5720. ĐÔI LỜI VỀ GIẢI THIÊNG TRONG VĂN HỌC

ĐÔI LỜI VỀ GIẢI THIÊNG TRONG VĂN HỌC.
Nguyễn Ngọc Dương/ PNTB

Gần đây, tôi được xem chương trình TV QPVN (truyền hình Quân đội nhân dân), phỏng vấn Trung tá – T.S Phạm Duy Nghĩa (PDN), Trưởng ban Lý luận phê bình văn học Tạp chí Văn nghệ quân đội về vấn đề Giải thiêng trong văn học. Đây là vấn đề mới và rất hữu ích để có cái nhìn đúng đắn hiện tượng Giải thiêng đang xuất hiện trong thực tiễn sáng tác về lịch sử. Qua chương trình và kết hợp trải nghiệm thực tiễn, tôi có mấy cảm nhận như sau:

Về khái niệm Giải thiêng, theo T.S Phạm Duy Nghĩa, “nó có nguồn gốc từ tiếng Pháp (désacraliser), có nghĩa là làm mất đi tính thiêng liêng của một đối tượng nào đó, xóa bỏ tính trang nghiêm, tính thần tượng, kiểu mẫu của đối tượng vốn đã được in sâu, mặc định từ lâu đời trong tâm thức của cộng đồng, dân tộc”.

Đó là những sáng tác văn học hướng vào việc tiếp cận sự thật về sự kiện, những con người lịch sử đã bị “thần thánh hóa” trong sáng tác, nay được hư cấu những chi tiết “đời” hơn, “người” hơn, “kéo họ về gần lại với chúng ta…, khiến họ không bị xa vời như trước nữa, đáng yêu hơn thậm chí còn vĩ đại hơn” (PDN) 

Điều này hoàn toàn phù hợp tư tưởng lớn của Karl Marx, người sáng lập học thuyết Cộng sản. Marx viết: “Không có gì thuộc về con người mà xa lạ đối với tôi”. Đó là câu trả lời của ông khi các con gái hỏi: “Câu cách ngôn mà cha yêu thích?” (“Tự bạch” của Karl Marx). Tất nhiên chúng ta hiểu CON NGƯỜI với những ham muốn trần tục như ăn uống, thèm khát tính dục… hay rất nhiều những tâm trạng tiêu cực như sợ hãi, âu lo, hoang mang, cô đơn, đau khổ, tuyệt vọng… từ cao thượng đến thấp hèn đều là của CON NGƯỜI, mà Marx khẳng định ông không xa lạ điều đó. Nghĩa là ông không lảng tránh, mà trái lại rất gần gũi, cảm thông, bởi đó là CON NGƯỜI, cái mà các nhà tư tưởng lớn đều hướng đến. Sự thật về Con người, nghĩa là cả tinh thần và thể chất bao giờ cũng trần trụi, nó không bị che đậy, gây ra sự phiến diện hoặc làm cho lệch lạc.

Lâu nay trong sáng tác, do sự chi phối, kể cả bất thành văn của công tác tuyên truyền, việc phản ánh con người lịch sử mà ta trân quý thường chỉ tập trung ở góc nhìn đơn diện, chỉ phản ánh những gì cao thượng, không thấy con người toàn diện, những con người bằng xương bằng thịt. Đã là con người thì phải có đúng, có sai, có ưu điểm, khuyết điểm, có đủ những ham muốn tầm thường, đầy góc cạnh…chứ không giản đơn, tròn trĩnh. Thế nhưng vô tình hay hữu ý chúng ta đã thần thánh hóa nhân vật. Điều này dẫn đến nhận thức của công chúng về nhân vật lịch sử bị phiến diện. Nhưng lịch sử thì không thể bưng bít vĩnh viễn. Khi sự thật bị phơi bày, công chúng sẽ thất vọng. Và điều nguy hại là từ trong thâm tâm, có khi họ “hạ bệ” nhân vật; đặc biệt nguy hại hơn là, người ta mất lòng tin vào hệ thống truyền thông. Khi chỗ dựa tinh thần đã mất thì công chúng sinh ra hoang mang.

Có lẽ xu hướng Giải thiêng ra đời như một hiện tượng khắc phục sự “thần thánh hóa”, “thiêng liêng hóa” nhân vật lịch sử. Vì vậy Giải thiêng sẽ giúp công chúng tin vào bộ máy tuyên truyền hơn, bởi nó tiếp cận với sự thật, phản ánh trung thực lịch sử như nó đã tồn tại. Chỉ có sự thật mới thu phục lòng người, mới có niềm tin bền vững.

Lịch sử thế giới đã chứng minh nhiều trường hợp có một bộ phận nhận thức quá sai, tâng bốc về nhân vật không xứng đáng để rồi cuối cùng bị hạ bệ, ít nhất là trong lòng đa số công chúng. Khi đương thời, do quyền lực tuyệt đối, những nhân vật này được tụng ca quá mức, khiến bản thân người đó cũng không bao giờ nhìn thấy mình, mà chỉ thấy cái bóng quá lớn của chính mình, nhưng cuối đời hoặc sau khi người đó mất đi, sự thật phơi bày những điều dối trá, những tội ác của họ, thì bị nhân dân hạ bệ. Josef Stalin (1879 – 1953), lãnh đạo tối cao của Liên Xô và Mao Trạch Đông (1893 – 1976), “lãnh tụ vĩ đại” của Đảng Cộng sản Trung Quốc và nước CHND Trung Hoa…, có thể nói là những ví dụ điển hình. Lịch sử vốn công bằng.

Tất nhiên, không loại trừ việc lợi dụng Giải thiêng để hạ bệ những nhân vật xứng đáng được nhân dân tôn vinh, cố tình bôi nhọ nhân vật, bịa đặt lịch sử với ý đồ xấu. Song, số này không nhiều. Trả lời phỏng vấn báo chí, T.S Phạm Duy Nghĩa nói: “Tác phẩm “giải thiêng”, nếu muốn mang ý nghĩa tích cực, cần được viết trên cơ sở tác giả có hiểu biết sâu về kiến thức lịch sử, tôn trọng sự thật lịch sử, tôn trọng các tài liệu lịch sử đáng tin cậy; tác phẩm có hư cấu nhưng là sự hư cấu trên cơ sở sự thật, có căn cứ, có logic, không bịa đặt vô lối, tùy tiện...”

Vấn đề là phân biệt giữa giải thiêng đúng nghĩa và lợi dụng giải thiêng để nhằm hạ bệ nhân vật lịch sử là một nhu cầu khách quan. Có lẽ ranh giới giữa Giải thiêng và lợi dụng Giải thiêng rất mong manh. Nếu những người có quyền thẩm định tác phẩm mà thiếu bản lĩnh thì rất dễ mơ hồ, dễ quy chụp cho những tác phẩm văn học giải thiêng là “âm mưu của thế lực thù địch” nhằm hạ bệ nhân vật mà công tác tuyên truyền đã trót “thần thánh hóa”, trót phản ánh con người không tì vết. Một con người bằng xương bằng thịt mà không có tì vết thì chỉ có thể là thần thánh.

Tôi ít học, càng không phải là nhà lý luận phê bình văn học nên không thể bàn sâu, chỉ dám viết đôi lời về vấn đề. Thiết tưởng, rất cần các nhà lý luận phê bình văn học có những lý giải sâu sắc hơn nữa, làm rõ vấn đề Giải thiêng, và lợi dụng Giải thiêng. Ít nhất sẽ giúp cho độc giả có cơ sở dễ dàng nhận biết tư tưởng tác phẩm. Theo quy luật, những tác phẩm không đúng đắn, bịa đặt lịch sử, hư cấu thiếu logic… bôi nhọ nhân vật lịch sử, sẽ tự “chết” trong lòng công chúng, không cần bất cứ thứ quyền lực hoặc vũ khí nào khác phải “ra tay”.   

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.