5722. TẠI SAO NGƯỜI DÂN ĐÀ NẴNG KHÔNG BIẾT CÓ CUỘC GIAO LƯU NÀY ?

Tại sao người dân Đà Nẵng không biết có cuộc giao lưu này?
Ghi chép của Trần Kỳ Trung

(PNTB): Đọc bài ghi chép thấy buồn mênh mang.

(TKT) - Đến tôi, một người hay chú ý đến chuyện thời sự,  tuy ở Hội An nhưng hộ khẩu ở Đà Nẵng, sinh hoạt trong Hội nhà văn thành phố Đà Nẵng… không biết chuyện này, tôi có hỏi nhiều người trong Hội VH-NT thành phố Đà Nẵng, họ cũng không biết. May cho tôi, có một anh bạn nhà báo thân thiết nhắn tin, thế là vội thu xếp để dự cuộc giao lưu, dù không được mời.
Dự từ đầu đến cuối của buổi giao lưu, tôi nhận xét, rất lâu rồi, tôi mới được dự một cuộc giao lưu cảm động như thế, lấy không ít nước mắt của người dự khán.

Chiều ngày 13/3/2014 tại hội trường của nhà khách công đoàn Đà Nẵng, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam phối hợp với báo “ Lao Động” tổ chức buổi giao lưu: “NGHĨA TÌNH HOÀNG SA – TRƯỜNG SA”. Người dẫn chương trình là nữ nhà báo Tạ Bích Loan, một MC nổi tiếng của đài truyền hình Việt Nam. Sân khấu, nơi bố trí gặp gỡ giao lưu trang trí nền nã nhưng sang trọng, âm thanh, ánh sáng tốt, số lượng phóng viên của báo chí, đài truyền hình, phát thanh…của trung ương, địa phương hiện diện rất đông, tác nghiệp với phong cách rất chuyên nghiệp. Đặc biệt có gần như đầy đủ các vị là chủ tịch Tổng liên đoàn lao động của các tỉnh miền trung, những tỉnh có liên quan đến một số sự kiện nổi bật ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tới dự buổi giao lưu có ông Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên ban chấp hành trung ương đảng, Chủ tịch tổng liên đoàn lao động Việt Nam (TLĐLĐVN). Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó chủ tịch TLĐLĐVN. Ông Trần Duy Phương, Ủy viên đoàn chủ tịch TLĐLĐVN. Tổng biên tập báo Lao động…cùng đông đảo các vị quan khách khác. Trong buổi giao lưu, theo lời dẫn của MC Tạ Bích Loan, mọi người sẽ có điều kiện gặp gỡ trò chuyện với các nhân chứng sống trong trận hải chiến ở đảo Gạc Ma sáng ngày 14/3/1988, những gia đình có người thân là liệt sỹ trong trận hải chiến này. Nghe vậy không khí buổi giao lưu bỗng trở nên sôi nổi, ai cũng háo hức chờ đợi…
Tôi cũng ở trong tâm trạng như vậy.
Mở đầu là là lời phát động phong trào ủng hộ tài chính vật lực cho “ Nghĩa tình Hoàng Sa- Trường Sa” của ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch TLĐLĐVN. Giọng nghẹn ngào, có chỗ không thể kìm được cảm xúc, ông Tùng đã khóc khi nhắc đến những người dân Việt Nam yêu nước đã dám hy sinh cả tính mạng mình để bảo vệ bằng được Hoàng Sa-Trường Sa. Ông nêu chính danh:“ …40 năm trước,ngày 19/1/1974, Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. 74 sĩ quan, thủy thủ của quân lực Việt Nam Cộng Hòa kiên cường chiến đấu bảo vệ đảo và hy sinh, vĩnh viễn nằm lại ở vùng biển Hoàng Sa. Máu của những người con đất Việt, dù trong các hoàn cảnh lịch sử khác nhau, đã đổ xuống để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc Việt Nam yêu dấu. Ghi nhận công ơn đó, chia sẻ nỗi đau của những người mẹ, người vợ, người con có người thân đã hi sinh bảo vệ Hoàng Sa (1974) Trường Sa (1988) là việc làm rất cần thiết của cả cộng đồng và xã hội” ( Dẫn theo báo “ Tuổi trẻ” phát hành ngày 14/3/2014- trang 18).
Trong lời phát biểu của ông Trần Duy Phương, tổng biên tập của báo “Lao Động” cũng nhắc lại sự chính danh này, với sự biết ơn, cảm phục và ông cũng đau đáu một nỗi niềm, làm sao những người còn sống phải có những việc làm cụ thể để đền ơn, đáp nghĩa.
Tôi nghe những lời phát biểu như vậy, thực sự cảm động. Nhìn ra xung quanh, nhiều tiếng khóc thút thít, những bàn tay quệt vội giọt nước mắt lăn dài, những cái gật đầu đồng tình…Tôi ngẫm ra rằng, ý thức thống nhất một dân tộc, ý thức biết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ không sợ bất cứ  âm mưu thâm độc của các thế lực phản động xâm lược đã có sẵn trong từng huyết quản của con người Việt Nam yêu nước, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, kẻ nam, người bắc, lãnh đạo hay dân thường… Rõ nhất, trong tất cả những người ngồi dự ở đây, có người lãnh đạo ở cấp trung ương. Tỉnh, thành phố lớn… cho đến người dân bình thường một nắng, hai sương, người lính, cán bộ, phóng viên, học sinh… khi nhắc đến sự hy sinh của những người lính hải quân Việt Nam trong những trận hải chiến năm 1974 và năm 1988, tất cả đều chung một tâm trạng cảm phục, thương xót những người đã hy sinh và căm thù cao độ quân xâm lược. Một câu chuyện cảm động, tập trung được sự chú ý của mọi người là câu chuyện của anh Trần Văn Thu ( anh trai liệt sỹ Trần Văn Bảy, anh Bảy hy sinh trong trận chiến Gạc Ma). Anh Thu cho mọi người biết, ba của anh đã hy sinh ở chiến trường Điện Biên, hai anh trai kế tiếp hy sinh ở chiến trường miền nam trước năm 1975, góp phần nhỏ cho tổ quốc thống nhất, bản thân anh là thương binh trong trận chiến chống quân xâm lược Trung Quốc ở biên giới phía bắc năm 1979, còn em của anh, anh Trần Văn Bảy hy sinh ở Gạc Ma trong một trận chiến không cân sức với bọn lính Trung Quốc lấn chiếm tàn ác. Một gia đình PHI THƯỜNG như vậy, không đòi hỏi gì về quyền lợi, chỉ mong sao hài cốt của hai người anh và người em của anh Thu được tìm thấy mang về lại yên nghỉ tại quê nhà. Người mẹ của anh, vì thế, trước khi mất, không nhắm được mắt.
Mọi người ngồi nghe lặng đi trong xúc động. Sự hy sinh của nhân dân cho sự toàn vẹn của đất nước dân tộc là quá lớn. Sự im lặng hoặc lãng quên đồng nghĩa với phản bội, làm sao không bị lịch sử lên án.
Trong cuộc giao lưu, qua lời kể của của anh Lê Hữu Thảo, một chiến sỹ hải quân Việt Nam trên tàu HQ 604 trong trận đánh với quân Trung Quốc xâm lược ở đảo Gạc Ma, người nghe đã hình dung ra được một tập thể của những người lính Việt Nam anh hùng bất chấp quân xâm lược có vũ khí hiện đại hơn, nhiều hơn, họ vẫn anh dũng chống trả đến cùng. Phút cuối, những người lính này đã quây thành một vòng tròn tạo thành “ vòng tròn bất tử” chấp nhận hy sinh để bảo vệ lá cờ tổ quốc trên đảo Gạc Ma…
Có thể nói, trong buổi giao lưu này, nhiều hình ảnh, nhiều lời nói đã khơi dậy thực sự, sự đoàn kết yêu nước trong cộng đồng người Việt. Tất cả những người Việt Nam  cho dù sống trong và ngoài nước theo những tấm gương tuẫn liệt của các anh hùng đã hy sinh ở Hoàng Sa (1/1974) và Gạc Ma - Trường Sa ( 3/1988) đồng lòng nắm tay xiết chặt, quyết tâm bảo vệ tròn vẹn tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Nhưng…
Một buổi giao lưu đẹp, có nội dung rất tốt khơi dậy lòng yêu nước, nhất là với tầng lớp thanh niên, với nhiều hình ảnh cảm động để lại dấu ấn đậm trong lòng người sống  lại diễn ra trong một không gian hẹp, vừa đủ của một khán phòng với mấy chục hàng ghế ngồi.
Ngay như sự quyên góp giúp đỡ các gia đình có người thân đã hy sinh ở Hoàng Sa (1/1974) và ở đảo Gạc Ma – Trường Sa( 3/1988), do Tổng LĐLĐ Việt Nam và báo “ Lao Động” phát động, chỉ trong một thời gian ngắn, được gần 1,2 tỷ đồng. Số tiền này, một phần trao ngay tại chỗ cho các gia đình đang gặp khó khăn … tất cả những chuyện đó không được tuyên truyền rầm rộ!!! như một nhà báo nói với tôi: “ Cứ như làm lén lút, sợ mọi người biết”. Một tấm pano tuyên truyền sự kiện lớn này không thấy có trên bất cứ  đường phố  nào của thành phố Đà Nẵng. Ở Đà Nẵng cũng không tổ chức họp báo thông báo sự kiện này. Ti vi, đài, báo… trước ngày gặp gỡ giao lưu “Nghĩa tình Hoàng Sa – Trường Sa” không thấy đưa tin. Mà tin này hình như chỉ… “thông báo nội bộ”. Ngay cả bản hướng dẫn mọi người đến gặp gỡ giao lưu với những nhân chứng trong trận hải chiến ở đảo Gạc Ma – Trường Sa trong buổi chiều ngày 13/3/2014 tại hội trường nhà  khách công đoàn Đà Nẵng, tấm bản hướng dẫn đó trông nhỏ thó giống như bản hướng dẫn mọi người đến để dự một đám cưới !!! Lẽ ra, với cuộc giao lưu đậm nghĩa nhân văn cao cả này, càng đông người dự càng tốt, càng được phổ biến rộng rãi càng hay, không hiểu lý do gì!!! Mà Tổng LĐLĐVN và báo “ Lao Động” đơn vị đứng ra đăng cai buổi giao lưu “ Nghĩa tình Hoàng Sa - Trường Sa” lại không làm. Vì sao ? Nên vậy, đại biểu dự khán, tôi có cảm giác chủ yếu là các phóng viên báo chí, đài truyền hình …và các đại biểu quan chức… còn học sinh, sinh viên, những người rất cần tham dự những buổi giao lưu có nội dung như thế này, lại rất ít. Lại một chuyện nữa, tôi nghĩ, buổi giao lưu “ Nghĩa tình Hoàng Sa - Trường Sa” đây là một cơ hội tốt để cho người Việt Nam,  trong quá khứ có thể bất đồng chính kiến, lý tưởng bây giờ ngồi lại với nhau, bỏ qua những hận thù, chung tay đoàn kết xây dựng, bảo vệ tổ quốc Việt Nam. Giá như, nhân có buổi giao lưu “ Nghĩa tình Hoàng Sa – Trường Sa”, ban tổ chức nên mời bà con người Việt ở hải ngoại về dự, qua buổi giao lưu, họ hiểu thêm tấm lòng vị tha, nhân ái của những người Việt trong nước. Rất tiếc buổi giao lưu không có điều đó. Thậm chí trong buổi giao lưu, vắng hẳn những người thân của những người lính hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong trận chiến ở Hoàng Sa tháng 1/1974, cho dù ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch TLĐLĐVN và ông Trần Duy Phương, Tổng biên tập báo “ Lao Động” đã nhắc đến sự hy sinh anh dũng của họ với những lời lẽ hết sức trân trọng. Tôi cũng được biết, với nỗ lực và sự cố gắng cao độ, trong một quãng thời gian rất ngắn, báo “Lao Động” đã vận động được nhiều doanh nghiệp, những cá nhân có sự hảo tâm…quyên góp được một số tiền, có thể giúp ( dự kiến) mỗi gia đình có người thân đã hy sinh ở hai trận hải chiến Hoàng Sa và Trường Sa với số tiền trước mắt là 50 triệu đồng. Số tiền không phải là lớn, nhưng quý ở tấm lòng của những người Việt còn sống tri ân những người Việt Nam hy sinh vì đất nước, vì dân tộc. Nhưng… lại “ nhưng”, một anh bạn làm báo cho tôi biết, chuyện này, theo lệnh “trên”, không tuyên truyền rộng rãi!!! Và quả thật, ngày hôm nay ( 14/3/2014) tôi đọc trên báo “ Tuổi trẻ” và “ Thanh Niên”,  hai tờ báo có đưa tin về cuộc giao lưu này với những mẩu chuyện rất cảm động, tuy nhiên hai tờ báo này không hề nhắc đến một từ về sự quyên góp bằng tiền, vật chất của các doang nghiệp, những nhà hảo tâm… giúp đỡ các gia đình có người thân hy sinh ở Hoàng Sa, Trường Sa. Điều đặc biệt nữa, các báo khác, tôi chưa có điều kiện đọc hết, riêng hai tờ báo “ Tuổi Trẻ” và “ Thanh Niên” rất “ kiệm lời” nhấn mạnh tội ác của quân Trung Quốc vô cớ, ngang nhiên một cách trắng trợn xâm lược hai quần đảo của Việt Nam trên biển đông, mà chủ yếu chỉ đề cập nỗi khổ của những người còn sống khi mất con, mất chồng, mất em… Nói về mất mát, thống khổ của từng gia đình Việt Nam qua mấy cuộc chiến, chỗ nào không có nước mắt, thống khổ. Điều quan trọng phải lên án, phải chỉ ra cho mọi người thấy ai là kẻ gây ra những biển nước mắt, nỗi thống khổ đó, phải chống kẻ đó đến cùng, không thể nhân nhượng, hoặc tỏ ra sợ hãi, nhún nhường. Càng sợ hãi, nhún nhường, thỏa hiệp, những kẻ có dã tâm thôn tính Việt Nam như nhà cầm quyền Trung Quốc, càng đẩy mạnh những âm mưu thâm hiểm để bắt Việt Nam thành chư hầu.
Muốn đánh bại những dã tâm xâm lược của các thế lực đế quốc lớn, cha ông ta đã dạy, những người lãnh đạo phải dựa vào sự đoàn kết, ý nguyện của toàn dân. Việc làm đó phải quang minh chính đại, công khai cho toàn dân biết. Còn nếu làm nửa vời, cốt xoa dịu sự phẫn nộ của người dân, kết quả chỉ ngược lại, sự phẫn nộ của người dân càng lớn hơn, mà kẻ thù dân tộc càng hiểu, càng có cớ để thôn tính đất nước này nhanh hơn.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.