5761. Điều Còn Lại

ĐIỀU CÒN LẠI
Tản văn: Nguyễn Ngọc Dương

Khi tỉnh Lào Cai tái lập - 1991, tôi được biết đến Nguyễn Văn Công (Văn Công), một trong những “ngôi sao” của làng báo ở tỉnh. Hơn bốn chục tuổi, thân hình vạm vỡ, da dẻ hồng hào, đôi mắt sáng, lông mày rậm và luôn thường trực nụ cười trên môi như thể không có lúc nào để buồn.
Thời kỳ Tỉnh mới tái lập, vạn sự còn “trứng nước”, thị xã tỉnh lỵ chưa hình thành, trụ sở Báo Lào Cai chưa có, đang còn ở nhờ mấy gian nhà tranh tre nứa lá, những nhà báo thực sự tác nghiệp như Văn Công chỉ đếm trên đầu ngón tay… Trong bối cảnh đó, anh là một trong những cây bút xông xáo khắp các hang cùng ngõ hẻm, góp phần làm cho diện mạo tờ báo của Tỉnh ngay từ khi mới tái lập đã xứng đáng là tờ báo số một ở địa phương. Lúc đó tôi công tác ở một cơ quan của Tỉnh ủy, nhưng thỉnh thoảng có bài viết với tư cách cộng tác viên của Báo, nên quen biết Văn Công. Dần dần quý mến anh, đơn giản bởi tính cách trung thực và khiêm nhường. Công không biết nịnh, không biết “làm hàng” với cấp trên cũng như bè bạn. Anh sống như chính mình từ thủa cha sinh mẹ đẻ....

Năm 1999, tại Đại hội Hội nhà báo Lào cai khóa ?, Văn Công trúng cử Phó chủ tịch thường trực Hội. Anh luôn làm tròn trách nhiệm của một cán bộ quản lý. Nhưng phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí, tháng 8 năm 2004, Công bị một cơn đột quỵ, phải rời khỏi nhiệm vụ về quê điều trị lâu dài. Từ đó chúng tôi xa nhau. Sự nghiệp của Công bị đứt gánh giữa đàng khiến cho bao bạn bè, đồng nghiệp của anh bùi ngùi, xa xót. Từ đó, tôi không có điều kiện được gặp Công, nhưng hình ảnh của anh thỉnh thoảng vẫn hiển hiện trong lòng. Quả thực là trong cuộc sống, có những người chỉ là bạn bè, đồng nghiệp, chẳng máu mủ ruột rà, nhưng xa nhau, thậm chí có khi xa mãi, người ta vẫn dành cho nhau một góc của trái tim. Văn Công với tôi là như vậy.
Cũng vào tầm này năm ngoái, có mấy “chú em” nhà báo như Thái Sinh (Đại diện Báo Nông nghiệp Việt Nam ở Tây – Bắc), Quốc Hồng (Đại diện Báo Nhân dân tại Lào Cai), Lê Minh Thảo (Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh), La Văn Tuất (Báo Lào Cai) rủ nhau đi Yên Bái thăm Văn Công, nhân dịp ngày Nhà báo cách mạng Việt Nam 21/6. Sau đó tôi tình cờ vào facebook của Thái Sinh thấy hiện lên hình ảnh Quốc Hồng đang lặc lè cõng Văn Công, một người cả hơn chục năm nay đi xe lăn, tự dưng tôi đã trào nước mắt. Một hôm gặp Quốc Hồng tôi trách: các chú đi thăm Văn Công mà như lũ ăn trộm, sao không cho anh biết. Nhớ lão ấy quá…
Hồng biết lỗi, bảo, em hứa với bác cả (vì tôi lớn tuổi nhất, Hồng hay gọi tôi như vậy), em sẽ có một chuyến đích thân cưỡi cái xe bốn cẳng rước bác về thăm anh văn Công. Đúng như lời hứa, 2 tháng trước, Hồng đã thông báo với tôi là ngày 3 tháng Tư âm lịch, anh Công mời bác, em và Tuất về quê anh ấy dự ngày Giỗ Tổ và khánh thành ngôi từ đường dòng họ.
Thế là sáng hôm qua (17/5 tức 3/4 âm lịch, ba anh em chúng tôi lên đường đi Yên Bái, nhưng không về nhà Công ở Thành phố mà đi thẳng xuống Y Can, huyện Trấn Yên, một vùng quê trù phú, nơi diễn ra sự kiện Giỗ Tổ và khánh thành nhà thờ Họ Nguyễn - Khiêm.
Đi cao tốc Lào Cai Nội Bài đến nút Văn Yên thì xuống và “bò” tiếp gần 20 cây số đoạn quốc lộ 37 đã xuống cấp nghiêm trọng, xe nảy tưng tưng như nhảy sếch…Khoảng gần 10 giờ sáng thì đến.
Ngôi từ đường nằm ở một vị trí đắc địa, sau lưng dựa vào đồi cây, trước mặt hướng ra phía sông Hồng, hai bên là những tràn ruộng và cây xanh tỏa bóng mát. Một đoạn đường bê tông hình chữ S còn mới tinh, dẫn vào ngôi nhà thờ nổi bật một màu trắng trên nền xanh của cỏ cây hoa lá…
Sân nhà thờ được phủ kín vải bạt làm thành một cái rạp đủ cho cả trăm người dự khán. Văn Công xúng xính trong bộ đồ “quốc phục” màu đỏ, ngồi trên ghế Trưởng họ, nom rất phong độ. Thấy chúng tôi, anh giơ tay trái ngang tai chào, vì tay phải không nhấc lên được. Chắc muốn chạy xuống ôm chầm lấy nhau nhưng vì cái ghế của Công là một cái xe lăn ở trên bậc thềm cao, nên chỉ đăm đắm nhìn xuống chỗ ba thằng bạn và có vẻ như đang rưng rưng nước mắt…
Sau khi xong các thủ tục tế lễ theo phong tục tập quán, anh em chúng tôi cũng được mời vào thắp hương lễ Tổ. Chúng tôi cầu mong tiên tổ dòng họ Nguyễn - Khiêm phù hộ độ trì cho Văn Công một hậu duệ của dòng họ, hiện đang là Trưởng họ được sống lâu, hồi phục sức khỏe, đầu óc luôn sáng suốt, minh tường, tụ hội nội tộc làm nên những điều tốt cho đời.
Khi mọi thủ tục đã xong xuôi, chúng tôi mới được tiếp cận Trưởng họ Nguyễn Văn Công. Ôm hôn. Cười. Nói. Rồi khóc. Rồi ngượng nghịu giải thích: “Cảm động quá!”.
Rồi ăn bữa cơm trưa. Rồi chia tay trong bịn rịn…
Với tôi, thế là mãn nguyện. Vui. Vì đã đến thăm được người bạn yếu thế do bệnh tật, vì sau cơn tai biến đã sang năm thứ mười bốn, Công vẫn phong độ, đặc biệt là trí nhớ và tinh thần không hề suy suyển ở tuổi 69. Có lẽ đó là phần nhờ phúc ấm Tổ tiên và phần do nghị lực phi thường của con người luôn xa lánh mọi Tham, Sân, Si…
Nguyễn Ngọc Dương
(18 tháng 5 năm 2018)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.