5756. MỘT LẦN NGƯỢC NÚI…

MỘT LẦN NGƯỢC NÚI…
Nguyễn Ngọc Dương /PNTB

LCĐT - Một lần, tôi và người bạn đồng hành lên một xã vùng cao trên tuyến đường nông thôn mới. Vừa đi vừa chụp ảnh hai bên đường. Khoảng 30 phút sau thì đặt chân tới một thôn nằm chót vót trên đỉnh núi. Không biết ở độ cao nào nhưng thấy trời mát dịu, không khí trong lành.
Gặp một chàng trai dân tộc Dao đỏ. “Hai ông đi đâu đấy?”- chàng trai hỏi. “Chúng tớ muốn lên cao nữa để nhìn thấy cái “mâm xôi” ruộng bậc thang kia”. “Ồ, thế thì đi theo cháu lên trên ấy”. Thấy hai người ngần ngại, chàng trai biết ý, bảo: “Có đường bê tông, xe máy lên được mà”. Nghĩ bụng, bây giờ được leo núi bằng xe máy, ngày xưa ai mà dám mơ. Thế rồi chàng trai kia chạy trước, hai chúng tôi bám theo.

Từ đoạn rẽ ngược lên, vẫn đường bê tông nhưng chỉ rộng khoảng 1,2 mét. Càng lên, độ dốc càng lớn. Xe luôn cài số 2, nhiều lúc phải về số 1. Leo được một hồi thì phải rẽ vào con đường nhỏ nữa, ước chừng chỉ rộng độ hơn 3 gang tay, bên phải, ta luy dương dựng ngược toàn đá, bên trái, ta luy âm “vô tiền khoáng hậu”, hun hút, chả thấy đáy vực đâu! Có đi thế này mới khâm phục cái tài lái xe máy trên núi của các chàng trai sơn cước.

Chàng thanh niên tên là Lò Láo Lở, dẫn chúng tôi lên đến ngôi nhà gỗ nhỏ nhắn “treo” trên sườn núi, trong tán rừng tạp âm u. Giả định không có cây cối che kín thì ở dưới kia nhìn lên, chắc ngôi nhà sẽ giống cái chuồng chim gá vào vách đá. Đứng ở mảnh sân của ngôi nhà phụ bên dưới rộng chừng 9 mét vuông, Lở chỉ lên đỉnh một đồi lúa đang đỏ đuôi: “Đấy, muốn chụp ảnh ruộng bậc thang rộng thì hai ông để xe máy ở đây, leo lên kia”. Tôi ngước mắt lên, thấy hãi, hỏi, “Chắc khó đi lắm?”. Lò Láo Lở nói: “Cũng không khó mấy, chúng cháu đi bình thường mà.”. Liếc qua cặp giò của Lở, tôi nghĩ bụng: “Các “anh già” chúng tớ đú làm sao được thanh niên sơn cước chú mày!”. Nghĩ vậy nhưng vẫn nói: “Ừ, lúc nào nắng, có điều kiện thì lên”. Chả là giữa lúc đó, mây ở đâu ùn ùn táp vào, cả dãy núi mênh mông tối sầm, mặc dù đã hơn 9 giờ sáng, ở dưới thung kia nắng vẫn chang chang…

Thấy ba người nói chuyện, bố Lở, một lão nông khoảng hơn 50 tuổi, từ ngôi nhà trên cao lò dò bước xuống từng bậc đất, đá. Chân ông xỏ đôi ủng cao đến đầu gối, tay cầm con dao phát. Mọi người chào nhau và làm quen. Chúng tôi hỏi thăm về đời sống đồng bào, ông bảo: “Cũng còn nhiều khó khăn lắm, đất núi thì có đấy, nhưng trồng cây gì cũng không lên được. Cây quế 30 năm kia kìa!”. Ông chỉ một cây quế còi cọc, khẳng khiu phía sau nhà. Tôi ước chừng cây quế chỉ hơn một chít tay…“Đấy, còn những cây lúa kia có “quả” rồi, nhưng khi thu hoạch cái hạt thóc nó cũng không no”…

Tôi ngạc nhiên vì câu nói tưng tửng của ông! Giá như mình thì bảo hạt thóc lép, đằng này ông nói hạt thóc nó “không no”. “Ờ, thế là mình học được một chữ” - tôi thầm nghĩ. Cái hay của ngôn từ còn chứa đựng chiều sâu tư duy của người vùng cao, hạt thóc là biểu tượng của đời sống con người nơi đây. Bởi cái để chống đói cho người, mà chính bản thân nó còn “không no” thì sao thực hiện được thiên chức vốn có của nó! Xưa có câu: “Ốc chả mang nổi mình ốc còn mang cọc cho rêu”. Nhưng trời sinh ra dân tộc Dao đỏ, bắt họ phải sống ở đỉnh núi cao, nơi thâm sơn cùng cốc thì âu cũng là… thiên định!

Tôi hỏi: “Ở đây canh tác, đi lại khó khăn thế mà đồng bào vẫn chịu khó “bám trụ”, sao không xuống dưới kia mà ở?”. Ông lão nói ngay: “Không được, dưới đó người ta ở hết rồi, mình phải đến cái chỗ không phải tranh nhau với ai cả”… Được biết, người Dao đỏ theo truyền thuyết là “anh cả” trong 3 nhóm Dao. Nhưng hai nhóm Dao tuyển và Dao họ thì ở vùng thấp hơn, ven suối, ven sông, nơi có ít độ dốc, đất đai lại phì nhiêu. Điều đó dễ hiểu. Còn người Dao đỏ thì luôn leo lên cao, nơi hiểm trở, đất dốc khó canh tác. Từ lâu, tôi vẫn không giải thích được điều này, nhưng hôm nay nghe bố Lở nói, đã “vỡ” ra phần nào. Hóa ra người Dao đỏ đề cao cuộc sống tự do hơn, họ không muốn ở chỗ đông người, phải bon chen, giành giật đất đai, rừng núi với người khác. Biết đâu cũng là một nét “văn hóa nhường nhịn”, anh nhường cho các em?

Thấy Lở mặc cái áo thanh niên tình nguyện màu xanh nước biển nổi bật lá cờ đỏ sao vàng đuôi nheo ở dưới túi áo ngực, tôi hỏi: “Cháu có tham gia công tác Đoàn không?”. “Dạ không ạ?”. “Bác tưởng cháu mặc cái áo này… À mà cháu có thích vào Đảng không?”. “Dạ thích chứ!”. “Tốt rồi!”. Bạn đồng hành với tôi hỏi thêm: “Thế thanh niên trong bản có nhiều người thích vào Đảng không?”. “Thích, nhưng khó lắm!”. “Sao lại khó?”. Bố Lở trả lời thay: “Khó chứ, bí thư nó không muốn cho vào Đảng đâu, vì cho nhiều người khác vào Đảng thì nó sợ người ta đẹp hơn!”.

Lại một câu tưng tửng nữa, “Sợ - cho - nhiều - người - khác - vào - Đảng - nó - đẹp -  hơn !”. Cứ như bố Lở nói thì tâm lý đồng chí cán bộ đảng ở đây, chỉ muốn mình đẹp nhất? Làm cán bộ thì đẹp, mà muốn làm cán bộ thì phải được vào Đảng. Vì thế cho nhiều người vào Đảng, nó thành cán bộ thì nó sẽ “đẹp” hơn… Có lẽ đây là một nét tâm lý tiêu cực chẳng phải của riêng người Dao đỏ. Thành ngữ có câu: “Con gà tức nhau tiếng gáy” hay “Trâu buộc ghét trâu ăn”. Phải thừa nhận, văn hóa truyền thống của chúng ta có rất nhiều nét đẹp, nhưng bên cạnh đó cũng có những nét chưa đẹp… Bố Lở nói vậy là nói cái trong bụng ông nghĩ, rất thật. Ông dựa ngay vào thực tế của nhà ông, xóm ông, làng ông ở nơi sương khói ngút ngàn này, chứ ông đâu có lý luận mà nói lấy hay.

Chỉ trong 20 phút nói chuyện với bố Lở, một lão nông mới biết đọc biết viết, nhưng tôi đã học được ở ông 2 câu nói ấn tượng: “Hạt thóc không no” và “vào Đảng để được đẹp”. Có lần tôi đọc một giai thoại của cụ Nguyễn (nhà văn Nguyễn Tuân), nói rằng, để viết văn, ông đi đâu cũng học cách nói của người dân. Ông lắng nghe người dân nói từng câu, từng chữ mà những người lao động chân lấm tay bùn ấy sáng tạo ra. Chỉ có dùng chữ của những người ấy thì văn học mới sống được.

Một lần, cụ Nguyễn đi xe đạp trong một đường làng, đi sau một bà nông dân “chân đất mắt toét”, nhà văn mải nghĩ gì đó nên suýt thì đâm xe vào lưng bà. Ông chỉ kịp bóp phanh, không kịp bấm chuông, vội vàng kêu lên: “Ấy ấy bà tránh ra!”. Bà nông dân giật mình né sang cạnh và trách với một câu: “Cái ông này, chuông xe đạp của ông… điếc à?”. Nguyễn Tuân xin lỗi bà rồi dừng lại, kéo xe đạp dựng vào ven đường, ngồi xổm xuống, móc vội quyển sổ tay nhỏ xíu và cái bút máy trong túi áo ngực ra nắn nót: “CÁI - CHUÔNG - ĐIẾC”. Nhà văn thầm nghĩ, xưa nay chuông không kêu, người ta chỉ nói “chuông câm”. Nay lần đầu tiên nghe bà nhà quê này nói “Cái chuông điếc” thì ông… bái phục.

“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” - các cụ ta nói cấm có sai. Hôm nay lên đỉnh núi, trò chuyện với lão nông ít học, mà tôi vẫn học được ở ông cách nói của một người chân lấm tay bùn. Tôi thầm cảm ơn ông.

NGUYỄN NGỌC DƯƠNG
(Nguồn: Báo Lào Cai)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.