5729. ĐINH LA THĂNG VÀ BÀI HỌC CAY ĐẮNG

ĐINH LA THĂNG VÀ BÀI HỌC CAY ĐẮNG
PNTB: Đọc bài viết này, càng thấy rõ lời tiên tri của Karl Marx: "Hoàn cảnh tạo ra con người trong chừng mực mà con người tạo ra hoàn cảnh". Tác giả đã chỉ ra "cội nguồn cay đắng dẫn đến kết cục bi thảm mà họ Đinh đang phải gánh". 

Lao Ta
Trong cả hai vụ án, Đinh La Thăng đều bị quy tội “cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng”. Nhiều người ghét ông thì hỉ hả, coi ông là tội đồ, vung tiền nhà nước vô tội vạ. Người thương ông thì tiếc cho ông không chết ngoài biển cả, mà lại chết đuối trong một vũng nước. Những người cố để khách quan, thì coi ông có tội, nhưng là tội do rủi ro, nghĩa là do ông hành động quá năng nổ trong một cơ chế đầy cạm bẫy về pháp lý, mà gây nên. Rất ít người giờ đây hiểu về cội nguồn cay đắng dẫn đến kết cục bi thảm mà họ Đinh đang phải gánh.

Cội nguồn đó có thể diễn đạt bằng chính cụm từ “lời nguyền sông Đà” mà không ít người tin theo hướng tâm linh, cho rằng họ Đinh và những quan chức trưởng thành từ nhà máy thủy điện chịu hậu quả do dám cả gan chặn long mạch? Căn cứ vào hậu vận đen như bồ hóng của phần lớn những ông ấy, thì niềm tin kia không hẳn vô cớ.

Thôi thì cứ để họ tin. Nhưng tôi thì có cách nghĩ khác.

Vào những năm đầu của thập kỉ tám mươi thế kỉ trước, thời điểm Đinh La Thăng đến với công trường thủy điện, thì báo chí đang tung hô nơi đây rầm rộ. Nào là là Công trình thế kỉ, Công trình ánh sáng, Công trường thanh niên cộng sản, Trường học rèn luyện của tuổi trẻ cả nước, là nơi thấy hiện thân sinh động nhất, đẹp đẽ nhất của Chủ nghĩa xã hội. Có hẳn cả một cái tít to tướng trên một tờ báo lớn: “Đến Hòa bình mới thấy Chủ nghĩa xã hội”. Tại đó mọi hoạt động sản xuất đều không hề hạch toán lỗ lãi, đầu ra đầu vào, hiệu suất đầu tư... Kỹ thuật thì lạc hậu, phương tiện thì thuộc hàng thải loại (hàng tồn kho) của chính đất nước sản xuất ra nó, cực kì mất an toàn. Nhưng là của đi xin (lúc ấy tưởng thế) có thế nào dùng vậy, được bao nhiêu tốt bấy nhiêu, lạc hậu nhưng không mất tiền cũng tốt chán, còn đòi hỏi gì hơn. Việc của những đoàn viên thanh niên cộng sản Việt Nam trên công trường Thế kỉ là chấp nhận ăn đói, mặc rét, chấp nhận ngủ trên rệp rận, chấp nhận liều mạng, chấp nhận nguy hiểm...cốt sao việc gì đến tay là hùng hục làm. Cứ làm, hỏng làm lại, hỏng đập bỏ, hỏng cho xuống sông, hỏng cho máy ủi san phẳng...Bởi vì mọi thứ đều có Liên-xô lo. Lần nào có lãnh đạo trung ương lên thăm công trường, việc đầu tiên là phải tìm ra một vài cá nhân tiêu biểu của chủ nghĩa anh hùng trong lao động, để làm hàng. Rồi nhiều người trong số đó được phong anh hùng, danh hiệu chiến sĩ thi đua, được trở thành hạt giống, cho đi học lớp nọ lớp kia, về làm lãnh đạo. Thời ấy, một ông giám đốc dám đứng dưới gầm cầu, sẵn sàng chết nếu cầu sập, để lái xe tải trọng lớn “yên tâm” đi qua, một trong những hành động dốt nát và phản kỹ thuật điển hình, nhưng lại được báo chí ca ngợi là anh hùng? Xe chở được 27 tấn, chở hơn 30 tấn, lái xe được ca ngợi là dũng cảm! Mìn nổ vừa xong, đất đá còn lổn nhổn trên trần vòm, có thể sập xuống bất cứ lúc nào, nhưng nếu ai đó đưa ra yêu cầu về an toàn, bị coi là hèn, là thiếu tinh thần xốc tới.

Con số 168 người chết vì tai nạn lao động, luôn được coi là hiện thân của tinh thần quả cảm của thế hệ trẻ sông Đà!

Còn cả ngàn những việc, ngày nay là trái khoáy, là phản khoa học, phản kinh tế...nhưng thời đó lại được coi là táo bạo, là dám nghĩ dám làm, là quyết đoán. Không thể trách ai, bởi thời ấy chúng ta dùng thứ thước đo khác. Không thể phê phán những thanh niên liều mạng thời ấy, vì họ tin đấy là lòng yêu nước và nhất là yêu Chủ nghĩa xã hội! Và họ đã sống hết mình mà không đòi hỏi được nhận thưởng. Nếu vì động cơ nhận thưởng thì Cao Lại Quang đã thoái lui, thay vì ngồi trên đống kíp mìn cùng anh em trong đội thu nhặt những vật có thể gây chết người cho kíp lao động sau! 

Nhưng hậu quả của việc dùng thứ thước đo ấy, thì chưa biết đến bao giờ mới thôi gây nên bi kịch, trước hết là cho những người từng trong cuộc.

Đinh La Thăng trưởng thành từ cái nơi mà sự nhiệt tình được đánh giá cao nhất trong mọi thang bảng về năng lực. Ông lại có đủ thứ trời cho để thăng tiến: Đẹp trai, hào hoa, quyết đoán, dám làm dám chịu, thông minh, có tài lôi cuốn người khác, luôn để lại ấn tượng tốt trong mắt các bậc đàn anh. Vụ cứu kho mìn cạnh nơi hỏa hoạn, dưới sự dẫn đầu của ông, đã tránh cho công trường một thảm họa cháy nổ kinh hoàng, chỉ là một ví dụ cho thấy ông còn có khí chất của thủ lĩnh. Trong số các phẩm chất ấy, thì dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết đoán trong điều hành, luôn được coi là phẩm chất nổi trội. Vì thế, không ngạc nhiên khi mỗi khi chỉ đạo cấp dưới làm việc gì, ông đều nhấn mạnh: Cứ làm đi, nếu sai tôi chịu trách nhiệm. 

Hôm nay ông đang chịu tội cho chính cái sự quyết đoán ấy của ông. Cứ làm đi, sai tôi chịu trách nhiệm. Khi hành động như vậy, ông tin rằng mình đang vì công việc, vì đất nước.

Chúng ta không cần phải dẫn ra bằng chứng, để ghi nhận sự thật ấy, vì nó quá nhiều.

Nếu ai chưa quên, thì sẽ thấy cái thời mô hình tập đoàn kinh tế đa ngành nghề, khởi xướng bởi ngài Nguyễn Tấn Dũng, được báo chí ca ngợi lên tận mây xanh như thế nào. Những quả đấm thép ấy sẽ đưa nước ta vụt một cái thành hổ, thành rồng nay mai! Chẳng ai nghe và tin lời cảnh báo của các chuyên gia là những tập đoàn ấy sẽ như những con khủng long ngốn hết tài nguyên, ngốn hết nguồn lực chỉ để ỉa ra một đống nợ xấu!

Và hóa ra sự thật lại đúng như vậy. 

Nhưng hơn chục năm trước thì đương nhiên Đinh La Thăng sẽ chỉ/ phải nghe lời thủ tướng, là sếp trực tiếp, được tung hô là một ngôi sao của bầu trời chính trị châu Á. Giả sử không xảy ra cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008, thì việc góp vốn 800 tỉ vào OJB có thể là một thành tích kì diệu về kinh doanh? Giả sử chính phủ đồng ý cho PVN thoái vốn, khi Hà Văn Thắm tìm được đối tác nước ngoài mua bằng giá toàn bộ vốn của PVN, thì cơ sự sẽ khác. Rủi ro ở chỗ quyết định đầu được ông đưa ra trước khi Thủ tướng đồng ý bằng văn bản, (tôi thì tin rằng, qua cả chính lời ông, nếu Thủ tướng không gật hoặc đồng ý bằng lời, thì họ Đinh có gan to bằng trời cũng không dám) trong khi quyết định sau thì cứ phải chờ...ý kiến của Chính phủ! Có nhiều thứ ngay cả thánh thần cũng không tính hết, thì họ Đinh làm sao mà lường được. Trong một cơ chế chỉ đạo miệng, gọi điện thoại là chính, các quy định pháp lý nhưng có thể uyển chuyển suy diễn, thì cái hăng hái thời sông Đà, cái niềm tin vào sự tuyệt vời của cách làm theo tinh thần Xã hội chủ nghĩa, chính là cội nguồn cho những tai họa hôm nay mà Đinh La Thăng (và có thể cả nhiều người khác) phải gánh một mình.

Thôi, âu cũng là số phận. Làm chính trị ở đất nước này cũng giống như đánh bạc, được thì thành đại gia, chẳng may thua thì chấp nhận cháy túi.

(Nguồn: Lao Ta)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.