5731. Anh đi trong nắng huy hoàng

Anh đi trong nắng huy hoàng
Truyện ngắn. Phạm Duy Nghĩa

Anh về đến nhà chung cư lúc bảy giờ tối. Trời lạnh nhưng anh về muộn hơn mọi ngày bởi cố ở lại cơ quan làm cho xong vài việc. Không còn nhiều thời gian nữa. Hai mươi bốn năm trước, khi anh đang là cậu sinh viên đại học, một người đàn ông tình cờ gặp tại quán rượu đã tiên đoán rằng anh sẽ chết vào đúng ngày này.
Anh sẽ chết vào một buổi tối mùa đông khô lạnh, khi ấy chỉ có một mình. Thầy tử vi soi lá số của anh, quả quyết. Đi xem bói ở vài nơi, anh cũng được phán thế. Họ nói cuộc đời anh sẽ chấm dứt vào đúng ngày hôm đó, mùa đông.
Cách đây mấy hôm, anh đã cân nhắc việc chọn địa điểm chết cho mình. Chết ở cơ quan thì không tiện, bởi sau này sẽ chẳng có ai dám làm việc tại căn phòng anh đã trút hơi thở cuối cùng. Có thể vào một nhà nghỉ quạnh hiu và âm thầm ra đi tại đó, nhưng anh sớm từ bỏ ý định này vì không muốn gây phiền phức cho chủ nhà nghỉ. Cũng có thể lên tàu đi đến một miền xa, nằm chết trên đồi hoang, nhưng sẽ để lại nỗi ám ảnh cho nhiều người về một cái chết lạ lùng nơi đất khách. Sau nhiều phương án lựa chọn, anh quyết định về căn hộ chung cư của mình.

Tòa chung cư ở ngoại thành, cạnh một ngôi làng. Khi bước vào chân cầu thang đầy bóng tối, anh thấy hình như có ai đó bí mật bám theo sau. Đã một tuần nay anh luôn có cảm giác như vậy. Thận trọng, anh khóa cổng tòa nhà lại. Đây là chung cư tự quản, không có bảo vệ, bất cứ kẻ xấu nào cũng có thể tìm cách lọt được vào nhà.
Mở cửa căn phòng ở tầng bảy, bước vào trong, anh không chốt cửa phòng mà chỉ khép hờ. Để mai đây người ta không phải phá cửa sau khi phát hiện có xác chết ở trong phòng. Ngồi trên ghế sô pha, ngẫm nghĩ một lúc, anh gửi tin nhắn vào máy di động của cô bạn thân làm ở văn phòng ủy ban tỉnh: “Sáng mai em gọi điện cho anh, nếu không thấy anh trả lời thì nhờ em liên lạc vào số máy sau báo tin rằng anh đã gặp sự chẳng lành. Đó là số điện thoại của em gái anh…”.
***
Hàng ngày anh vẫn nhìn thấy họ ở cái công viên ấy, trên đường anh đến tòa báo. Họ đi thành đoàn, lặng lẽ, áo thun đỏ in dòng chữ trắng ở lưng. Có người mang theo tấm bằng Tổ quốc ghi công, có người ôm bát hương và tấm ảnh thờ. Những ngày đông giá, gió lạnh thấu xương, họ vẫn đứng thành hàng dọc công viên, bóng áo đỏ leo lét trong sương mù. Như những bù nhìn phơi mặt giữa đồng. Câm lặng.
Không mấy ai để ý đến họ. Có chăng chỉ là những câu nói bâng quơ buột miệng của người qua đường.
“Đám người lười lao động, không muốn làm lại muốn có ăn. Được một lại muốn đòi hai, bỏ mặc đồng quê kéo nhau lên đây nằm ăn vạ”.
“Cái vườn hoa đẹp thế kia mà lại lổn nhổn một đám người làm xấu cả bộ mặt thành phố. Sao không đuổi hết họ về nông thôn”.
Có một người cũng từ miền quê lên nhưng không đi cùng đoàn áo đỏ. Một tháng qua, anh để ý thấy ông ta chỉ lủi thủi một mình. Nhiều lần ông đến trước ngôi nhà đồ sộ màu vàng, bị người gác cổng xua đuổi, lại lầm lũi trở ra và đi về đâu không rõ.
Anh gặp người đàn ông ấy bên sông vào một buổi chiều. Cánh tay cụt kẹp chiếc túi cói đựng giấy tờ, ông đứng dựa vào cây cột điện, nhìn ra dòng nước bạc chảy hiu hiu. Đôi mắt màu thịt hến trắng đục vô hồn, đờ đẫn. Lúc ấy trời nổi mây xám, gió mạnh. Người đàn ông, có vẻ đói và không một xu dính túi, mãi rồi mới dám ngồi lên xe máy để anh đưa về.
Đường về nhà ông men theo mấy quả đồi ven sông bạt ngàn lau. Một màu lau trắng u hoài, man mác. Đi mãi mới đến nơi. Đó là một túp lều xập xệ căng tạm bằng vải bạt ở chân đồi, cạnh một đầm nước xanh đặc rêu. Trên bờ dốc thoải chạy ra sông, có con chó lông vàng vừa cắn nhá vừa đùa giỡn với con thằn lằn nó bắt được. Trong bóng tối của ngôi lều, anh giật mình thấy một hình người ngồi bất động trên cái ổ nhồi bằng giẻ và lá khô. Cái đầu vàng ệch như trái bưởi ủng lõm vào một khoảng, ở chỗ vốn là miệng chỉ như một lỗ khoét nhỏ và không có môi. Nhìn thấy anh, cái lỗ ấy bật ra mấy tiếng kêu ộp oạp như tiếng ễnh ương và từ hai hố mắt sâu phồng lên con ngươi như cục thịt ốc nhồi xám ngoét.
– Đây là con gái tôi.
Anh nhìn quanh. Ở góc lều là một cái hòm cũ tróc sơn, loại hòm đựng đạn của lính chiến, trên đặt ống bơ cắm vài que hương. Một tấm bằng chứng nhận huân chương vứt chỏng chơ trên đất.
– Chúng tôi mất tất cả, chẳng còn gì – Ông nói như thì thầm. Cố lắng nghe trong tiếng gió thổi qua đồi lau ào ào, anh được biết tên ông là Thận, bị nhiễm chất độc diệt cỏ khi là lính ở Tây Nguyên, sinh được hai đứa con thì vợ chết. Hai đứa đều dị dạng. Đứa con gái này bị thằng bất lương nào đó hiếp giữa đồi hoang, hai tuần trước đẻ ra một cái bọc đầy nước lẫn thịt đỏ nhầy nhụa. Thằng em trai thì bỏ đi mất tích từ hôm đoàn cưỡng chế thu hồi đất về làng.
Hôm ấy trời lạnh hơn mọi ngày. Đoàn cưỡng chế súng đạn đầy mình, lá chắn trong suốt dàn hàng ngang, hùng mạnh như một binh đoàn ra trận. Theo sau là máy xúc, máy ủi rầm rộ. Khu vực nhanh chóng được phong tỏa, lực lượng công binh mang máy vào đồi cây, vườn tược dò mìn. Trẻ con đứng nép vào gốc cây bên đường, sợ sệt. Không ai gài mìn tự chế hoặc chống cự bằng súng hoa cải, cũng chẳng ai liều chết bằng bom xăng. Chỉ có tiếng kêu khóc vang dậy khắp làng. Có nhà từ già đến trẻ chít khăn tang ngoan cố ôm chặt lấy hàng cột hiên như đàn kiến nhi nhúc bám quanh thỏi đường. Lực lượng chức năng chẳng cần tốn sức gỡ họ ra. Vòi rồng chĩa vào, đám người lả tả rụng rơi, chìm trong trận mưa nước xối.
Nhà ông ở cuối thôn, là một trong số hơn chục hộ dân của làng Vải không chịu nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Khi gót giày của đoàn cưỡng chế bắt đầu xéo nát vạt rau trên mảnh vườn trước cửa, thì con gái ông, khi đó đã chửa được sáu tháng, từ nhà chạy ra. Đến giữa sân, nó quỳ xuống và vừa chắp tay vái lạy họ vừa khóc thảm thiết bằng thứ âm thanh không giống tiếng người. Ngôi nhà gỗ mối mọt nhanh chóng bị máy xúc Komatsu phá sập, bụi bay mù mịt, trong khi nó cuống quýt bò quanh người đội trưởng đội phá dỡ, lê lết ôm lấy cẳng chân ông ta. Người đó, có lẽ đủ từ tâm để không nỡ đạp cho cái hình nhân ghê tởm đang mang bầu một phát vào giữa ngực, cũng không dám dùng tay để gỡ nó ra. Ông ta giãy giụa như đỉa phải vôi, trước khi con bé buông tay ngất đi, trong tiếng cưa máy rộn ràng và tiếng đổ ào ào của cây cối sau nhà như một cơn bão lớn…
Câu chuyện bị ngắt quãng vì con chó vàng kêu ư ử chạy xộc vào. Nó vừa nôn mửa trước lều sau khi gặm hết một nửa con thằn lằn tanh tưởi. Anh nhìn cái mõm dính máu của nó hít ngửi bàn chân ông Thận, và hỏi dân làng hiện sống bằng gì.
– Làng Vải chúng tôi không có nghề phụ, bao đời chỉ biết bám vào đất đai đồng ruộng. Đất dưới chân đã mất thì chỉ còn hai bàn tay trắng giữa trời. Người thì ăn nhờ ở đậu, người bắt con cua con cá sống tạm qua ngày. Mọi người may mắn là có hai tay lành lặn, tôi chỉ còn một tay.
– Sao ông không như nhiều hộ khác, chấp nhận đền bù và đến ở khu tái định cư?
– Mỗi mét vuông đất tôi chỉ được bồi thường một trăm sáu mươi nghìn, nếu chấp nhận đền bù thì cũng không biết lấy đâu cho đủ tiền để mua một suất gần trăm triệu ở khu tái định cư. Chẳng ai muốn chống đối để phải ngồi tù, nhà báo ạ, nhưng mấu chốt vấn đề là ở chỗ đó. Có người còn rơi vào diện bị mất trắng không được đền bù.
Gió thổi lộng làm tấm bạt che lều rung lật phật. Từ trong hẻm đồi mịt mù lau sậy, chợt vẳng lên tiếng hú trầm trầm.
– Thằng cháu con người bạn đồng ngũ của tôi – Ông Thận giải thích – Nó làm chòi trên cây cổ thụ, sống như chim. Ngoài ba mươi vẫn cô quạnh một mình, mấy năm rồi không tìm được việc làm ở thành phố.
– Còn bố nó?
– Ông ấy mất rồi. Lẽ ra ông ấy đã chết năm bảy mốt ở Tây Nguyên, khi chúng tôi lạc đơn vị một tuần, có lúc phải bắt sâu trên lá rừng ăn sống cho đỡ đói. Cánh tay tôi dập nát còn ông ấy bị đạn xuyên thủng bụng, ruột lòi cả ra ngoài. Hai đứa nằm ở gốc cây sa mộc dưới trăng, động viên nhau phải sống để sau này chiến tranh kết thúc cùng nhau xây dựng đất nước đẹp giàu. Và ông ấy, cũng như tôi, đã sống. Ôm con chó vào lòng, nhìn ra hòn cù lao phủ đầy lau trắng giữa sông đang nhòe dần trong sương bạc, ông im lặng hồi lâu rồi nói tiếp.
– Hết chiến tranh, chúng tôi về làng. Ông ấy lấy vợ đẻ con rồi đưa cả nhà vào núi ở, mua lại đất của một người dân ở đó và nhận thêm đất giao thầu của xã để trồng rừng và nuôi gia súc gia cầm. Quanh năm lủi thủi như con chồn con cáo, con don con nhím, chỉ biết cắm mặt làm lụng, không hề gặp gỡ một ai. Có lần tôi tìm vào thăm ông ấy, chỉ thấy một dải mịt mù xanh, chợt nghĩ không biết bạn mình có còn là người không hay đã hóa thành con khỉ con voọc trên rừng. Một tối mùa hè, có tiếng cú kêu trên cây trám ở sau nhà ông ấy, nó kêu suốt đêm làm cả nhà sợ hãi. Hôm sau vào lúc chính ngọ, khi đang ở rừng, có con ong vàng xuất hiện bay quanh đầu ông ấy mấy vòng. Biết là điềm chẳng lành, ông hốt hoảng bỏ dao bỏ cuốc chạy về nhà. Đến nơi thì nhà cửa chuồng trại đã bị phá nát, cán bộ xã cùng đám người xăm trổ vằn vện đứng đen cả bờ ao. Họ nói hơn chục hecta này đã được quy hoạch làm khu du lịch suối khoáng, mặc dù trước đó ông chưa từng nhận được thông báo và quyết định thu hồi. Ông chạy lên xã lên huyện hỏi, người ta trả lời rằng đất của ông là đất công ích, nay tịch thu lại, và không được bồi thường một xu.
Trong lúc giằng co, vợ ông bị một gã côn đồ xô ngã vào cái đinh, mấy ngày sau lên cơn sốt nhiễm trùng rồi chết. Thương người vợ tảo tần hiền thục, ông mang vợ ra bãi sông chôn và dựng lều trên đó ở. Cũng từ ngày ấy ông thường ngủ mơ thấy một con hạc bay về nơi đầu bãi, cất tiếng kêu thê thiết gọi ông đi.
Suốt chín năm trời, ông ôm đơn khiếu kiện tới khắp hang cùng ngõ hẻm. Chỗ thì xua đuổi, chỗ thì nói sẽ nghiên cứu giải quyết nhưng rồi vĩnh viễn không trả lời. Hình như họ muốn làm cho ông kiệt sức mà bỏ cuộc.
Ông ấy qua đời vào buổi sáng mùa thu, trời xanh ngắt không một gợn mây. Phút lâm chung, có con hạc trắng bay ngang bầu trời, tiếng kêu trong vắt. Ông gọi con trai lại, trao cho nó toàn bộ gia tài – một cái vại sành đào lên ở bãi bồi, trong đựng đầy giấy má đơn từ đã quăn queo vàng ố. “Đời bố bất lực, đời con tiếp tục đi đòi…” – ông nói rồi nhắm mắt. Tháng năm trôi, những người từng tịch thu đất của ông đã chuyển công tác hoặc về hưu, và trên cái nền nhà cũ bị băm vụn của ông, cỏ hoang đã xóa sạch lối vào, lau sậy trùng trùng phủ kín. Ước mơ đòi lại đất của một con người, và cả cái dự án du lịch kia, đều không bao giờ thực hiện được. Cho đến bây giờ, nó vẫn là một dự án treo.
***
Tin đồn về những chiếc máy xúc, máy ủi bị ma làm trong ngày đầu tiên thi công dự án khu du lịch sinh thái núi Bà khiến anh bồn chồn. Một sớm tinh mơ, gọi điện báo cáo tổng biên tập xong, anh phóng xe máy về làng Vải.
Hôm ấy trời nhiều gió. Gió rét thổi ra từ núi, xao xác suốt một dải đồi. Qua mấy chục cây số đường quanh co đèo dốc, anh đến vùng đồng bãi bên sông là cửa ngõ dẫn vào làng Vải. Ngôi làng hiện ra ở ven đồi cọ, với dấu tích của đợt cưỡng chế là những gốc cây bị đốn hạ sát đất, vài đống gạch đá vụn ngổn ngang. Trên đỉnh núi Bà xanh xám, lơ lửng vài cánh nhạn bay. Khung cảnh tiêu điều, vắng tanh vắng ngắt.
Giữa đồng, một chiếc máy xúc Doosan màu cà rốt với cần trục ngỏng lên như con khủng long già vươn chiếc cổ dài, chết đứng. Trong gầu xúc, đất sét khô quánh lại, bạc phếch, có một hạt cây đã kịp nảy mầm. Một chiếc xe tải Huyndai đỏ sậm đậu ngay trước cần trục, thùng xe dựng đứng. Cách đó dăm chục mét, trên một khoảnh đồi thấp, là chiếc máy ủi màu xanh lam hiệu Agromash loại mới của Nga. Lẫn trong bùn đất bám đầy bánh xích là lá bạch đàn khô, vài vệt phân chim trắng nhờ vương trên nóc buồng lái.
Một tiếng quạ kêu thảng thốt làm anh giật mình. Con quạ bay từ đồi ra, lượn trên cánh đồng tím ngát cỏ may rồi đậu lên tấm biển báo công trường đổ nghiêng trên một mô đất. Nó chăm chú nhìn anh bằng đôi mắt dè chừng, cảnh giác rồi vụt bay lên, vừa kêu một hồi ghê rợn vừa bay mải miết về phía núi Bà.
Trở lại con đường đồi, anh cho xe đi dọc triền sông. Gió đưa lại từ bên kia sông mùi đất mặn mòi và mùi thơm mát của những cánh đồng thì là, bắp cải. Xuôi theo dòng nước bạc rờn rợn chảy, lấp lóa những vạt rừng trẩu lá vàng tươi. Gần trưa, anh về tới khu đồi có ngôi lều của ông Thận.
Ông đang giăng lưới bắt cá ở ven sông. Bước lên bờ, mặt mũi tái xanh vì rét. Những ngón tay khô quắt như chùm rễ cây đánh rơi que diêm mấy lần xuống đất, khi ông dùng một tay châm lửa hút thuốc lào.
– Tôi không được tận mắt trông thấy ở đó xảy ra chuyện gì, vì công trường cắm biển không ai được vào. Chỉ nghe người ta kể lại theo lời của công nhân lái máy, là sáng hôm ấy, khi máy móc bắt đầu làm việc thì trên trời xuất hiện một dải mây vàng. Chiếc máy xúc màu cam đổ được đúng mười gầu đất lên xe ben thì đột ngột chết máy. Khi đó gầu xúc khựng lại ở gần đáy thùng xe, làm chiếc xe vướng gầu không tiến cũng không lùi được. Người lái xe phải điều khiển trục nâng ben, dựng thùng lên giống như khi đổ ben mới cho xe thoát ra được. Nhưng xe vừa tiến lên được một mét cũng bị chết máy tức thì. Còn chiếc máy ủi màu xanh thì ủi hết đám cây bạch đàn con và đống đất sỏi ven đồi mới chết máy.
– Ở mép sông, chỗ có cánh đồng hoa cải vàng, còn thấy chỏng chơ vài cái nữa…
– Sau khi loay hoay đủ kiểu cả xe và máy vẫn không khởi động được, hai ngày sau họ điều thêm ba chiếc máy ủi, hai máy xúc gầu sấp và một máy xúc lật hiệu Volvo. Có cái vừa tiến vào công trường đã chết máy luôn, có cái lồng lên chạy lung tung như con trâu điên, một cái sa lầy ở gần sông còn một cái đào đất được đến trưa thì bị lật xuống hố đào. Mấy chiếc xe tải đưa vào cũng tự dưng hỏng cả.
– Theo ông thì nguyên nhân nào dẫn tới chuyện này?
Ông Thận nhồi thêm thuốc vào nõ điếu cày. Tiếng ông nhòa trong tiếng gió.
– Đó là sức mạnh của người âm. Đêm trước hôm nhà thầu khởi công công trình, dân làng Vải đã tập trung làm lễ tại nghĩa địa của làng ở phía tây chân núi Bà. Những hộ đã nhận và không nhận tiền đền bù đều có mặt. Mọi người cắm hương lên tất cả các mộ, cầu xin mọi vong hồn ra tay cứu dân, và khi đống hương trên đàn lễ vừa bén lửa đã bốc cháy dữ dội thì cả làng khóc òa. Ai cũng biết các hồn thiêng đã về chứng giám. Tôi nằm gối đầu lên một ngôi mộ, cùng dân làng thức đến sáng. Hôm ấy tối trời và rất rét, lửa hương trong nghĩa địa đỏ rực suốt đêm.
Anh lấy sổ tay ra ghi mấy chữ. Im lặng một lát, rồi hỏi:
– Ông có nhớ khi cầu khấn, bà con đã nói những gì không?
– Ngoài bài khấn của người chủ lễ thì mỗi người tự khấn theo ý của riêng mình. Có người chắp tay hướng về phố huyện, nói những lời phẫn uất: “Cầu cho con chúng mày sinh ra không có mắt. Cầu cho cháu chúng mày sinh ra không biết nói tiếng người”.
– Chủ đầu tư và nhà thầu có biết việc này?
– Tôi nghĩ là họ không biết. Nghe nói giám đốc công ty Đại Hưng Phú tức tốc kéo cả đoàn xe xuống hiện trường, mời cả mấy nhà khoa học ở đâu đó về nghiên cứu suốt một ngày, chẳng ai giải thích được tại sao. Cuối cùng họ kết luận là có bàn tay phá hoại.
Anh chia tay ông Thận lúc xế chiều. Không trở lại thành phố theo lối cũ, như một người lữ hành đơn độc, anh đi về phía tây núi Bà. Trên dải đất cằn giữa hai quả núi, nghĩa địa của làng Vải hiện ra, tĩnh mịch cổ xưa, cây xấu hổ và sim, mua mọc trùm lên các mộ. Anh đứng đó rất lâu, hít thở mùi ngải cứu thoảng trong gió thổi ra từ khe núi. Vào lúc anh sắp sửa rời gót, đường chân trời hiện lên một màu đỏ thẫm, màu đỏ ma quái lan dần đến nửa bầu trời thì nhòe lẫn vào khối mây quánh sệt như một vực sóng đen từ đâu bất ngờ tràn tới. Hai màu đen đỏ vần vũ hòa trộn, cho tới khi không khí nhuốm hơi nước giá lạnh, và đâu đó bắt đầu tiếng sấm, báo hiệu một cơn giông lạ lùng, hiếm thấy của mùa đông.
Anh ra về trong tiếng mưa âm âm. Con đường như dài ra mãi. Trong tiếng mưa gõ xuống mặt đường, anh nghe mơ hồ tiếng nói. Cầu cho con chúng mày sinh ra không có mắt. Cầu cho cháu chúng mày sinh ra không biết nói tiếng người…
***
Tổng biên tập gọi anh lên phòng ông từ sáng sớm. Trên chiếc bàn làm việc bằng gỗ gụ màu nâu đỏ của ông có hai tờ báo trung ương in bài anh viết, một bài về những tiêu cực trong dự án khu du lịch sinh thái núi Bà, bài kia là chuyện kì bí tâm linh trong quá trình san lấp mặt bằng ở làng Vải. Tổng biên tập nói:
– Từ hôm qua đến giờ tôi phải trả lời mấy cú điện thoại hỏi về cậu, có người yêu cầu phải kỉ luật cậu. Khu du lịch núi Bà là dự án đã được tỉnh phê duyệt, cậu viết thế này không sợ mất đầu?
– Ai cũng lo giữ cái đầu, thì còn ai lên tiếng bênh vực dân hả chú?
– Cậu là con cua ngang bướng và cổ hủ. Cậu phải thấy rằng khi dự án hoàn thành, người dân cũng được hưởng lợi chứ không chỉ chính quyền hay chủ đầu tư.
-Cháu chỉ thấy lợi ích nhóm, chưa hề thấy lợi cho dân. Tiền chui vào túi những ai, chú quá biết.
– Biết cũng phải im mồm.
– Vâng thôi mặc, đất đai trong tay họ, họ muốn làm gì thì làm, nhưng điều trước tiên là phải đền bù cho dân thỏa đáng. Một mét đất mà tính giá bằng năm bát phở thì rõ ràng là ăn cướp, không phải đền bù.
– Ăn cây nào rào cây ấy. Tôi cho cậu nghỉ một ngày không phải để cậu về nông thôn lấy tin viết bài chọc ngoáy tỉnh mình rồi đem in ở báo khác. Cậu làm báo tỉnh thì phải bảo vệ tỉnh. Muốn tồn tại thì đừng có nhấp nhổm làm người hùng. Sau vụ này, chưa biết chừng cậu mất hết.
– Cháu không vợ không con, có mỗi cái căn hộ bé bằng bao diêm, có gì để mà mất.
– Cậu đừng có nói cùn.
Tổng biên tập nói nhỏ nhưng gằn giọng, lạnh lùng. Anh lặng lẽ đi ra. Một phút chần chừ, rồi quyết định bước vào phòng thư kí tòa soạn.
– Cái dại của mày là không dùng bút danh mà đề tên thật – Vừa thấy anh, trưởng phòng thư kí tòa soạn nói luôn – Lấy bừa một cái tên vớ vẩn nào đó, ai hỏi thì chối phắt, là xong. Mà cái chuyện ma nghĩa địa làng Vải mày viết là không đúng sự thật đâu, tao lại được nghe một câu chuyện khác.
– Chuyện gì hả anh?
– Người ta nói, vô hiệu hóa mấy cái xe xúc xe ủi là do quyền năng của Chúa Bà. Hai ngày trước khi nhà thầu khởi công, dân làng Vải đã lên núi dâng lễ tại đền Bà, kêu Bà thương dân thì về giúp dân giữ đất. Bà đã giáng vào thân xác ông già giữ đền, nói rằng đứa nào to gan dám cướp đất của dân thì chết với Bà. Máy móc nào đem tới công trường Bà cũng cho biến thành sắt vụn ngay. Chuyện thật trăm phần trăm đấy.
– Cũng có thể…
– Tao còn nghe kể, khi những tảng đất đầu tiên được lật lên thì ai cũng rùng mình ngửi thấy mùi tanh, mà tảng đất nào cũng đỏ tươi như máu. Khi chiếc máy xúc Doosan quay cần trục ca bin nửa vòng tròn trên bánh xích để đổ vào xe tải gầu đất thứ mười thì trên trời xuất hiện dải mây vàng từ khoảng giữa đồng kéo một vệt dài thẳng tới đỉnh núi Bà. Có tay lái máy trông thấy Bà đứng trên đỉnh núi, giữa một chòm mây. Bà vấn khăn xanh yếm thắm, hô hét múa may. Chi tiết ấy chắc bịa thôi nhưng việc Bà xuống tay trong vụ đất cát này thì tao tin là thật. Còn tin này nữa mới quan trọng, mày biết chưa? Xe chở lãnh đạo huyện lên tỉnh họp vừa lao xuống vực chiều qua, năm người cả chủ tịch và cán bộ tài nguyên môi trường đi cấp cứu liền, chưa biết còn sống hay đã tịch.
– Tin quá nóng – Anh rút một điếu trong bao thuốc trên bàn, hào hứng – Cứ như là cuộc chiến với người âm, đáng để viết thêm vài bài báo nữa.
– Còn mày, tao thấy mày quá tự tin -Trưởng phòng ngả người trên ghế, lim dim đôi mắt sắc lẹm, nhìn anh – Một phóng viên quèn mà dám viết là chính quyền xã, huyện câu kết với doanh nghiệp để tước đoạt đất sản xuất của dân. Mày nghĩ mình là ai? Một con tép. Rồi mày xem, sẽ không có ai kỉ luật mày hết, nhưng người ta có cách dạy dỗ mày.
Rồi ghé vào mặt anh bộ răng nhọn hoắt, thì thầm:
– Đừng có đùa dai. Mày có nghĩ là bọn doanh nghiệp Đại Hưng Phú sẵn sàng cho người khử mày không? Nên nhớ là đường về nhà chung cư của mày thì xa, quãng đường đê lại vắng và rất tối…
***
Đêm cuối của cuộc đời, như nhiều đêm khác, một mình anh lặng lẽ giữa căn phòng chung cư. Bên ngoài cửa, gió rét thổi âm u, và ở dưới xa, nơi bóng đêm chợn rợn trên những vườn nhãn vườn xoài, có ánh lửa lập lòe trong ngôi làng cổ. Ngoài tiếng sáo từ đâu đó văng vẳng trầm buồn, cả khu nhà ở ngoại thành đều yên tĩnh.
Anh nhớ tới mẹ. Mẹ sống một mình trong xóm vắng ở một miền đồi, nơi có con sông nước đục cạnh đường tàu, nơi có khu vườn bốn mùa gió nắng, mỗi mùa xuân hoa táo lại nở trắng ngần và lối ngõ gập ghềnh hằn lốt chân trâu quanh năm bốc lên mùi khế ủng. Tóc vương tàn tro bếp, lúc nào mẹ cũng thương nhớ thằng con trai mải mê việc xã hội, qua mùa đông chưa một lần thu xếp về thăm nhà.
Lúc này, lắng nghe cơ thể, anh vẫn thấy trong người bình thường. “Không lẽ một cơn cảm lạnh lại bất ngờ ập đến và quật ngã mình. Còn nếu số mình chết vì bị thủ tiêu, thì việc đó đã xảy ra trên đường đi làm về, lúc tối”. Thử vẽ ra trong đầu đủ mọi trường hợp, anh vẫn không hình dung được, nó – cái chết, sẽ đến với mình ở dạng nào.
Nó đến lúc nào thì mặc nó, anh nghĩ, và mở máy vi tính. Tâm trí anh vẫn bị hút vào chuyện đất cát. Lên mạng tìm hiểu về các hình thức sở hữu đất đai trên thế giới, anh tình cờ bắt gặp một chuyện hay. Khi xây dựng công viên giải trí Disneyland, chỉ bởi một người dân có nhà trên mảnh đất này không chịu dời đi mà người ta đã phải xây công trình theo kiểu đi vòng bọc quanh ngôi nhà của ông ta, và hàng chục năm qua ngôi nhà ngoan cố lọt thỏm giữa công viên kia vẫn còn ở đó. Cái chuyện lạ đời chỉ có thể xảy ra ở xứ người ấy làm anh nổi hứng viết một bài báo. Anh cặm cụi gõ phím. “Nếu viết xong mà vẫn chưa chết, mình sẽ gửi bài về một tòa soạn ngay”.
Ba giờ sáng, đột ngột có tiếng gõ cửa rất mạnh. Nó đã đến, anh nghĩ, và từ từ đứng dậy. Cánh cửa phòng bật mở, kèm theo một luồng khí lạnh thốc vào.
– Con bé nhà em sốt quá, chồng em đi công tác vắng, phiền anh giúp em đưa cháu ra bệnh viện. Thấy phòng còn sáng điện, em liều đến nhờ anh…
Thì ra là chị hàng xóm ở cùng tầng mà anh mới chỉ gặp đôi lần. Gương mặt trắng xanh, nhợt nhạt như nụ hoa đêm, giọng chị run run vì lo lắng.
Vài phút sau hai người đã ra đến con đường đất giữa cánh đồng. Con bé được ủ ấm, chị ngồi sau xe máy ôm nó và ép sát vào anh. Anh nghĩ đến mẹ già, đêm đông giá buốt nơi miền xa. Lại nghĩ đến ông Thận và con gái ông, trong một đêm gió lộng thế này, làm sao cho khỏi rét.
Bệnh viện ở cách làng năm cây số. Đến nơi, con bé được tiêm ngay. Khi nó hết sốt, anh để chị ở trong phòng bệnh với con rồi ra chiếc ghế đá lạnh cóng ngoài sân, bên bụi trúc đào, lật mũ áo phao bọc kín đầu, nằm co quắp. Phút cuối đời mình làm thêm được một việc tốt, anh nghĩ, và bây giờ chết cũng được rồi.
Gần sáng anh thiếp đi và mơ thấy mình bé lại như hồi thơ ấu, cùng bọn trẻ con đi xúc tép ở con suối nhỏ dọc chân núi. Trời mùa đông, tuyết trắng xóa viền quanh núi mà đứa nào cũng tím ngắt trần truồng. Khu du lịch sinh thái ở đây mới được khánh thành, có cả hồ nước, sân gôn. Một chiếc máy xúc Doosan đỏ như con rồng lửa vẫn nghễu nghện trên đỉnh đồi cao, vươn cần trục lên trời xúc từng tảng mây và đổ xuống chân đồi từng gầu xanh biếc. Nó xúc mãi đến lõm cả bầu trời. Giữa dòng suối đen như mực ngập ngang bụng, anh và lũ trẻ bì bõm lội, mỗi thằng cầm một cái rổ to. Xúc mãi chỉ được hàng vốc bao cao su, những cái bao nhớt nhát bầy nhầy đêm ngày trút xuống như mưa từ ô cửa màu hồng của nghìn tầng khách sạn…
***
Anh tỉnh dậy khi nắng đã chan hòa trong bệnh viện. Không kịp ngạc nhiên khi thấy mình còn sống, anh chạy vào phòng thăm con bé. Người mẹ đang cho nó uống sữa, và ngước nhìn anh bằng gương mặt mệt mỏi mà xinh đẹp, chị mỉm cười.
Nửa giờ sau, anh phóng xe vào thành phố. Nắng rực rỡ trên mái nhà, vườn tược, hàng cây. Sắp qua một mùa đông, hiếm có buổi sáng nào nắng ấm, đẹp và vàng như vậy.
Đến một cây cầu bê tông bắc qua dòng sông nhỏ, điện thoại reo, anh dừng lại. Cô bạn thân làm ở văn phòng ủy ban tỉnh báo một tin bất ngờ: Chủ tịch tỉnh đã ra chỉ thị xem xét lại dự án núi Bà, điều chỉnh khung giá đất đền bù cho phù hợp giá thị trường và mức giá của nhà tái định cư. “Bất luận trong hoàn cảnh nào, cũng phải lấy lợi ích của dân làm tối thượng”, chủ tịch nói.
Nắng pha lê vàng óng, trong veo chảy trên lá bằng lăng cuối mùa đỏ thắm. Cái tin mới làm anh xốn xang hơn cả niềm vui thấy mình còn sống, sáng nay.
Tới ngã tư, có chiếc mô-tô phân khối lớn lao vút ra từ nhánh đường giao cắt với hướng đại lộ anh đi. Nó vọt qua vòng xuyến với tốc độ cao và đâm thẳng vào anh khiến anh bắn tung khỏi xe như một viên sỏi. Trước khi ngã lộn hai vòng xuống mặt đường, anh kịp thấy hai kẻ ngồi mô-tô vận đồ đen, mũ bảo hiểm đen sì có hàm che kín mặt.
Ngày chủ nhật, đường vắng, không ai đỡ anh dậy. Chiếc Harley-Davidson với tiếng động cơ như sấm rền mất hút về phía trung tâm thành phố. Có vẻ như họ chỉ gửi một đòn cảnh cáo, không có ý định giết anh.
Năm phút sau, anh nhìn máu mình vương trên vũng nắng vàng tươi, chầm chậm lên xe và rẽ vào lối khác.
Nắng vẫn long lanh dát vàng trên mặt đất.
Anh đi trong nắng huy hoàng§

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.