số tiền ông Sơn chiếm đoạt có tới 49 tỷ đồng là của PVN (tính theo tỷ lệ sở hữu
của PVN tại OceanBank), vì đây là tiền thuộc sở hữu nhà nước nên ông Sơn phạm
tội tham ô. Hà Văn Thắm là người chi tiền cho ông Sơn, tức là tiếp tay cho việc
tham ô, nên ông Thắm cũng bị quy kết đồng phạm tội tham ô. Lập luận này không
có sức thuyết phục. Bởi lẽ, như đã nói ở trên, chi “lãi ngoài” về bản chất là
chi phí kinh doanh, nếu không chi thì không huy động được tiền gửi, mà không
huy động được tiền gửi thì thiệt hại không thể lường hết, do đó số tiền chi
“lãi ngoài” này không thể coi là thiệt hại của ngân hàng. Theo lẽ thường thì số
tiền này thuộc về người gửi tiền, cho nên việc chiếm đoạt là chiếm đoạt của
người gửi tiền, chứ không phải chiếm đoạt của ngân hàng, vì sở dĩ người ta gửi
tiền là do có sự thỏa thuận khoản “lãi ngoài” kia.
Câu hỏi đặt ra là số tiền
mà ông Nguyễn Xuân Sơn cầm lẽ ra phải được chi cho nhóm khách hàng nào? Khó có
thể nói đó là khách hàng cá nhân, vì nếu vậy thì số khách hàng sẽ quá lớn, việc
ông Sơn cầm tiền để chi cho từng người hay chiếm đoạt của họ đều khó có khả
năng xảy ra. Chỉ có thể hiểu đây là nhóm khách hàng tổ chức. Không cần biết ông
Sơn có phải là đại diện phần vốn của PVN tại OceanBank hay không, chỉ biết là
với vai trò của ông, nhóm khách hàng tổ chức kia nhiều khả năng chỉ là các
doanh nghiệp nhà nước ngành dầu khí thuộc PVN. Vấn đề là khách hàng cá nhân có
thể nhận “lãi ngoài”, còn khách hàng là doanh nghiệp nhà nước thì không thể, vì
theo quy định của Thông tư 02, đây là khoản tiền bất hợp pháp. Nó chỉ có thể
vào túi của những cá nhân của lãnh đạo các doanh nghiệp này. Ông Nguyễn Xuân
Sơn có đưa tiền cho họ hay là chưa chúng ta không thể biết, nhưng khi ông ta
không chứng minh được là đã đưa cho ai thì tòa có thể suy diễn là ông ta chiếm
đoạt. Và con số 49 tỷ đồng mà tòa cho rằng của PVN chỉ là suy diễn máy móc từ
con số mà tòa cho rằng OceanBank bị thất thoát, trong thực tế số tiền lẽ ra
nhóm doanh nghiệp của PVN được hưởng có thể là tất cả số tiền 246 tỷ đồng tiền
“lãi ngoài” mà ông Sơn nhận. Vì sao như vậy? Vì nếu không có Thông tư 02, nhóm
doanh nghiệp của PVN đã được hưởng nguyên lãi suất mà ngân hàng và họ thỏa
thuận, Thông tư 02 đã biến phần lãi suất thỏa thuận vượt 14% thành bất hợp
pháp, khoản chênh lệch gọi là “lãi ngoài” này chỉ có thể rơi vào túi những
người có quyền mang tiền của doanh nghiệp hay có quyền sai bảo các doanh nghiệp
kia mang tiền gửi vào đâu.
Qua phân tích trên, chúng
ta thấy gì? Chúng ta thấy rằng, với việc can thiệp phi thị trường vào hoạt động
ngân hàng bằng Thông tư 02/2011/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước không những không
làm giảm được lãi suất huy động (vì thực tế các ngân hàng vẫn chi “lãi ngoài”)
mà còn biến một khoản tiền khổng lồ lẽ ra các doanh nghiệp nhà nước được hưởng
thành khoản tiền bất hợp pháp chỉ còn một đường đi duy nhất là chạy vào túi những
kẻ tham nhũng.
Chỉ tính riêng thiệt hại
của các doanh nghiệp nhà nước của ngành Dầu khí thuộc PVN tại vụ án Hà Văn
Thắm, con số đã lên tới hàng trăm tỉ đồng. Từ đó chúng ta có thể suy ra thiệt
hại do tham nhũng tại các doanh nghiệp nhà nước khác từ khoản “lãi ngoài” này
trong cả nền kinh tế mà các cơ quan tố tụng chưa sờ tới.
Tôi không nói những người
ban hành Thông tư nói trên cố ý tiếp tay cho tham nhũng, tôi chỉ dám nói cái
Thông tư đó vô tình tiếp tay cho tham nhũng mà thôi. Và đừng cho rằng cái Thông
tư kia kiềm chế được lạm phát, chỉ mỗi việc kiềm chế lãi suất thực tế nó đã
không làm nổi thì làm sao có thể kiềm chế được lạm phát. Lạm phát sau đó được
kiềm chế, lãi suất trên thị trường tiền tệ giảm dần là kết quả tổng hợp của các
chính sách kinh tế tạo thông thoáng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trong
bối cảnh kinh tế toàn cầu hồi phục chứ không phải là do các biện pháp can thiệp
phi thị trường.
( Theo: Báo Tiếng Dân )
Nhận xét