5752. Đánh giá khả năng thay đổi nhân sự tại Hội nghị TƯ 7
Đánh giá khả năng thay đổi nhân sự tại Hội nghị
TƯ 7
Tác
giả: Lê Hồng Hiệp (Nghiên cứu Quốc tế)
![]() |
Ông Trần Quốc Vượng (hàng đầu,
thứ hai từ phải qua).
Ảnh: internet
|
(Bình luận của KD): Một cách quan sát và phán đoán dựa trên phân tích của một nhà NC. Nhưng chính trường VN như bóng đá vậy, đầy yếu tố bất ngờ. Dù có nhiều khi thông tin vỉa hè râm ran và thực tế…. cũng đúng như vậy! Chả thế, đã có một định nghĩa, “bí mật ở VN là thứ bí mật dân tình ai cũng biết”
Điều quan trọng hơn, nhân sự mới có đủ tâm đủ tầm gánh vác việc QG
hay không? Có thực tâm chống tham nhũng, lợi ích nhóm, vì QG hay không thôi?
Chứ mãi khi nghỉ hưu mới làm người tử tế, thì QG đó đã nghèo mạt từ lâu!! 

Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản
Việt Nam (ĐCSVN) khóa 12 dự kiến sẽ được triệu tập vào tháng 5 năm 2018. Hội
nghị được cho là sẽ đưa ra các quyết định nhân sự lớn có tác động quan trọng
tới triển vọng chính trị của Việt Nam, đặc biệt là Đại hội lần thứ 13 của Đảng
được tổ chức vào năm 2021.
Một trong số các vấn đề nhân sự quan trọng nhất được
quyết định tại Hội nghị TW 7 sẽ là sự thay đổi thành phần của Bộ Chính trị, cơ
quan ra quyết định hàng đầu của Đảng. Đại hội lần thứ 12 của Đảng năm 2016 đã
bầu ra một Bộ Chính trị gồm 19 ủy viên, nhưng kể từ đó 3 ủy viên đã phải đối
mặt với các vấn đề về sức khỏe hoặc pháp lý khiến họ không thể hoàn thành trọn
vẹn nhiệm kỳ năm năm của mình.
Vào tháng 5
năm 2017, ông Đinh La Thăng, lúc đó là Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, đã bị
loại khỏi Bộ Chính trị do các cáo buộc về tham nhũng và sai phạm trong quản lý
kinh tế. Ông Thăng sau đó đã bị truy tố và xét xử. Vào tháng 8 năm 2017, Đảng
cũng thông báo rằng một ủy viên cao cấp khác của Bộ Chính trị, ông Đinh Thế
Huynh, lúc đó là Thường trực Ban Bí thư, đã phải ngừng đảm nhiệm vị trí do sức
khỏe kém. Cùng thời điểm đó, các báo cáo về tình trạng sức khỏe kém của Chủ
tịch nước Trần Đại Quang cũng nổi lên. Ông Quang đã biến mất khỏi chính trường
trong một thời gian kéo dài, được cho là để đi điều trị y tế tại Nhật Bản,
trước khi xuất hiện trở lại trước thềm Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC
vào tháng 11 năm 2017. Do vấn đề sức khỏe, nhiều khả năng vị trí của ông Quang
sẽ được thay thế tại hội nghị sắp tới.
Như vậy, ít nhất ba thành viên mới có thể được bổ sung vào Bộ
Chính trị vào tháng tới. Hiện tại, các ứng viên nổi bật nhất là năm thành viên
Ban Bí thư mà chưa phải là ủy viên Bộ Chính trị. Những người này bao gồm Trung
tướng Lương Cường (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam),
ông Nguyễn Văn Nên (Chánh Văn phòng Trung ương Đảng), ông Nguyễn Hòa Bình
(Chánh án Tòa án Tối cao), Ông Phan Đình Trạc (Trưởng Ban Nội chính) và ông
Nguyễn Xuân Thắng (Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Trong số
năm người này, ông Nguyễn Văn Nên và ông Phan Đình Trạc, với tư cách là chánh
văn phòng trung ương hoặc trưởng ban trung ương đảng, có thể có nhiều cơ hội
được bầu vào Bộ Chính trị nhất.
Một vấn đề quan trọng khác sẽ được quyết định là việc tìm người
thay thế Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ông Nguyễn Thiện Nhân, hiện là ủy viên
Bộ Chính trị và Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, được cho là người nhiều khả
năng nhất sẽ đảm nhiệm vị trí này. Nếu ông Nhân được thăng chức, ông Võ Văn
Thưởng, từng là Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, có thể rời vị trí Trưởng
Ban Tuyên Giáo hiện tại của mình để thay ông Nhân làm Bí thư TP Hồ Chí Minh.
Nếu vậy, điều này sẽ mở ra cơ hội cho ông Nguyễn Xuân Thắng được bầu vào Bộ
Chính trị và tiếp quản vị trí Trưởng ban Tuyên giáo mà ông Thưởng để lại.
Việc ông Nhân được thăng chức lên vị trí Chủ tịch nước nếu diễn
ra cũng có thể có những tác động tới triển vọng chính trị của ĐCSVN. Hiện nay,
ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư và là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra
Trung ương Đảng, đang được xem là ứng cử viên nặng ký nhất thay thế ông Nguyễn
Phú Trọng làm Tổng Bí thư vào năm 2021. Tuy nhiên, việc ông Nhân thăng chức Chủ
tịch nước đồng nghĩa với việc ông Nhân có thể trở thành một đối thủ cạnh tranh
tiềm năng của ông Vượng, đặc biệt nếu xét đến truyền thống của Đảng trong việc
bầu một người trong “Tứ trụ” của nhiệm kỳ trước vào vị trí Tổng bí thư của
nhiệm kỳ sau.
Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để đánh giá đầy đủ các tác động của
những thay đổi nhân sự cấp cao có thể diễn ra tại Hội nghị Trung ương 7
tới triển vọng chính trị Việt Nam. Nhưng có một điều chắc chắn, đó là Hội nghị
Trung ương 7 lần này sẽ là một sự kiện quan trọng và thú vị đáng được giới phân
tích và bình luận về Việt Nam theo dõi sát sao.
Lê Hồng Hiệp là Nghiên cứu viên chính tại Viện
Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute), Singapore. Một phiên bản
tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên ISEAS
Commentaries.
————–
Nguồn: Nghiên cứu Quốc tế
(Theo Blog Kim Dung/ Kỳ Duyên)
Nhận xét